Vĩnh biệt soạn giả Mai Quân: Người vì nghệ sĩ già yếu, neo đơn - NS đưa tiễn....

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, soạn giả Mai Quân (tên thường gọi chú Năm Triều), đã trút hơi thở cuối cùng, về với đất mẹ vào lúc 16 giờ ngày 10-12, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và đặc biệt là những nghệ sĩ già yếu, neo đơn.

Soạn giả Mai Quân tên thật là Huỳnh Kim Thạch, sinh năm 1934, tại Bạc Liêu. Ông được gia đình cho học tiếng Hán, tiếng Pháp từ nhỏ. Năm 13 tuổi ông đi theo cách mạng và được đưa vào học ở Trường Trung học kháng chiến Nam bộ - Nguyễn Văn Tố, trường dành cho trí thức trẻ miền Nam, nằm giữa rừng U Minh. Năm 20 tuổi, ông được tổ chức phân công về Sài Gòn hoạt động văn nghệ quần chúng trong giới học sinh - sinh viên và các đoàn thể tiến bộ. Ông cũng chính là người đã khơi dậy phong trào dạy múa dân tộc ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Với những hoạt động tích cực của mình, năm 22 tuổi, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và bí danh Năm Triều xuất hiện từ đó.

Soạn giả Mai Quân

Hoạt động không được bao lâu, bí danh Năm Triều bị lộ, ông phải thay đổi công tác và gia nhập gánh cải lương Phước Chung, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng với danh nghĩa là soạn giả cải lương. Những vở tuồng của ông (nghệ danh Mai Quân) viết cho gánh Phước Chung nổi lên như một hiện tượng trong giới cải lương ngày đó, như: Nhụy hoa lan, Tuyết phủ chiều đông, Bên đồi trăng phủ, Lạnh hoàng hôn…

Trong vai trò là một soạn giả, ông luôn xác định tư tưởng: “Làm văn nghệ cũng là làm kháng chiến và người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ tấn công kẻ thù bằng ngòi bút của mình”.

Lúc bấy giờ, ông vừa hoạt động nghệ thuật vừa hoạt động bí mật ở nội thành, gầy dựng cơ sở cách mạng. Năm 1961, khi thành lập Tiểu ban Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định,  ông được bầu là ủy viên phụ trách sân khấu. Năm 1964, thành lập Đảng ủy văn hóa T4, ông là Đảng ủy viên phụ trách sân khấu và báo chí nội thành Sài Gòn.

Năm 1967, ông bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Năm 1974, ông được trao trả về Lộc Ninh. Sau đó công tác ở tiểu ban văn nghệ cũ, tiếp tục sáng tác những kịch bản, dàn dựng cho Đoàn Văn công TP biểu diễn phục vụ trong vùng giải phóng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975). 

Những năm 1990, ông giữ chức Trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ, cùng các đồng nghiệp tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp, trợ cấp nuôi dưỡng nghệ sĩ nghèo già yếu, neo đơn…

Theo cảm nhận của nhiều nghệ sĩ, soạn giả Mai Quân là người sống rất hòa đồng, giản dị, luôn hết mình vì những nghệ sĩ già yếu, neo đơn, không nơi nương tựa. Ông cũng là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM và Nghĩa trang chùa nghệ sĩ.

Xin vĩnh biệt ông – soạn giả Mai Quân – chú Năm Triều, người luôn sống vì đồng nghiệp, vì mọi người, vì tình nghệ sĩ!

 

 
 
Linh cữu soạn giả Mai Quân sẽ được quàn tại Nhà tang lễ thành phố (số 25, Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM). Lễ viếng bắt đầu lúc 17 giờ ngày 12-12; lễ truy điệu và động quan lúc 6 giờ 30 ngày 15-12. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang thành phố.
 
 

VÂN AN

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân
 
Xem hình
 


Sáng 15-12, đông đảo nghệ sĩ TP HCM đã đến Nhà Tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM), tiễn đưa soạn giả Mai Quân về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân
NSƯT Thùy Liên xúc động trong lễ truy điệu soạn giả Mai Quân

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM đọc điếu văn trong lễ truy điệu soạn giả Mai Quân. Bà xúc động: “Không thể tin được dù đó là sự thật! Soạn giả Mai Quân, đồng chí Năm Triều, đã rời bỏ các đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè thân hữu. Ông là người Đảng viên trung kiên 60 tuổi Đảng, người nhân sĩ đáng kính của giới sân khấu nói riêng và văn nghệ sĩ cả nước nói chung”.

NSƯT Thùy Liên, phu nhân của soạn giả Mai Quân khóc khi nghe các đồng nghiệp nhắc về chồng bà với nhiều tình cảm thân thương.

Soạn giả Mai Quân, tên thật là Huỳnh Kim Thạch, sinh năm 1934, tại xã Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Lợi, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân

NSƯT Thùy Liên và gia đình đưa tiễn soạn giả Mai Quân về nơi an nghỉ cuối cùng

Năm 13 tuổi, dù chưa được phép của gia đình nhưng ông đã mang theo chiếc cặp đựng đầy thuốc và một ít quần áo tìm đường vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp. GS-TS Ca Lê Thuần kể: “Khi ấy vì còn là thiếu niên nên tổ chức cho anh Mai Quân tham gia chủ yếu là các nhiệm vụ văn thư, để anh có điều kiện học tập. Sau đó, anh thi đậu vào trường Trung học Nguyễn Văn Tố - Nam Bộ. Chính tại ngôi trường kháng chiến này, anh vừa học kiến thức vừa học cách thâm nhập vào quần chúng làm công tác xã hội để rèn luyện, rồi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc”.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân
NSND Lệ Thủy ca lại câu vọng cổ trong vở "Chiều nay nàng lỗi hẹn" của soạn giả Mai Quân khi bà đến viếng ông lần cuối

Mùa xuân năm 1950, theo tình hình chiến sự, khi trường giải tán và các học sinh được phân về các cơ quan và vào bộ đội, soạn giả Mai Quân được đưa về Sở Giáo dục Nam bộ phụ trách việc soạn thảo các tài liệu giáo khoa. Từ đây đến năm 1954, ông tham gia sinh hoạt ở Chi hội Văn nghệ Nam Bộ.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân
NSND Kim Cương xúc động thắp hương tiễn biệt soạn giả Mai Quân

Trong quyền hồi ký “Trong sương gió” do NXB Văn Nghệ ấn hành, kể lại giai đoạn từ Cà Mau ông về Sài Gòn bắt đầu hoạt động nội thành. Sài Gòn không bình yên, súng nổ giữa Sài Gòn đã đưa ông đến với các phong trào cứu tế đồng bào đang lâm cảnh màn trời chiếu đất. Và bằng hoạt động văn nghệ, ông đã xoa dịu nỗi đau của những con em đồng bào bị nạn. Từ trong những đêm văn nghệ cứu tế đồng bào, soạn giả Mai Quân đã vận động và thuyết phục được nhiều nhân tố mới, có ý thức để xây dựng thành cơ sở cách mạng cắm sâu giữa lòng phố Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân
NSƯT Thanh Sang xúc động viếng soạn giả Mai Quân

Đầu năm 1955, ông được kết nạp Đảng. Tổ chức chính thức giao nhiệm vụ gây dựng và phát triển Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, trước nhất từ cánh âm nhạc và múa. Soạn giả, NSND Viễn Châu xúc động kể: “Một vũ đoàn kháng chiến xuất hiện giữa lòng địch, ngay trước mũi lùng sục đã biến soạn giả Mai Quân thành một cái gai nhọn trong mắt quân dọ thám. Trước tình hình đó, ông được điều sang hẳn cánh sân khấu, theo các đoàn đi lưu diễn, trước dạy múa sau là viết tuồng”.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân
NS Hồng Nga thắp hương tiễn biệt soạn giả Mai Quân

