Hắc – Bạch công tử đốt tiền nấu chè để chinh phục mỹ nhân

Cô Bảy Phùng Há

Cô Bảy Phùng Há

Theo giai thoại, để nấu sôi được nồi chè có 1kg đậu xanh trong thời gian gần 1 tiếng đồng hồ, Hắc Công tử đã đốt hết 10.000 đồng Đông Dương mà vẫn thua. Còn Bạch Công tử chỉ đốt số tiền 1.000 đồng mà lại thắng.
Hac – Bach cong tu

Hắc Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (trái) và Bạch Công tử Mỹ Tho Lê Công Phước (phải). Ảnh tư liệu
 

2 m nhân khiến 2 công tử mê mệt là ai?

Người xưa kể rằng, Bạch công tử Mỹ Tho Lê Công Phước và Hắc công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy ngoài việc ganh đua nhau về các ngón nghề ăn chơi thì cả hai cùng ngấm ngầm đổ tiền chinh phục 2 người đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ. Hai người đẹp đó là cô đào cải lương Phùng Há và cô Ba Trần Ngọc Trà. Chính 2 người đẹp này đã khiến Hắc - Bạch công tử cùng chơi ngông... đốt giấy bạc trong nhiều dịp và tạo nên giai thoại bất hủ về sau.

Cô đào cải lương Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (1911 - 2009) ở làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Cha của bà quê gốc ở huyện Hạc Sạn, tỉnh Quảng Đông,Trung Quốc. Thân mẫu của bà là Lê Thị Mai, người làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Bà Phùng Há là con thứ 6 trong gia đình, nhưng theo thứ bậc gia đình của người miền Nam thì bà là thứ bảy. Tên Phụng Hảo phát âm theo Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy bà còn được gọi là Bảy Phùng Há.

Do hoàn cảnh gia đình, bà Hảo sớm nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Năm 13 tuổi, bà đi làm công trong 1 lò gạch. Một dịp tình cờ, giọng ca thiên phú của bà đã lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban. Năm 1924, khi ông bầu Hai Cu thành lập gánh hát Tái Đồng Ban, bà được mời tham gia với vai đào chính để đóng cặp với kép chính Năm Châu. Ông Năm Châu cũng là người gợi ý bà sử dụng cái tên Phùng Há làm nghệ danh. Từ đó mới xuất hiện cô đào cải lương sau này cực kỳ nổi danh: Bảy Phùng Há.

Hac – Bach cong tu dot tien nau che de chinh phuc my nhan-hinh-anh-1
 Chân dung Bạch công tử và cô đào Bảy Phùng Há

Còn cô Ba Trần Ngọc Trà, theo nhiều người kể lại thì quê ở làng Phước Khánh, huyện Cần Giuộc, Tân An, không ai rõ năm sinh, năm mất. Ở Nam Kỳ, vào các thập niên 1920 và 1930, cô Ba Trà là người nổi tiếng về sắc đẹp, thường được phong cho danh hiệu “Hoa hậu Đông Dương” mặc dù chẳng có cuộc thi Hoa hậu Đông Dương nào được tổ chức lúc đó. Cô Ba Trà đẹp nổi tiếng trong giai đoạn Hắc công tử và Bạch công tử thi nhau ăn chơi. Vì vậy không lạ gì khi cả 2 ông cùng ném tiền vào để chinh phục “Hoa hậu Đông Dương”.

Sau khi cha mất, cô Ba Trà theo mẹ rời Tân An về Sài Gòn sinh sống và trở nên nổi tiếng nhờ sắc đẹp. Có nhiều người cho rằng cô Ba Trà đẹp đến nỗi ngân hàng lúc đó đã in hình của cô trên giấy bạc. Nhà dây thép (bưu điện) Đông Dương hoạ hình cô để in thành tem thư. Hãng xà bông Trương Văn Bền lớn nhất Việt Nam lúc đó cũng xin phép được in hình cô làm nhãn hiệu “Xà bông Cô Ba” bán trên toàn cõi Đông Dương. Tuy nhiên theo sách Sài Gòn Tạp Pí Lù của học giả Vương Hồng Sển, cô Ba Trà thực ra là 1 gái làng chơi cao cấp ở Sài Gòn và nghiện cờ bạc nặng.

Do có sắc đẹp, cô Ba Trà đã làm các ông phủ, ông huyện, các công tử con nhà giàu, thầy thông, thầy ký đều thèm thuồng. Hắc công tử và Bạch công tử cũng không phải là ngoại lệ! Chuyện kể rằng không cần cô Ba Trà mở lời, hễ Bạch công tử nghe nói Hắc công tử tặng cô Ba Trà món quà quý nào thì ông hỏi giá và tìm mua cho kỳ được món quà đắt hơn để tặng người đẹp. Ngược lại Hắc công tử cũng làm như Bạch công tử, nên cô Ba Trà nghiễm nhiên sở hữu rất nhiều quà tặng quý giá của 2 công tử, kể cả những món đắt tiền như nhà cửa, xe hơi.
Hac – Bach cong tu dot tien nau che de chinh phuc my nhan-hinh-anh-2
 Cô Ba Trần Ngọc Trà

Giai thoại về trò đốt tiền chinh phục người đẹp

Trong chuyện Hắc - Bạch công tử đua nhau chinh phục 2 người đẹp, dân gian truyền tụng nhiều nhất giai thoại 2 công tử thi nhau đốt tiền. Lần đốt tiền thứ nhất, ai cũng có thể kể vanh vách nhưng không ai nhớ rõ năm nào, là khi Bạch công tử đưa gánh hát của mình về Bạc Liêu biểu diễn “lấy le” với Hắc công tử. Trong lúc này, Hắc công tử Ba Huy đang muốn “khoe mẽ” chinh phục cô đào Phùng Há là đào chính trong đoàn cải lương của Bạch công tử.

Chuyện kể, trong lúc đào kép đang diễn trên sân khấu thì Bạch công tử ngồi kề bên Hắc công tử móc túi lấy thuốc lá ra hút, vô tình làm rơi tờ giấy bạc mệnh giá 5 đồng (giấy bạc có hình bộ lư) xuống đất, nên khom xuống loay hoay tìm. Do trong rạp hát quá tối nên Bạch công tử tìm không thấy tờ bạc. Lúc đó Hắc công tử quay sang hỏi một câu nửa Tây nửa Việt: “Toa (anh - đại từ nhân xưng tiếng Pháp) làm gì vậy?”. Bạch công tử thật thà trả lời: “Moa (tôi) làm rớt tờ bạc 5 đồng, tìm hoài không thấy”. Nghe vậy, Hắc công tử không nói không rằng, móc túi lấy tờ giấy bạc 100 đồng (giấy cent, có hình con công) bật quẹt đốt làm đuốc cho Bạch Công tử tìm tờ bạc 5 đồng. Bạch công tử chết lặng vì “quê độ” giữa đám đông quan khách.

Sự việc này làm Bạch công tử Tư Phước rất tức giận nên tìm cách trả đũa. Bạch công tử nghiên cứu kỹ càng và thách đấu Hắc công tử đốt giấy bạc lần nữa. Nội dung Bạch công tử thách đấu như sau: Ông và Hắc công tử Ba Huy mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ để thay củi nấu nồi chè, trong đó có 1kg đậu xanh. Ai nấu nồi chè sôi trước, tức phải châm giấy bạc liên tục, thì người đó thắng. Hắc công tử Ba Huy nhận lời thách đấu, địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà của Hắc công tử ở Bạc Liêu.

Cô Ba Trà, người mà cả 2 công tử đang theo đuổi, chinh phục, được mời từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu làm trọng tài của cuộc tỉ thí đốt tiền nấu chè, với sự theo dõi của hàng trăm người hiếu kỳ. Người ta kể rằng do giấy bạc làm bằng loại giấy khó cháy, tỏa nhiệt không nhiều nên 2 công tử mất gần 1 giờ để nấu chè. Hắc công tử đốt những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn 100 đồng Đông Dương, còn Bạch Công tử chỉ đốt những tờ giấy bạc mệnh giá 10 đồng để thi nấu đậu. Kết thúc cuộc thi, Bạch công tử lại chiến thắng. Hắc công tử đã thua trận, chỉ biết nói 1 câu cho đỡ quê: “Chú em mày nhỏ tuổi nên háo thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”.

Theo giai thoại, Hắc công tử đã đốt hết 10.000 đồng Đông Dương mà vẫn thua, còn Bạch công tử chỉ đốt số tiền 1.000 đồng mà lại thắng.

 

Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống