Nhà văn Đoàn Giỏi: Cây đước Nam Bộ

Nhà văn Đoàn Giỏi

Nhà văn Đoàn Giỏi

Nhà văn Đoàn Giỏi với những tác phẩm của mình - đặc biệt là “Đất rừng phương Nam”- được xem là người đưa Nam Bộ đến với bạn đọc miền Bắc. Những trang văn của ông hồn hậu, gần gũi đã mở ra cả một thế giới xa lạ, trong trẻo, quyến rũ.

Nhà văn Đoàn Giỏi.

Mới đây, bộ sách gồm 9 tác phẩm để đời của nhà văn Đoàn Giỏi đã được tái bản. Bạn đọc có thể gặp lại những trang viết cuốn hút, sinh động trong “Đất rừng phương Nam”, đồng thời cầm trên tay những tác phẩm như “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”, “Cá bống mú”, “Hoa hướng dương”, “Rừng đêm xào xạc”, “Tê giác trong ngàn xanh”, “Những chuyện lạ về cá”… 

Có thể nói, kể từ khi nhà văn Đoàn Giỏi qua đời (4/1989), đây là lần đầu tiên tác phẩm của ông trở lại với bạn đọc một cách đầy đủ và ấn tượng nhất. Ấn bản mới được NXB Kim Đồng in đẹp, chăm chút công phu và tỉ mỉ về mỹ thuật. Các họa sĩ trẻ với những đường nét, màu sắc trẻ trung trong thiết kế bìa, tranh minh họa, tranh ở các postcard đã chắp thêm sinh khí vào những trang viết trong mỗi tác phẩm.

Ít người biết rằng, sinh thời, nhà văn Đoàn Giỏi là người sống tình cảm và rất kỹ càng, cẩn thận với chữ. Cụ thể như với tác phẩm “Đất rừng phương Nam”, mỗi lần tái bản ông đều sửa chửa, viết thêm. Theo tiết lộ của nhà văn Lê Phương Liên: “Lần cuối cùng nhà văn Đoàn Giỏi sửa, đó là bản in năm 1982. Đây cũng là bản “Đất rừng phương Nam” hay nhất được in đi in lại cho đến ngày nay”. Như vậy, tính từ bản in đầu chỉ dày hơn trăm trang, đến bản in mới đây, “Đất rừng phương Nam” dày tới hơn 300 trang.

Sức hấp dẫn từ những trang viết của Đoàn Giỏi hoàn toàn là sự thật. Ông là người đã gieo những hạt mầm vào tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ. Với bạn đọc miền Bắc, ông còn là người có công đưa vùng đất Nam Bộ đến với bạn đọc miền Bắc. Nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà văn Tô Hoàng, nhà văn Trần Đức Tiến đều công nhận, vào những năm 50 đầu 60 của thế kỷ trước, Nam Bộ xa xôi bỗng trở nên gần gũi hơn qua những trang viết sống động và cuốn hút của nhà văn Đoàn Giỏi. 

Cảnh trong phim “Đất phương Nam”.

Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, để hình dung đúng nhất về nhà văn Đoàn Giỏi phải lấy hình ảnh cây đước Nam Bộ. Cây đước giản dị, gần gũi nhưng lại ẩn chứa sức sống đầy mạnh mẽ mới là sự tái hiện gần nhất về văn chương và con người Đoàn Giỏi. Văn của Đoàn Giỏi cũng thế, giản dị, dễ đọc, dễ hiểu nhưng lại ẩn chứa những giá trị lớn về văn hóa Việt Nam. 

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn- người trước đây đã đưa tác phẩm “Đất rừng phương Nam” lên màn ảnh qua bộ phim truyền hình “Đất phương Nam”, nhớ lại, khi đang sống tại Phan Rang (4/1975), lần đầu tiên Nguyễn Vinh Sơn được đọc tác phẩm “Đất rừng phương Nam”. Ấn tượng về vùng đất đó tác động mạnh mẽ đến ông. Chính vì thế, đến khi chuyển vào Đồng Tháp sinh sống, Vinh Sơn không có cảm giác lạ lẫm, dù ông là người Huế vốn có cách sống khác biệt. Đến khi trở thành đạo diễn, một trong các dự án phim truyền hình đầu tiên và tâm huyết ông tham dự chính là “Đất phương Nam”.

Tuy nhiên, đạo diễn Vinh Sơn chia sẻ, vì nhiều lý do, bộ phim “Đất phương Nam” đã bị giảm bớt đi khoảng 10 tập, bỏ qua nhiều chi tiết, hình ảnh độc đáo. Vì vậy, ông thừa nhận: “Đến giờ, tôi vẫn chưa xài hết những chất liệu về “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, vẫn còn đủ để làm một dự án phim điện ảnh về vùng đất này” . Đây cũng chính là lý do để hiện nay, đạo diễn đang khởi động lại dự án phim điện ảnh về “Đất phương Nam” với mong muốn phát huy trọn vẹn những giá trị sáng tác của Đoàn Giỏi.  

Tác giả bài viết: Bảo Quỳnh

Nguồn tin: duyenclvn theo daidoanket.vn