Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Nhớ thương tác giả Chợ Mới

Thứ hai - 29/01/2018 17:19

TN

oạn giả tài danh Trọng Nguyễn đã vĩnh biệt chúng ta. Ông tên thật là Nguyễn Phú Xuân, nghệ danh là soạn giả Trọng Nguyễn. Ông sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Soạn giả Trọng Nguyễn. Ảnh: H. LÂM

Soạn giả Trọng Nguyễn. Ảnh: H. LÂM

 Ông tham gia cách mạng từ năm 1954. Lúc đầu làm giáo viên, sau đó làm diễn viên Đoàn văn công khu Tây Nam bộ, làm Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đoàn văn công khu Tây Nam bộ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, ông làm cán bộ Ban Tuyên giáo, Ty Văn hóa - Thông tin, rồi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Minh Hải… Năm 1997, ông làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu, Tổng biên tập Tạp chí Dạ Cổ Hoài Lang, Liên Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu ĐBSCL, rồi nghỉ hưu năm 2002.

Nghề sáng tác kịch bản cải lương và ca từ vọng cổ đã làm nên danh phận Trọng Nguyễn, đó cũng chính là lĩnh vực thể hiện sự đóng góp lớn lao của ông cho vùng đất Bạc Liêu và cho cả đồng bằng Nam bộ. Soạn giả Trọng Nguyễn bước vào lĩnh vực này khá muộn (năm 1977). Sống, làm việc, sáng tác gắn bó với Bạc Liêu dài nhất nên ông đã hấp thụ linh khí của một vùng đất được mệnh danh là đất của vọng cổ, chiếc nôi lớn của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ. Đất Bạc Liêu vốn giàu truyền thống VHVN, khi người Bạc Liêu mở mắt chào đời đã thấy quê hương mình chan hòa cái màu xanh đến huyền hoặc của dừa nước và đồng ruộng mênh mông cánh cò. Ở đó dập dờn, bảng lảng làn điệu vọng cổ và các bài bản cổ nhạc. Tuổi thơ mới 7-8 tuổi đã mê muội đi theo các sòng đờn ca trong xóm để nghe vọng cổ. Đất quên nghèo sinh ra hạt lúa ốm nhom, nuôi nấng thể chất người quê, còn vọng cổ và các bài bản cổ nhạc góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của họ… Các làn điệu ấy đã làm dịu nhẹ, đã sưởi ấm những thân phận đời tuổi cực, những mất mát của chiến tranh máu lệ, để người Bạc Liêu đi tới hôm nay.

Trong cái âm thanh rộn ràng của âm nhạc đất Bạc Liêu, chúng ta bỗng nghe những tuồng cải lương Giọt Máu oan cừu, Rừng Thần… rồi các bản vọng cổ Ơn Đảng, Quê anh quê em, Cánh đồng năng, Bên sông Vàm Cỏ…,  sau nữa là Giọt sữa cuối cùng, Chợ mới, Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn, Bạc Liêu ngày ấy, Đêm Châu Hưng, Hậu Giang chiều vắng em, Phùng Ngọc Liêm… của soạn giả Trọng Nguyễn. Ông đã mượn làn điệu vọng cổ và các bài bản cổ Bạc Liêu rồi bật lên khúc tơ lòng của mình để chuyên chở những quá khứ, những khúc bi tráng của đất quê hương. Chúng ta nghe tác phẩm của ông mà thổn thức, hiểu thêm rằng đất này có được từ mồ hôi nước mắt của cha ông dựng nghiệp từ những bước chân cơ nhỡ, rồi những đương đầu với áp bức bất công của thực dân đế quốc. Người dân phải tiến hành cuộc kháng chiến trong mưa bom bão đạn để giữ đất, giữ nền độc lập dân tộc bằng máu và nước mắt. Rằng không có Đảng chỉ lối soi đường thì đất này mãi mãi chìm trong nô lệ, đau thương. Chúng ta nghe cải lương, vọng cổ của Trọng Nguyễn để hiểu thêm chiều sâu của đất mẹ và những điều lớn lao của cuộc đời, chợt thêm yêu, thêm quý cái mảnh đất chôn nhau cắt rốn và con đường mà ta đã chọn. Những nghệ phẩm của Trọng Nguyễn quả là có một sức mạnh.

Thời bao cấp, tuy đói ăn nhưng nghe đoàn cải lương Hương Tràm về các xã biểu diễn những vở tuồng: Giọt máu oan cừu, Rừng Thần… thì bà con khăn gói, băng đồng mấy cây số đi xem một cách náo nức. Những vở diễn ấy, những bài ca vọng cổ chẳng những đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của quần chúng, mà nó còn góp phần làm nên danh phận của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, chỉ tính đất Bạc Liêu - Cà Mau có Minh Đương, Minh Hoàng, Minh Chiến, Thanh Thảo… Các bài ca vọng cổ của Trọng Nguyễn, dù là tình ca, sử ca hay quê hương ca đều được viết lên bằng lời văn dung dị, mượt mà, sâu lắng nên nó đi vào lòng người. Ở khắp làng quê Bạc Liêu, Cà Mau và ĐBSCL rộn ràng lời ca những bài của soạn giả Trọng Nguyễn trong những ngày sớm nắng, chiều mưa. Ở những cuộc thi tiếng hát truyền hình, số lượng đăng ký hát bài của Trọng Nguyễn đạt con số kỷ lục. Đi vào một vùng quê hẻo lánh và hỏi Trọng Nguyễn, ai cũng biết. Điều đó chứng tỏ sức lan tỏa sâu rộng của nghệ phẩm Trọng Nguyễn.

Một đời làm văn nghệ sĩ, đẻ ra năm ba đứa con tinh thần có sức lan tỏa rộng đã là thành công. Thế nhưng cuộc đời của soạn giả Trọng Nguyễn có rất nhiều đứa con tinh thần để đời. Ông mang tâm hồn, trái tim thật nhất của mình đến với cuộc đời thì cuộc đời đáp trả ông như vậy. Chúng ta ngậm ngùi tiễn biệt một nghệ sĩ xuất sắc và một con người rất tử tế.

PHAN TRUNG NGHĨA
 

Nén nhang lòng tiễn biệt soạn giả tài danh - Trọng Nguyễn


Soạn giả Trọng Nguyễn là tác giả của hàng trăm bài vọng cổ và nhiều vở cải lương nổi tiếng.

Ngày 25/01, giới văn nghệ sĩ và người dân mộ điệu sân khấu cải lương, yêu bài ca vọng cổ Nam bộ vô cùng thương tiếc vĩnh biệt người nghệ sĩ, soạn giả tài danh Trọng Nguyễn (ông thường được gọi thân mật là anh, là chú, là bác Tám Nguyễn).

Soạn giả Trọng Nguyễn là tác giả của hàng trăm bài vọng cổ và nhiều vở cải lương nổi tiếng. Tác phẩm của ông luôn được viết bằng tình cảm thật, gần gũi, giàu hình ảnh và giàu sức biểu cảm.

Vĩnh biệt người nghệ sĩ sống trọn đời với đam mê nghệ thuật, với ân tình sâu lắng của quê hương, chúng tôi giới thiệu đôi nét về ông như một nén nhang lòng gửi theo những yêu thương trân trọng tiễn ông về đất mẹ. 

 

nen nhang long tien biet soan gia tai danh trong nguyen hinh 1
Nghệ sĩ - Soạn giả Trọng Nguyễn.

Đối với soạn giả Trọng Nguyễn, những người làm làm văn nghệ đều cảm phục ông về sự trau chuốt, tình cảm, trí tuệ, sức lực trong từng tác phẩm dù là bài vọng cổ hay kịch bản sân khấu cải lương. Tác phẩm của ông khi ca, khi nghe, khi dàn dựng, khi xem đều chạm và thấm vào trái tim cả người thể hiện lẫn người thưởng thức.

Ông có gia tài đồ sộ: hàng trăm bài vọng cổ và hàng chục vở cải lương nổi tiếng, đặc biệt nhất là các tác phẩm như: vở cải lương “Giọt máu oan cừu”, “Rừng thần”, “Bóng biển”… và các bài vọng cổ như “Ơn Đảng”, “Bạc Liêu ngày ấy”, “Chợ Mới ”, “Giọt sữa cuối cùng”…  Nhưng sâu sắc và xúc động hơn cả là khi ông viết về các bà mẹ, về chiến tranh và về Đảng.

Ông từng nói: ông mồ côi từ nhỏ, thiếu tình thương của mẹ nên lúc nào cũng khao khát tình thương ấy và cuộc đời ở đợ cơ cực của ông sẽ không biết về đâu nếu không có Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 và không có Đảng. Vì vậy, trong tim ông có 2 khái niệm thiêng liêng nhất chính là Mẹ và Đảng. 

Nhiều lần trò chuyện cùng ông và các nhà chuyên môn, chúng tôi được biết: ông không bao giờ cầm viết khi trái tim mình chưa thật sự xúc động về nhân vật, về đối tượng. Những đứa con tinh thần của ông theo đó được sinh ra từ tim, từ óc và có đời sống riêng của nó. Mỗi tác phẩm kể một câu chuyện vui buồn về những con người, sự kiện, vùng đất cụ thể. 

