Đang truy cập : 201
Hôm nay : 21355
Tháng hiện tại : 2196073
Tổng lượt truy cập : 88502674
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Đời Như Ý
.
Cảnh trong vở Mai Hắc Đế, khắc họa tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta. |
Đã có những vở diễn khán giả ngồi kín cả mấy tầng khán phòng của Nhà hát Cao Văn Lầu, người chậm chân chấp nhận đứng 2 bên cánh gà, thậm chí ngồi bệt trên lối đi để được xem, khóc cười cùng nghệ sĩ. Từ sức hút của các vở diễn tại cuộc thi, cho thấy nếu sân khấu cải lương đủ mạnh trong khâu kịch bản, dàn dựng hiện đại phù hợp với nhịp sống xã hội chắc rằng vẫn kéo được khán giả.
* “Ăn nhau” ở kịch bản
Nhìn chung, “đẳng cấp” giữa các đoàn thể hiện rất lớn qua phần kịch bản. “Ghi điểm” trong cuộc thi năm nay là mảng đề tài lịch sử. Hầu như các đoàn lớn đều đầu tư rất công phu, vì thế nhiều kịch bản hay, mới đã xuất hiện. Mỗi kịch bản đi sâu khai thác một khía cạnh riêng, đặt ra nhiều vấn đề khác nhau, mang tầm vóc lớn lao và không kém phần gai góc, gây hứng thú cho khán giả. Nếu như Nhà hát cải lương Việt Nam có vở Mai Hắc Đế (tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ) khắc họa tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc, thì Nhà hát cải lương Hà Nội qua vở Yêu là thoát tội (tác giả Lê Chí Trung) đã lật lại vụ án Lệ Chi viên, đi sâu vào khai tác tâm lý nhân vật với cái nhìn nhân bản.
Cũng chú trọng vào nội tâm nhân vật, Trung thần của tác giả Hoa Hạ (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) đặt ra vấn đề: người làm quan cần trung thành với vua, với hệ thống chính trị mà mình đang phục vụ hay trung thành với dân, một khi giữa 2 vế này xảy ra mâu thuẫn? Sự lựa chọn của nhân vật Lê Văn Duyệt chính là câu trả lời khi ông đứng về phía dân, bảo vệ quyền lợi của dân, chống lại đại thần Huỳnh Công Lý - cha vợ của vua Minh Mạng.
Mượn xưa nói nay, Ánh đèn khuya của tác giả Huỳnh Văn Tới (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) không chú trọng khai thác tuyến thiện - ác giữa các nhân vật mặc dù diễn biến kịch bản tạo ra vẻ như vậy, mà lại khiến khán giả trăn trở về vấn đề công minh, sáng suốt trong sử dụng nhân tài, biết nhận ra “nhóm lợi ích” tàn hại xã hội, tính nêu gương của người đứng đầu - nền tảng cốt lõi để xây dựng đất nước thái bình thịnh trị.
* Vẫn hút khán giả
Ở mảng đề tài xã hội, nổi bật lên có Đời như ý (tác giả Bùi Quốc Bảo, chuyển thể từ chuyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư) - vở diễn lấy được nhiều nước mắt của khán giả nhất. Không “đao to búa lớn”, không đặt ra những vấn đề “nặng ký”, Đời như ý khắc họa đời sống hiện thực hết sức bình thường có thể xảy ra ở bất kỳ vùng quê nào. Ở đó, có những phận người rất nhỏ nhoi như anh mù Hai Đời, như cô bé Ba “tửng tửng”. Xã hội không xấu với họ, nhưng cũng dường như đi lướt qua họ. Số phận Hai Đời, Bé Ba như những dề lục bình - được trang trí chủ đạo trên sân khấu, nương vào nhau để cùng vượt qua sóng gió cuộc đời. Nhân vật xấu chỉ có một, người tốt thì nhiều, như anh Tám thịt heo, Sơn bán cá, Trinh bánh tét...”, nhưng vẫn không đủ để nâng đỡ những bi kịch của Hai Đời - Bé Ba. Gia đình nhỏ của Hai Đời, Bé Ba và 2 con, Như, Ý dường như tan tác trước số phận nghiệt ngã, nhưng không, trên con đường trốn chạy dù phía trước mịt mờ, hình ảnh cả gia đình nép vào nhau chống chèo là một biểu tượng lạc quan bất tận, Đời như ý có bi ai nhưng không bi luỵ. Đây là điểm sáng của vở diễn.
Có khá nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh nhưng vì đã được khai thác quá nhiều nên đề tài này rất cần có những vấn đề, góc nhìn mới mẻ. Ngoài Chiến binh (tác giả Chu Lai) với “cuộc chiến” tốt - xấu giữa những đồng đội cùng chiến hào trong chiến tranh lẫn thời bình, Sống trong lòng địch (Thanh Huyền - Đức Hiền) đi vào khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn ở một vùng ven… là có góc tiếp cận chiến tranh mới mẻ, những kịch bản còn lại với mô-tip bình thường, đi vào lối mòn đã không tạo được sức bật cần thiết.
Có thể nói, Đời như ý là vở diễn rất đúng chất cải lương của Nam bộ, không chỉ ở kịch bản mà còn ở cách ca, diễn của nghệ sĩ, gợi nhớ đến các vở cải lương kinh điển, như: Lá sầu riêng, Nửa đời hương phấn... Vở khai thác tối đa diễn xuất tâm lý của nhân vật, gần gũi đời sống hiện thực xã hội, chạm đến lương tri của con người nhưng trong đó tình người - tình đời, lòng tốt vẫn tỏa sáng, và quan trọng nhất là lấy được nước mắt khán giả - điều kiện cần và cũng là bản chất chủ yếu của cải lương. Bên cạnh đó, vở còn “chắt lọc” tối đa vai diễn trên sân khấu (chỉ có 9 nghệ sĩ), có sự sáng tạo trong cảnh trí, rất phù hợp nếu phải tính toán đến yếu tố kinh doanh. Từ “hiện tượng” của Đời như ý, cho thấy cải lương chỉ cần xây dựng được vậy là có thể “sống”.
Hà Lam
nghệ thuật, sân khấu, toàn quốc, bạc liêu, lịch sử, hiện đại, xứ sở, hoành tráng
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc