Sân khấu cải lương miền Bắc: Cơn khốn cùng phút lâm chung

Sân khấu cải lương miền Bắc: Cơn khốn cùng phút lâm chung
Với sự đi xuống của nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu cải lương miền Bắc đang sống trong cảnh hiu hắt tới mức, không ít người đặt câu hỏi liệu loại hình nghệ thuật này còn “sống” hay đã “chết?
Chắc hẳn khi nhắc tới sân khấu cải lương miền Bắc, nhiều người - nhất là các bạn trẻ sẽ cảm thấy bất ngờ và đặt câu hỏi "miền Bắc mà cũng có cải lương ư?". Thế nhưng ít người biết rằng, vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi nghệ thuật cải lương du nhập vào miền Bắc (thông qua các nghệ sĩ miền Nam tản cư) nó đã nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần quan trọng của nhân dân miền Bắc. Sự phát triển của loại hình nghệ thuật này mạnh mẽ tới mức, hầu hết các tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Yên Bái… đều có đoàn cải lương riêng.

Thế nhưng cùng với sự đi xuống của nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu cải lương miền Bắc đang gặp phải vô vàn khó khăn và thách thức nếu nhìn vào thực tiễn đang diễn ra hiện nay. Ai cũng biết diễn viên là lực lượng trung tâm của sân khấu, thế mà hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật truyền thống (trong đó có cải lương) đang bị thiếu hụt lực lượng diễn viên và nhạc công trầm trọng.

   Sân khấu cải lương miền Bắc: Cơn khốn cùng phút lâm chung - Ảnh 1

Một cảnh trong vở Yêu là thoát tội của nhà hát cải lương Hà Nội

Nguồn tuyển sinh cho sân khấu truyền thống thời gian qua đều ở tình trạng báo động vì thưa vắng thí sinh đăng ký. Mặc dù nhà nước đã có chế độ ưu đãi giảm 70% học phí cho sinh viên theo học, hằng tháng có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác ... nhưng số lượng thí sinh thi vào các chuyên ngành này vẫn ngày càng giảm. Sự việc đáng báo động đến mức, bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phải có quyết định “Phê duyệt nội dung đề án Đào tạo diễn viên, nhạc công, cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 – 2020”.

Đào tạo nguồn nhân lực đã vậy, bản thân nhiều vở cải lương miền Bắc dù được các nhà chuyên môn đánh giá cao nhưng nó vẫn rất khó để “sống” được trong lòng khán giả. Trong cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, 2/5 giải vàng và 2/8 giải bạc thuộc về đoàn miền Bắc (vở Yêu là thoát tội của Nhà hát cải lương Hà Nội, vở Vua Thánh triều Lê của Nhà hát cải lương Việt Nam đoạt giải vàng; vở Mai Hắc Đế của Nhà hát cải lương Việt Nam, vở Đen – Đỏ mặt người của đoàn cải lương Hải Phòng đoạt giải bạc). Ấy thế nhưng tất cả vẫn chỉ dừng ở tấm huy chương chứ nhiều vở vẫn ế như thường.

Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc nhà hát cải lương Hà Nội thừa nhận: "Một năm nhà hát cải lương Hà Nội dựng được khoảng 3 vở mới. Bên cạnh đó, trung bình 1 tháng chúng tôi diễn được khoảng 20 buổi (bằng việc tự tổ chức nhiều kênh khác nhau để biểu diễn). Thế nhưng có một thực tế, dù ngân sách cấp cho việc dựng vở, diễn vở tương đối đảm bảo nhưng nhiều đoàn dựng xong, diễn không ai xem. Như thế thì đoàn đó coi như là chết”.

   Sân khấu cải lương miền Bắc: Cơn khốn cùng phút lâm chung - Ảnh 2

Một cảnh trong vở Vua Thánh triều Lê của nhà hát cải lương Việt Nam.

Trong khi đó, nhìn vào danh sách vở diễn của nhà hát cải lương Việt Nam mấy năm qua, chắc hẳn nhiều người sẽ chạnh lòng khi số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số vở được đem đi dự thi cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 cũng đều là những vở được dựng cách đó 1 - 2 năm như: vở Mai Hắc Đến, vở Vua Thánh triều Lê ... Từ thông tin trên trang web của nhà hát cải lương này cho thấy, năm 2016 vẫn chưa có vở mới nào được dàn dựng.

Ông Bùi Xuân Tiến, nguyên Giám đốc nhà hát cải lương Việt Nam chia sẻ với PV báo Người đưa tin rằng: "Mang tiếng là một nhà hát ở cấp trung ương nhưng chúng tôi toàn phải đi thuê rạp. Có nhiều đợt vở diễn rơi vào mùa đắt show của làng giải trí nên phải cạnh tranh thuê rạp rất mệt mỏi. Đã từ lâu, chúng tôi không còn dám mơ đến chuyện bán vé trước giờ diễn, thay vào đó là ký hợp đồng với một đơn vị nào đó. Cũng bởi không có khán giả nên bản thân các nghệ sỹ phải tìm cách xoay xở để đảm bảo chỉ tiêu số đêm diễn do bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch quy định. Nói như vậy để thấy, hoạt động của sân khấu cải lương miền Bắc vô cùng vất vả".

Đồng tình với quan điểm này, ông ông Trần Quang Hùng, Giám đốc nhà hát cải lương Hà Nội chia sẻ: “Nói về khó khăn thì nhiều, có thể kể ra một số ví dụ như: Sự nghèo nàn về kịch bản, thiếu nghệ sĩ tài danh, thiếu cơ sở vật chất, vấn đề chính sách còn nhiều điểm chưa phù hợp, đời sống nghệ sỹ không đảm bảo ... Tất cả những khó khăn trên khiến ngay bản thân chúng tôi thấy rằng, việc tồn tại hay không tồn tại của sân khấu cải lương miền Bắc chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”.

Tác giả bài viết: Phạm Thiệu

Nguồn tin: duyenclvn theo nguoiduatin.vn