Vừa là bạn nghề, vừa cảm phục tài năng và lao động nghệ thuật nghiêm túc của soạn giả Trọng Nguyễn, đạo diễn – soạn giả Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Thường người sáng tác ca cổ có một nhược điểm là theo tư duy minh họa nhưng quá trình của Trọng Nguyễn, anh hình thành 1 bài vọng cổ là trong đó có tư duy hình tượng và tư duy âm nhạc cho nên những bài vọng cổ của anh thường thành công nhất. Các bạn nghề của anh dù ở ĐBSCL, ở tp.HCM hay ở cả nước bao giờ cũng quý mến và trân trọng tài năng của anh".

Đối với chúng tôi, những người làm chương trình Văn nghệ trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, soạn giả Trọng Nguyễn là một trong những gương mặt ấn tượng nhất.

Ấn tượng vì chúng tôi được nhiều lần thu âm, phát sóng, thực hiện yêu cầu thính giả xin thưởng thức tác phẩm của ông và chứng kiến các nghệ sĩ thăng hoa từ các tác phẩm tâm huyết của ông. Chúng tôi cũng có một kỷ niệm riêng vô cùng sâu sắc với ông. Đó câu chuyện từ bài ca “Giọt sữa cuối cùng”.

Câu chuyện đã cho chúng tôi chất liệu để làm nên một cầu phát thanh trực tiếp thành công và kết nối được trái tim của thính giả cả nước. Kết quả, từ tấm lòng nhân dân, chúng tôi đã góp sức xây dựng cho nhân vật chính của bài ca ấy – chị Lê Thị Mỹ Linh, con gái liệt sĩ Nguyễn Thị Tư ở Bạc Liêu một ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 90 triệu đồng.

Lần ấy, nghe thông tin trên báo, đài và điện thoại cám ơn từ nhân vật, soạn giả Trọng Nguyễn đã bật khóc như chính lúc ông bật khóc: "Tôi không hình dung đứa con tinh thần của mình lại có sức lan tỏa và gây ra sự xúc động lớn lao đến vậy. Hồi viết tôi không nghĩ tới cái đó. Tôi nghe đài báo và biết có những chị công nhân cũng rất nghèo, chính mình nuôi mình còn chưa được, chưa đủ nhưng mà vẫn nhịn một chút tiền gửi cho Mỹ Linh xây nhà. Tôi xin cám ơn những tấm lòng đó. Tôi rất vui mừng. Quả thực, không phải Mỹ Linh là người hạnh phúc mà tôi mới là người hạnh phúc...".

Ngay sau đó, một số nghệ sĩ, tác giả cũng đã chia sẻ niềm vui từ sự lan tỏa gá trị bài ca cổ của Trọng Nguyễn qua làn sóng phát thanh của chúng tôi. Nhưng chính chúng tôi càng biết ơn tác giả và thính giả gần xa đã cho chúng tôi thành công ấy.

Suốt chặng đường gần 60 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, soạn giả Trọng Nguyễn trở thành một trong những người viết vọng cổ, cải lương thành công nhất. Ông không dạy học như có nhiều học trò, đồng nghiệp và những người yên quí ông từ khắp nơi tự tìm đến học hỏi và tôn ông làm thầy.

Soạn giả Vưu Long Vỹ - Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu là một trong những người như thế. Giây phút tiễn biệt một người thầy, anh chia sẻ những tình cảm của mình dành cho soạn giả Trọng Nguyễn: "Có được thành quả hôm nay, tôi rất nhớ ơn những người đã chắp cánh cho tôi, trong đó đặc biệt là nghệ sĩ Trọng Nguyễn- người đã dìu dắt nhiều thế hệ đàn em đi theo nghiệp sáng tác bài vọng cổ của mình.

Bác Tám là người rất chân tình, rất yêu thương, rất cầu thị và rất có trách nhiệm ươm mầm cho nhiều thế hệ trẻ, trong đó có tôi. Ông mất đi để lại 1 khoảng trống trong lòng mọi người. Chúng tôi càng biết ơn ông và càng cố gắng nhớ lời ông dạy là phải yêu quý nghệ thuật và viết bằng trái tim của mình, viết bằng cảm xúc thật của mình".  

Vĩnh biệt soạn giả Trọng Nguyễn, giới mộ điệu sân khấu cải lương và cổ nhạc Nam bộ vô cùng thương tiếc người nghệ sĩ, tác giả tài danh. Xin gửi theo ông nén nhang lòng tri ân khi tiễn ông về với đất mẹ./. 

Lệ Hoa/VOV-ĐBSCL


Nguồn tin: tcgd theo SGGP - VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:soạn giả, quách phẩm

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN