Giải Phụng Hoàng tôn vinh soạn giả cổ nhạc, cải lương

Giải Phụng Hoàng tôn vinh soạn giả cổ nhạc, cải lương
Lễ phát giải Phụng Hoàng do Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam tổ chức vừa diễn ra long trọng tại hội trường Nhật Báo Người Việt hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Mười, với sự tham dự đông đảo của người mến mộ bộ môn nghệ thuật cải lương. Sau những cuộc thi tìm kiếm nghệ sĩ trình diễn, giải kỳ 7 lần này tuyển lựa các bài ca vọng cổ mới và tôn vinh giới soạn giả.

Dù chương trình bắt đầu vào sáu giờ, rất nhiều người đã có mặt từ một, hai tiếng đồng hồ trước đó. Ngoài thành phần yêu chuộng cổ nhạc, cải lương, nhiều nhân vật có tên tuổi trong cộng đồng cũng góp mặt để cổ võ các cố gắng của Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc.
 

 

Vĩnh Khang và Xuân Mỹ trong bản "Gánh Hàng Rong" của giải ba, tác giả Phạm Văn Phúc. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Tâm huyết gìn giữ cải lương


“Giải Phụng Hoàng ở hải ngoại thời gian qua cũng gặp cơn khủng hoảng, đã đình trệ mất sáu năm...” Ông Ngành Mai, Hội Trưởng kiêm trưởng ban tổ chức giải, chia sẽ đôi điều về những khó khăn của ngành cải lương nói chung, và tại hải ngoại, nói riêng. 

“Những thành viên, thành phần nòng cốt của hội cổ nhạc đã giữ vững tay chèo vượt qua sóng gió. Nhờ đồng tâm hiệp lực, mới có buổi lễ phát giải ngày hôm nay...” ông nói.

Qua lời giới thiệu của ông Ngành Mai về ban tổ chức, người ta có thể thấy được những người có tâm huyết với cổ nhạc thuộc đủ thành phần: bà Trương Thị Yến của hội Gia Long và hội Bạc Liêu, bà Từ Dung của Hội Cao Niên Á Mỹ, ông Nguyễn Văn Cất của hội Kiến Hòa, ông Nguyễn Văn Lực của Cộng Đồng Việt Nam San Diego, võ sư Lê Quang Thế của Tổng Hội Võ Thuật Thế Giới, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, anh Ngô Thiện Đức của Đại Đạo Thanh Niên Cao Đài...
 

 

Soạn giả Yên Lang chuẩn bị trao bằng khen cho tác giả Trần Văn Hương (thứ ba từ trái). (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Cảm kích tinh thần Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam, nhiều quan khách phát biểu và tặng bằng tưởng lục. “Cổ nhạc là tiếng nói của Người Việt, bao đời giúp nuôi dưỡng tinh thần các thế hệ miền Nam...” lời Hòa thượng Thích Minh Mẫn, “Chúng ta đi mang theo quê hương” lời cô Quyên Trần, đại diện Thượng nghị sĩ Lou Correa, hay “Hãy tiếp tục gìn giữ các văn hóa truyền thống” lời nghị viên Diana Carey, là một vài lời chia sẻ.

Từ những em nhỏ hướng đạo sinh giúp lễ phát giải Phụng Hoàng thu dọn rác, những thanh niên đưa ba mẹ tới xem cải lương, đến những cụ ông cụ bà đẩy xe lăn ngồi nghe cho được những bản vọng cổ ở xứ người, rất nhiều người Việt sinh sống tại Mỹ vẫn còn nặng lòng với bộ môn nghệ thuật này.
 

 

Trung úy thương phế binh Trần Thy Vân từ xe lăn trao giải nhì cho tác phẩm Tâm Sự Người Thương Binh. Hai nghệ sĩ Tuấn Tài và Hồng Hạnh đại diện nhận giải. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Vinh danh soạn giả


Theo lời ông trưởng ban tổ chức, “thiếu bài ca vọng cổ mới, thiếu tuồng cải lương mới, thì cũng chẳng làm được gì trước cỗ xe đang đổ dốc” là lý do giải Phụng Hoàng quyết định tuyển chọn sáng tác mới trong kỳ thi lần này.

Về bài ca vọng cổ, giải nhất thuộc về bản “Yêu Lắm Quê Hương” của soạn giả Vĩnh Hà, giải nhì là “Tâm Sự Người Thương Binh” của Trần Văn Tứ, giải ba là “Gánh Hàng Rong” của Phạm Văn Phúc, và giải khuyến khích là bản “Tháng Ngày Lưu Lạc” của Trường Giang.

Trường Giang là tác giả duy nhất hiện sống tại California và đoạt giải. Các tác giả còn lại gửi bài dự thi từ Canada, Úc Châu và Hawaii.
 

 

Nghệ sĩ đang hóa trang sau sân khấu. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Về cải lương, một giải duy nhất được trao cho soạn giả Trần Văn Hương, người sáng tác tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ” về cuộc đời của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, “cha đẻ” của bản “Dạ Cổ Hoài Lang.” Theo lời ban tổ chức, đã mấy thập niên rồi giới ca cổ và cải lương ở hải ngoại mới có một vở cải lương “có giá trị đến vậy.”

Trong số các vị quan khách và đại diện ban tổ chức lên trao giải, người ta có thể thấy cựu quân nhân Trần Thy Vân đẩy xe lăn lên trao giấy khen cho bản “Tâm Sự Người Thương Binh,” soạn giả Yên Lang tặng hoa "truyền ngọn đuốc cải lương" cho soạn giả Trần Văn Hương...

Khán giả tham dự buổi lễ được thưởng thức tất cả những bản ca cổ và cải lương thắng giải kỳ này.
 

 

Rất đông quan khách và khán giả đến xem và cổ võ cho bộ môn cải lương. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Một phần thành công của lễ phát giải vinh danh soạn giả cổ nhạc và cải lương cũng nhờ vào tâm huyết của các nghệ sĩ chơi đàn và các ca sĩ đã tập luyện và trình diễn hết mình vào tối hôm đó. Mỗi người mỗi điệu, khi bổng khi trầm, tất cả các nghệ sĩ đưa khán giả chìm đắm vào những giai điệu ngọt ngào của ca vọng cổ.

Các tác phẩm nổi tiếng của soạn giả Yên Lang, như Cô Gái Bạc Liêu, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, và Bạc Liêu Trời Quê Mẹ, khép lại buổi lễ phát giải.

“Người gì mà hát cũng ngọt mà khóc cũng ngọt,” “giọng 'cổ' nổi tiếng xưa giờ mà”... Chương trình kết thúc muộn, xen lẫn với tiếng các cô tình nguyện viên í ới gọi nhau dọn dẹp khán phòng là tiếng nói cười vẫn vang vang, tiếp tục bình phẩm về những bản vọng cổ của giải Phụng Hoàng, về chất giọng của Xuân Mỹ, của Vĩnh Khang, Cẩm Thu, Hồng Hạnh, Tuấn Tài, Minh Hùng, Yến Linh...



Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com

Tác giả bài viết: Thiên An

Nguồn tin: NV