Mộ soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố. Trong ảnh: Học sinh viếng soạn giả Mộc Quán tại nhà tưởng niệm.
Soạn giả Viễn Châu (1924-2016) là tác giả của hàng trăm bài vọng cổ và kịch bản cải lương kinh điển, để đời mà đại đa số người Nam Bộ đều biết đến. Những tác phẩm của ông đã kiến tạo nên một nền văn hóa cải lương, văn hóa cổ nhạc đặc sắc và đậm đà tính dân tộc. Vậy nhưng, thật ngỡ ngàng khi ông không được một giải thưởng hay danh hiệu nào xứng đáng. Chúng ta vẫn quen gọi ông là Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, thật ra “đúng” nhưng chưa “trúng”. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mà ông được phong tặng trên cơ sở là một danh cầm với nghệ danh Bảy Bá. Còn với tư cách là soạn giả Viễn Châu, ông chưa được đánh giá.
Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, lý do là vì trong quy định, người được phong tặng danh hiệu, giải thưởng cấp Nhà nước phải có tác phẩm đoạt huy chương, giải thưởng... Quy định này không sai nhưng không phù hợp với những mốc thời gian khác nhau. Điều này đã làm cản trở việc tôn vinh xứng đáng cho các soạn giả cải lương.
Trở lại chuyện tôn vinh soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, bậc Hậu Tổ cải lương, người con của quê hương Cần Thơ. Cách đây hơn 10 năm, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng ông Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân gian Việt Nam với tư cách Nghệ nhân Dân gian. Điều này vấp phải sự phản đối, chỉ trích rất nhiều từ dư luận. Một bậc Hậu Tổ cải lương, thầy tuồng của hàng chục vở cải lương kinh điển, mẫu mực như “Phụng Nghi Đình”, “Đêm trăng vĩnh biệt (“Huyền Trân công chúa”), “Giọt máu chung tình (“Võ Đông Sơn - Bạch Thu Hà”), “Hoa Mộc Lan tòng quân”… và là người đưa bản “Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương, tạo tiền đề cho sự ra đời của bài vọng cổ, lại phong Nghệ nhân Dân gian thì chưa chính xác. Còn nhớ đợt đó, ngoài soạn giả Mộc Quán còn có những bậc tài danh tiền bối như nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả bản “Dạ cổ hoài lang”, Nhạc Khị (Nhạc Sư Lê Tài Khí) - Hậu Tổ Đờn ca tài tử, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Thầy Ba Đợi) - Hậu Tổ Đờn ca tài tử... cũng “được” truy tặng Kỷ niệm chương kể trên. Ông bà ta có câu “Khen nhau không đáng bằng mười hại nhau”, trong tình huống này quả là rất đúng.
Nếu cứ căn cứ quy định về giải thưởng thì thời của soạn giả Mộc Quán, có cuộc thi nào để ông thi mà đoạt giải? Hay với những tác phẩm của soạn giả Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), liên danh Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang, Điêu Huyền... thì sức lan tỏa đã vượt ra khỏi bất kỳ cuộc thi nào, đã trở thành một phần ký ức, tâm thức của biết bao thế hệ, liệu giải thưởng có ý nghĩa gì? Và với những bậc đại thụ như vậy, chẳng lẽ các ông lại đem tác phẩm để đời đi thi cho học trò chấm, mà cũng chẳng có học trò nào dám ngồi ghế giám khảo để “cầm cân nảy mực” cho những trước tác của thầy mình!
Kiến nghị của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh là cần thiết và nên mở rộng thêm nhiều bậc gạo cội là soạn giả, thầy tuồng. Vì họ rất xứng đáng, không phải là “đặc cách” mà là trách nhiệm của thế hệ hôm nay dành cho những người trọn lòng với văn hóa dân tộc.
Bài, ảnh: DUY KHÔI
Ý kiến bạn đọc