NSND Lệ Thủy kể lại: “Trong thời gian gần 10 năm bám trụ, soạn giả Mai Quân đã đi qua 10 gánh hát ở Sài Gòn từ gánh: Quê Hương, Thanh Tao, Lam Sơn, Phước Chung, Ngọc Kiều, Bích Thuận, Việt Hùng - Minh Chí, Kim Hoàng - Như Mai, Kim Chưởng, Kim Chung…. vừa dạy múa, vừa viết tuồng. Các vở diễn: Nhụy hoa lan, Đêm trăng, Chiến tuyến nở mộng tình, Bên đồi trăng cũ, Giải phóng Hà Tiên, Dệt mộng tao phùng, Chiều xưa tuyết phủ, Lời thơ bên song cửa, Chiều thu sầu biệt ly, Cánh nhạn chiều sương, Lạnh hoàng hôn ….. đã ra đời trong giai đoạn này có lúc dưới nghệ danh Nhuận Đức. Tôi nhớ mãi kịch bản “Chiều nay nàng lỗi hẹn”, ông sáng tác cho tôi và cố nghệ sĩ Thanh Hải – lúc đó cả hai còn rất trẻ, diễn đào kép chánh trên sân khấu Kim Chung 3”.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân
Nhạc sĩ Hoàng Dũng - Phó bí thư Đảng ủy Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TPHCM trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của cố soạn giả Mai Quân cho NSƯT Thùy Liên trong tang lễ của chồng bà.

Tác giả Lê Duy Hạnh – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thêm rằng cuối năm 1959, có giai đoạn soạn giả Mai Quân bị mất liên lạc do các cơ sở cách mạng bị luật 10/59 phá tan, nhưng áp dụng phương thức hoạt động bí mật, sinh hoạt đơn tuyến, giữ vững niềm tin để tìm mọi cách nối liên lạc, đẩy mạnh để phát triển lực lượng ngày càng mạnh. Từ đó trong những chuyến ra vào nội thành, cánh tay làm cầu nối của ông đã lần lượt đưa vào chiến khu các văn nghệ sĩ Sài Gòn làm cốt cán cho đoàn Văn Công I.4. Từ năm 1967, ông bị địch bắt và chuyển qua nhiều trại giam từ nhà tù của Cục An ninh quân đội Sài Gòn cho đến tận Côn Đảo và được trao trả tại Lộc Ninh năm 1974. Trở về đơn vị chưa được bao lâu, ông được lệnh hành quân về chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân

NSƯT Thành Lộc chia buồn cùng NSƯT Thùy Liên tại tang lễ cố soạn giả Mai Quân

Nghệ sĩ tiễn biệt soạn giả Mai Quân

GSTS nhạc sĩ Ca Lê Thuần xúc động nhìn mặt cố soạn giả Mai Quân lần cuối

NSND Kim Cương tâm sự: “Từng bước bằng trách nhiệm và kinh nghiệm trong việc vận động văn nghệ sĩ nội thành trước đây, anh Năm đã hoàn thành sứ mệnh. Lần lượt với các trách nhiệm được phân công: Trưởng ty Sân khấu, Trưởng Phòng nghệ thuật sân khấu (Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố), Bí thư chi bộ Hội Văn nghệ Thành phố…anh Năm Triều chính là cột trụ, là niềm tin của lực lượng sân khấu thành phố. Vĩnh biệt anh Năm Triều, người soạn giả có nhiều kịch bản hay, bút pháp thắm đượm tính nhân văn và người anh đáng quý trong ngôi nhà chung sân khấu”.

 

NSND Lệ Thủy, NSƯT Thùy Liên và Lê Thiện tại tang lễ của cố soạn giả Mai Quân

NSND Lệ Thủy, NSƯT Thùy Liên và Lê Thiện tại tang lễ của cố soạn giả Mai Quân

NSƯT Ngọc Mai xúc động chia buồn với gia đình cố soạn giả Mai Quân

NSƯT Ngọc Mai xúc động chia buồn với gia đình cố soạn giả Mai Quân

Các nghệ sĩ sân khấu đã thương tiếc soạn giả Mai Quân, người nghệ sĩ đã sống trong lòng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ cả nước.

 

NSƯT Nam Hùng, NS Hoàng Linh, soạn giả Yên Trang, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, NSƯT Ca Lê Hồng tại lễ truy điệu cố soạn giả Mai Quân

NSƯT Nam Hùng, NS Hoàng Linh, soạn giả Yên Trang, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, NSƯT Ca Lê Hồng tại lễ truy điệu cố soạn giả Mai Quân

 

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


 

Nguồn tin: Tin247 - NLĐ