Trăn trở nghệ thuật truyền thống biểu diễn tại Nhà hát lớn

Nghệ thuật Tuồng

Nghệ thuật Tuồng

"Chúng tôi đang có kế hoạch bán vé 50%, mời 50% nhưng bán vé rất khó, bởi vé mời phát ra khán giả còn không đi xem", trăn trở một lãnh đạo nhà hát.

Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có công văn cho phép 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL sẽ biểu diễn luân phiên tại Nhà hát Lớn bắt đầu từ tháng 9 tới. Theo đó, khởi đầu là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ có các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn bắt đầu từ 30, 31/8 và 1/9.

Chủ trương của bộ đã nhận được sự hưởng ứng rất cao của anh chị em nghệ sĩ. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn khẳng định: “Bao lâu nay Nhà hát lớn Hà Nội luôn là một đơn vị tổ chức rất chuyên nghiệp, có sức ảnh hưởng, về mặt kiến trúc, vị thế đều rất hoàn hảo. Được biểu diễn ở đây là niềm mơ ước của rất nhiều các đơn vị nghệ thuật. Nhà hát lớn cũng được coi là “ngôi đền nghệ thuật”, vậy nên khi bộ ra quyết định này, thực sự rất đúng đắn, để có thể giới thiệu cho khán giả trong nước và quốc tế về những giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam”.

   Trăn trở nghệ thuật truyền thống biểu diễn tại Nhà hát lớn - Ảnh 1

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn

Chung quan điểm NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương nói: “Việc anh chị em nghệ sĩ đứng trên một sân khấu có tuổi đời rất lâu, biểu diễn những tác phẩm kinh điển, truyền thống của dân tộc là một niềm tự hào lớn”.

Song cũng từ quyết định này với mỗi đơn vị nghệ thuật đều gặp khó khăn riêng. Ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi phải tính toán làm sao để một buổi biểu diễn không bị “lỗ”, bởi vận hành một chương trình khá tốn kém. Cần nhận thấy một thực trạng hiện nay, nhu cầu về văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật biểu diễn rất nhiều cái thay đổi. Công chúng có thị hiếu thưởng thức khác hơn, cộng thêm những thay đổi về điều kiện kinh tế xã hội càng khiến công chúng rời xa với nghệ thuật truyền thống. Đơn cử nhất là việc, khán giả trẻ phần nhiều là không thích, thờ ơ với các loại hình này”.

   Trăn trở nghệ thuật truyền thống biểu diễn tại Nhà hát lớn - Ảnh 2

Dù nghệ thuật Tuồng có kén người nghe nhưng anh chị em nghệ sĩ quyết tâm cống hiến một đêm diễn hoàn hảo nhất cho khán giả

Giám đốc Nhà hát tuồng trăn trở: “Với nhiệm vụ trước mắt của nhà hát tuồng là hai đêm biểu diễn trong tháng 10, tháng 11. Chúng tôi đang có kế hoạch bán vé 50%, mời 50% nhưng bán vé rất khó, bởi vé mời phát ra khán giả còn không đi xem. Cho dù các tác phẩm đó là kinh điển, nhưng đó là với góc nhìn làm nghệ thuật của chúng ta, còn với khán giả họ không thể đón nhận được, họ không cảm nhận được”.

Dù có khó khăn nhưng vị Giám đốc Nhà hát vẫn khẳng định anh chị em nghệ sỹ sẽ “cháy” hết mình với tác phẩm và cống hiến cho khán giả một chương trình biểu diễn nghệ thuật đạt chất lượng cao nhất.

   Trăn trở nghệ thuật truyền thống biểu diễn tại Nhà hát lớn - Ảnh 3

Những bộ môn nghệ thuật truyền thống là những nét văn hóa quý báu cần gìn giữ, bảo tồn

Có một cái nhìn lạc quan hơn, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam nói: “Thực ra chúng ta phải xác định tinh thần, nghệ thuật truyền thống tuy kén người nghe nhưng đó cũng là một môn nghệ thuật của đất nước, chúng ta cần gìn giữ bảo tồn. Dù biết khán giả chưa yêu, chưa hiểu nhiều thì chúng ta càng quyết tâm đưa khán giả tới với sân khấu. Văn hóa của đất nước mọi người chưa biết, chưa cảm thụ được thì chúng ta sẽ “đào tạo khán giả”, nếu “bàn lùi” thì nghệ thuật văn hóa truyền thống sẽ ngày một mai một.

Tác giả bài viết: Phương Anh

Nguồn tin: duyenclvn theo nguoiduatin.vn