Ươm mầm tài năng nhí cho đờn ca tài tử

iết mục “Nhớ ơn thầy cô” của bé Lư Bội Trâm và Lư Thiên Trâm.

iết mục “Nhớ ơn thầy cô” của bé Lư Bội Trâm và Lư Thiên Trâm.

Lần đầu tiên, TP Hồ Chí Minh tổ chức liên hoan dành cho thiếu nhi đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử. Đây là cách để thành phố phát hiện những tài năng triển vọng, bồi dưỡng đội ngũ kế cận bổ sung vào lực lượng nghệ nhân đờn ca tài tử đang ngày càng mai một.
Nhờ hàng trăm tác phẩm chất lượng thu được từ “Cuộc vận động sáng tác lời mới các làn điệu đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi năm 2015”,  năm 2016, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh mới mạnh dạn tổ chức “Liên hoan Giọng ca tài tử thiếu nhi TP Hồ Chí Minh”. 

Bởi lâu nay, các bài ca tài tử dành cho thiếu nhi vô cùng khan hiếm. Đây cũng là điều nan giải với nghệ nhân truyền dạy vì bất đắc dĩ phải để các em luyện giọng, đếm nhịp bằng bài ca của người lớn vốn thiên về tình yêu đôi lứa, trầm tư cuộc đời…

Nhiều bài có nội dung khó hiểu so với lứa tuổi nên không ít em mới học được nửa chừng đã bỏ. Do đó, Liên hoan được coi là dịp để đưa nghệ thuật đờn ca tài tử đến gần với thiếu nhi.

 
Tiết mục “Nhớ ơn thầy cô” của bé Lư Bội Trâm và Lư Thiên Trâm.

Kéo dài từ ngày 4-8 đến ngày 7-8, Liên hoan thu hút hơn 100 em thiếu nhi dưới 15 tuổi thuộc 24 trung tâm văn hóa quận, huyện trên địa bàn thành phố. 

Các em mang đến 90 tiết mục dự thi đầy màu sắc với nhiều hình thức thể hiện như đơn ca, song ca, tam ca. Đây là những bài bản được đặt lời mới dựa trên 20 bài bản Tổ và bài bản vắn, bài lý... có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, nhớ ơn cha mẹ, thầy cô, tình bạn bè... 

Ban giám khảo là nghệ nhân, nhà nghiên cứu có uy tín, tên tuổi trong lĩnh vực đờn ca tài tử như soạn giả Ngô Hồng Khanh, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh....

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban tổ chức, cho biết: “Liên hoan là một trong số các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ cam kết cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Số lượng em thiếu nhi yêu thích bộ môn này khá khiêm tốn so với bộ môn nghệ thuật khác vì nó khó, đòi hỏi phải có năng khiếu và niềm đam mê, kiên trì. 

Do vậy thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng triển khai truyền dạy đờn ca tài tử cho thiếu nhi khắp các quận, huyện nhằm tìm kiếm tài năng. Liên hoan là sân chơi bổ ích để các em thiếu nhi tìm hiểu, thi thố và phát triển năng khiếu sau thời gian rèn luyện trên”.

Điều mà thành phố lo ngại nhất hiện nay chính là lực lượng tài tử đờn ngày càng khan hiếm. Vậy nên sự xuất hiện của tài tử đờn nhỏ tuổi tại Liên hoan là một tín hiệu đáng mừng. Đó là Lê Minh Khôi (đờn sến), Trần Nhựt Đức (guitar phím lõm), Nguyễn Như Cường (đờn kìm), Nguyễn Nguyệt Thu (đờn bầu)… 

Các em thể hiện nhiều bài bản khó khiến không ít khán giả trầm trồ. Đại diện Ban giảm khảo, soạn giả Ngô Hồng Khanh đánh giá: “Liên hoan xuất hiện nhiều nhân tố trẻ rất đáng khích lệ. Trước đây, chúng ta vẫn mong mỏi một lực lượng tiếp nối nghệ thuật truyền thống ở lứa tuổi thanh niên mười tám, đôi mươi thì nay đã xuất hiện lực lượng kế thừa ở lứa thiếu nhi mà có em chỉ mới 5 tuổi”.

Trước thông tin Liên hoan sẽ được tổ chức hai năm một lần, anh Lê Minh Hùng, cha bé Lê Minh Khôi vui mừng nhưng vẫn mong mỏi thành phố tạo nhiều điều kiện cho các bé gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt với nhau chứ không chỉ dừng lại ở vài cuộc thi tài năng đơn thuần. 

Bởi để các em yêu thích di sản nghệ thuật dân gian độc đáo này, kế thừa bậc cha ông thì cần một quá trình bồi đắp lâu dài với sự chung tay của nhà quản lý, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. 

Tác giả bài viết: Quỳnh Nga

Nguồn tin: duyenclvn theo cadn.com.vn/