Điều nầy được hiểu là người nào đã có một thời sống với sân khấu và nghệ sĩ cải lương, đã ăn cơm cải lương thì suốt đời không thể rời bỏ nghề hát được nữa.
Rất nhiều nghệ sĩ tiền phong thuộc về thế hệ thứ nhất như các ông Năm Châu, Bảy Nhiêu, Duy Lân, Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Hai Nữ, Thanh Loan, Kim Cúc, Kim Lan… đều có những cuộc sống gắn bó với hoạt động sân khấu cải lương đến hơi thở cuối cùng.
Các nghệ sĩ thế hệ thứ hai như Hoàng Giang, Việt Hùng, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Tú, Thanh Tuấn, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, các cô Út Bạch Lan, Ngọc Nuôi, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Kim Ngọc… cũng đều sống theo cái nghiệp cải lương vừa kể. Khi sân khấu cải lương mất khán giả hay lúc gánh hát rã hoặc sống ở một tỉnh thành xa xôi, ở hải ngoại, các nghệ sĩ nhớ nghề hát, phải hành nghề tay trái, mở quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng cơm…nhưng luôn luôn kèm theo nhà hàng, quán cơm, quán nhậu có ca nhạc cải lương và đờn ca tài tử.
Các nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư cũng không thoát khỏi sự ràng buộc vô hình đó. Nghệ sĩ Linh Cường, người trẻ tuổi dám sống chết bám theo nghề hát nhưng khi sân khấu cải lương mất khán giả quá nhiều, các gánh hát đua nhau rã gánh, rạp hát bị thay đổi “công năng”, không còn cho gánh hát cải lương mướn nữa thì Linh Cường cũng kiếm một nghề tay trái để sinh sống. Khi có dịp thì anh lại trở về diễn cải lương, dù nghề hát bây giờ không giúp cho anh bảo đảm được cuộc sống.
Học hát từ Cha tại nhà
Nghệ sĩ Linh Cường tên thật là Phan Văn Ân, sinh ngày 10 tháng 01 năm 1957 ở Chợ Lớn. Cha là ông Phan Văn Lăng, nhạc sĩ guitare cổ nhạc, dạy đờn ca cổ nhạc tại tư gia. Mẹ là bà Lê thị Huỳnh, buôn bán.
Năm 1974, nhân dịp có đoàn hát Thái Bình của ông Bầu Qùy hát ở đình Bầu Xá, ngang rạp hát Phi Long Xóm Củi, em Ân xin theo gánh hát để học hát nhưng Ba của Ân muốn em phải ca rành bài bản cải lương thì mới cho đi. Thế là Ân xin học lớp cổ nhạc của cha dạy tại nhà. Ân là một trong những học trò ca cổ xuất sắc nhất của nhạc sĩ Sáu Lăng.
Năm 1976, em Ân được thu nhận làm ca sĩ trong Ban Văn Nghệ Phường 12, quận 8 với nghệ danh là Hoài Tân.
Nhờ dạn sân khấu và biết ca nhiều bài bản cổ nhạc, hơn nữa giọng hát của Hoài Tân có âm hưởng cao vút và khoẻ khoắn, nghệ sĩ Hoài Tân sớm nổi tiếng nên Hoài Tân được ông Mười Nheo, bầu đoàn hát Trăng Mùa Thu mời cộng tác.
Từ những đoàn hát nhỏ
Trong hai năm 1977, 1978, nghệ sĩ Hoài Tân đã hát thay đổi qua ba gánh hát nhỏ: Trăng Mùa Thu, đoàn Tiếng Hát Sông Thủy và đoàn Tiếng Hát Mùa Thu của quận 8. Đây là những gánh hát nhỏ, chuyên hát trong các xã, quận huyện xa thành phố, nơi đó dân chúng còn quá nghèo nên doanh thu của đoàn chẳng có được bao nhiêu, các nghệ sĩ ăn cơm hội và lảnh lương tượng trưng còn gọi là lương cà phê. Tuy cực khổ đói kém nhưng Hoài Tân vẫn bám theo nghề hát vì đó là niềm đam mê của em.Nghệ sĩ Điền Văn, giới thiệu Hoài Tân về hát ở đoàn cải lương Thủ Đức và đổi nghệ danh Hoài Tân thành nghệ sĩ Linh Cường. Đoàn Thủ Đức có các nghệ sĩ trẻ đang được khán giả ưa thích như Vương Chí Tâm, Ánh Tuyết, Phương Hoa, Phượng Mai, Lý Thanh, Trọng Linh, Ngọc Sương Mai, Yến Nga, Thanh Tài…
Khi mới gia nhập đoàn Thủ Đức, mặc dầu Linh Cường có giọng ca và kỷ thuật ca vọng cổ không thua sút kép chánh Vương Chí Tâm nhưng Linh Cường vẫn không có được một vai diễn nào ưng ý. Vì là người mới gia nhập đoàn hát, tài năng không thực sự vượt trội các bạn diễn trong đoàn nên Linh Cường được phân đóng những vai phụ.
Những đêm diễn trước khi đoàn chuyển bến, ít khán giả thì Linh Cường mới được cho hát chánh. Vì vậy Linh Cường định rời đoàn Thủ Đức để kiếm đoàn hát khác. Nữ nghệ sĩ Phương Hoa, người thường đóng cặp với Linh Cường khuyên Linh Cường ẩn nhẩn chờ thời vì cô được biết là ông Bầu Võ Cẩm sẽ thành lập thêm một ê kíp nữa để hát thay phiên hay để hát hai địa điểm khác nhau như hai đoàn hát.
Và như vậy thì Linh Cường và Phượng Hoa sẽ đóng tuồng cặp vai chánh ở một équipe nào đó của đoàn Thủ Đức. Kết quả đúng như lời phán đoán của nữ nghệ sĩ Phượng Hoa, Linh Cường và Phượng Hoa được hát vai chánh trong tuồng “Cây đa thần”, để lại một dấu ấn khẳng định khả năng đóng vai kép chánh của Linh Cường.
Thủ diễn vai chánh
Năm 1982 nghệ sĩ Linh Cường được ông Hoàng Ngọc Ẩn, bầu gánh hát Bến Cát - Tây Ninh mời cộng tác. Bầu Hoàng Ngọc Ẩn xuất thân từ một kép hát, ông từng thủ vai chánh nhiều tuồng của các gánh hát lớn ở Saigon và các tỉnh, ông cũng là một soạn giả nên Linh Cường được đào luyện về ca và diễn khá vững vàng trên sân khấu đoàn hát Bến Cát của Hoàng Ngọc Ẩn.Năm 1984, nghệ sĩ Linh Cường cộng tác với đoàn hát Hoa Lan quận 6 do nghệ sĩ Tấn An làm bầu gánh. Tấn An cũng xuất thân là diễn viên của gánh hát đại ban như đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, đoàn Dạ Lý Hương trước năm 1975 nên Tấn An có khả năng chọn tuồng hay, hướng dẩn diễn xuất cho Linh Cường và các nghệ sĩ khác làm cho đoàn hát Hoa Lan quận 6 có được khán giả đông đảo ưa thích.
Có thể nói hai đoàn hát Bến Cát và Hoa Lan quận 6 đã góp phần rèn luyện nghề hát cho Linh Cường..
Ở đoàn Hoa Lan quận 6, nghệ sĩ Linh Cường đóng chánh cặp với nữ nghệ sĩ Xuân Lan, người đã có từng đóng vai công chúa Quỳnh Nga trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, hát chung với cố nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga. Nữ nghệ sĩ Xuân Lan cũng từng thủ vai hiệu úy Kỳ Hoa, hát chung với Thanh Nga trong vai Thái Hậu Dương Vân Nga.
Sau khi nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, đoàn hát Thanh Minh đổi bảng hiệu là đoàn Thanh Nga, nữ nghệ sĩ Xuân Lan rời đoàn Thanh Nga về quận 6 thành lập đoàn hát Hoa Lan quận 6. Linh Cường đóng vai chánh, hát chung với Xuân Lan, nổi trội nhứt có các tuồng: Nhạn Về Xóm Liểu, Linh Cường hát vai Chu Sơn Kiệt, Xuân Lan trong vai Cẩm Tú. Nghệ sĩ Linh Cường còn thành công qua các vai chánh tuồng Bão Cát và tuồng Sát Nhân Vương.
Năm 1988, nghệ sĩ Linh Cường hát chánh đoàn hát Phước Chung, sau đó là đoàn Hương Mùa Thu, đoàn hát Saigon 1 và đoàn Trần Hữu Trang 1 qua các vở tuồng Con Cò Trắng, Gánh Cỏ Sông Hàn, Tiếng Súng Một Giờ Khuya, Bảo Lửa Phi Trường, Nước Mắt Đen, Mười Lăm Năm Tình Hận…
Đoạt Biểu Tượng xuất sắc giải Trần Hữu Trang
Năm 1996, nghệ sĩ Linh Cường đoạt Biểu Tượng xuất sắc giải Trần Hữu Trang cùng với các nghệ sĩ Tô Châu, Ánh Tuyết, Thùy Liên, Kim Thoa.Bẳng đi nhiều năm, khán giả không có dịp được xem Linh Cường hát trên sân khấu. Có người nghĩ là vì sinh kế và để có cơ hội được hát nhiều nên anh đi hát tăng cường cho các đoàn hát cải lương tỉnh lẽ ở Hậu Giang.
Đến năm 2008, nghệ sĩ Linh Cường bổng xuất hiện trong tuồng Muộn Màng, tham dự vòng chung kết cuộc thi “Chuông Vàng Vọng Cổ”, nghệ sĩ Linh Cường đã có dịp thể hiện tâm trạng một nhân vật có ao ước giống mình khi anh phụ diễn cho nữ nghệ sĩ Ngọc Lê.
Linh Cường và Ngọc Lê cố gắng chỉnh lý lại vai tuồng của hai người trong trích đoạn tuồng Muộn Màng để tạo thêm nhiều đất diễn. Trong buổi diễn chung kết, Linh Cường tỏ ra có bản lỉnh, diễn nhập vai, ca rất hay và gây được xúc động mạnh trong khán giả, anh đã tạo hoàn cảnh thuận tiện để nữ nghệ sĩ Ngọc Lê vô vọng cổ.
Khi Ngọc Lê xuống chữ hò, tiếng vổ tay cổ võ của khán giả rất nồng nhiệt, rất tiếc là Ngọc Lê quá xúc động nên cô ca rớt nhịp khi dứt câu vọng cổ, cô không vượt qua được vòng thi này dù bạn diễn Linh Cường đã chuẩn bị đất diễn tốt cho cô.
Sự trở lại với sân khấu của Linh Cường khá ấn tượng, đáng kể nhất là anh tham gia vở diễn Sầu Vương Ý Nhạc ở chợ đêm Hồ Kỳ Hòa.
Sống bằng nghề tay trái
Theo lời kể của Linh Cường, anh sống bằng một nghề tay trái, nhưng nhớ cải lương nên anh thỉnh thoảng hát tăng cường cho một số đoàn hát tỉnh, hát trong các show truyền hình trực tiếp, các show từ thiện ở các chùa. Mỗi năm anh cộng tác với các đài truyền hình tỉnh, thu nhiều bài ca tân cổ giao duyên , gọi là cho đở nhớ nghề.Hiện nay anh đang lo sửa sang lại căn nhà, chuẩn bị mở quán ăn ở đường Bạch Vân, quận 5. Anh cho biết quán ăn đó rồi sẽ có chương trình Hát Với Nhau, Đờn Ca Tài Tử, gọi là để nhớ phong cách đờn ca tài tử của cha anh, nhạc sĩ Sáu Lăng, người thầy đầu tiên của anh trên đường sự nghiệp sân khấu.
Hiện nay Linh Cường đã trên 50 tuổi, có vợ và một cô con gái. Con anh đã thành gia thất và Linh Cường đã lên chức ông ngoại cách đây 4 năm. Tuy nhiên khi được hỏi về gia đình, anh đã được hạnh phúc, cuộc sống kinh tế ổn định, anh còn ao ước gì không?
Linh Cường mỉm cười, trả lời: “Tôi muốn có một đứa con trai. Bà xã của tui, tuổi quá bốn mươi, hõng biết bã có ráng giúp tôi đạt được sở nguyện hay không?”
Các bạn thân của anh cảnh cáo: “Muốn có con trai khi hai vợ chồng anh đã vào tuổi bốn mươi, năm mươi, coi chừng đừng để có cô gái thứ ba chen vô, nhà tan cửa nát đó nghen!” Linh Cường nói: “Nói chơi cho vui, chớ quán ăn của gia đình sắp khai trương, tôi là người đàn ông độc nhất trong gia đình, phải tả xông hữu đột mới mong bảo đảm được gia đình trong cái thời kinh tế khủng hoảng này, đâu có dám lơ tơ mơ lộn xộn gì đâu.”
SG NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc