Người có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn hóa - văn nghệ Việt Nam hiện đại

GS Hà Minh Đức

GS Hà Minh Đức

GS, NGND Hà Minh Đức sinh ngày 3-5-1935 tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. GS thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội - nay là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, khi vừa tròn 22 tuổi. Cho đến nay, bước sang tuổi 80, với gần 60 năm liên tục giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, GS Hà Minh Đức đã góp phần phát triển và mở mang nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.

GS Hà Minh Đức (trong ảnh) bắt đầu sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và thành danh từ khi còn rất trẻ. Năm 26 tuổi, GS đã có tác phẩm gây ấn tượng: Nam Cao - nhà văn hiện thực xuất sắc; chỉ sau mấy năm, GS cho xuất bản cuốn Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại viết chung với GS Bùi Văn Nguyên, rồi Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại. Thầy cùng với GS Phan Cự Đệ viết cuốn Nhà văn Việt Nam 1945 - 1975, nêu lên những vấn đề cơ bản của văn học Việt Nam hiện đại đầy thuyết phục và có tính gợi mở khoa học cao. Là một chuyên gia nghiên cứu lý luận văn học, GS đã sớm công bố nhiều chuyên luận và giáo trình về lý luận, và phương pháp nghiên cứu văn học. Không chỉ quan tâm tìm hiểu những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ, GS Hà Minh Đức còn đi sâu khảo cứu khuynh hướng tư duy, tính triết lý, triết luận, năng lực, giá trị thẩm mỹ... của các nhà lý luận kinh điển. Điều quan trọng là, các công trình của GS đã chỉ ra khả năng vận dụng những năng lực, tư duy, giá trị ấy trong nghiên cứu, sáng tác văn học, phù hợp với bối cảnh xã hội và con người Việt Nam.

Từ công trình Sự nghiệp văn chương và báo chí Hồ Chí Minh, cho đến những diện mạo đặc sắc như Tự lực văn đoàn và Phong trào Thơ Mới... các công trình của GS đã có nhiều đóng góp lớn trên phương diện học thuật. Với gần 50 tác phẩm, công trình viết chung và riêng đã xuất bản... GS Hà Minh Đức đã và vẫn còn đang tiếp tục minh chứng cho sự kiên trì và tận hiến đối với văn chương nghệ thuật và nền văn hóa nước nhà.

Với tư cách nhà khoa học, GS đã có những đóng góp xuất sắc trên nhiều lĩnh vực học thuật. Cùng với các nhà giáo: Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu và nhiều nhà giáo, nhà khoa học khác, GS Hà Minh Đức đã làm nên tên tuổi, vị thế khoa học của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về văn học Việt Nam, trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng Khoa Ngữ văn - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, của các khoa Văn học, Ngôn ngữ, Báo chí và Truyền thông của Trường ĐHKHXH&NV hiện nay, mà còn là niềm tự hào chung của giới giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác văn học nước nhà.

Ở GS Hà Minh Đức có sự song hành giữa lý trí, tư duy khoa học và tâm hồn của người nghệ sĩ. Vừa giảng dạy, nghiên cứu, GS vừa ham mê sáng tác. Hai thể loại sở trường của GS là ký và thơ. Đến nay GS đã xuất bản bảy tập thơ và bảy tập bút ký. Những câu chuyện, những cảm xúc, những kỷ niệm từ cuộc đời gần gũi, chân thực được độc giả và giới chuyên môn đánh giá cao.

Không chỉ là một nhà giáo, nhà khoa học tài năng, GS Hà Minh Đức còn là một nhà quản lý giàu năng lực và kinh nghiệm. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp của lĩnh vực báo chí - truyền thông, GS Hà Minh Đức được giao trọng trách thành lập Khoa Báo chí của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành Chủ nhiệm Khoa đầu tiên. Bằng bản lĩnh, uy tín khoa học và nhiệt tâm của mình, GS đã có những đóng góp to lớn trong công tác đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống lý luận, giáo trình bài giảng, kiến thiết đường lối phát triển một ngành học mới của trường. Nhiều công trình nghiên cứu về báo chí có giá trị bền vững được GS và tập thể cán bộ khoa dày công xây dựng như: Báo chí Hồ Chí Minh, Thời gian và Nhân chứng (Hồi ký của hơn 40 nhà báo thời kỳ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ), Lịch sử Báo chí Việt Nam (1865 - 1945), Báo chí - Những vấn đề lý luận và thực tiễn... Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Khoa Ngữ văn, Khoa Báo chí (nay là Khoa Văn học và Khoa Báo chí và truyền thông), ngay cả khi giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn học, GS đã dành hết tâm sức của mình cho nhiệm vụ đào tạo, nhất là đào tạo thế hệ giảng viên trẻ. GS Hà Minh Đức là một nhà giáo, nhà sư phạm tài năng. GS đã trực tiếp hay gián tiếp góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò thành danh, đóng góp trên nhiều lĩnh vực của khoa học và đời sống xã hội, có những người trở thành các nhà quản lý, nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước. Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân mà Nhà nước trao tặng không chỉ thể hiện sự tôn vinh công lao, đóng góp to lớn của GS trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo mà còn là sự khẳng định phẩm chất, tài năng của một bậc "sư biểu".

Từ năm 1995, GS Hà Minh Đức tiếp tục được giao kiêm nhiệm chức Viện trưởng Viện Văn học, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học. Tám năm trên cương vị đứng đầu một viện nghiên cứu khoa học, được sự ủng hộ của tập thể cán bộ Viện, GS Hà Minh Đức đã tạo nên một thời kỳ phát triển mới cho cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu cả nước.

Thầy đã có đóng góp quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, các cơ quan khoa học trong nước với các trường đại học, viện nghiên cứu và học giả quốc tế; đồng thời góp phần giới thiệu những thành tựu nghiên cứu, sáng tác văn học Việt Nam ra thế giới. GHI nhận và đánh giá cao những đóng góp xuất sắc của GS Hà Minh Đức đối với sự nghiệp sáng tạo, đào tạo và nghiên cứu khoa học đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng GS nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học xã hội, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào các năm 2000, 2001 và đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.

GS, TS, NGND NGUYỄN VĂN KHÁNH

Hiệu trưởng Trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn tin: tcgd theo NDO