Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tìm Hiểu Nghệ Thuật

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Vở mới Chuyện tình Khau Vai: Rừng núi hóa cải lương

Thứ hai - 30/12/2013 06:46

Chàng Ba và nàng Út


Các nghệ sĩ Nhà hát cải lương Việt Nam vừa đem đến rạp Hồng Hà một vở diễn rực rỡ màu sắc của hoa đào, của phục trang truyền thống và đời sống đồng bào dân tộc vùng cao, đan quyện trong sự phong phú của những bản nhạc được xây dựng công phu, gợi mở sinh động về không gian và văn hóa miền núi.

Vở diễn kế hoạch của nhà hát: “Chuyện tình Khau Vai”, tác giả Nguyễn Thế Kỷ, được đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương và dàn dựng, với sự tham gia của họa sĩ Doãn Bằng, NSƯT nhạc sĩ Trọng Đài, NSƯT ca sĩ Mai Hoa, biên đạo múa Quỳnh Lan…

Chàng Ba người Nùng, nghèo khó và nhân hậu, say mê nàng Út, cô gái con tộc trưởng người Giáy đầy quyền lực. Tình yêu của họ không được chấp thuận, cũng như 30 năm trước, cha mẹ của họ đã không đến được với nhau, đành phải nuôi giữ tình yêu âm thầm. Ba và Út bỏ trốn, thời gian hạnh phúc như một giấc mơ đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi trên đỉnh Khau Vai của họ phải dừng lại để tránh cuộc tàn sát giữa hai cộng đồng dân tộc. Vẫn không thể bước qua sự ngặt nghèo của tập tục, nàng Út lại phải giữ đạo hiếu trước người cha hấp hối do âm mưu hèn hạ của Cố Sầu – đứa con rể tương lai tàn độc, mỗi người đành theo một ngả. Nhưng dù có gia đình riêng thì trái tim họ vẫn chỉ dành cho nhau. Cuộc hẹn sau một năm chia tay trên đỉnh Khau Vai không kịp thành vì vợ chàng Ba trở dạ. Nàng Út chờ không thấy, tuyệt vọng tự sát. Chàng Ba đến muộn, vẫn phải sống tiếp cho sinh linh bé bỏng mới chào đời, và sống tiếp để mỗi năm trở lại Khau Vai trong nỗi đau hoài niệm. Khau Vai trở nên vẻ đẹp bao dung, chân thành và đắng đót cho những mối tình dang dở.

Image
Người cha muốn con gái theo tập tục - lấy chồng trong nội tộc, nhưng nàng Út chỉ hướng về người mình yêu.



Chuyện tình say đắm và ngang trái, nuôi dưỡng ước mơ hạnh phúc trọn đời, dù cái chết cũng không thể chia lìa được. Và tình yêu còn chuyên chở một khát khao rộng lớn hơn là sự hòa hợp sắc tộc khi những người con trai, con gái của những dân tộc khác nhau có thể tự do yêu đương và đi tìm hạnh phúc. Dù số phận nghiệt ngã có ngăn trở một hạnh phúc thực tế, thì ước nguyện nhân văn được thắp lên vẫn tiếp tục cháy sáng. Có thể đó là thông điệp mà các tác giả, nghệ sĩ muốn gửi gắm.

Lấy bối cảnh không gian và đời sống văn hóa vùng cao phía bắc, vở diễn vẫn khéo léo đan cài được những giai điệu của rừng núi với những bài bản ca cải lương. Nghệ sĩ diễn xuất nhiệt thành, đặc biệt là vai Cố Sầu, kẻ chiếm đoạt ngôi vị tộc trưởng và nàng Út bằng sự sắp đặt nham hiểm, có những lúc còn trội hơn cả hai vai chính chàng Ba và nàng Út. Việc thêm động tác diễn xuất của diễn viên với chiếc đèn, bước ra sân khấu tối trong lúc chuyển cảnh, cũng đem lại chút liên tưởng và cảm nhận mới mẻ.

Image
Mỗi năm, người trai năm xưa lại lên Khau Vai để tìm lại bóng hình người yêu cũ.



Tuy vậy, còn tiếc cho việc chưa gọt giũa hơn nữa khi có những đoạn nhân vật đối thoại với nhau, hoặc hòa giọng tình yêu bằng những lời thơ lục bát nhưng một số câu không hiệp vần, nghe còn trái tai. Cộng thêm màn cuối, chàng Ba không thể cứu sống nàng Út như hai lần trước bằng câu thần chú của ông già mù, thì được giải thích một cách quá… dễ dãi và áp đặt rằng, lời thiêng chỉ hiệu nghiệm với nàng được… hai lần. Trước đó, khi nàng Út tự vẫn, đàn khỉ do các em bé mặc áo lông thủ vai kéo ra, nhặt những cánh hoa đào rụng phủ lên nàng. Điều phối này của đạo diễn, tưởng “đắt”, nhưng sự dễ thương, hóm hỉnh của “bầy khỉ” lại tạo tiếng cười cho người xem hơn là tiếp nối và đẩy lên cao mạch cảm xúc thương cảm, khiến cho phần kết bị “nhẹ” đi. Ngoài ra cũng ở đây, đoạn thoại mang đậm màu sắc “lý tưởng”, “đúc kết” về lẽ đời, lẽ người giữa chàng Ba và ông già mù cũng trở thành dài dòng, nên cắt lại, bởi tự thân câu chuyện đã mang lại cho người xem những cảm nhận chân thành.

Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” có khả năng thỏa mãn phần nào sự thưởng thức bởi sự “chuyển vùng” trong khai thác đề tài với việc tạo không khí, sắc màu đặc trưng của miền núi phía Bắc. Hy vọng tới đây, vở sẽ trở nên cô đọng hơn nữa để thêm phần thuyết phục người xem khi tiếp tục được biểu diễn.

LƯU NGUYỄN

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: NDĐT - VNE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN