Bình Nguyên Lộc qua trí nhớ

Bình  Nguyên Lộc qua trí nhớ
Năm 1965 khi làm tờ Nghệ Thuật, tôi có dịp gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc thường xuyên, vì Nghệ Thuật là một tờ tuần báo văn chương, khác với những năm về trước, Sài Gòn có những tạp chí văn học, thường là ra hàng tháng.

 

BÌNH NGUYÊN LỘC

QUA TRÍ NHỚ

Năm 1965 khi làm tờ Nghệ Thuật, tôi có dịp gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc thường xuyên, vì Nghệ Thuật là một tờ tuần báo văn chương, khác với những năm về trước, Sài Gòn có những tạp chí văn học, thường là ra hàng tháng.

Làm báo tuần các nhà văn gặp nhau có nhiều thì giờ trò chuyện hơn, nói về một chuyện gì đó cũng có thể nói lâu hơn là khi làm báo ngày. Viết báo ngày, cầm được bài vở bạn đưa rồi là đi ngay, trở về tòa báo đưa sắp chữ, ít khi ngồi lại dông dài.

Nghệ Thuật số 1 ra ngày 1/10/1965, Bình Nguyên Lộc gửi cho truyện ngắn Con Nai Vàng, đăng hai kỳ báo mới hết. Tới số 5 anh đưa cho truyện ngắn khác, Bệnh Thành Phố. Quen biết nhau từ hồi anh có mặt trên các tờ Nhân Loại của các nhà văn miền Nam, tòa soạn ở Bến Chương Dương, và quanh các nhật báo thời ấy, song từ nhật báo tới tuần báo, không khí môi trường lại khác. Một bên ào ào, một bên thong thả.

Từ tòa soạn ở đường Phạm Ngũ Lão tới tư gia tác giả Ký Thác, Ðò Dọc, ở bên kia đường Trần Hưng Ðạo, chỉ khoảng mười phút. Còn nhớ, nhà anh ở trong một con ngõ, lối đi phẳng phiu, tương đối rộng, khác hẳn những con ngõ ngoằn ngoèo khu Phan Ðình Phùng, hay Nancy. Anh thường đi bộ từ nhà tới các tòa báo ở đường Phạm Ngũ Lão : Văn, Kịch Ảnh, Màn Ảnh, Phổ Thông, Thời Nay, Sài Gòn Mới, Nghệ Thuật, Khởi Hành,… góc Phạm Ngũ Lão – Ðề Thám – Bùi Viện là “Ngã Tư Quốc Tế,” nơi đặt tổng hành dinh của một nhà phát hành báo (nhà phát hành Đồng Nai).

Căn phòng “con nai đồng bằng” ngồi viết chật ních sách vở, không phải trên kệ sách, mà xếp chồng chất trên các mặt bàn mặt ghế. Anh thường mặc pyjama màu nhạt, hay màu xanh thật nhạt. Lúc ra mở cửa tiếp khách, nụ cười đã sẵn sàng, tay phải luôn luôn cầm một cái bút nguyên tử. Anh đang viết dở một cái gì đó. Còn bài cho bạn, anh hẹn tới lấy, thì đã xong rồi, ở góc xấp bài đóng ghim cẩn thận. Phòng anh không được sáng lắm, lại càng không sáng vì những tấm song sắt mỏng che các mặt kính, như nếu kính có vỡ, người ngoài cũng không thể xâm phạm tới bên trong. Ðó là những hình ảnh giờ này nhớ lại, sự thực có thể là khác hơn.

Bản thảo Bình-nguyên Lộc là xấp giấy có kẻ dòng, xé ra từ tập vở học trò, nét chữ nghiêng, rõ ràng. Nét bút bi nhỏ sắc, dễ đọc. Ðọc bài anh viết cũng như nói chuyện với anh, là tiếp xúc với một người viết nhà nghề, khác hẳn cung cách của mấy anh cầm bút tài tử, vừa văn hoa lên bổng xuống trầm, vừa đọc vừa đoán, tuy thế đôi khi con chữ của Bình-nguyên Lộc nhỏ quá, dễ đọc lộn. Anh hay khôi hài dí dỏm, trong câu chuyện với anh, dù là chuyện gì, cũng vang lên tiếng cười. Ðặt các nhà văn gốc miền Nam khác bên cạnh anh, như Tam Ích, Sơn Nam, Ngọc Linh, Tùng Long, Minh Quân, Thụy Vũ, Sĩ Trung, Hoài Điệp Tử,… Bình-nguyên Lộc có tâm hồn thi sĩ hơn cả. Nhà văn ấy từng có những câu thơ vô cùng cảm xúc :

Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa

Ðâu đây đồng vọng cõi xa xưa

Thổ ngơi thơm phức, hồn ma cũ

Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ.

(BNL Dâng má thương)

Bình-nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7/3/1914 tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, mất ngày 7/3/1987 tại San Jose. Ông học chữ Pháp ở nhà, tới bậc trung học thì lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký, năm 1936 làm công chức ở Kho Bạc Sài Gòn. Trong thời gian này ông bắt đầu viết văn, tác phẩm đầu tay của ông nhan đề Phù Sa, đăng trên tạp chí Thanh Niên ở Sài Gòn năm 1943. Năm 1952, chủ trương tuần báo Vui Sống, chuyên về y học phổ thông. Năm 1956, ông cùng bạn hữu ra tuần báo Bến Nghé, có khuynh hướng khơi dậy không khí Gia Ðịnh xưa.

