Sân khấu TP.HCM: cần chống lại kiểu hài dung tục, nói trây

Vở Thú yêu thương

Vở Thú yêu thương

Những câu chuyện đáng bàn của sân khấu TP.HCM vừa lần nữa được đề cập trong hội thảo mang tên Tác giả và khán giả do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức sáng 5-5.
.
Sân khấu TP.HCM: cần chống lại kiểu hài dung tục, nói trây
Vở Thú yêu thương - một vở diễn có tính châm biếm, đả kích sâu cay của sân khấu IDECAF - được thể hiện với màu sắc bi hài kịch tạo cảm tình với người xem - Ảnh: Gia Tiến

“Để chống lại kiểu hài dung tục, nói trây, phải giới thiệu đến khán giả nhiều hơn những kịch bản hài sạch sẽ, thâm thúy

Đạo diễn Hoa Hạ

Nhiều tác giả, nhà quản lý, các ông bầu bà bầu sân khấu đã cùng nhìn lại mối quan hệ giữa tác giả và khán giả sân khấu hiện nay.

Đứng về phương diện quản lý sân khấu, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf chỉ ra điểm yếu của tác giả: “Chúng ta đang có lực lượng tác giả rất lớn, quý và giỏi nghề nhưng còn chung chung. Có những kịch bản viết tốt nhưng chưa xoáy vô từng đối tượng khán giả, nếu chúng ta biết xoáy vào thì tôi nghĩ tác giả sẽ không thất nghiệp”.

Ông Trần Minh Ngọc, cố vấn lý luận phê bình của Hội Sân khấu, khẳng định chúng ta chưa làm tốt công việc tiếp cận khán giả. Sân khấu, đặc biệt sân khấu xã hội hóa, chưa được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tìm kiếm khán giả.

Sân khấu xã hội hóa hoạt động hơn 20 năm mà chưa có cuộc điều tra xã hội học nào để tìm hiểu xem khán giả muốn gì, thích gì, đối tượng khán giả ra sao...

“Nếu như trên thế giới, một câu chuyện người ta có thể có 10 cách kể khác nhau, còn ở ta vẫn tồn tại 10 câu chuyện nhưng chỉ có một cách kể. Nghĩa là chúng ta làm giống nhau.

Lẽ ra chúng ta phải có những sân khấu khác nhau. Từ đó, tác giả, người viết có trình độ hiểu biết, vốn sống phong phú phải nghiên cứu sức mạnh, đối tượng khán giả ở từng sân khấu để cho 
ra đời kịch bản phù hợp”.

Bàn về yếu tố thị trường, nghệ sĩ Xuân Hương nói:

“Tôi cho rằng không nên phân biệt kịch thị trường - kịch chính thống. Khán giả quan tâm điều gì chúng ta nên đáp ứng nhưng hãy thực hiện một cách nghiêm túc. Như chương trình Những người thích đùa mà chúng tôi thực hiện trước đây là thể loại hài kịch châm biếm khó coi, khó nuốt nhưng khán giả vẫn ủng hộ”.

Trước những ý kiến cho rằng sân khấu đang lạm dụng các đề tài kịch ma, kinh dị, đồng tính, Gia Bảo - ông bầu của sân khấu Family - đặt hàng:

“Lượng khán giả đồng tính của sân khấu kịch đông lắm. Họ cũng có những tâm tư, nỗi niềm. Kịch đồng tính, kinh dị đang được khán giả thích. Tôi đề nghị các tác giả hãy thử đầu tư cho những đề tài này nhưng viết thật đàng hoàng, có chiều sâu để đáp ứng nhu cầu khán giả”.

Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu, nhấn mạnh ý nghĩa chữ “thị trường”: “Chúng ta nhắc đến thị trường nhiều với cảm giác là cái gì không đúng, không tốt. Nhưng thật ra khái niệm thị trường rất đúng với sự tồn tại của sân khấu, vấn đề là thị trường nào?

Chúng ta phải phân loại thị trường ra để đáp ứng. Việc phân loại bi kịch, chính kịch, hài kịch... chỉ là kỹ thuật viết. Hiện nay sân khấu không phân biệt vấn đề này, quan trọng cách chúng ta thể hiện. Kịch ma, kịch hài... không xấu, quan trọng chúng ta nói cái gì, nói đến đâu 
và thể hiện ra sao”.

Đạo diễn Hoa Hạ - người chủ trì hội thảo - cho biết dự kiến khoảng ba tháng, hội sân khấu sẽ tổ chức hội thảo một lần và sẽ tạo điều kiện cho khán giả đến đông hơn, để người làm sân khấu được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của khán giả.


Tác giả bài viết: LINH ĐOAN

Nguồn tin: duyenclvn theo tuoitre.vn