Kịch bản cải lương 20 năm vẫn đem thi lại
- Thứ tư - 04/11/2015 05:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghệ sĩ Mỹ Hạnh
Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 23-11 tại Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu. Tuy cuộc thi chưa diễn ra nhưng nhìn vào danh sách, thành phần 31 vở diễn tại cuộc thi cải lương lớn nhất nước lần này sẽ thấy rõ sự bế tắc, cạn kiệt.
Tự mình thi với chính mình
Nhìn vào danh sách ngay lập tức người xem sẽ thấy giật mình và choáng bởi những cái tên xuất hiện liên tục như soạn giả Hoàng Song Việt, Đăng Minh… Những tác giả có hai vở trở lên ở cuộc thi cũng chiếm số đông như Ngọc Chi, Nguyễn Đăng Chương, Triệu Trung Kiên, Thanh Huyền, Phi Hùng… Lại có những cái tên xuất hiện khi là tác giả của vở này, khi là đạo diễn của vở kia như Hữu Lộc, Triệu Trung Kiên. Có những đạo diễn dự thi tới 2-3 vở như Hoàng Quỳnh Mai, Trần Ngọc Giàu, Trần Minh Ngọc, Triệu Trung Kiên, Giang Mạnh Hà. Bao nhiêu vở diễn bấy nhiêu tác giả quanh đi quẩn lại, nên ở cuộc thi này đạo diễn, tác giả như tự mình thi với chính mình.
Không chỉ như thế, có khá nhiều kịch bản quá cũ xuất hiện ở cuộc thi này. Như kịch bản Những đứa con của người Cộng sản, tác giả Thanh Huyền đã ra đời và được dàn dựng từ 30 năm trước. Vở cải lương Bóng biển của tác giả Trọng Nguyễn có số tuổi từ 20 năm trở lên, đã từng đoạt huy chương bạc Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Những vở có tuổi đời khoảng 20-10 năm trở lại như Cơn mê cuối cùng của nhà văn Ngọc Linh, Sống mãi với quê hương của soạn giả Phi Hùng. Một nhóm cải lương xã hội hóa cũng đã chọn vở Duyên kiếp có tuổi đời trên dưới 20 năm của soạn giả Hoàng Song Việt để thi vào phút cuối nhưng không kịp thủ tục… Thêm vào đó có đến 20/31 vở cải lương chuyển thể từ kịch nói dự thi lần này.
Những thực tế này cho thấy cải lương đã cạn lực lượng sáng tác, nhất là những soạn giả có khả năng viết được bài bản.
Nghệ sĩ Minh Béo đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để làm vở cải lương Trạng làm quan tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Ảnh: HÒA BÌNH
Có vở là có thi, lãnh đạo cũng đi thi
Gần như trong vài năm gần đây, các đoàn cải lương nhà nước làm được vở nào thì đem vở đó đi thi hết như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Hà Nội… Lý giải tình trạng này, một số trưởng đoàn cải lương cho biết có vở để đi thi đã gọi là mừng. Bởi từ chục năm trở lại đây, khán giả cải lương lụi tàn dần, kể cả các đoàn cải lương nhà nước được cho kinh phí đi diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa cũng rất vắng người xem. Đã có nhiều đoàn cải lương nhà nước giải thể, nhiều đoàn còn lại kinh phí hạn hẹp thì lấy tiền đâu dựng vở thường xuyên. Cải lương tư nhân trừ một vài show lâu lâu gom nghệ sĩ nổi tiếng hát lại tuồng cũ, trích đoạn nổi tiếng để bán vé thôi chứ không có kinh phí để đầu tư vở mới.
Thêm một thực trạng bi hài thể hiện ở cuộc thi cải lương chuyên nghiệp toàn quốc lần này là hơn một nửa số vở dự thi là của lãnh đạo các nhà hát cải lương, trưởng các đoàn cải lương, lãnh đạo ngành, thành viên ban giám khảo, thành viên ban chỉ đạo cuộc thi. Ngay cả ở lĩnh vực tư nhân cũng có tình trạng này. Giữ vị trí chính yếu ở các vở xã hội hóa tham gia dự thi là những ông bà bầu, những người đứng đầu nhóm.
Những điều trên cho thấy các cuộc thi cải lương tốn không ít tiền ngân sách, chỉ còn là một hoạt động hình thức đến hẹn lại lên và một cơ hội kiếm huy chương để tìm danh hiệu cho giới làm nghề. Thậm chí đã có rất nhiều nghệ sĩ gạo cội lên tiếng đi thi kiểu gì mà chẳng mấy ai xem, ai diễn để trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Các đoàn gần tới ngày thi mới vô, thi xong về liền gần hết khiến không khí mỗi lần thi thố thấy phát rầu. Rõ ràng cải lương hôm nay đang rất cần những thay đổi về chất thật sự để vực dậy hơn là những cuộc hội diễn, những cuộc thi ngày càng mang tính hình thức.
Cải lương cần phương thức đầu tư mới Những thực tế này nói với những nhà quản lý là cải lương đang cần những phương thức đầu tư mới có hiệu quả hơn, chẳng hạn như đào tạo nguồn nhân lực. Bản thân Hoàng Song Việt đâu có muốn là một mình mình tham gia viết kịch bản nhiều như thế. Tuy nhiên, rất khó tìm được những soạn giả có khả năng viết được bài bản nhạc cải lương hiện nay, người viết mượt tay, chắc tay lại càng khó kiếm. Vậy nên các đoàn phần lớn tin tưởng, tìm đến chỗ Hoàng Song Việt đặt hàng. Tôi biết có nhiều trưởng đoàn còn không ưng ý lắm về kịch bản mình mới đặt hàng nhưng tình hình này có được kịch bản như vậy là tốt lắm rồi nên họ đành chấp nhận. Nhiều đoàn không tìm được kịch bản hay đành phải lấy những kịch bản cũ nhiều năm rồi ra chỉnh sửa lại để xài tiếp. Nhiều lãnh đạo các đoàn không phải muốn làm vở tham gia cuộc thi đâu nhưng không có nhân lực, không mời được người, không tìm được người, mà họ lại là người có chuyên môn, có khả năng tốt nên làm thôi. NSND TRẦN NGỌC GIÀU, Giám đốc Nhà hát cải lương Trong 31 vở dự thi, soạn giả Hoàng Song Việt xuất hiện tám lần ở vị trí tác giả và chuyển thể cải lương với những vở: Chiến binh, Lâu đài cát, Đời như ý, Mai Hắc Đế, Vòng xoáy nghiệt ngã, Cơn mê cuối cùng, Trung thần, Những đứa con của người Cộng sản. Tác giả Đăng Minh cũng xếp kế tiếp với bảy vở vừa làm tác giả vừa chuyển thể, gồm: Bông mận trắng, Vị ngọt cà na đắng, Trạng làm quan, Sân khấu cuộc đời, Ánh đèn khuya, Tình sử hai vương triều, Giai điệu Tổ quốc. |
HÒA BÌNH