Phạm Duy Khiêm (1908 – 1974)

Chân dung học giả Phạm Duy Khiêm

Chân dung học giả Phạm Duy Khiêm

Tôi biết tiếng ông từ lâu, từ những năm 1945 – 46 khi tôi bắt đầu vào học bậc trung học. Người ta đồn ông là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào trường Cao Đẳng Sư Phạm phố Ulm (ENS rue d’Ulm) lừng danh của Pháp, và cũng là người Việt Nam đầu tiên đỗ Thạc sĩ Văn phạm Pháp (Agrégé de Grammaire), người viết văn Pháp “hay hơn cả người Pháp”.
Về sau, do mượn được cuốn “Légendes des terres sereines” (Huyền truyện
miền thanh lãng) do nhà xuất bản Mercure ở Pháp ấn hành, tôi mới thấy quả thực ông
viết văn Pháp hay thật, văn phong sáng sủa, dễ đọc, dễ hiểu. Đương thời cũng không ít
người chê bai, rằng ông theo Tây, mất gốc, chỉ giỏi viết văn Pháp còn văn tiếng Việt
thì…chịu; ví như nhà thơ Tú Mỡ đã có bài thơ trào phúng giễu ông:
Văn Tây ông thuộc làu làu
Còn văn Quốc ngữ, lắc đầu rằng…non!
Có thực thế hay không? Chỉ riêng cuốn Huyền truyện miền thanh lãng viết lại
khoảng 30 truyện cổ tích và giai thoại văn học cổ Việt Nam lẫn Trung Hoa (Trương Chi,
Khuất Nguyên, Quan âm Thị Kính, Hòn vọng phu, Chử Đồng tử - Tiên Dung, Giấc mộng
Nam kha, Sự tích trầu cau…) cũng đủ chứng tỏ Phạm Duy Khiêm thấm nhuần văn học cổ
Việt Nam và Trung Hoa từ nhỏ, luôn nhớ đến cội nguồn, đâu phải là người mất gốc!
Phạm Duy Khiêm sinh ngày 24 – 4 – 1908 tại Hà Nội trong một gia đình nền nếp
cổ; ông thân sinh là nhà văn Phạm Duy Tốn, một nhà văn thuộc lớp đầu của nền văn học
quốc ngữ ở nước ta, cùng thời với các cụ Nguyễn Bá Học, Dương Bá Trạc…Năm 15
tuổi, đang học lớp Troisième (3e
année, tương đương lớp 9 hiện nay) trường Albert
Sarraut thì cụ thân sinh mất, ông buộc phải cùng mẹ gánh vác gia đình, nuôi 4 em nhỏ
đồng thời lo trả nợ thay bố. Nhờ được cấp một học bổng tư, ông tiếp tục theo học hết bậc
trung học ở Albert Sarraut, nổi tiếng học giỏi, thường đứng đầu lớp. Ông theo học Ban
Cổ điển (Série classique) là ban chuyên học các ngôn ngữ cổ Phương Tây, như tiếng Hi
Lạp, tiếng La Mã, và các nền văn học Hi – La, học không dễ. Tiếng Hi Lạp, La Mã có
quan hệ với nhiều ngôn ngữ Phương Tây hiện đại như tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh….
Năm 1928, ông đỗ bằng Tú tài Cổ điển (Baccalauréat classique). Do học giỏi, ông
được cấp học bổng sang Pháp du học; thi đỗ vào trường Louis le Grand, một trường
nổi tiếng, để chuẩn bị thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm phố Ulm (Ecole Normale
Supérieure rue d’Ulm), một trường đại học bậc nhất nước Pháp; trường này hàng năm chỉ
tuyển vài chục sinh viên trong hàng ngàn thí sinh các nước. Người nào viết sách chẳng
hạn, chỉ cần ghi trên bìa tên tác giả kèm “Cựu sinh viên trường ENS” là đủ gây tín
nhiệm cao rồi. Ông học cùng lớp, kết bạn với Georges Pompidou và Léopold Senghor,
sau này một người trở thành tổng thống Pháp, một người trở thành tổng thống Sénégal; 
tình bạn tay ba giữa một người da trắng, một da vàng, một da đen, là rất độc đáo, được
nhiều người đương thời ca ngợi. Năm 1931 ông tốt nghiệp trường ENS, năm 1935, đỗ
bằng Thạc sĩ Văn phạm (Agrégé de Grammaire). Như vậy ông đã nêu 2 kỷ lục: “Người
VN đầu tiên đỗ vào trường ENS” và “Người VN đầu tiên đỗ Thạc sĩ Văn phạm”.
