Sở hữu trí tuệ, vẫn là chuyện xập xí xập ngầu

Sở hữu trí tuệ, vẫn là chuyện xập xí xập ngầu
Lùm xùm xung quanh chuyện Phan Huyền Thư đạo thơ đã chìm xuống rồi, người ta bắt đầu bàn đến chuyện sở hữu trí tuệ. Có câu trả lời đích đáng cho câu chuyện có độ khó cao này không?

Một công trình, mấy người nhận

 

Họa sĩ Thành Chương xây Biệt phủ Thành Chương thực ra là làm một tác phẩm sắp đặt trên mảnh đất của mình. Từ khi khởi công đến nay dễ cũng chừng gần hai chục năm và cho đến giờ tác phẩm của anh vẫn trong tình trạng… chưa hoàn thành. Nhưng nhiêu khê ở chỗ là tác phẩm ấy lại quá nổi tiếng và nó thu hút sự chú ý của không chỉ giới văn nghệ sĩ trong nước mà cả những nhân vật nổi tiếng người nước ngoài.

 

Trong quá trình đó, báo chí thi nhau lấy lại một bài báo về một nhân vật được xưng tụng là ông tổ nghề mộc. Có lẽ vì cái tiêu đề quá kêu nên nhiều người tò mò. Thế rồi thông tin từ bài báo ấy làm nhiều người quan tâm đến tác phẩm sắp đặt của hoạ sĩ Thành Chương đâm ra nghi ngờ: hoá ra ông họa sĩ chỉ là người bỏ tiền, tác giả thực sự của cơ ngơi ấy là một người khác?

Phủ Thành Chương, tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Thành Chương từng là tâm điểm câu chuyện về sở hữu trí tuệ bởi quá nổi tiếng.
Phủ Thành Chương, tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Thành Chương từng là tâm điểm câu chuyện về sở hữu trí tuệ bởi quá nổi tiếng.

Hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến cật vấn hoạ sĩ mỗi ngày. Đến khi vỡ lẽ câu chuyện chỉ còn là sự “nhận vơ” lãng xẹt. “Ông tổ nghề mộc” hoá ra chỉ là một anh “cai đầu dài”, có giúp hoạ sĩ gọi thợ mộc mấy lần nhưng bản thân anh ta không tham gia gì vào quá trình xây cất cả. Những câu chuyện “hoắng” lúc trà dư tửu hậu kiểu này không phải bây giờ người ta mới bắt gặp. Từng có hàng chục công nhân hiên ngang chỉ tay vào Nhà hát Lớn mà phán rằng: chính tôi xây dựng cái này. Điều ấy chẳng sai, nhưng để trưng tác phẩm Nhà hát Lớn ra thiên hạ, người ta chỉ ghi tên tác giả là kiến trúc sư, hoặc công trình sư…, tuyệt đối không thể là một công nhân xây dựng hay công nhân lắp đường ống nước. 

 

Cũng như vậy, trong năm thiên hạ mất nhiều phen xôn xao vì thỉnh thoảng lại thấy báo chí “phanh phui” một vụ đạo nhạc, đạo thơ, đạo ý tưởng… Chuyện một tác phẩm mấy người nhận tác giả không còn là hiếm hoi. Một khi vấn đề bản quyền còn lỏng lẻo như hiện nay ở ta thì dân sáng tác vẫn còn phải “bo bo giữ thân” nếu không muốn con đẻ của mình bị “sang tên đổi chủ”.

 

Tôi vẫn nhớ một nữ đạo diễn trẻ đã công bố bộ phim hoạt hình dành cho người lớn, nội dung phim cực kỳ liên quan đến vấn đề bản quyền. Phim kể về một chú chim ham chơi. Ngay cả khi đẻ trứng và đang trong thời kỳ ấp trứng, nó vẫn muốn rong chơi. Vì vậy nó đã nhờ một con voi ấp trứng hộ. Chú voi tốt bụng đồng ý trèo lên cây ấp quả trứng. Một hôm có một anh phóng viên đi ngang qua, thấy cảnh một chú voi đang nằm trên cây để ấp trứng đã chụp ảnh và đăng báo. Bức ảnh sau đó được truyền đi khắp nơi khiến ai nhìn thấy cũng cảm phục. Khi con chim mẹ ham chơi nhìn thấy hình ảnh này nó tỏ ra ghen tỵ và nghĩ: vinh dự này lẽ ra phải thuộc về mình. Vì vậy nó bay về tổ và đòi lại quả trứng. Chú voi sau bao đêm ngày nằm ấp quả trứng, khi phải trả lại đã tỏ ra rất tiếc nuối và quyến luyến với quả trứng. Đúng lúc chú voi vừa leo xuống cành cây thì quả trứng cũng đến ngày nở. Nhưng, một điều bất ngờ và kỳ diệu đã xảy ra. Quả trứng thay vì nở ra một con chim, thì lại là một chú voi có hai cánh từ quả trứng bay ra…

 

Chuyện của con chim và con voi có lẽ cũng làm đau đầu bạn đọc chẳng kém việc họ cứ phải thường xuyên đoán già đoán non xem trong một vụ tranh chấp bản quyền ai mới thực sự là tác giả chính?

 

“Lập lờ đánh lận con đen”

 

Vừa mới xong, vụ ùm xùm về một nhà thơ nữ mượn thơ của người khác nhưng không cho trong ngoặc kép và lại đề tên mình đã làm cho làn sóng “bảo vệ bản quyền” dấy lên. Bạn đọc chia làm hai phe để cùng nói về một sự kiện. Một bên cho là làm như thế cũng chẳng có gì là xấu, chỉ là một trích dẫn nhỏ, xưa nay nhiều người vẫn làm thế, có gì đáng kể mà phải ầm ĩ lên? Vả, việc mượn ý, mượn tứ của văn học đâu có phải là chuyện gì mới, trước cụ Nguyễn Du mượn hẳn cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân để viết “Truyện Kiều” có ai lên án đâu? Bên phản ứng đạo văn thì kiên quyết lên án những hành động “cầm nhầm”, “tái sử dụng”, xào xáo ý tưởng của người khác. Cả bài thơ của người ta có một từ hay mà lấy ngay từ đó làm của mình thì là đạo mười mươi rồi còn gì, chưa kể bê nguyên xi văn người mà gắn tên mình vào thì không còn gì để bào chữa… Đại khái, hai bên tranh cãi bất phân thắng bại. Cứ mỗi tác phẩm nổi tiếng xuất hiện là y như rằng phải có sau nó một vụ tranh cãi liên quan đến đạo văn.

 

“Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu từng làm nhiều người ngỡ ngàng và gây ra cả một làn sóng khen chê kéo dài mấy tháng trời. Sự nổi tiếng của nó đã làm cho một luồng thông tin “trái chiều” xuất hiện. Những người hay theo dõi văn học hải ngoại đã đồn nhau, sở dĩ “Bóng đè” được đến vậy là nhờ đến 80% công biên tập của một nhà văn hải ngoại. Có người mạnh miệng hơn còn tuyên bố: chính nhà văn ấy đã “đẻ” ra “Bóng đè” chứ không phải Đỗ Hoàng Diệu. Mọi việc chỉ tạm lắng xuống khi Đỗ Hoàng Diệu chính thức trả lời trên báo chí “Bóng đè” có được biên tập nhưng chỉ rất ít và cô sẵn sàng đối chất với người đã tuyên ngôn “đẻ ra “Bóng đè””.

 

Hay như khi “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư vừa thu được thắng lợi hoàn toàn trên thị trường sách thì gần như cùng lúc đó xuất hiện một truyện ngắn “giống “Cánh đồng bất tận” đến hơn nửa”. Lại những câu hỏi: ai đạo ai? chạy suốt mấy kỳ báo. Cuối cùng “Cánh đồng bất tận” vẫn là của Nguyễn Ngọc Tư, đậm chất Nguyễn Ngọc Tư và thành công nhất của Nguyễn Ngọc Tư (cho đến thời điểm này).

 

Chứng kiến nhiều vụ xào xáo trắng trợn đến mức khó tin, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về một nền văn học nghệ thuật lành mạnh trong khi chưa có biện pháp nào khả thi để bảo vệ những tác giả khỏi bị “thất thoát trí tuệ”. Chờ người cứu không bằng tự cứu, vị hoạ sĩ kể trên đã và đang hoàn thành nốt thủ tục đăng ký bản quyền để chấm dứt những vụ “nhận vơ nhận váo”. Công việc ấy đối với những người viết lách có vẻ khó khăn hơn vì số lượng tác phẩm nhiều và có khi chưa kịp công bố, chưa kịp đăng ký thì đã bị… đạo rồi.

 

Có lẽ chừng nào học sinh còn được dạy dỗ theo tư duy “văn mẫu”, sinh viên còn hoàn thành những bản luận văn của mình theo kiểu “copy, paste” thì nạn đạo văn, đạo nhạc, đạo ý tưởng sẽ còn phổ biến. Đến mức người ta coi nó là thường, chẳng ai nghĩ đấy thực chất là ăn cắp, trắng trợn có thể gọi là ăn cướp. Nhưng cũng có người lạc quan thậm chí còn đùa rằng: cái còn thì vẫn còn nguyên/ cái tan thì tưởng vững bền vẫn tan. Đồ dỏm, đồ nhái rồi cũng đến lúc bị “lộ mặt chuột”, thôi thì cứ chú tâm làm những cái của mình cho hay là được.

 

ĐAN NGUYÊN

Nguồn tin: BHP