Những soạn giả một thời vang bong: Bài 1: Hà Triều - Hoa Phượng: Hai cây đại thụ của cải lương Nam bộ

Nhắc đến soạn giả Hà Triều, người ta không thể quên soạn giả Hoa Phượng. Tên tuổi của hai ông gắn liền với nhau như một thể thống nhất, khó tách rời. Cho dù hiện tại cả hai ông đều đã “về trời” nhưng ngòi bút tài hoa tuyệt vời trong những tác phẩm mà hai ông để lại cho sân khấu cải lương như: Khi hoa anh đào nở, Thái hậu Dương Vân Nga, Mưa rừng, Tấm lòng của biển, Sông dài, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Mùa xuân trên non cao, Tần nương thất, Cô gái Đồ Long… không bao giờ phai mờ trong lòng của khán giả mộ điệu.
Đôi bạn tri kỷ

 
Mặc dù soạn giả Hoa Phượng mất năm 1984, còn Hà Triều ra đi năm 2003 nhưng những năm gần đây, bạn bè và người thân của hai ông đã quyết định chọn ngày 22-10 hàng năm làm ngày giỗ chung cho đôi bạn tri kỷ, gắn bó nhất của sân khấu cải lương như “Bá Nha - Tử Kỳ” này. Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm 1931tại làng Vĩnh Uy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Năm 17 tuổi, ông được cử theo học Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1954, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam. Do chưa tìm được việc làm, ông lên Sài Gòn tìm đến nhà người quen là nhà thơ Kiên Giang (tức soạn giả Hà Huy Hà) nhờ giúp đỡ. Vốn có nét chữ tốt, ông được nhà thơ Kiên Giang giao công việc chép thơ và bản thảo kịch bản cải lương. Sẵn có máu văn nghệ và kiến thức nghệ thuật, ông cũng tập viết bài ca lẻ (ba Nam, sáu Bắc) với đề tài có tính lịch sư. Năm 1955, ông gặp lại một người bạn cũ thời kháng chiến là Lương Kế Nghiệp (sinh năm 1933 tại Thoại Sơn, Núi Sập, An Giang) lúc này cũng đang lưu lạc lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Năm 1956, ông giới thiệu bạn mình với nhà thơ Kiên Giang và được gợi ý là hai ông nên hợp tác viết kịch bản cải lương. Hai ông bèn rủ nhau đi xem hát ở đoàn Thanh Minh để tham khảo. Sau đó về nhà, hai ông soạn nội dung rồi chia nhau viết, một tuần sau đem đưa nhà thơ Kiên Giang xem, bất ngờ được chọn dựng trên sân khấu Minh Chí - Việt Hùng với tên gọi Vì quê hương. Đặng Ngươn Chúc lấy tên hai người em của mình ghép lại thành Hà Triều, còn Lương Thế Nghiệp đặt bút danh là Hoa Phượng cho “ướt át”. Bút danh Hà Triều - Hoa Phượng ra đời từ đó. Năm 1957, nhà thơ Kiên Giang đặt hàng Hà Triều - Hoa Phượng viết vở Khi hoa anh đào nở khai trương cho đoàn cải lương Thúy Nga trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp hát cải lương lớn nhất lúc bấy giờ tại Sài Gòn). Liên tiếp 4, 5 tuần lễ vở vẫn đông nghẹt khán giả. Đây cũng chính là vở hát đã đưa tên tuổi nghệ sĩ Thành Được lên hàng “ngôi sao” cải lương với vai Tô Điền Sơn. Đầu năm 1960, hai ông đầu quân về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và tên tuổi rực sáng với một loạt vở tuồng xã hội: Đêm vĩnh biệt, Nửa đời hương phấn, Sông dài, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Mưa rừng, Rồi 30 năm sau… Hai ông đã làm hãnh diện cho sân khấu cải lương nói chung đồng thời đưa bảng hiệu Thanh Minh - Thanh Nga lên “ngôi vương” trong làng ca kịch. Năm 1964, đoàn hát Dạ Lý Hương của bầu Xuân ra đời. Hà Triều - Hoa Phượng được mời về cộng tác. Trên sân khấu mới này, cặp đôi lại nổi danh thêm với một loạt tuồng “chưởng”: Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Thiên hà lang quân... Đến năm 1965, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội Nỗi buồn con gái (hay Tần nương thất) của Hà Triều - Hoa Phượng, vở hát này được ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn và trao giải “Vở cải lương hay nhất trong năm” với số điểm vượt xa các vở hát khác. Qua 10 năm (1955-1965), “liên danh” Hà Triều - Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 vở hát. Từ những kịch bản đó, nhiều nghệ sĩ đã thành danh cũng như đoạt các giải thưởng cao quý Thanh Tâm như Thành Được, Thanh Nga, Văn Chung, Tấn Tài, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Minh Vương, Hồng Nga, Thanh Nguyệt, Kim Ngọc, Mộng Tuyền… Sự hợp tác còn mang lại kết quả bất ngờ, một cô gái nhà kế bên nơi hai ông ở trọ, vì mến mộ tài năng mà theo về làm vợ soạn giả Hoa Phượng. Các con của Hoa Phượng được đặt tên theo phong thái cải lương như Nhứt Nương, Nhị Lang, Tam Lang... Còn Hà Triều sống độc thân, không con cái và được các con của Hoa Phượng thương mến gọi là “Ba Hai”. Từ khi Hoa Phượng qua đời, tình cảm này lại càng gắn bó hơn. Mỗi khi xuân về, con cháu Hoa Phượng vẫn thường nấu cho Hà Triều nồi thịt kho, đưa ông thăm mộ người bạn tri kỷ của mình cho đến ngày ông về cõi vĩnh hằng.
 
