Sống chết với đờn ca tài tử: Nông dân mê cổ nhạc - Nhạc sỹ Huỳnh Khải

Sống chết với đờn ca tài tử: Nông dân mê cổ nhạc - Nhạc sỹ Huỳnh Khải
Từ một nông dân mê đờn ca tài tử, thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải đã đem kiến thức âm nhạc cổ truyền nhân rộng khắp nơi

Chào mừng sự kiện nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bắt đầu từ tối 14-2, Sân khấu Sen Hồng (Công viên 23-9, TP HCM) sẽ tổ chức chương trình ĐCTT phục vụ công chúng miễn phí vào tối thứ sáu của tuần thứ hai hằng tháng.

Ở nhà học cha, ra ngoài học bạn

Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải là người thực hiện chương trình này theo lời mời của Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP HCM. Từ một nông dân mê ĐCTT và nỗ lực không ngừng để vươn tới ước mơ, ông đã đem kiến thức âm nhạc cổ truyền nhân rộng khắp nơi.

Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải có công lao rất lớn khi đem kiến thức đờn ca tài tử nhân rộng khắp nơi

Tên của thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải được biết đến vào cuối năm 2003. Khi đó, Nhạc viện TP HCM đã trang trọng tổ chức buổi lễ báo cáo tốt nghiệp cao học sư phạm âm nhạc dân tộc (trình tấu và bảo vệ luận văn) cho 2 tân thạc sĩ và 1 trong 2 người đó là nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng Ban Văn nghệ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM, nhận xét: “Công trình nghiên cứu của Huỳnh Khải giúp cho người học đờn kìm (ở 3 phong cách: tài tử, sân khấu cải lương, đờn tác phẩm mới) có những trải nghiệm đáng quý. Luận văn của anh đã được đánh giá xuất sắc và cho đến nay được xem là kim chỉ nam cho những sinh viên đam mê ĐCTT muốn tham khảo và hoàn thiện các ngón đờn”.

Thạc sĩ Huỳnh Khải và CLB sân khấu Lạc Long Quân.

Thạc sĩ Huỳnh Khải và CLB sân khấu Lạc Long Quân.

 

Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải sinh năm 1957. Ngay từ lúc nhỏ ông đã say mê nhìn cha - một nghệ nhân ĐCTT - diễn tấu giao duyên sau mùa gặt. Cũng như NSƯT Ba Tu, Huỳnh Khải mê đờn kìm và xem nó là “bảo bối” của mình. “Lúc nhỏ, khi cha treo cây đàn lên vách để đi ra đồng thì tôi lấy xuống rồi tập đờn những bài bản tài tử đã học. Thấy tôi có năng khiếu, cha đã đem hết “ngón nghề” của mình truyền lại, lúc đó tôi mới 9 tuổi. Ở nhà, tôi học đờn kìm với cha, ra ngoài chơi với bạn thì học guitar phím lõm, khi đã đủ “bản lĩnh” thì kéo nhau đi giao lưu ĐCTT trong xóm” - thạc sĩ,  nhạc sĩ Huỳnh Khải kể.

Sau năm 1975, học hết lớp 12 nhưng do điều kiện khó khăn nên ông không thi vào đại học mà ở lại quê nhà làm Trưởng Ban Văn nghệ xã Mỹ An. Khi đó, ông vừa sáng tác kịch bản cải lương vừa tham gia đờn guitar phím lõm cho gánh hát xã. Cho đến ngày nay, những bạn bè nối khố khi nhắc đến Huỳnh Khải đều biểu lộ niềm thán phục. Soạn giả Kiên Giang cho biết: “Ở Long An, bà con nông dân hay nhắc đến 2 ngôi sao mà họ ngưỡng mộ: ca có NSƯT Mỹ Châu, đờn có thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải”.

Thạc sĩ Huỳnh Khải, nhạc sĩ Kiều Tấn và bà Thùy Linh - bộ ba làm nên chương trình Giọt nắng phù sa của HTV.

Thạc sĩ Huỳnh Khải, nhạc sĩ Kiều Tấn và bà Thùy Linh - bộ ba làm nên chương trình Giọt nắng phù sa của HTV.

 

Âm thầm rèn giũa nhân tài

Ý tưởng xây dựng luận văn “Phương pháp sư phạm đờn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đờn kìm” xuất phát từ những tháng ngày nhạc sĩ Huỳnh Khải gắn bó với ĐCTT. Ông tâm sự: “Khi đờn cho sàn diễn cải lương chuyên nghiệp, tôi sử dụng cây guitar phím lõm. Tuy nhiên, do hồi nhỏ đã quá quen thuộc với đờn kìm nên lúc vào Nhạc viện TP HCM, tôi đã chọn nó làm nhạc cụ chính để học (trung cấp). Lên bậc đại học, phải chọn học 2 nhạc cụ (chính và phụ) nên tôi chọn đờn kìm (chính) và đờn tranh (phụ). Xưa nay, các nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc khi dạy đờn cho học trò chỉ có một phương pháp là “cầm tay, dạy ngón”. Phương pháp này có ưu điểm là học nhanh, đạt hiệu quả cao. Nhưng nhược điểm là trò không thể tự học mà phải cận kề bên thầy. Vì vậy, tôi đã bỏ ra gần 10 năm để xây dựng luận văn của mình nhằm nâng chất lượng giảng dạy lên một vị thế có hệ thống lý luận, ra khỏi thói quen chỉ tay thủ công”.

Theo NSND - soạn giả Viễn Châu, vì đờn kìm là một nhạc cụ rất ít tài liệu nên thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải phải đến các nghệ nhân để tìm hiểu, tham khảo, thu thập tài liệu. Đặc biệt, với sự dạy dỗ trực tiếp của cố NSƯT Võ Văn Khuê và sự cố vấn của các nhạc sĩ: cố NSƯT Vũy Chỗ, NSƯT Ba Tu..., ông đã từng bước hoàn thành công trình nghiên cứu của mình. “Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong quá trình bảo vệ không gian của môn nghệ thuật này, rất cần đến vai trò và sự đóng góp của Huỳnh Khải” - NSND - soạn giả Viễn Châu nói.

Sống chết với đờn ca tài tử: Nông dân mê cổ nhạc
Thạc sĩ Huỳnh Khải và các thí sinh, nghệ sĩ tham dự chương trình Giọt nắng phù sa tối 13-2 tại Nhà hát Truyền hình HTV.

Đạo diễn Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP HCM, cho biết cách dàn dựng và đưa ĐCTT đến gần hơn với công chúng thì chỉ có thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải mới làm hiệu quả vì ông yêu nghề và huấn luyện học trò rất tận tình. Nhiều năm qua, lớp dạy đờn của thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải ở Trung tâm Văn hóa quận 10 đã âm thầm rèn giũa rất nhiều tài năng trẻ cho ĐCTT. “Công lao của ông rất lớn khi cùng với nhạc sĩ Kiều Tấn thực hiện các chương trình giới thiệu bài bản cải lương, ĐCTT trên sóng HTV và hằng tháng với chương trình Giọt nắng phù sa, đưa môn nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả trẻ”.

 

Tin vào tương lai

Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải sung sướng vì nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã được thế giới công nhận nhưng ông cũng có nỗi lo vì chúng ta vẫn còn loay hoay, chưa có giải pháp chiến lược để bảo tồn loại hình nghệ thuật này. “Nhiều nghệ nhân đã quá tuổi 70 - 80 nhưng vẫn chưa có lớp kế cận tiếp nối. Tôi tin rằng chương trình hành động mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phác thảo sẽ được thực thi để giữ cho không gian ĐCTT giá trị mà ông cha đã để lại” - ông tâm sự.

 

Bài và ảnh: THANH HIỆP - NLĐ
 

Nhạc sĩ Huỳnh Khải: Từ anh nông dân đến thạc sĩ âm nhạc


Một ngày cuối năm 2003, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã trang trọng tổ chức cuộc thi tốt nghiệp Cao học Sư phạm âm nhạc dân tộc (trình tấu và bảo vệ luận văn) cho hai tân thạc sĩ. Đặc biệt, một trong hai tân thạc sĩ ấy vốn xuất thân từ một nông dân chân đất, mê đờn ca tài tử, từng là... trưởng ban văn nghệ xã.

