Đạo diễn Lê Nguyên Đạt làm mới kịch dân gian

với hề Tùng Lâm

với hề Tùng Lâm

Từ sau vở Cưới vợ năm rồng, đến nay đạo diễn Lê Nguyên Đạt được giới chuyên môn đánh giá cao khi anh chắc tay dàn dựng những kịch bản do anh sáng tác với đề tài dân gian. Bằng chứng là vở hài kịch Đại hỷ đầu năm 2015 đã diễn tại rạp Công Nhân, mỗi ngày hai suất thu hút hàng ngàn khán giả đến xem và chào đón đơn vị kịch xã hội hóa mới toang của TP.HCM.

Là con dao hai lưỡi nếu chỉ biết khai thác những truyện xưa tích cũ với các câu chuyện mà hầu hết khán giả đều thuộc làu nội dung như: Ăn kế trả vàng, Thằng Cuội và Hằng Nga, Thạch Sanh – Lý Thông... kịch bản dân gian do Lê Nguyên Đạt sáng tác bám chặt hơi thở cuộc sống, mượn tích xưa nói chuyện ngày nay. Dấu ấn đậm nét ở phong cách dàn dựng của anh là tuân thủ theo kịch bản văn học, đồng thời khai thác triệt để tính tự sự của các nhân vật kịch. Nếu một số vở kịch dân gian thường để dàn đồng ca nói lên những tuyên ngôn của tác giả, thì ở Lê Nguyên Đạt, anh để các nhân vật tự sự, cảm thán và lẩy lên từ những tình huống bi hài những cảm nhận chân thật từ con tim. NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc lý giải: “Cách này thông minh khi để nhân vật cảm thán, tự sự và dẫn dắt các tình huống trong kịch dân gian. Khi ánh sáng nghiêng về nhân vật nào thì bóng tối lan tỏa, rồi đèn pholo làm nhiệm vụ nhấn mạnh dòng tự sự của chính nhân vật đó. Khán giả được lôi cuốn và thích thú chính ở điều này”.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, diễn viên Chấn Cường tặng bánh mừng thọ cho danh hài Tùng Lâm tại rạp Công Nhân

  So với bản dựng Cưới vợ năm rồng đã từng mang lại cho danh hài Hoài Linh vai diễn phú ông rất duyên dáng, thì vở Đại hỷ, vai Phú Ông của Trường Giang đã chiếm hết cảm tình người xem. Phú Ông dẫn dắt câu chuyện bằng nỗi lòng của một người cha, lo cho các con, nhưng lại muốn thử lòng họ, xem sự ỷ lại giàu sang, của cải với ruộng đất cò bay thẳng cánh có làm cho họ xem nhẹ giá trị lao động. Chất dân gian hòa quyện theo từng bài ca mang âm hưởng ngũ cung mà Lê Nguyên Đạt sáng tác để đưa vào kịch bản. Cộng với tài ứng biến của NSND Ngọc Giàu, NSƯT Hữu Quốc, NS Phi Phụng, Trấn Thành, Thy Trang, Thiên Phú, Lâm Vỹ Dạ, Gia Bảo... vở Đại hỷ thật sự thắng lớn và là một dấu mới của kịch dân gian khi Lê Nguyên Đạt khám phá những sáng tạo mới mẻ để đưa vào sàn diễn.

  Nhận xét về vở kịch hài dân gian này, NSƯT Ca Lê Hồng cho biết: “Lê Nguyên Đạt có lợi thế là trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường Đại học sân khấu điện ảnh TP.HCM, hơn 15 năm đứng lớp giảng dạy, anh đã gắn kết nhiều sáng tạo để từ vở cải lương thể nghiệm Cơn hồng thủy, anh mạnh dạn đến với kịch dân gian và làm mới nó một cách đầy tự tin. Thích nhất là những trường đoạn dùng lời thoại dân gian để đưa những vấn đề thời sự mà dư luận đang quan tâm vào, đó là nạn tham nhũng, quan liêu, bè phái lợi ích nhóm, kể cả những cách ứng xử kém văn hóa nơi công cộng, văn hóa chạy chọt để được việc, hối lộ, nhũng nhiễu của người đương chức, cũng được đưa vào ngọt ngào, duyên dáng”.

  Chưa dừng lại ở đó, đầu tháng 5 này, kịch bản Làm quan của Lê Nguyên Đạt sẽ được đưa lên sàn tập với ê kíp diễn viên của vở Đại hỷ. NSND Ngọc Giàu phấn khởi: “Tôi tin đây là đơn vị xã hội hóa sinh sau đẻ muộn, nhưng rạp Công Nhân với nhóm kịch dân gian của Lê Nguyên Đạt từ khi gắn kết với Nhà hát kịch TP.HCM sẽ gặt hái thành tựu, đem lại nhiều tác phẩm giá trị cho khán giả”.

NS Phi Phụng và Trấn Thành trong vở “Đại hỷ”

Ca sĩ Phương Thanh và NSND Ngọc Giàu trong vở “Đại hỷ”

  Ngày 24.4, đạo diễn Lê Nguyên Đạt sẽ công diễn tại rạp Công Nhân vở Không thể khác (tác giả Lê Chí Trung) chuẩn bị tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa được tổ chức vào tháng 6 năm nay. Bên cạnh đó anh gấp rút triển khai để dàn dựng vở kịch dân gian Làm quan như dự định. Từ khi gắn kết với Nhà hát kịch TPHCM, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã tạo cơ hội cho nhiều diễn viên trẻ có nơi rèn luyện nghề và phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp truyền đạt kinh nghiệm của mình. Nỗ lực của anh luôn mong sao làm mới các vở kịch dân gian và mang lại cho khán giả những niềm vui khi đến xem các tác phẩm tại rạp Công Nhân.

  Trước đây có nhiều đạo diễn đã dàn dựng thành công kịch dân gian, qua những tác phẩm như: Vợ chồng lười, Chúa chổm làm vua, Oan Thị Mầu, Ăn khế trả vàng, Vụ án trộm trứng gà... và kịch dân gian hài hước đã được yêu mến từ đó. Lê Nguyên Đạt là người tiếp lửa cho thể loại này khi anh mạnh dạn chọn kịch dân gian làm thế mạnh để phát huy. Bởi theo anh thì kho tàng kịch dân gian rất rộng và có nhiều câu chuyện hay, điều đó mang về cho anh và thế hệ diễn viên trẻ những trải nghiệm trong diễn xuất, “nỗ lực của tôi là mong sao có thêm nhiều kịch bản hay về đề tài dân gian, để mượn bình cũ rượu mới nói lên những vấn đề xã hội đang quan tâm” – Đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã tâm sự.

NAM KHÁNH

Nguồn tin: vuongthoaihong theo TV