Với bằng cấp như vậy, ông dễ dàng xin việc ở Pháp, hưởng cuộc sống an nhàn phú quý,
song ông quyết tâm về nước chăm sóc mẹ già và …lo trả nốt nợ. Ông xin vào dạy ở
trường Albert Sarraut với đồng lương tuy khá song kém xa lương một sĩ quan cảnh sát
Pháp, chỉ “vì ông là người bản xứ”. Tuy bực tức trước sự bất công, song khi có người
khuyên ông xin vào “làng Tây” để có đồng lương cao hơn, ông kiên quyết không
nghe. Ông tự xác định mình là người Việt Nam, song lại cũng thấy mình chịu ơn nước
Pháp quá nhiều, hai tình cảm này giằng xé nhau trong ông, khiến đôi lúc ông có những
hành động mà người ngoài khó hiểu, kết tội ông là mất gốc, ví như tháng 9 – 1939, đang
ở Việt Nam, ông tự nguyện xin gia nhập quân đội Pháp đang đánh nhau với Đức, dứt
khoát xin làm binh nhì ra trận, có lẽ vì tính ưa sòng phẳng, nghĩ rằng chịu ơn thì phải trả
ơn và cũng có thể vì lòng yêu công lý và lòng căm giận phát xít Đức xâm chiếm, tàn sát
người Ba Lan, người Do Thái…Tháng 6 – 1940, Pétain ký hòa ước với Đức, giải thể
quân đội, ông mới giải ngũ, lại về sống ở Việt Nam. Về nước, ngoài dạy học ông còn
viết sách, viết văn, làm báo…đứng ngoài thời cuộc. Ông không theo chính phủ Hồ Chí
Minh, song cũng không tán thành Bảo Đại. Năm 1950, mẹ mất, ông sang định cư ở Pháp.
Về sau, ông cũng có ý muốn đem tài năng phụng sự đất nước, nhưng bình sinh
ông là người trung thực, thẳng thắn, sống có nguyên tắc, yêu công lý, ghét xu nịnh,
không chịu khuất phục trươc bất kỳ áp lực nào; tính cách này khiến ông không thể
làm chính trị được. Sự nghiệp chính trị của ông chỉ kéo dài gần 3 năm, từ tháng 7 – 1954
– khi ông nhận làm Bộ trưởng phủ Thủ tướng cho chính phủ Ngô Đình Diệm – cho đến
1957, khi ông rời khỏi chức vụ Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp. Sau đó, ông vĩnh
viễn xa rời chính trường. Về sau, phát biểu về việc nhận làm đại sứ ở Pháp, ông nói một
cách kiêu hãnh: “Tôi đem lại cho chính phủ Ngô Đình Diệm một danh vị, một uy tín.
Tôi là người cộng sự chứ không phải tay sai như ai”. Thật vậy, cuộc đời ông, chủ yếu
là dạy học và viết văn.
Như đã nói, năm 1935 khi mới đỗ thạc sĩ văn phạm, ông về nước dạy ở trường
Albert Sarraut, về sau khi rời chính trường năm 1957, ông từ chối không nhận làm công
chức cho chính phủ Pháp, mà trở lại làm thầy giáo, nhận dạy cho một số trường tư thục
Pháp để kiếm sống với mức lương thấp hơn nhiều. Dù dạy ở đâu, ông cũng đòi hỏi cao ở
học trò, nổi tiếng là khắt khe, cho điểm chặt. Lúc dạy ở Albert Sarraut, ông bị học sinh
người Việt oán vì thầy không nâng đỡ còn học sinh người Pháp căm giận ví bị một giáo
sư người bản xứ phê phán mắng mỏ. Thời kỳ ấy, bài luận tiếng Pháp bị điểm 6/20 là điểm
thấp, điểm loại (note éléminatoire), song thầy Khiêm có bài còn cho điểm 2/20, 3/20,
thậm chí có bài còn bị điểm “âm”.
Về viết văn, ông viết kỹ, viết không nhiều, chủ yếu là viết bằng tiếng Pháp, chỉ có
một cuốn duy nhất viết bằng tiếng Việt là cuốn “Việt Nam Văn phạm”, soạn chung với
Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, in năm 1941.
Ba tác phẩm chính là:
- De Hanoi à Courtine (từ Hà Nội đến Cuốc-tin) do nhà xuất bản Taupin in lần
đầu ở Hà Nội năm 1941; năm 1958 nhà xuất bản Plon ở Pháp in lại, đổi tên là “La place
d’un homme” (Vị trí con người). Đây là một cuốn có thể coi là tự truyện.
- Légendes des terres sereines (Huyền truyện miền thanh lãng), nhà xuất bản Plon
năm 1943 in lần đầu 2000 cuốn, không đủ bán, phải tái bản 2 lần nữa cũng trong năm
1943, được trao giải “Văn chương Đông Dương” (Prix littéraire de l’ Indochine). Cuốn
này được ưa thích và đánh giá cao vì văn phong đậm chất thơ, mang nặng tâm hồn Việt,
văn hóa Việt.
- Nam et Sylvie (Nam và Sin-vi) in năm 1957, được trao giải Louis Barthou của
Viện Hàn Lâm Pháp. Đây cũng là cuốn tự truyên, tiếp theo cuốn “De Hanoi à
Courtine”.
Các cuốn khác là:
- 1942: De Courtine à Vichy, bị cấm xuất bản
- 1944: La jeune femme Nam Xương (Thiếu phụ Nam Xương), NXB Plon in.
- Ma mère (Mẹ tôi): chưa xuất bản.
Các tác phẩm của ông luôn thể hiện lòng tự hào dân tộc đối với đất nước Việt
Nam. Ngoài ra còn nhiều bài diễn văn được đọc trong các buổi lễ phát thưởng kết thúc
năm học, lễ nhận bằng. Đặc biệt bài diễn văn ông đọc ở trường đại học Toulouse nhân
dịp ông được nhà trường trao bằng Tiến sĩ danh dự ngày 5 – 7 - 1957, được đánh giá cao,
được trích đăng lại trong Bản tin (Bulletin) số 29 năm 1968 của Hội ALAS Paris. Ông
cho biết sở dĩ ông viết văn bằng tiếng Pháp, một ngôn ngữ thông dụng trên thế giới, là vì
ông muốn dùng tiếng Pháp để truyền bá văn hóa Việt Nam. Ông nói: “Học giả Phạm
Duy Khiêm góp phần xây dựng Việt ngữ, nhưng nhà văn Phạm Duy Khiêm phải tạo
uy danh Việt Nam trên văn đàn thế giới”.
Than ôi! Mong ước là như thế song về sau ông phải chua chát, đau đớn thốt lên
rằng văn mình đã không còn hợp thị hiếu chung, mình đã bị “lạc mốt”. Cuốn Ma mère
viết về mẹ ông, ông rất tâm đắc, song không nhà xuất bản nào ở Pháp chịu in; giáo sư
Nguyễn Đình Hòa định cư ở Mỹ - trong một lần đến thăm lúc ông đã rút về sống trong
túng thiếu và cô đơn ở nông trại riêng La Hertaudrie thuộc quận Montreuil le Henri, vùng
Sarthe, cách Pa-ri chừng 200 km - đã ngỏ ý xin đem cuốn ấy sang Mỹ, dịch ra tiếng Anh
để xuất bản, song ông không chịu, nói rằng nó phải được in bằng tiếng Pháp, ở Pháp, để
rồi, sau khi ông qua đời, bản thảo đã bị thất lạc đâu đó, không ai biết…Ngày 2 – 12 –
1974 ông đã chủ động tự kết liễu cuộc đời tại nông trại bằng cách mở ống khí đốt
trong nhà, rồi mặc quần áo chỉnh tề; khi sắp bất tỉnh, mở cửa ra sân, lặng lẽ trầm
mình xuống ao trước nhà.
Tính cách ông là thế, nhất quán suốt đời. Yêu công lý, trọng lẽ phải, ghét xu
nịnh, trung thưc, thẳng thắn, đòi hỏi cao với mình cũng như với người khác. Bạn bè
còn truyền tụng một số “giai thoại” về ông. Khi làm tổng thống, ông Georges Pompidou
ngỏ ý muốn gặp bạn học cũ; ông Khiêm phát biểu “gặp bạn cũ thì được, còn yết kiến
tổng thống thì không”! Tổng thống Sénégal Léopold Senghor, vốn là một thi sĩ sáng tác
bằng tiếng Pháp, gửi tặng bạn một tập thơ mới in, ông Khiêm đọc rồi gạch xóa, sửa chữa
bằng mực đỏ, xong, gửi trả lại! Còn khi ông làm đại sứ, vốn có một “quỹ đen” dành riêng
cho đại sứ tiêu dùng; sau khi rời bỏ chức vụ ông hoàn toàn có thể lấy một số mang theo
chi dụng mà không ai biết, song ông ra đi tay trắng để rồi chịu cuộc sống eo hẹp, không
chịu vì tiền mà bán rẻ nhân cách. Em ruột ông, nhạc sĩ Phạm Duy, khi hồi tưởng lại thời
thơ ấu cũng có vẻ oán hận ông anh lúc ấy quá khắt khe, quá khô khan, ít tình cảm. Nhà
nghiên cứu văn học Thụy Khuê nhận xét: “Đó là người không chống ai, chỉ chống bất
công, áp bức.Coi rẻ tiền tài, quyền lực. Liêm khiết, thẳng thắn, khó với người và
khó cả với mình. Yêu nước, có trách nhiệm với gia đình. Vẻ ngoài cứng rắn bao bọc
một nội tâm mềm yếu, vô cùng nhạy cảm, suốt đời cô đơn. Chán đời từ trẻ, hấp thụ
trọn vẹn 2 nền văn hóa Đông Tây. Rất Khổng Mạnh trong nghĩa chính nhân quân
tử nhưng lại rất Tây trong tư tưởng và hành động”.
Năm 1977, Hội Cựu giáo chức và Cựu học sinh Albert Sarraut ở Pháp (Hội ALAS
Paris) đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm Phạm Duy Khiêm ngay tại mộ ông. Toàn thể
Ban Chấp hành hội gồm Hội trưởng Bùi Xuân Nhuận, các Hội phó Germaine de Sadville
và George Jugain, Tổng thư ký Pierre Monthuis, Thủ quỹ Etienne le Gac, quận trưởng
quận Montreuil le Henri cùng một số họ hàng, bạn bè, hàng xóm của ông, tất cả khoảng
15 người, đã đến đặt một tấm Bảng kỷ niệm (Plaque mémorial) bằng đá ở mộ ông, trên
bảng ghi: “À notre ami Pham Duy Khiem, en témoignage de l’affection des Anciens du
Lycée Albert Sarraut de Hanoi”. Sự kiện này đã được tường thuật trong Bản tin (Bulletin)
số 64 (7 – 1977) của Hội.
Khởi thảo: 12 – 8 – 2012
Hoàn thành: 10 – 9 – 2012

ST