 

Có lẽ những người có mặt ở phòng hòa nhạc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vào sáng 27/12/2003 đều cảm thấy xúc động khi chứng kiến Huỳnh Khải ôm cây đờn kìm ngồi giữa dàn nhạc giao hưởng của nhạc viện để biểu diễn tác phẩm Bình minh (concerto của nhạc sĩ Quang Hải soạn cho đờn kìm và dàn nhạc giao hưởng) dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Hoàng Điệp. Tiếng đờn kìm bay lượn, chấp chới trên nền nhạc Tây phương khiến người nghe vừa lâng lâng cảm xúc vừa cảm thấy tự hào bởi đang mục kích một nhạc cụ dân tộc đơn sơ, quen thuộc lại đang được cả một dàn nhạc khí Tây phương tôn vinh... Tiếp đó, nhạc sĩ Huỳnh Khải đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp với đề tài Phương pháp sư phạm đờn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đờn kìm. Luận văn của Huỳnh Khải được đánh giá xuất sắc.

Nhac si Huynh Khai Tu anh nong dan den thac si am nhac

Nhạc sĩ Huỳnh Khải.

Huỳnh Khải sinh năm 1957 tại Thủ Thừa (Long An). Ngay từ thời ấu thơ, rất nhiều lần anh đã tựa mình bên bộ ngựa, say mê nhìn cha - vốn là một nghệ nhân đờn ca tài tử - cùng bạn bè ông diễn tấu giao duyên trong lúc nông nhàn. Những lúc đó, đố ai rứt cậu bé Khải ra khỏi "chiếu diễn", những giai điệu đờn ca tài tử đã thấm đẫm vào tâm hồn cậu và mê mẩn nhất là những âm thanh phát ra từ cây đờn kìm - "bảo bối" của cha mình. Cho nên những khi ông bố treo cây đàn lên vách để đi ra đồng thì cậu con trai bắc ghế lấy xuống rồi đánh mò những bài bản tài tử mà cậu đã thuộc nằm lòng. Thấy con có năng khiếu, người cha cũng đem hết những "ngón nghề" của mình truyền lại cho con từ lúc cậu mới 9 tuổi. Ở nhà Khải học đờn kìm với cha, ra ngoài thì học guitar phím lõm với bạn bè cùng trang lứa, khi đã đủ "bản lĩnh" thì kéo nhau đi giao lưu đờn ca tài tử.

Sau ngày miền Nam giải phóng (1975), học hết lớp 12 nhưng do điều kiện khó khăn nên Huỳnh Khải không thi vào đại học mà ở lại quê nhà làm trưởng ban văn nghệ xã. Khi đó anh vừa sáng tác các vở dài và đờn chánh guitar phím lõm, còn về đờn kìm thì anh rành hết 20 bản tổ và nhiều giai điệu cải lương.

Công trình nghiên cứu của NS Huỳnh Khải giúp cho người học đờn kìm (ở 3 phong cách: tài tử, sân khấu cải lương, đờn tác phẩm mới) sau khi được thầy hướng dẫn cơ bản rồi thì tự học là chính, không cần nhiều thời gian học trực tiếp với thầy mà vẫn đạt hiệu quả, khi quên bài bản thì giở sách ra tự ôn lại hoặc học lại. Sách gồm 3 phần: lý thuyết về nhạc lý, các bài tập thực hành và CD minh họa kèm theo giáo trình. Trước mắt, sách này sẽ được giảng dạy ở khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh - Thạc sĩ âm nhạc dân tộc Huỳnh Khải.
- Anh chơi được khá nhiều nhạc cụ âm nhạc dân tộc, tại sao anh lại chọn cây đờn kìm để làm công trình luận văn?

- Khi tôi đi đờn cải lương thì chuyên sử dụng cây guitar phím lõm nhưng do hồi nhỏ đã quá quen thuộc với cây đờn kìm nên khi vào nhạc viện tôi chọn cây đờn này làm nhạc cụ chính để học (trung cấp). Khi lên bậc đại học thì phải chọn học 2 nhạc cụ (chính và phụ). Tôi chọn đờn kìm (chính) và đờn tranh (phụ). Kìm học với NSƯT Võ Văn Khuê, tranh học với NGƯT Nguyễn Văn Đời. Cho nên chuyện tôi "đồng hành" với cây đờn kìm cũng là một tất yếu.

- Từ đâu anh có ý tưởng xây dựng luận văn "Phương pháp sư phạm đờn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đờn kìm"? Có khó khăn lắm không?

- Xưa nay, các nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc khi dạy đờn cho học trò chỉ có một phương pháp là "cầm tay, dạy ngón". Phương pháp này có ưu điểm là học nhanh, đạt hiệu quả cao nhưng thầy và trò luôn phải cận kề bên nhau. Trò không thể tự học, khi trò quên ngón không thể tự ôn mà phải tìm đến thầy... Công trình của tôi tính từ lúc thai nghén cho đến viết thành luận văn hoàn chỉnh là 10 năm. Khó khăn vì đờn kìm là một nhạc cụ đặc trưng, rất ít tài liệu (nếu có thì cũng chỉ là bản chép tay rất thô sơ, khó hiểu). Tôi phải tìm đến các nghệ nhân (kể cả ở các tỉnh xa) để tìm hiểu, tham khảo, thu thập tài liệu... Thuận lợi là tôi đã gắn bó với cây đờn kìm từ hồi nhỏ, rồi hoạt động phong trào nghiệp dư, tham gia sân khấu cải lương chuyên nghiệp, qua băng đĩa và qua quá trình công tác giảng dạy. Đặc biệt với sự dạy dỗ trực tiếp của cố NSƯT Võ Văn Khuê và sự cố vấn của các nhạc sĩ: cố NSƯT Vũy Chỗ, NSƯT Ba Tu, NGƯT Nguyễn Văn Đời..., tôi đã từng bước hoàn thành công trình nghiên cứu để bảo vệ luận văn và được Giáo sư - NSND Quang Hải trực tiếp hướng dẫn đề tài tốt nghiệp.

Hà Đình Nguyên - TN


Nghệ sĩ Huỳnh Khải sinh năm 1957 tại Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ngay từ nhỏ, ông đã rất mê đàn ca tài tử.

Lên 9 tuổi, ông được cha truyền nghề và đồng thời cho ông theo học guitar phím lõm.

Sau 1975, ông làm trưởng ban văn nghệ xã. Ông chơi khá điêu luyện 20 bản tổ và nhiều giai điệu cải lương bằng đàn Kìm, đồng thời vừa có thể sáng tác và chơi đàn guitar phím lõm.

Thời gian sau này, ông thi vào Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh học trung cấp đàn Kìm. Khi lên bậc đại học thì ông học thêm đàn Tranh.

Cuối năm 2003, nghệ sĩ Huỳnh Khải đã trình tấu bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp Cao học Sư phạm âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sĩ Huỳnh Khải đã thực sự chinh phục ban giám khảo khi ôm cây đàn kìm ngồi giữa dàn nhạc giao hưởng biểu diễn tác phẩm Bình minh (concerto của nhạc sĩ Quang Hải soạn cho đàn kìm và dàn nhạc giao hưởng). Đặc biệt là luận văn tốt nghiệp với đề tài Phương pháp sư phạm đàn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đàn kìm.

Đặc biệt luận văn của ông đã được in thành sách gồm 3 phần: Lý thuyết về nhạc lý, các bài tập thực hành và CD minh hoạ. Đây được coi là giáo trình giảng dạy có hiệu quả tại Nhạc viện Thành Phố Hồ Chí Minh của thạc sĩ - nghệ sĩ Huỳnh Khải.

Năm 2005, ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú về những đóng góp cho nghệ thuật dân tộc

Nguồn tin: TNO - NLĐ - TQH