Bên dòng sông Trẹm với Nhạc sỹ Xuân Hồng

NS Xuân Hồng

NS Xuân Hồng

Nhạc sĩ Xuân Hồng được bình chọn là nhạc sĩ của mùa xuân theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Ông là một trong những “cây đa, cây đề” trong dòng nhạc cách mạng kháng chiến ở Nam Bộ. Tôi được gặp và chèo ghe chở ông đi cả ngày trên dòng sông Trẹm ở Cà Mau. Nhân kỷ niệm ngày mất của ông 14/5/1996-14/5/2015 xin được viết những kỷ niệm về người nghệ sĩ tài hoa này.

Năm Mạnh học cùng khóa quân sự với tôi tại TP. HCM vào đầu năm 1976. Quê anh tận bờ sông Trẹm, huyện Thới Bình, Cà Mau. Năm 1985 anh ra quân về mần ruộng rồi chuyển qua lái vỏ lãi (ghe nhỏ chạy theo sông rạch). Năm ấy, thư cho tôi anh viết: “Mày ra lính về Cà Mau quê tao sinh sống, tao hứa sẽ sắm cho mày một con vợ “ngon” rồi hai thằng làm ruộng ở gần nhau, chẳng lẽ mầy cứ đi lính hoài, hòa bình rồi về cưới vợ sinh con chớ”. 

Nghe lời anh, tôi bắt xe đò đi 2 ngày một đêm đến Cà Mau rồi về sông Trẹm lúc 6 giờ chiều, Mạnh mang vỏ lãi ra đón tôi, trên ghe có một ông trên 50 tuổi mặc áo đại cán màu trứng sáo đầu đội chiếc nón nỉ rộng vành. Mạnh cho biết phải chở ông khách vào Lâm ngư trường sông Trẹm. Lúc ấy trời đã sẫm tối, muỗi bay từng đàn đập vào mặt ran rát. Ven bờ trẻ con đốt lá dừa nước chạy đuổi nhau uỳnh ụych. 

 

 

Nhìn các cháu, tôi bỗng nhớ đến những ngọn đuốc của người Stiêng giã gạo. Tôi hỏi: “Năm Mạnh ơi! Mầy biết ông Xuân Hồng, người sáng tác bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo không?”. Trong tranh tối tranh sáng, Năm Mạnh ngửa mặt lên trời cười sằng sặc: “Chú Ba Xuân Hồng đang ngồi sau lưng mày đó!”. “Giỡn cha nội, ông Xuân Hồng nay làm quan to rồi mà chịu bó gối ngồi tắc ráng của mày à!”. Tôi bốp chát. 

Lúc này người đàn ông mới lên tiếng: “Quan quyền gì! Chú là Xuân Hồng đây!”. Tôi ngơ ngác quay lại, trong bóng đêm không nhìn rõ mặt người. Vào đến ngư trường đã hơn 8 giờ tối, ban lãnh đạo đề nghị chúng tôi ngủ lại, vì ghe của nó không có đèn. Đêm ấy lần đầu tiên tôi gặp và nói chuyện với ông, một nhạc sĩ mà tôi trân trọng về tính cách đặc quánh Nam Bộ từ thời cầm súng đến tận bây giờ.

Thời ấy Lâm ngư trường sông Trẹm không có điện, chúng tôi ngồi trong mùng ăn cháo cá lóc để tránh muỗi đàn bay như sáo. Dưới ngọn đèn dầu tù mù, tôi cất giọng: “Chú Ba ơi! Con thuộc rất nhiều bài của chú như Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, nhất là bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Sau năm 75, chú có về lại Phước Long để nhớ lại tiếng chày một thời xa vắng?”. 

Chú Ba Xuân Hồng nhìn tôi cười hềnh hệch, nụ cười hiền lành như dòng sông Trẹm mùa khô: “Tao mới về, Bom Bo bây giờ thay đổi lắm. Người Stiêng đã có máy xát gạo rồi. Hôm ấy, đúng dịp ngày hội của sóc, nên các già làng ở Bù Đăng Bù Đốp về đủ. Gặp tao ai cũng mừng. Ông già làng có lẽ cao tuổi nhất đến tìm gặp rồi sờ đầu sờ cổ tao nói  rằng: Cũng nhờ bài ca của mày mà người Stiêng tao được cả nước biết đến, được Đảng và nhà nước cho tiền làm cái đường cái điện. Bà con Stiêng mang ơn mày lắm, nên muốn đẽo cho mày một cái tượng, muốn tặng cho mày cái tivi trắng đen 14 inch làm kỷ niệm”. “Bà con quý chú lắm nên mới nói thế! rồi chú có nhận không?”, tôi tiếp tục hỏi. “Nhận làm sao được, nhưng tao cảm động lắm, tao đề nghị với các già làng, nếu bà con còn nhớ đến Xuân Hồng, bảo anh em vô rừng đốn một khúc gỗ, khoét 2 lỗ làm 2 con mắt, đắp ở giữa một cái gờ làm mũi, khoét một lỗ ở dưới làm cái miệng. Sau đó ghi 2 chữ Nhạc sỹ Xuân Hồng là được rồi. Bà con không ai chịu bắt ép tao phải nhận. Người Stiêng sống tình nghĩa và thủy chung lắm, mày có dịp nên về thăm bà con một lần cho biết…”.

Hôm sau, Năm Mạnh mượn một chiếc xuồng, nó chèo lái còn tôi chèo mũi chở chú Xuân Hồng len lỏi trong rừng U Minh Hạ. Chú Ba là dân Tây Ninh, chiến đấu ở Miền Đông nên khi ngồi ghe trên vùng sông nước trông ông rất thích, nói cười vui vẻ. Tôi vừa chèo vừa hỏi: “Bài Mùa xuân trên thành phố HCM sao đến năm 1978 mới công bố rộng rãi, vậy chú sáng tác năm nào hở chú?”.  

Ông móc ra một gói thuốc lá Vàm Cỏ, cho chúng tôi mỗi thằng mỗi điếu bập phì phà, ông nói: “Nhiều người hỏi tao câu này. Lúc đi chiến dịch, tao đã có ý tưởng viết, lúc quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, tao đang công tác ở Lộc Ninh. Lúc ấy trong niềm hân hoan, tin tưởng vào ngày toàn thắng, những ca từ đầu tiên vang lên trong đầu, cũng sợ quên mất nên tao ký âm lên cánh tay mình. Khi vào đến Sài Gòn, chứng kiến những cuộc hội ngộ tràn đầy nỗi xúc động, niềm vui, vỡ òa hạnh phúc… tao lại nẩy ra lời hát “vui sao nước mắt lại trào!”. Và những nốt nhạc cuối cùng của bài Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh được hoàn thành vào năm 1978. Bài đó phải mất ba năm tụi bây ơi!”

Năm Mạnh nghe câu chuyện vừa chèo lái vừa hát liên khúc "Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi. Mùa xuân về trong chiến khu, gió đưa cây rừng cành lá vi vu ú u úu u.  Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi...". “Mùa Xuân này về trên quê ta… đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời...”. “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa. Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua. Bồng con ra võng để đòng đưa. Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa…”.

 

 

Nhạc sĩ Xuân Hồng.

Chú Ba ngồi lặng lẽ trầm tư, đến khi Năm Mạnh dứt liên khúc một lúc ba bài, ông vỗ tay đôm đốp rồi bất chợt hỏi: “Mầy biết bài Đôi Mắt không!”. “Dạ biết”. Năm Mạnh tiếp tục: “Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Đời cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ để ghen để hờn..”. Vậy đôi mắt của mầy nhìn đời ra sao Năm Mạnh?”. Ông cười khặc khặc… Hôm ấy ba chú cháu làm 2 xị đế với mồi khô sặc do Năm Mạnh mang theo. Ông kể về đời mình được cha mẹ dạy đàn từ nhỏ rồi mang cái tên có vẻ con gái đến nỗi ở ngoài Bắc khối người lầm tưởng. Mỗi lần có thư từ người ta ghi kính gởi chị Xuân Hồng nghe mà thấy nhột.

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh ngày 12/12/1928, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ông tham gia cách mạng ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ khi chưa đầy 18 tuổi. Ông sáng tác nhạc để động viên tinh thần yêu nước của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Dù không được đào tạo qua một trường lớp âm nhạc chính quy nào nhưng bằng thực tiễn cách mạng, tình yêu dành cho con người và mảnh đất quê hương đã góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp cho ông nguồn tư liệu quý giá để viết nên những ca khúc sống mãi cùng năm tháng.

Trong đời sáng tác của mình, chú Ba Hồng để lại cho hậu thế nhiều bài tình ca đặc quánh tính cách Nam Bộ. Chú có nhiều huân, huy chương được người dân và nhà nước trao tặng. Có lẽ trong giới nhạc sĩ không nhiều  người được nhà nước phong anh hùng. Ngày 21 tháng 12 năm 2014, nhạc sĩ Xuân Hồng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bây giờ thời hội nhập, gió thổi qua các miền tối sáng. Ra đường ngồi quán cà phê hoặc trên truyền hình dòng nhạc mới xuất hiện hò hét nhảy múa nhưng đa số mang bóng dáng “mỳ ăn liền”. Mỗi lần có dịp nghe lại những lời hát của nhạc sĩ Xuân Hồng, tôi hình tượng cả không gian lẫn thời gian từ một thời xa vắng cứ hiện lên mồn một. Nhớ chú Ba, nhớ dòng sông Trẹm, tôi điện thoại cho Năm Mạnh và viết bài này không biết nó có đọc không. Thằng Năm Mạnh bây giờ nó nhậu giỏi hơn đọc sách báo.

Ghi chép: Như Long

Nguồn tin: tcgd theo CAND