Chuyện tình Lan và Điệp từ cải lương bước sang tân nhạc

Chuyện tình Lan và Điệp từ cải lương bước sang tân nhạc
Từ hơn bảy thập niên qua, kể từ ngày vở hát Lan và Điệp của soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang được trình diễn trên sân khấu Năm Phỉ thì phần lớn khán giả cải lương sành điệu, đã biết qua tình tiết lớp lang câu chuyện diễn tiến từ đầu tới cuối.

Bất tử với thời gian

Từ hơn bảy thập niên qua, kể từ ngày vở hát Lan và Điệp của soạn giả Trần Hữu Trang, tức Tư Trang được trình diễn trên sân khấu Năm Phỉ thì phần lớn khán giả cải lương sành điệu, đã biết qua tình tiết lớp lang câu chuyện diễn tiến từ đầu tới cuối.

Buổi trình diễn khi vở hát mới ra đời ấy, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp, đôi nghệ sĩ

tiền phong thượng thặng này đã mở đầu cho hai nhân vật chính Lan – Điệp trở thành bất tử với thời gian. Bởi trong lịch sử nghệ thuật sân khấu chưa có vở hát nào được giới mộ điệu ưa thích, đến đỗi càng về sau câu chuyện càng mở rộng xâm lấn sang các lãnh vực văn nghệ khác.

Trước tiên Lan và Điệp được hãng dĩa hát Asia thâu thanh với tên tựa “Hoa Rơi Cửa Phật” phát hành cùng khắp từ Nam chí Bắc. Dĩa hát cũng được bán qua Miên, và theo theo như nhà phát hành lúc ấy cho biết, thì kiều báo xứ Chùa Tháp họ tiêu thụ dĩa hát này nhiều gấp 3, 4 lần đại lý dĩa hát ở Cần Thơ. Do ở đất Miên dễ làm ăn, người ta dám mua sắm, vả lại số người sang đây lập nghiệp đại đa số là người Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà cổ nhạc cải lương đã gắn liền với đời sống tinh thần của họ.

Dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được đưa sang Lèo và cả ở bên trời Tây, do vậy mà kiều ở Pháp vẫn còn những người lưu giữ các dĩa hát xưa ấy. Song song đó cuốn bài ca “Hoa Rơi Cửa Phật cũng được ra đời bán ở các chợ miền quê, chợ nhỏ, lớn nào cũng có người bán. Rồi cũng từ đó các gánh hát bầu tèo (gánh hát nhỏ) ở thôn quê đã sao chép lời ca, lời đối thoại, rồi thêm thắt vào dựng lên tuồng cải lương Lan và Điệp phục vụ bà con ở thôn quê và cũng được hoan nghinh.

Tân nhạc chào đón Lan và Điệp

lan-va-diep-200.jpg
Ca sĩ Phương Thanh và Minh Thuận trong Lan và Điệp. 

 

Từ khi vở hát Lan và Điệp ra đời hiện diện trên sân khấu suốt hai thập niên, hầu như không ai nghĩ đến chuyện sẽ có ngày Lan và Điệp lại có thể chen chân vào lãnh vực tân nhạc. Bởi tân nhạc có một lối sinh hoạt khác xa với cải lương, có người còn nói tân nhạc và cổ nhạc hình như không thích nhau. Thế mà đến giữa thập niên 1960 tân nhạc đã mở rộng cánh cửa thân tình, chào đón Lan và Điệp, đo là năm 1965 người ta bất ngờ nghe xướng ngôn viên Đài phát thanh Sài Gòn giới thiệu nhạc bản “Chuyện Tình Lan và Điệp” của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lỉnh. Bản

nhạc có lời ca điệu nhạc truyền cảm ấy được thính giả lúc bấy giờ ưa thích, gởi thơ yêu cầu nhiều nên Đài phát thanh Sài Gòn và đài Ba Xuyên đã cho phát đi phát lại bản nhạc này nhiều lần, đen đỗi có người nghe riết rồi thuộc lòng và hát luôn.

Có điều lạ là đa số thính giả yêu cầu đài phát bản “Chuyện Tình Lan và Điệp” lại là thính giả thường nghe chương trình cổ nhạc cải lương, và họ cũng nói phải chi bản nhạc này mà có Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được ca thêm vài câu vọng cổ thì hay biết mấy.

Thế là hãng dĩa hát Hồng Hoa đã “bắt mạch” được, họ thương lượng với tác giả bản nhạc mua bản quyền và “đặt

hàng” cho soạn giả Viễn Châu viết thêm lời ca vào, đồng thời chọn các ca sĩ tân cổ nhạc đang nổi tiếng lúc bấy giờ là Thanh Tuyền, Hồng Phúc, Thanh Nga, Thành Được, Tấn Tài. Còn đệm tân nhạc thì hãng chọn ban nhạc Huỳnh Anh, về cổ nhạc thì nhạc sĩ Năm Cơ đờn kìm, Bảy Bá đờn tranh và lục huyền cầm, Tư Huyện đờn vĩ cầm. Với thanh phần ca nhạc sĩ khá hùng hậu này mà hãng chỉ thu thanh có một dĩa nhựa 45 tua, thì phải nói rằng hãng dĩa Hồng Hoa đã chịu bỏ tiền đầu tư một số vốn khá lớn vậy.



lan-diep-622.jpg

Bìa đĩa hát cải lương Chuyện tình Lan và Điệp.

Vọng cổ có pha tân nhạc

Dĩa hát tân cổ giao duyên “Truyện Tình Lan và Điệp” phát hành đã bán khá chạy, bởi đa số những người có máy hát dĩa thời đó đã không bỏ qua dĩa hát trữ tình này. Đồng thời đã không ít những người yêu thích tân nhạc họ cũng khen hay, do đó là động lực cho hãng dĩa Hồng Hoa tiếp tục cho phát hành dĩa vọng cổ có pha tân nhạc, với những bản nhạc đang được ưa chuộng.

Tiếp theo đó thì lại thêm những hãng dĩa khác ra đời, xuất hiện với nhiều nhãn hiệu mới, mà hầu như hãng nào cũng nhắm vào khai thác bài tân cổ giao duyên. Lúc bấy giờ do vấn đề thương mại, các hãng dĩa đã không còn sản xuất dĩa hát rặc ròng 6 câu vọng cổ nữa, mà hầu hết đã tìm các bản nhạc từng nổi tiếng nhiều năm trước, để biến thành bài tân cổ giao duyên.

Theo lập luận của hãng dĩa, tức những người làm thương mại họ tính toán khá kỷ, thì tuy rằng bài tân cổ giao duyên có làm “trái tai” với một số người vốn bảo thủ bài vọng cổ thuần túy, nhưng nó lại thích hợp với một số đông đảo hơn, với những người thưởng thức cổ nhạc thời ấy. Do vậy mà số thính giả bảo thủ dù muốn dù không cũng “bị” nghe tân nhạc xen vô vọng cổ.

Bài vọng cổ chỉ còn 4 câu

Người ta nhớ lại từ đầu thập niên 1950 cho đến năm 1965, soạn giả viết bài ca luôn đầy đủ 6 câu vọng cổ, mà thông thường nói lối xong xuống hò vô câu 1. Khi dứt câu 3 nói lối trở lại và xuống hò vô vọng cổ câu 4.

 

lan-diep-400.jpg
Đĩa hát cải lương Chuyện tình Lan và Điệp. Courtesy photo.

 














Thời đó các soạn giả viết bài ca vọng cổ đã theo quy luật này, và những bài vọng cổ đủ 6 câu cũng thịnh hành một thời như. Xâu Gùi Bến Cát, Đội Gạo Đường Xa, Mồ Em Phượng, Tình Anh Bán Chiếu, Gánh Nước Đêm Trăng, Lòng Dạ Đàn Bà, Tu Là Cội Phúc, Tiếng Đàn Trên Bắc Mỹ Thuận, Bá Nha Tử Kỳ...

Cũng có trường hợp soạn giả đã thay thế nói lối bằng mấy câu thơ lục bát. Soạn giả Kiên Giang vốn là thi sĩ nên bài vọng cổ của ông ngoàiviệc cho thơ thay thế nói lối, mà còn đem thơ vào luôn câu ca vọng cổ, thường là 8 nhịp dứt câu. Nhưng dù cho thơ vào, thì bài vọng cổ vẫn đủ 6 câu chớ không cắt bớt.

Thời điểm ấy đờn ca tài tử khi nhập cuộc thì ca đủ 6 câu vọng cổ, kể cả các bài vọng cổ hài hước do Hề Minh và Hề Văn Hường ca. Thế nhưng, từ ngày bài tân cổ giao duyên “Truyện Tình Lan và Điệp” ra đời đã dẫn theo hàng loạt bài tân cổ giao duyên khác, do vậy mà bài vọng cổ chỉ còn 4 câu. Câu thứ 4 bị mất trước tiên, rồi thì câu 3 cũng bị bỏ đi, cho dù cắt bỏ câu nào cũng được, riêng câu 6 thì giữ nguyên phần xuống “xê” và 8 nhịp chấm dứt bài ca.

Do yêu cầu của nhà sản xuất dĩa hát, nên soạn giả bắt buộc phải bỏ bớt 2 câu để xen tân nhạc vào cho hợp với kỹ thuật thu dĩa, mỗi bài tân cổ giao duyên vô một mặt dĩa, không thể dư được.

Lúc bấy giờ có người thắc mắc với soạn giả Viễn Châu, rằng tại sao không viết trọn bài vọng cổ 6 câu, mà viết toàn vọng cổ pha tân nhạc, làm vọng cổ mất đi 2 câu, như vậy dân đờn ca tài tử đâu có ca được. Soạn giả Viễn Châu đã trả lời: Nếu viết cho đủ 6 câu, tức là không có chen tân nhạc thì ai trả tiền? Hãng dĩa chỉ mướn mình viết vọng cổ dựa theo bài tân nhạc, chớ còn viết đủ 6 câu thì phải đi chào hàng khó ăn hơn nhiều, mà chắc gì hãng dĩa chịu mua. Thôi thì viết bài ca được “đặt hàng” đôi khi còn nhận tiền trước.

Do vậy mà từ khi tân cổ giao duyên ra đời, dân đờn ca tài tử chỉ ca các bài bản cũ 1965 trở về trước, mà bài được ca nhiều nhứt phải nói là bài “Tình Anh Bán Chiếu ” của soạn giả Viễn Châu.

Ngành Mai

Nguồn tin: RFA