TS
Các vai nữ chính trên sàn diễn năm 2023 từ Bắc vào Nam đều lấy nước mắt khán giả qua những vai diễn có số phận nghiệt ngã nhưng vẫn sống lạc quan
NSND Hồng Vân vào vai bà Hai Mạnh, nghệ sĩ Thanh Thủy với vai bà Ba Cải trong vở nhạc kịch "Bông cánh cò" trên Sân khấu Kịch Hồng Vân là hình ảnh điển hình về sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật.
Người xem vừa thương, vừa giận
Trong "Bông cánh cò", hai nghệ sĩ Hồng Vân và Thanh Thủy không chỉ diễn mà còn hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Bắc Sơn. Trên phương diện diễn xuất, cả hai nghệ sĩ vào vai nhân vật đầy đặn cảm xúc, song vẫn không quên yểm trợ đắc lực cho dàn diễn viên trẻ. Theo nhận xét của những người trong cuộc về Hồng Vân và Thanh Thủy là "gừng càng già càng cay". Cách diễn của hai nữ nghệ sĩ luôn để lại ý ngầm trong diễn xuất, nên dù là vai phụ nhưng vẫn ở vị thế trung tâm mỗi lần cả hai đối diện, tương tác nhau.
Diễn viên Kim Huyền với vai Huệ trong vở "Trả lại lia thia" từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dễ dàng tìm được sự đồng cảm của công chúng. Sự trở lại của Kim Huyền trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã góp phần phát huy thế mạnh của thương hiệu này ở thể loại kịch tâm lý tình cảm. Kim Huyền đã thổi một làn gió riêng cho vai Huệ bằng lối diễn rất chi tiết trong việc thể hiện từng bước đi tập tễnh đầy khó khăn do tai nạn mà Rô (diễn viên Trí Quang đóng) gây ra, từng nét cơ mặt lúc điên lúc tỉnh đã khiến người xem vừa thương vừa giận vì sao Huệ cố chấp, tự đày đọa bản thân trong quá khứ và không cho Rô chuộc tội.
Nhân vật anh hùng Bùi Thị Xuân do NSƯT Tú Sương thể hiện trong vở cải lương sử Việt "Ngược dòng Tây Sơn" là một dấu ấn mới của nghệ sĩ Tú Sương. Cô diễn sử Việt theo góc nhìn của người trẻ hôm nay, giữ vững tinh thần dân tộc, không khuếch trương hiện thực. Là diễn viên có thực lực nên NSƯT Tú Sương đã làm cho câu hát, lời thoại luôn bay bổng, thanh xuân. Vai diễn còn tạo cơ hội để cô vận dụng vũ đạo, võ thuật, nhập cuộc vào hành trình khai thác số phận nhân vật, trở thành một vai đào võ tuyệt vời trên sân khấu cải lương tuồng cổ qua bản dựng của đạo diễn Nguyễn Thành Toàn.
Làm khán giả thổn thức
Nhiều ý kiến cho rằng diễn viên Lê Khánh không hợp với vai Giáng Hương trong vở "Giáng Hương - sân khấu về khuya" (Sân khấu Thiên Đăng). Thế nhưng theo đạo diễn - NSƯT Thành Lộc, bản dựng của anh đặc tả Giáng Hương ở một góc nhìn mới. Giáng Hương cố chấp giữ gìn nghệ thuật truyền thống, khăng khăng biểu diễn tác phẩm "Huyền Trân công chúa", hóa thân thành người đẹp tuổi 19 dù tuổi đời đã không còn trẻ. Do vậy, Lê Khánh đã có một vai diễn nặng ký dù gây tranh cãi trong giới chuyên môn nhưng khi ra công chúng đã được đón nhận.
Diễn viên Lê Khánh (phải)
Ở bản dựng mới của đạo diễn Hoa Hạ trong lần tái dựng "Cô đào hát" (Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt), chị đã dành cho NSƯT Quế Trân vai cô đào Cầm Thanh rất mới, qua đó đã kích thích cảm xúc của khán giả.
Trên sàn diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, vở kịch "Ái tình ngoài hôn nhân" có vai diễn của Mỹ Uyên đã làm khán giả thổn thức. Vai diễn điển hình cho thời đại công nghiệp, xã hội lao nhanh với những mối quan hệ, câu hỏi liệu người phụ nữ có nên coi trọng thiên chức làm vợ, làm mẹ hay độc lập tài chính rồi chấp nhận thay đổi mình. Vai bà Ngọc của Mỹ Uyên là đất diễn có nhiều cảm xúc, thể hiện người phụ nữ đi từ thái cực này sang thái cực khác. Mỹ Uyên đã tạo cho nhân vật dấu ấn khó quên.
NSND Thu Quế có vai diễn Thị Bình trong bản dựng thuần Việt tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc "Lôi vũ" được giới chuyên môn đánh giá cao. Vai diễn có đủ độ chín muồi để gây xúc động cho người xem, dù với công chúng yêu kịch, chẳng ai còn xa lạ câu chuyện "Lôi vũ" của nhà văn Tào Ngu. Vai Thị Bình của Thu Quế không chỉ diễn tại Hà Nội mà sẽ tham gia tuần lễ sân khấu ASEAN tại Trung Quốc vào tháng 11.
Nghệ sĩ Như Quỳnh của Nhà hát Cải lương Việt Nam có vai diễn nữ chính cực kỳ sinh động, trữ tình trong vở "Mê Đê" do đạo diễn - NSƯT Lê Chức dàn dựng. Trong vở diễn, vai nữ chính liên tục xuất hiện với nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. "Mê Đê" đã tạo cơ hội để Như Quỳnh tìm nguồn sáng tạo mới trong hóa thân của người nghệ sĩ.
Đề cử giải Mai Vàng lần thứ 29, hạng mục nam diễn viên sân khấu
Năm 2023, sàn diễn nổi lên nhiều gương mặt nam diễn viên được công chúng đón nhận bởi lối diễn trong sáng, thu hút...
Một trong những vai diễn đang tạo nhiều cảm xúc hiện nay là Lĩnh Nam của NSƯT Thành Lộc trong vở nhạc kịch "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" trên sân khấu Thiên Đăng, quận 1, TP HCM.
Diễn như không diễn
Lĩnh Nam là một định vị mới trên bản đồ hành trang nghệ thuật của NSƯT Thành Lộc khi anh vừa là đạo diễn vừa đảm đương vai nam chính và cũng chính là người biên tập, lồng ghép những tuyên ngôn mới về nguyên tắc làm nghề của người nghệ sĩ trong cuộc sống hôm nay từ kịch bản của cố soạn giả NSND Nguyễn Thành Châu. Qua cách thể hiện độc đáo của NSƯT Thành Lộc - vai Lĩnh Nam giúp khán giả hiểu rõ hơn về nỗi lòng của người nghệ sĩ trước khao khát được làm mới thánh đường nghệ thuật của mình.
Ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, vai Rô của Trí Quang trong vở "Trả lại lia thia" đã tạo cảm xúc mãnh liệt cho người xem khi nhân vật mang nặng tội lỗi với người mình yêu và chấp nhận trả giá, bù đắp hết để chuộc lại cái sai dẫn đến bi kịch đời người. Những người trong cuộc cho rằng Rô của Trí Quang rất đời, có sự trải nghiệm từ nhiều nỗi đau mà trước đó anh đã từng thể hiện trong các vở của sân khấu Hoàng Thái Thanh và lần này Rô là một điểm son mới của nam diễn viên Trí Quang.
Trên sàn diễn IDECAF, Đình Toàn vào vai Đình khá dễ thương trong vở "Sắc màu". Đình là một chàng trai vì muốn thuê căn nhà của cô gái, anh phải giả đóng vai đồng tính với một người bạn trai xa lạ, để rồi trên con đường chinh phục trái tim cô, anh đối diện với nhiều góc khuất của chính mình. Đình Toàn diễn như không diễn, cứ rót vào tim khán giả những cảm xúc ngọt ngào, rồi vỡ òa hạnh phúc khi nhận được vấn đề của chính mình.
Một nhân tố mới xuất hiện nhưng không kém phần độc đáo và lôi cuốn đó là vai ông Hoàng của diễn viên Trần Trọng Hiếu, trên sàn diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (vở "Ái tình ngoài hôn nhân"). Ông Hoàng là một đàn ông giữ nền nếp cho gia đình nhưng chính vì sự rập khuôn trong công việc, sinh hoạt mỗi ngày mà ông suýt đánh mất hạnh phúc gia đình. Diễn viên Trần Trọng Hiếu diễn điềm đạm, gần như chẳng cần dụng công gì bởi anh sống thật sự với cảm xúc của ông Hoàng.
Diễn viên Trần Trọng Hiếu
Ca trong diễn, diễn trong ca
Vở "Cô đào hát" của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt có vai thông ngôn Liêm của Võ Minh Lâm, diễn vai một người điên rồi chợt tỉnh lại và nhận ra người phụ nữ bấy lâu giúp đỡ mình đã hóa điên dại khi bị chồng ruồng bỏ, Võ Minh Lâm đã chinh phục khán giả. Anh ca trong diễn, diễn trong ca rất bản lĩnh, ở đó có sự pha trộn rất nhiều thủ pháp thể hiện khác nhau mang lại hiệu ứng tích cực cho vai diễn.
Trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam, vai Ja- Đông của nghệ sĩ Minh Hải (vở "Mê Đê") được giới chuyên môn đánh giá cao khi anh ca diễn rất ngọt và thể hiện sâu sắc nỗi lòng của nhân vật. Thông qua nhân vật Ja- Đông trong "Mê Đê", Minh Hải đã làm tươi mới hơn hành trang làm nghề đầy đam mê của anh.
Tại Nhà hát Trần Hữu Trang, trong vở cải lương sử Việt "Ngược dòng Tây Sơn" của đạo diễn Nguyễn Thanh Toàn, nghệ sĩ Điền Trung diễn vai Trần Quang Diệu đã cuốn hút người xem bởi anh vận dụng vũ đạo, võ thuật và cả nội tâm làm sáng đẹp cho tư tưởng của nhân vật. Điền Trung lâu nay được đánh giá đa năng trong diễn xuất, lần này thể hiện vai sử Việt, anh đã tạo không gian mới cho nhân vật lịch sử bước vào đời sống đương đại.
Vở kịch "Búp bê" (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Trần Lực) trên sân khấu thử nghiệm của LucTeam, NSƯT Hoàng Tùng (vai người đàn ông) và Võ Hoài Vũ (vai anh bồi) đã chiếm cảm tình người xem. NSƯT Hoàng Tùng- chuyên gia kịch câm của Nhà hát Tuổi Trẻ, nay về công tác tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã vào vai diễn cực kỳ cuốn hút, anh biến đổi tính cách nhân vật trong tích tắc, khiến người xem không thể rời mắt từ hình thể đến lời thoại của nhân vật.
Võ Hoài Vũ là lính mới của làng kịch nhưng anh vận dụng hình thể rất khéo, đưa vào vai diễn những cảm xúc dạt dào, những lời thoại đầy trí tuệ khiến khán giả vỗ tay cười một cách thú vị.
Trên sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc, vai Chu Xung của diễn viên Lâm Cương trong vở "Lôi Vũ" đã nhận được nhiều cảm tình của khán giả. Dường như Lâm Cương đã dồn hết tất cả những trăn trở về tác phẩm kinh điển của Tào Ngu để hóa thân với góc nhìn của con người hôm nay.
Nghệ sĩ Văn Thuận vào vai vua Trần Thánh Tông trong vở "Vì nghĩa nước non", trên sàn diễn Nhà hát Cải lương Việt Nam. Những vai anh hùng, hiền triết của dân tộc rất dễ bị một màu trong cách thể hiện, nhưng Văn Thuận đã diễn đậm cảm xúc và cũng đã tìm được sự đồng cảm với khán giả.
Diễn viên Tuấn Dũng của Sân khấu Kịch Hồng Vân là một trường hợp đặc biệt. Vai Cánh cò trong vở nhạc kịch “Bông cánh cò” anh vừa diễn vừa hát dòng nhạc mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Bắc Sơn, mang lại nhiều dư vị đẹp cho câu chuyện về lòng chung thủy của con người và vùng sông nước Nam Bộ. Tuấn Dũng ngày càng tinh tế trong việc khắc họa tâm lý nhân vật và vận dụng cái duyên để làm cho vai diễn lúc nào cũng sinh động, giàu cảm xúc.
Bài và ảnh: THANH HIỆP
Ý kiến bạn đọc