Đang truy cập : 220
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 219
Hôm nay : 20947
Tháng hiện tại : 2195665
Tổng lượt truy cập : 88502266
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Những lỗ hổng đáng ngại!
Thành công lớn nhất của LH lần này là nỗ lực tuyên truyền để kéo khán giả đến rạp của địa phương tổ chức. Đa phần các suất diễn khán giả đến xem chật kín khán phòng. Công tác tổ chức khá nghiêm túc và chỉn chu, từ việc sắp xếp giờ giấc luyện tập, biểu diễn của các đơn vị đến việc giữ gìn trật tự trong từng buổi diễn. Khuyến khích đề tài đương đại, nhiều vở diễn tham gia LH đã mạnh dạn đối mặt với những tiêu cực, vấn nạn tham nhũng, lạm dụng chức quyền, tệ nạn xã hội, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận giới trẻ... Nhờ vậy, LH như bức tranh phản ánh khá trung thực hơi thở và nhịp đập của đời sống đương đại.
Tuy nhiên, LH cũng cho thấy thực trạng “loay hoay” làm mới cải lương đã được nói đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Ở nhiều vở diễn, cải lương đang bị “kịch hóa” với xung đột kịch dồn dập, thiết kế sân khấu hiện đại nhưng thiếu hẳn chất trữ tình tự sự của cải lương, nhất là trong tâm lý, tính cách nhân vật và chất âm nhạc. Trong tình trạng khủng hoảng kịch bản, một nửa vở diễn tham dự LH phải “vay mượn” từ kịch nói: Tiếng vạc sành, Dòng nhớ, Người thi hành án tử, Vú cát, Người đàn bà mười ba bến nước, Giậu mồng tơi gãy dập, Nói dối là trọng tội, Một phút một thời, Khi hoa nở trái mùa, Nguồn sáng phía chân trời, Biển và bờ… Việc chuyển thể là không mới, nhưng điều đáng nói là đa phần các vở diễn chú trọng quá nhiều vào hành động nhân vật, tình huống kịch, tiết tấu… mà thiếu sự tính toán về bố cục, mạch diễn để đưa bài bản cải lương vào một cách hợp lý. Thủ pháp dàn dựng của nhiều đạo diễn khô cứng, thiếu hẳn sự mềm mại của cải lương. Cảnh âu yếm vợ chồng trong vở Người đàn bà mười ba bến nước là một ví dụ điển hình cho sự thô vụng khó chấp nhận. Hai diễn viên múa minh họa “vờn” nhau bên chiếc cối giã thóc trong tiếng chày là quá thô thiển, mang lại cảm giác khó chịu cho người xem.
Cội nguồn - vở diễn được đánh giá cao về chủ đề tư tưởng, cách làm mới của sân khấu cải lương xứng đáng nhận Huy chương vàng
Nhiều lỗ hổng đáng ngại của một số người làm nghề cũng hiện rõ trong LH… Không thiếu những chi tiết, tình huống kịch sơ sài, gượng ép đến mức khó chấp nhận. Đạo diễn cố tình “ép” diễn viên cầm dao khi cãi cọ để dẫn đến tình huống tử vong (Giậu mồng tơi gãy dập); giữa làng quê mộc mạc, “nữ thần” thuồng luồng xuất hiện trong trang phục “thiếu vải” vừa phản cảm, vừa chẳng ăn nhập gì đến tổng thể (vở Người đàn bà mười ba bến nước). Sự thiếu vốn sống của tác giả, đạo diễn qua kịch bản một số vở cũng khiến người xem băn khoăn. Liệu có nên để một phụ nữ biết chắc mình sẽ sinh con dị dạng giữ lại bào thai và sinh con? (vở Nỗi đau ngày ấy). Người nhiễm HIV nếu sống tốt, sinh hoạt lành mạnh sao lại chỉ sống được có 5 năm? (Trở về miền sáng)…
Việc sử dụng nhạc nền là các bài hòa tấu có sẵn cũng ít nhiều làm giảm hiệu quả của vở diễn. Thậm chí, vở Người thi hành án tử còn khiến khán giả giật mình khi đưa cả nhạc Mozart vào, không hiểu với mục đích gì! Vẫn còn tồn tại trường hợp tùy tiện trong cách sử dụng bài bản cải lương, diễn viên nói thay vì ca, ca thì... lạc và trật nhịp.
NSƯT Khưu Minh Chiến, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu, Bạc Liêu nuối tiếc: “Không dễ tập hợp đông đủ anh em làm nghề như dịp này, nhưng để thực sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thì giới làm nghề lại chưa được thỏa mãn. Mỗi người làm nghề có một ý tưởng, quan điểm sáng tạo riêng. Quan điểm mới của người này chưa chắc đã là mới với người khác và ngược lại. Giá như có những buổi trao đổi, tọa đàm để cùng nhìn nhận lại cách làm mới cải lương dựa trên thực tế là những vở diễn dự thi; có những nhận xét, đánh giá từ những người có uy tín, giỏi chuyên môn có lẽ việc làm mới cải lương sẽ hiệu quả hơn, trang bị thêm cho anh em những kiến thức cần thiết về nghề nghiệp. Khi cái đúng, cái sai không rạch ròi thì người đúng chẳng biết mình đúng, người sai chẳng biết mình sai chỗ nào!”.
Bao nhiêu năm, bao nhiêu mùa liên hoan, hội diễn đã trôi qua nhưng cảm nhận chung vẫn là sự thiếu năng động với lối tổ chức cũ mòn theo kiểu “bao cấp”. Mục đích lớn nhất xem ra vẫn là “đếm huy chương để đủ điều kiện xét tặng danh hiệu”. Một trưởng đoàn bức xúc: “Thú thực, tôi chẳng còn hào hứng gì với chuyện liên hoan, hội diễn, nhưng vì quyền lợi của anh em khi xét tặng danh hiệu nên vẫn cứ phải tham gia LHSK!”.
Nhìn khán giả Biên Hòa nô nức đến xem cải lương mỗi ngày, nhiều người làm nghề không khỏi luyến tiếc: Giá như Ban tổ chức làm được một cuộc khảo sát và thu thập những ý kiến phản hồi để hiểu hơn nhu cầu của khán giả cải lương hiện nay thì tốt biết bao. Tất nhiên, những ý kiến từ một cuộc LH không đủ để đại diện cho tất cả khán giả cải lương, nhưng ít nhiều cũng có những góc nhìn từ thực tế.
Một niềm hy vọng đang nhen nhóm trong giới làm nghề qua lời đề nghị của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Vương Duy Biên: “Ngay sau cuộc LH này, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng các cơ quan chức năng liên quan sẽ đề xuất các giải pháp đổi mới cách thức tổ chức các cuộc LH, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và khoa học…”. Mong rằng những hạn chế đã và đang tồn tại trong mỗi kỳ tổ chức LHSK sẽ được chấn chỉnh, khắc phục.
Thảo Vân
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc