Đang truy cập : 237
Hôm nay : 21614
Tháng hiện tại : 2196332
Tổng lượt truy cập : 88502933
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Cố NS Út Trà Ôn
Út Trà Ôn! Út Trà Ôn! Út Trà Ôn!...
Không chỉ dân miệt vườn Nam Bộ mà cả dân duyên hải miền Trung quê tôi cũng rất mê vọng cổ, cải lương. Từ nhỏ tôi thường theo người lớn đi xem các đoàn cải lương về quê mình biểu diễn ở các sân khấu ngoài trời. Mỗi khi một nghệ sĩ tài danh nào đó xuất hiện chào khán giả thì cả rạp hát vang lên tên của họ. Tiếng hô vang tên "Út Trà Ôn! Út Trà Ôn! Út Trà Ôn!..." trong những đêm hát ấy âm vọng cả giấc mơ tuổi thơ tôi.
Khi vào Sài Gòn học đại học, thi thoảng tôi đến rạp Trần Hưng Đạo xem cải lương để mong gặp lại Út Trà Ôn và những nghệ sĩ tài danh khác, nhưng bấy giờ do tuổi cao ông không còn xuất hiện trên sân khấu chính thức nữa. Đến khi bước vào con đường làm báo, được giao phụ trách chuyên mục phỏng vấn "Mỗi kỳ một nhân vật" trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, thì Út Trà Ôn chính là nghệ sĩ cải lương đầu tiên mà tôi quyết định thực hiện chân dung. Những năm đầu thập niên 1990, chưa có internet, tư liệu về ông trên sách báo viết còn hiếm, tôi tìm đến những nghệ sĩ quen biết, nhất là nghệ sĩ Phan Tấn Thi, để hỏi han về Út Trà Ôn và nhờ tìm địa chỉ, điện thoại nhà ông.
Dù không còn đứng trên sân khấu nữa nhưng bấy giờ nghệ sĩ Út Trà Ôn vẫn đi hát từ thiện ở các lễ hội đình chùa. Người hâm mộ vẫn đưa xe đến mời ông rong ruổi khắp nơi. Sau mấy lần liên lạc, nghệ sĩ Phan Tấn Thi cùng tôi mới đến được nhà riêng của ông trên đường Điện Biên Phủ, quận 10.
Giọng ca thiên phú "có một không hai"
Nghệ sĩ Út Trà Ôn tên thật Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919. Là con trai út, thứ mười trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long), nên ông hay được gọi là cậu Mười Út, chú Mười Út, anh Mười Út. Đó cũng là những biệt danh mà giới cải lương sau này hay gọi ông tùy theo vai vế, tuổi tác.
Út Trà Ôn trong vở Tuyệt tình ca.
Cậu bé Mười Út lúc đó rất mê đàn hát, thường tụ tập bạn bè trong các nhóm chơi tài tử. Bằng chất giọng thiên phú cộng với trí thông minh, Mười Út sớm nghĩ ra cách tự luyện cho mình một lối ca riêng, từ nhả chữ đến nhấn nhịp và dần dà thuộc lòng hết các bài bản ba Nam sáu Bắc, nhất là bản vọng cổ từ nhịp hai, nhịp bốn rồi nhịp tám, tức ca nhặt, cho đến nhịp mười sáu luyến láy uyển chuyển. Nghe cậu Mười hát ai cũng trầm trồ, người lớn trong làng chọn cậu làm học trò lễ vào những dịp cúng đình, cúng Kỳ yên. Giọng ca Mười Út nổi tiếng khắp miệt vườn Trà Ôn.
Vào khoảng năm 1937, Mười Út cùng bạn bè rủ nhau lên Sài Gòn chơi và vào nhà hàng Đức Thành Hưng ca hát với nhau. Biết được hãng rượu Dubonnet thường tổ chức tuyển chọn giọng ca hay ở rạp Moderne, Mười Út vào thi thử và trúng tuyển. Vì chưa được phép của gia đình nên Mười Út chỉ hát một thời gian ngắn rồi rời Sài Gòn trở về quê nhà Trà Ôn.
Một duyên may khác lại đến. Gánh hát Tiến Hóa của ông bầu nổi tiếng Trúc Viên, tức Trương Gia Kỳ Sanh, từ Sa Đéc sang Trà Ôn biểu diễn, Mười Út tìm đến xin đầu quân. Thấy chàng trai nông dân quê mùa thấp lùn đen đủi, ông bầu sợ "tướng tá" này không ăn khách nên từ chối. Hôm sau, Mười Út lại đến gánh hát chơi và ca thử vài bản cho nghệ sĩ trong đoàn đờn. Đang nằm trên võng, ông bầu Trúc Viên nghe Mười Út ca hay quá mới vụt đứng dậy đi tới nói với mọi người với vẻ hối hận, đại ý: Tôi lầm rồi. Chút nữa bỏ lỡ giọng ca mà trong đoàn mình không ai qua được!
Đó cũng là bước ngoặt đưa Mười Út chính thức đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Như nhiều nghệ sĩ khác khi đi hát cần có nghệ danh, mọi người bảo ông tự chọn nghệ danh cho mình. Ông nghĩ mình tên Út, quê Trà Ôn, thì cứ đặt Út Trà Ôn, nghe vừa giản dị vừa có tình với quê hương. Từ đó, nghệ danh Út Trà Ôn xuất hiện và dần được nhiều người biết đến. Ông cho biết thêm: "Khoảng năm 1943- 1944, tôi đi diễn khắp nơi với gánh Tiến Hóa của ông bầu Trúc Viên- Trương Gia Kỳ Sanh. Bạn diễn cùng có Tấn Thành, Tám Đỏ, Ba Giáo,… là những nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Trương Gia Kỳ Sanh là người thẳng thắn, cương trực, tâm huyết với nghề nghiệp. Quan điểm sống của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi".
Đến năm 1945, Út Trà Ôn chuyển sang hát cho đoàn Mộng Vân của soạn giả tài danh Mộng Vân, người đã viết tuồng Thái tử lưng gù cho ông diễn, khi thu đĩa thì đổi tựa là Một người anh. Út Trà Ôn cũng bắt đầu được giao đóng kép chính trong các vở Ba ngọn đèn xanh, Triều Tiên vong quốc sử, Đêm tơ vương… Con đường ca hát của ông lên như diều gặp gió. Vào năm 1960, nhà báo Trần Tấn Quốc tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến khán giả trên nhật báo Tiếng Dội để chọn giọng ca hay nhất và Út Trà Ôn đã được tôn vinh Đệ nhất danh ca miền Nam, còn Huỳnh Thái ở Hà Nội là Đệ nhất danh ca miền Bắc.
Nhận xét về đồng nghiệp, soạn giả lừng danh Viễn Châu, người viết riêng bản tình ca Tình anh bán chiếu cho Út Trà Ôn hát, nói rằng: "Anh Mười luôn cầu tiến. Cách rèn giọng của anh được người trong nghề kính phục vì biết tạo âm vực đủ để khi phát âm tròn vành, rõ chữ. Anh còn có khiếu sắp văn chẻ nhịp... Nếu lắng nghe Út Trà Ôn ca và có óc phân tích, bạn sẽ nhận biết ngay thế mạnh của anh trong câu vọng cổ chính là chữ "hơ" điêu luyện và dấu sắc, dấu hỏi chất chứa sự giàu có của làn hơi".
Có công đưa bản vọng cổ lên đỉnh cao
Út Trà Ôn là người có côn
NSND Út Trà Ôn. |
g lớn đưa bản vọng cổ phát triển đỉnh cao thành lối ca hoàn chỉnh cho tới ngày nay. Nếu như nghệ sĩ Sáu Lầu là người khai mở vọng cổ với bản Dạ cổ hoài lang nhịp 4, nghệ sĩ Năm Nghĩa là người đầu tiên có công phổ biến rộng rãi bản vọng cổ nhịp 8 với Vì tiền lỗi đạo, thì nghệ sĩ Út Trà Ôn là người đưa bản vọng cổ lên đỉnh cao với bản Tôn Tẩn giả điên do vị Yết Ma Hòa thượng sáng tác riêng cho ông hát, với nhịp 16, tức tiếp tục tăng gấp đôi so với nhịp 8 bản của Năm Nghĩa. Ấy là từ năm 1946, mỗi câu của bản vọng cổ dài thêm bằng nhịp 16, như 6 câu trong bản Tôn Tẩn giả điên:
"Úy trời đất ôi! Nỗi đoạn trường, cũng vì tôi đây quá tin thằng Bàng Quyên là bạn thiết cho nên ngày hôm nay thân của tôi phải ra nông nỗi…
(…) Vậy thì tôi đây vọng nguyện với tôn sư, khai thơ cứu mạng. Ủa sao tôi chẳng thấy điều chi lạ, chỉ thấy trong thơ có một chữ "Cuồng". Ờ, ờ, phải rồi, đây thầy tôi bảo tôi giả điên đặng có thoát thân".