Tác phẩm để lại gồm nhiều thể loại, có chú giải các tác phẩm cổ điển như Văn Tế Chiêu Hồn (Nguyễn Du), Tự Tình Khúc (Cao Bá Nhạ)… Cuốn biên khảo đồ sộ Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam (1971), Lột Trần Việt Ngữ (1972), Tự Vựng Ðối Chiếu 10.000 từ (1971)…

Phần chính trong sự nghiệp của ông là sáng tác, ít ra là còn tìm được 30 cuốn : Nhốt Gió (1950), Ðò Dọc (1958), Gieo Gió Gặt Bão, Tân Liêu Trai (1959), Ký Thác (1960), Nhện Chờ Mối Ai (1962), Nửa Ðêm Trăng Sụp, Xô Ngã Bức Tường Rêu, Mối Tình Cuối Cùng, Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương, Tâm Trạng Hồng, Hoa Hậu Bồ Ðào, Bóng Ai Qua Ngoài Song Cửa, Bí Mật Của Nàng (1963), Mưa Thu Nhớ Tằm, Ðừng Hỏi Tại Sao? (1965), Tình Ðất, Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc (1966), Thầm Lặng, Một Nàng Hai Chàng,…(1967), Ðèn Cần Giờ, Sau Ðêm Bố Ráp…(1968), Cuống Rún Chưa Lìa, Nhìn Xuân Người Khác…(1969). Sau 75 vào giữa thập niên ’80 rời bỏ quê hương mà ông yêu mến nhất, qua Hoa Kỳ.

Trong tuần báo Khởi Hành số 24 (bộ cũ) đề ngày Thứ Năm, 9/10/1969, xuất bản tại Sài Gòn, nhà văn Bình Nguyên Lộc có tham dự cuộc phỏng vấn có chủ đề nhà văn, truyện dài, truyện ngắn với khoảng 20 nhà văn tên tuổi khác. Ông đã trả lời Tổng Thư Ký Tòa Soạn Viên Linh tất cả các câu hỏi. Sau đây là một vài đoạn trích dẫn.

- Ông viết văn như thế nào ? Một ngày ông viết được bao nhiêu trang ? Ông có đọc lại những gì ông viết ra không ?

- Tôi đoán rằng quí báo muốn thỏa mãn tánh tò mò của bạn đọc vì những cái tật lạ của mỗi nhà văn chăng ? Tôi không có tật lạ nào hết, chỉ thắc mắc một chứng bịnh mà thôi, là không thể viết ra chữ trên loại giấy nào khác hơn là giấy học trò. Tôi mắc bịnh này sau năm 1953 mà tôi bắt đầu làm nghề thư ký tòa soạn. Tới phút chót, các ông thợ báo tin rằng thiếu nửa cột chữ 8, không tít. Là lối 500 tiếng, lại phải biết mình nên cung cấp cho thợ bao nhiêu trang bản thảo của mình. Giấy tập học trò giúp tôi biết rằng tôi phải đưa hai trang bản thảo. Như vậy trong một phút đồng hồ, tôi đủ thì giờ phân bố ý tứ cho 2 trang đó và viết được ngay, kẻo thợ họ không nghe cho mình. Tôi thấy loại giấy đó có lợi quá, nên dùng nó để cung cấp tiểu thuyết cho các báo đăng hàng ngày, họ đăng không giống nhau, có báo đăng ba trang, có báo đăng ba trang rưỡi, có báo đăng bốn trang chữ viết của tôi. Chỉ dùng giấy tập tôi mới cung cấp được, không thiếu cũng không dư. Làm như vậy suốt 16 năm trời thì nó thành thói.

Xin thú thật rằng không có thì giờ đọc lại. Nhưng nếu có thì giờ đọc thì chắc mỗi ngày không viết tới 5 trang được, bởi hễ đọc lại thì muốn sửa chữa, sửa chữa rồi, đọc lại nữa, và cứ như vậy hoài thì biết bao giờ mới có bài. Ðôi khi sửa chữa mãi hóa ra dở hơn lần phóng bút ban đầu.

- Ông nghĩ gì về nghề văn ở VN ?

- Nghề văn VN hơi buồn. Mình viết văn ngoài các mục đích thiển cận, có một mục đích là muốn thiên hạ biết ý và lòng mình ra sao. Nhưng trung bình chỉ có lối ba ngàn người tìm biết thì thất vọng lắm. Dân ta đông tới 30 triệu, còn 29 triệu 9 trăm 97 ngàn người khác không thèm biết mình gì thì tủi thân quá… (Cuộc phỏng vấn năm 1969). Nhưng bạn hữu tôi an ủi tôi rằng tuy vậy mà số người đọc báo cọp và sách cọp đông lắm, nên tôi cũng hả dạ phần nào. Những ông cọp chỉ giết chủ báo và chủ nhà xuất bản, chớ tôi thì có lợi về tinh thần. Tôi cũng bị thiệt hại lây, vì các ông chủ báo, chủ nhà xuất bản kiếm tiền không được, không nuôi tôi no ấm lắm, nhưng dầu sao cũng có một tí lợi tinh thần đã nói.

Lê Hoàng Nguyễn (Trích trong : Viên Linh “Hồi Ký Văn Học”, chưa hoàn tất)

Nguồn tin: Một Thời Sài Gòn