Hai nhân cách lớn

 
NSND Diệp Lang khẳng định: “Ngày nào còn sân khấu cải lương, ngày nào còn văn hóa Việt thì tên tuổi của Hà Triều - Hoa Phượng vẫn còn mãi mãi. Những tác phẩm sân khấu của hai ông không sướt mướt, ủy mị, lời thoại, lời ca thông minh, dí dỏm, đậm chất tình của người Nam bộ. Các kịch bản này đều mang tính hiện đại và dân tộc, là sự kết hợp tài tình giữa chèo, tuồng với cải lương. Nhiều tuồng cải lương bình dân của hai ông là “món ăn tinh thần” quý giá của nhiều thế hệ khán giả Nam, Bắc…”.
 Không chỉ là soạn giả, Hà Triều - Hoa Phượng còn là những nhà văn, nhà báo độc đáo của thập niên 1960, 1970. Hà Triều từng viết cuốn Cải lương - Tính dân tộc và hiện đại còn Hoa Phượng viết 7 bước viết kịch bản sân khấu. Đó là những kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà hai ông góp nhặt được trên con đường nghệ thuật của mình. NSƯT Bạch Tuyết thì cho biết: “Hai anh là hai nhân cách lớn, luôn sống có trách nhiệm với sự nghiệp, bản thân và với mọi người. Mùa xuân năm 1964, tôi diễn vở Giữa chốn bụi hồng trên sân khấu Dạ Lý Hương. Khi ca đến câu “Nếu mùa xuân trời đã vay huyết mạch của sông dài biển cả thì từ hạ sang thu trời cũng đã trãi mưa dầm…”, nhìn vào trong cánh gà, tôi thấy hai anh nhăn mặt khó chịu. Diễn xong tôi mới biết mình đã hát trật một chữ “trả mưa dầm”. Hai anh luôn khắt khe với người diễn, rất bất bình khi diễn viên hát sai lời, dù chỉ một dấu ngừng dấu nghỉ, hoặc là một lời thiếu lời thừa. Hoàn toàn không quá đáng, tôi cho đó là lương tâm nghề nghiệp, là ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ trước công chúng khán giả. Và có thể nói đó là ý thức và tấm lòng của hai anh đối với tiếng Việt, đối với ngôn ngữ, tâm hồn dân tộc, với gia sản của ông bà. Hai anh có thói quen là mùa xuân nào cũng lì xì lấy hên cho những nghệ sĩ diễn thành công những vở tuồng của hai anh, dù không nhiều nhưng đó cũng là một cái lộc rất lớn…”.
Bài, ảnh: Hiệp Thanh
 
Lúc sinh thời, cứ mỗi lần xuất hiện, trong khi Hoa Phượng thao thao nói thì Hà Triều chỉ lẳng lặng ngồi nghe và… cười. Nụ cười thật hiền khó ai có thể giận. Người này hoạt náo bao nhiêu thì người kia lại trầm tĩnh bấy nhiêu. Dường như Hà Triều thích im lặng để quan sát, vui buồn trong sự thăng bằng hiếm có của một người nghệ sĩ.

Tác giả bài viết: http://giaoduc.edu.vn

Nguồn tin: giaoduc.edu.vn