Nhạc sĩ Việt Anh: Hoa vẫn vàng nơi ấy

Nhạc sĩ Việt Anh

Nhạc sĩ Việt Anh

Chưa bao giờ tôi nghĩ đến danh tiếng. Danh tiếng là thứ rất khó nói, nó có thể mất đi vào ngày mai hay vào năm sau chẳng hạn, nên chúng ta không cần nghĩ về nó.

Khi đang là cái tên “hot” trong làng nhạc Việt thời Làn Sóng Xanh, nhạc sĩ Việt Anh lặng lẽ sang New Zealand học. Khi sân khấu âm nhạc đìu hiu với hàng loạt ý định thực hiện liveshow phải từ bỏ vì thu không đủ bù chi, Việt Anh lại thực hiện liveshow kỷ niệm 20 năm âm nhạc của mình. Việt Anh cho biết sự ngược dòng ấy thật ra với anh lại rất hợp lý. Việt Anh như một ẩn số, vì ngoài những gì người ta biết về anh là tác giả của nhiều bản tình ca da diết như Dòng sông lơ đãng, Những mùa hoa bỏ lại, Đêm nằm mơ phố, Hoa có vàng nơi ấy, Chưa bao giờ, Mưa phi trường,

Người đi xa mãi... không có thêm điều gì khác đáng kể. Họa hoằn lắm người ta mới biết thêm rằng anh viết bản Chưa bao giờ là để tặng ca sĩ Thu Phương, hay viết Hai chúng ta để tặng cho tình bạn của hai người… Việt Anh kiệm lời khi nói về mình hoặc sợ hãi khi được nhắc về nhân thân, bởi tự thấy cuộc sống của mình rất bình thường…

Về cột mốc 20 năm, Việt Anh nói thật ra chỉ là cách làm tròn số. Nếu lấy cột mốc từ bài hát đầu tiên, quãng đường đó dài hơn, bởi từ lớp 10 anh đã sáng tác. Âm nhạc theo anh từ bé, khi anh còn là đứa trẻ mỗi ngày nhìn thế giới bên ngoài qua ô cửa sổ của khu nhà tập thể dành cho văn nghệ sĩ mà bố mẹ anh, NSƯT Việt Cường - Kim Quy ở đấy. Trong không gian ấy, trong môi trường nghệ thuật cổ điển ấy, cậu bé Việt Anh mỗi ngày dành ba tiếng học đàn piano. “Cách đây 20 năm, có một người hỏi tôi muốn nhạc của mình sau này như thế nào? Tôi nói đùa rằng, nếu 20 năm sau có một cô bé nào đó nghe bài hát của tôi và bảo rằng đấy là bài hát mà bố cháu đã hát cho mẹ nghe, tôi sẽ rất hạnh phúc”, anh nói.

Nhac si Viet Anh: Hoa van vang noi ay
Nhạc sĩ Việt Anh

* Liveshow đang là “điểm chết” của âm nhạc, ít nhất là ở thị trường miền Nam. Bài toán thu hồi vốn có khiến anh đắn đo không? Liệu sẽ có điều gì khác về Việt Anh mà khán giả được biết qua liveshow?

- Tôi không đặt mục đích quá lớn về doanh thu, mà coi đây là một lần kỷ niệm. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ làm hết sức để bán vé, nhưng doanh thu không phải là số một. Hòa vốn thì tốt, còn lỗ chút cũng chấp nhận. Anh em nghệ sĩ rất nhiệt thành giúp đỡ cho liveshow này. Ngoại trừ những chi phí cho “phần cứng” thì không thể thay đổi được, còn lại công sức thì mọi người giúp tôi là chính. Liveshow sẽ sử dụng khoảng 20 ca khúc tiêu biểu, trong đó có vài ba ca khúc chưa bao giờ xuất hiện, cùng những bài hát qua từng giai đoạn của tôi.

Với liveshow này, tôi muốn mọi người biết 20 năm qua tôi vẫn đi trên một con đường, nhưng tôi đã khác ngày tôi 20 tuổi. Tôi vẫn đi con đường đó, không chệch hướng, vẫn làm những gì mình muốn. Tôi tỉnh táo, ngay từ đầu đã biết mình muốn gì, đi đâu để rồi cứ thế mà đi. Đấy là do gia đình. Tôi bị ảnh hưởng từ gia đình nhiều hơn tôi biết, ảnh hưởng lớn nhất đến tôi là bố mẹ.

Tôi lớn lên trong khu nhà tập thể của những nghệ sĩ cổ điển, họ cứ làm nghệ thuật mà không suy nghĩ sẽ làm gì khác, suốt ngày cứ đau đáu về nghệ thuật. Hồi bé tôi đọc nhiều loại sách không đúng với lứa tuổi, đó là những cuốn sách nói về trung dung, vô vi, vô thường, vô ngã… nên tôi cứ lơ lửng giữa các khái niệm ấy. Sống trong môi trường ấy, cộng với những cuốn sách tôi đọc từ bé, dầ n hình thành trong tôi một mục tiêu cũng như suy nghĩ khác về danh vọng hay tiền bạc.

* Đó cũng là lý do khi đang là một nhạc sĩ cứ giới thiệu bài hát nào là “hot” bài ấy, anh bỏ sang New Zealand học về khí nhạc?

- Tôi học nhạc cổ điển từ bé. Từ lúc ấy tôi đã muốn sáng tác cho khí nhạc. Ca khúc và khí nhạc là hai thứ cùng tồn tại trong tôi, viết ca khúc cần có cảm xúc nhiều hơn, còn khí nhạc thì phải có kiến thức mới làm được. Lúc quyết định đi học, tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu tôi không đi bây giờ thì sau này sẽ khó học hơn. Lúc đó tôi 25 tuổi, bắt đầu thấy độ ì của mình hình thành và lớn lên.

Đời sống của nhạc công, làm việc, đi thu, rồi cuối ngày đi nhậu hay gì đó… cứ lặp lại thế, và mình ì ra. Khi thấy sức ì đã lớn, tôi nghĩ mình phải bật thoát ra. Thật ra tôi có học về khí nhạc ở Việt Nam, nhưng thấy không ổn. Tôi tốt nghiệp piano năm 23 tuổi, nhưng năm cuối thì cứ nghỉ suốt vì đi sô, thức đêm, sáng không dậy nổi. Tôi nhận ra cứ duy trì nếp sống như thế thì mình không thể học được, phải bước sang bên kia để tập trung hoàn toàn cho việc học.

* Có lúc nào anh đặt việc sáng tác ca khúc và khí nhạc lên bàn cân, khi sáng tác ca khúc mới nhanh chóng mang cho anh danh tiếng lẫn tiền bạc?

- Chưa bao giờ tôi nghĩ đến danh tiếng. Danh tiếng là thứ rất khó nói, nó có thể mất đi vào ngày mai hay vào năm sau chẳng hạn, nên chúng ta không cần nghĩ về nó. Hơn nữa, danh tiếng là thứ tự nhiên đến, mình không làm chủ được. Nếu mình làm chủ được, kiểu như là, nếu mình sáng tác hai - ba bài nữa thì mình sẽ đạt được mức độ này chẳng hạn, thì khác. Tôi chỉ có thể chủ động làm được việc duy nhất là trau dồi mình, còn nổi tiếng là thứ trời cho. Khi lựa chọn bỏ để đi, tôi không đắn đo. Chuyện được học hành về sáng tác một cách đàng hoàng là mục tiêu cao nhất của tôi từ bé.

* Việc anh đầu quân cho Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) khiến nhiều người ngạc nhiên. Sự đãi ngộ người tài ở nhiều nơi chưa xứng đáng, HBSO là một ví dụ, trong khi anh thì chỉ cần “gia nhập” thị trường, điều nhận về sẽ khác…

- Trước hết, vì đó là một mối quan hệ sâu xa. Bố mẹ tôi là những người tham gia sáng lập nên HBSO, từ lúc nhà hát chỉ mới có sáu người và một năm chỉ diễn được một lần, không có nhà tập, không có văn phòng, không có gì cả. Thứ hai, tất cả những nghệ sĩ ở HBSO đều là cô chú mình, những bạn bè thân của tôi giờ cũng làm ở đây, và ngành tôi học thì chỉ có ở đây mới phát huy được. Với tôi, đây là nơi mì nh được rèn luyện nghề, giữ cho mình tiếp tục làm việc, và tất nhiên không chỉ riêng tôi, tất cả các nghệ sĩ ở đấy đều tranh thủ làm thêm bên ngoài.

Sự đền đáp chưa xứng đáng, đúng thế, nhưng tình yêu cho nghệ thuật nghiêm túc đã giữ mọi người lại. Rất nhiều người ở HBSO là như thế, tôi rất cảm động về điều ấy. Nhiều khi mọi người thấy họ xinh đẹp, lộng lẫy trên sân khấu như thế nhưng đâu biết cuộc sống ngoài đời họ vất vả như thế nào. Đâu ai có thể đạt được hết mọi thứ, chúng ta sẽ chỉ có khuynh hướng tìm đến những gì chúng ta cho rằng nó có giá trị.

* Trong 20 năm qua, có lúc nào anh cảm khó xử với bài toán cơm áo gạo tiền?

- Có, rất nhiều khi ấy chứ, nhưng may mắn là tôi chưa rơi xuống đáy nên vẫn vượt qua được. Cơm áo gạo tiền là bài toán của bất kỳ ai. Chỉ là, với tôi, nó đến khi tôi đã đóng đàn lại, còn khi mở đàn ra làm việc, tôi không để tâm đến nó. Một cách nào đó, nó cũng là một động lực sống, miễn là đừng để những tính toán ấy chen vào khi làm việc. Khi làm việc hãy hết sức trong sáng và vì nghệ thuật. Đến bây giờ với tôi, mọi thứ vẫn ổn. Mình đã lựa chọn điều đấy thì mình có thể bỏ qua những thứ khác.

* Điều bất ngờ về anh gần đây là việc anh viết nhạc phim.

Bởi, nhiều người vẫn nghĩ rằng Việt Anh thì quá kiêu hãnh để viết nhạc phim… - Tôi chỉ là người mới của lĩnh vực này thôi, tôi nghĩ, viết nhạc phim hay đấy chứ! Một người làm việc chuyên nghiệp thì không nên đóng khung mình vào một thể loại nào đó. Nhạc phim nếu làm tốt, sẽ có đời sống riêng và tồn tại rất lâu, có khi vượt qua cả đời sống của phim. Tôi chỉ nhận lời làm khi tôi đọc kịch bản và tin là nó ổn. Dĩ nhiên tôi không thể nào kiểm soát được việc nó diễn ra thế nào sau đó trên thực tế, nhưng trên kịch bản, ít nhất nó khiến tôi xúc động hoặc có tính hướng thiện.

Những câu hỏi tôi đặt ra khi nhận công việc đó là nó có hợp với mình hay không, mình có thể làm tốt nó hay không. Việc trả lời những câu hỏi đó sẽ đến từ cảm nhận của tôi khi đọc kịch bản. Cũng có nhiều kịch bản đọc xong thấy không hợp, tôi từ chối ngay. Thật ra khi đạo diễn tìm đến mình, họ đã nhắm rằng mình phù hợp với không gian của phim, tình cảm của phim. Kiểu như, tôi không thể phù hợp với phim hành động được. Đó là sự hợp tác cũng giống như khi tôi được mời hòa âm hay sáng tác bài hát thôi. Quan trọng là sự thấu hiểu.

Tác giả bài viết: Võ Hà

Nguồn tin: duyenclvn theo phunuonline