Một sáng tạo độc đáo của Út Trà Ôn là trong bản vọng cổ nhịp 16, ông còn nghĩ ra cách thêm vào những câu hò câu lý và nói thơ Lục Vân Tiên vốn phổ biến ở Nam Bộ. Ông cho hay, từ câu hò Đồng Tháp, ông chuyển sang câu ca:
"Hò… hơ, chết tôi tôi chịu chớ đừng có bận bịu bớ điệu chung tình
Hò… hơ, chớ con nhạn bay cao rồi khó bắn
Hò… hơ, con cá ao Quỳnh cũng khó câu".
Lúc đó vọng cổ còn 20 câu chứ không phải rút xuống chỉ 6 câu như bây giờ, nên câu thứ 13 phải dứt bằng chữ "xê" thì Út Trà Ôn lại chuyển sang dứt bằng câu hò, nghe hay mà lạ. Rồi dựa theo cách nói thơ Vân Tiên, ông cũng chuyển thành câu ca:
"Cả kêu bớ chị đưa đò
Kêu hoài sao chẳng thấy con đò đưa
Càng chờ càng đợi càng trưa cái buổi đò…"
Đa tài và đa tình
Dù đã từng đóng hàng trăm vai cải lương nhưng Ông Cò quận 9 trong Tuyệt tình ca vẫn là vai diễn mà Út Trà Ôn tâm đắc nhất và gây ấn tượng nhất đối với khan giả. Đây là vai diễn mà hai soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng viết riêng cho Út Trà Ôn thủ diễn khi ông đã bước vào tuổi ngũ tuần không thể cạnh tranh những vai diễn trẻ với lớp trẻ đi sau. Trường hợp này cũng giống như "vua soạn lời vọng cổ" Viễn Châu viết riêng Tình anh bán chiếu và hàng trăm bản vọng cổ khác cho Út Trà Ôn hát. Sự ăn ý trong sáng tạo và biểu diễn ấy thật ấn tượng.
Út Trà Ôn là nghệ sĩ đa năng và không kén chọn vai. Ông tâm sự: "Loại vai nào tôi cũng diễn, miễn là nhân vật đó có kịch tính, có số phận éo le, gay cấn, từ vai mùi tới vai độc, vai lão, vai hề. Trong tuồng cải lương San hậu, tôi làm hề, với vai Út Cà Lăm khá thành công. Còn tuồng Lãnh Cầu Bông thì tôi thủ vai Hùng Đôla trùm du đãng. Tôi có cô người yêu, sau khi được mời đi xem tuồng này, ghét nhân vật độc ác, nên cũng… ghét và "xù" tôi luôn"!
"Hoàng đế vọng cổ" Út Trà Ôn còn được biết đến là một nghệ sĩ rất đa tình. May mắn là ông có người vợ hiểu biết, thần tượng chồng, không bao giờ biểu hiện sự ghen tuông, mà luôn cố gắng giữ gìn hạnh phúc cho gia đình cũng như bảo vệ uy tín sự nghiệp của chồng. Cũng vì lẽ đó, Út Trà Ôn luôn tôn trọng vợ và chỉ có duy nhất một dòng con với bà, gồm ba trai ba gái, trong đó cô con gái út là ca sĩ Bích Phượng nối nghiệp cha mà ông rất tự hào.
PHAN HOÀNG
|
trà ôn, xuất hiện, sài gòn, đời sống, nghệ thuật, sân khấu, hoàng đế, cuộc đời, sự nghiệp, trở thành, tiêu biểu, ý chí, tài năng, cổ truyền, nam bộ, thế kỷ
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc