Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NSƯT Mỹ Châu Lời tạ từ tri âm

Thứ hai - 29/12/2014 23:52



Gần đây tôi được dịp trò truyện với NSƯT Mỹ Châu qua điện thoại. Theo nguyện vọng của nhiều khán giả ái mộ cô và tôi cũng là một trong số người ái mộ ấy, rất mong muốn có dịp nào đó cô sẽ tái hội với những giọng ca vàng như NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, Chí Tâm…để có một vài tác phẩm mới để lại cho đời sau.

Không là những vở cải lương dài thì cũng là những bài tân cổ vốn là sở trường của cô, với phong độ hiện tại, cô vẫn còn thừa sức chinh phục những khán giả khó tính nhất của sân khấu cải lương. Vẫn còn nguyên vẹn đó sự truyền cảm sâu lắng của giọng ca trầm buồn nghe như xoáy vào tim những nỗi niềm  của một đời người vinh nhục, thăng trầm, đắng cay chìm nổi. Với suy nghĩ chủ quan của mình, tôi tin tưởng nếu trở lại với nghề, dù chỉ một vài lần sau cuối thôi, thì dấu ấn của NSƯT Mỹ Châu sẽ vẫn sâu đậm hơn…



Image

Cô không hẳn từ chối dứt khoát lời yêu cầu đó và cũng không hứa ngày trở lại sân khấu cải lương. Cô chỉ tâm sự nhẹ nhàng nhưng chất chứa nhiều hoài niệm về cuộc đời mình, về sự nghiệp sân khấu. Cô vốn là người trầm lặng, sâu sắc, bất cứ làm chuyện gì đều suy nghĩ thật chín chắn, và khi đã quyết định thực hiện thì dù thế nào cũng không thay đổi. Cô đã chọn thời điểm thích hợp nhất để từ giã sân khấu cải lương trở về với cuộc sống hạnh phúc bình thường bên gia đình nhỏ của mình, mặc dù rời sân khấu là một việc rất khó khăn, nhất là đối với cô, tình yêu và sự nghiệp sân khấu đã chiếm hết thời son trẻ của cô đã đưa cô từ một cô bé ở làng quê Thủ Thừa (Long An) chỉ mới 15-16 tuổi đã trở thành một ngôi sao sân khấu, rực sáng rất lâu trên vòm trời nghệ thuật cải lương. NSƯT Mỹ Châu là vì sao lạ, độc đáo đã góp phần làm phong phú hơn dải thiên hà của sân khấu cải lương, một ngôi sao xuất sắc bật nhất mang đậm dấu ấn riêng của mình, không trùng lắp hay hòa lẫn vào ai. Thương hiệu đặc biệt mang tên Mỹ Châu đã làm cho thế hệ vàng của sân khấu cải lương trở thành những thần tượng bất tử, những chuẩn mực để cho biết bao thế hệ sau học hỏi đặt mục tiêu vươn tới. Nghề nghiệp đã giúp cô thành công trên đường đời, giúp cô có điều kiện báo hiếu cho cha mẹ, giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó ở một vùng quê mưa nắng ruộng vườn. Đâu ai dễ dàng từ bỏ sự vinh quang mà mình đã dày công vun đắp! Là người sống nội tâm lẽ đời cân phân nông sâu, trong đục cô hiểu quy luật của thời gian vô cùng nghiệt ngã. Đã là con người thì không ai tránh khỏi quy luật đó.

 

          Cô quyết định từ giã sân khấu mang nỗi niềm ray rứt, trăn trở khôn nguôi và có lẻ chỉ có kiếp sau… nếu có kiếp sau thì cô cũng sẽ trở lại thánh đường sân khấu. Cô muốn giữ lại cho mình, cho khán giả tri ân những gì tốt đẹp nhất của một thời vàng son “Biết có ai còn một chút vấn vương, khi đã chùng hơi và mảnh hồng nhan đã hương tàn phấn nhạt…” (Lời bài hát trong Tri âm Nguyên khúc). Hay “Khi từ cõi hoàng kim về đời phấn thổ…”, “Em không dám nói lời từ biệt, biết nói làm sao cho trọn kiếp tằm, nên âm thầm lưu giữ trong tâm hồn bao kỷ niệm vui buồn” (xàng xê lớp xề trong Tri âm Nguyên khúc). Và còn nhiều nữa những ẩn tình sâu kín trong tâm hồn người nghệ sĩ. Càng nghe cô hát Tri âm Nguyên khúc càng nghiệm ra những ray rứt, dằn xé, mâu thuẫn giữa buồn vui, giữa ước vọng lạc quan và thực tế bi quan… cuối cùng để đi đến một thể thống nhất trong tâm hồn cô cải lương rồi sẽ phục hưng, sẽ có lớp khán giả mới thương yêu trân trọng như những lớp khán giả trước đã một thời làm nên sự hưng thịnh cho cải lương.

 

          Mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giàu nghệ sĩ và khán giả tri âm trước những thử thách nghiệt ngã của dòng đời vẫn mãi luôn bền chặt. Có sân khấu mới có khán giả, có khán giả mới nuôi được sân khấu. Sân khấu cải lương sống hay chết là do khán giả. Chắc chắn khán giả luôn thương yêu trân trọng cải lương với điều kiện nghệ sĩ cải lương phải làm tốt công việc nghề nghiệp của mình, đem đến cho công chúng những gì tinh hoa nhất chớ không phải những thứ phẩm kém giá trị, nhu cầu thưởng thức cải lương của khán giả ngày càng cao, bởi những gì cải lương đã làm, đã có quá tuyệt vời. Cái mới không làm tốt hơn được thì thà quay về cái cũ. Nhưng với cái cũ một thời gian nào đó cũng sẽ gây nhàm chán và người xem sẽ nhận ra rằng hóa ra cải lương chỉ có thế! Đây là nỗi đau, nỗi trăn trở đồng thời cũng là mục tiêu để cho những ai tâm huyết với cải lương cố gắng phấn đấu. Nếu không làm được cải lương hay hơn thì cũng xin đừng phá trở thành quá tệ. Cải lương không chỉ dành cho những ai có lòng mà phải có thực tài, thực tâm, dám sống chết cùng môn nghệ thuât này. Xét cho cùng, cải lương chưa phải đã đi hết con đường sáng tạo của mình so với thời gian phát triển. Có điều chắc chắn là chúng ta không thể làm cải luong như ngày xưa. Ôn cố tri tân, nhớ cái cũ để làm cái mới cho tốt. Nhưng hiện nay cũng không thiếu người đang tìm cách phá nát cải lương bằng cách không đầu tư phát triển cái mới mà cứ ăn xổi ở thì quay về cái cũ. Thậm chí còn phá nát cái cũ, dở hơn những giá trị vốn có, buồn thay!

 

          Với sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, NSƯT Mỹ Châu đã nhận thấy điều đó. Và tất cả những tâm sự, nỗi niềm trong loạt 10 tác phẩm Tạ tình tri âm cô đã có một cuốn hồi kí bằng nghệ thuật, bằng chính giọng ca của mình thay lời kể chuyện. Qua đó người nghe cảm nhận, chia sẻ, hiểu thêm sự mềm mại, đa cảm của một ngôi sao sân khấu cải lương nhiều vinh quang nhưng cũng lắm phong trần. Một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, một nhân cách lớn, chuẩn mực hiếm hoi trong hàng những ngôi sao lớn của cải lương. Càng nghe càng hiểu việc rời sân khấu cải lương đối với cô là nỗi cô đơn lớn nhất trong đời mà cô phải cố gắng vượt qua, mặc dù bên cạnh cô có một tình yêu lớn của chồng, một hạnh phúc mà hơn nữa đời người cô mới có được. Khi càng êm ấm trong hạnh phúc riêng của mình thì nỗi nhớ nghề lại sâu thẳm hơn, mênh mông hơn. Nỗi buồn ấy miên man bất tận. Cô chỉ có thể tự an ủi mình thời gian đã không cho mình cái thanh sắc để còn tiếp tục làm kiếp tằm trả nợ dâu. Khắc nghiệt của thời gian là vậy, thực tế của thời gian hiện rõ trên mái tóc, gương mặt nhưng chắc một điều là tình yêu sân khấu cải lương trẻ mãi không già càng rời xa càng nhớ nhung mãnh liệt trong lòng người nghệ sĩ…

(Còn tiếp)

Đăng Minh




Tác giả bài viết: khangbang

Nguồn tin: BSK

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN