Ở Việt Nam nghệ thuật chưa có được vị trí xứng đáng!

Nghệ thuật đang ở đâu?

Nghệ thuật đang ở đâu?

Nghệ thuật không phải chỉ để nghe hay nhìn. Hãy thưởng thức và cảm nhận nó!
Nghệ thuật là gì?
Nghệ thuật là những hoạt động khác nhau của con người, biểu hiện qua những sản phẩm phản ánh thực tế đời sống xã hội. Đó có thể là nghệ thuật thị giác: hội họa, đồ họa, in ấn, nhiếp ảnh.. hoặc nghệ thuật thính thị giác: các loại hình ca múa nhạc truyền thống, hiện đại, nghệ thuật biểu diễn…
 
Nghệ thuật là đỉnh cao của xúc cảm, sức sáng tạo, sự tưởng tượng của con người. Nó có khả năng trường tồn cùng thời gian, là biểu tượng của các nền văn hóa qua các thời kỳ, có sức tác động đến tư duy, nhận thức, cảm xúc của con người. Phải trân trọng nghệ thuật thì những người làm nghệ thuật mới có động lực để tiếp tục phát triển và tạo ra những thành tựu mới. Nhưng ở Việt Nam những giá trị nghệ thuật mang lại chưa nhận được sự quan tâm “xứng đáng”. Nghệ thuật đang ở đâu? Điều gì khiến nghệ thuật có một vị trí “xứng tầm”?
 
Nghệ thuật đang ở đâu?
Khoan nói về truyền thống hay hiện đại, muốn biết vị trí của nghệ thuật ở trong cuộc sống thường nhật, có lẽ ta hãy nhìn vào nền giáo dục của Việt Nam. Nói về định hướng nghề nghiệp, đa phần các bậc phụ huynh không ủng hộ con cái mình chọn các lĩnh vực được coi là “giải trí” làm ngành nghề chính: ca sĩ, diễn viên, vũ công, nhạc công, họa sĩ… Những thứ như: vẽ vời, hát hò, nhảy nhót… nhẹ thì được coi là “phụ”, là “không đáng được đầu tư”, nặng nề thì các vị phụ huynh sẽ coi những người làm nghệ thuật là “tầm thường”, không “nghèo” thì cũng “hư hỏng”, “xướng ca vô loài”, cấm đoán chỉ trích đủ đường, không cho con cái theo đuổi ước mơ nếu nó có liên quan đến nghệ thuật… Chỉ cần học giỏi thôi, hãy học và học thôi, những thứ khác đừng quan tâm – đa phần các vị huynh đòi hỏi ở con mình điều đó.
 
Nền giáo dục của chúng ta đang tạo ra những con robot chỉ biết học và học
 
Nếu như ở các nước Âu – Mỹ, mọi người được khuyến khích phát triển các hoạt động văn thể mỹ, đa phần các gia đình đều cho con học chơi ít nhất một loại nhạc cụ hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa, thì ở Việt Nam con cái được khuyến khích chỉ tập trung vào học. Chưa kể đến, ở các nước phương Tây sau khi kết thúc cấp ba rất nhiều học sinh nhận được học bổng từ các trường đại học nhờ có thành tích nổi bật trong các hoạt động ngoại khóa: ca hát, nhảy múa, biên kịch, đồ họa, các hoạt động thể thao… Điều này cũng tạo động lực cho các em phát triển năng khiếu, ươm mầm những tài năng cho các lĩnh vực nghệ thuật trong nước.
 
Ở các nước phương Tây, sáng tạo nghệ thuật được khuyến khích ngay trong nền giáo dục
 
Chính vì không trân trọng nên nghệ thuật càng khó phát triển, sản phẩm làm ra cũng không được trân trọng. Ít có đất nước nào, vấn đề về bản quyền các sản phẩm trí tuệ là nhức nhối như Việt Nam. Người dân được nghe “nhạc chùa” trên mạng, đạo nhạc xảy ra như cơm bữa. Những người làm nghệ thuật đích thực thì  khó “sống” với nghề. Phụ thu phòng trà ở Hà Nội thường dao động ở mức 30-100 nghìn đồng, còn ở Hải Phòng là 20-50 nghìn đồng. Mọi người sẵn sàng bỏ ra chừng đó tiền để đi cafe nhưng lại không mấy ai sẵn sàng trả tiền để đi nghe nhạc. Thậm chí số đông còn cho rằng đó là lãng phí, tốn kém, không đáng? Việc vỗ tay sau mỗi màn trình diễn ở các quán nhạc, phòng trà.. là điều khá xa xỉ. Nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống miễn phí, tự do vào cửa mà cũng không thu hút được sự quan tâm của công chúng. Thử hỏi với sự “đối đãi” nghệ thuật như vậy thì mấy ai muốn hi sinh vì nghệ thuật, tạo ra những đỉnh cao mới?
 
Vị trí nào mới là “xứng”?
Nền giáo dục đóng góp vai trò hàng đầu trong việc định hướng phát triển con người toàn diện. Chúng ta luôn miệng cải cách giáo dục, nhưng lại chỉ cải cách trên sách vở, thiếu tính thực tế. Không chỉ trí tuệ mà cả cảm xúc của con người cũng cần được đầu tư. Các hoạt động văn thể mỹ không chỉ giúp cân bằng cuộc sống, mang đến sự giải tỏa cần thiết mà còn giúp con người nâng cao nhận thức và cảm nhận được nhiều khía cạnh của cuộc sống. Đến bao giờ người Việt Nam mới có văn hóa thưởng thức nghệ thuật?  Không phải là nghe hay nhìn, mà là biết cảm nhận, thẩm thấu cái đẹp đến từ những sản phẩm ấy. Đến bao giờ việc phát triển phần “hồn” của con người được coi trọng ngang bằng phần “trí”? Câu trả lời không chỉ nằm trong việc giáo dục mà còn là cả một hệ tư tưởng ăn sâu trong chuyện “ăn no, mặc ấm”, giờ có ăn ngon, mặc đẹp nhưng nghe, xem, nhìn đã mất gốc tự bao giờ.
 
 Đến bao giờ người Việt Nam mới có văn hóa thưởng thức nghệ thuật? 
 
Thay đổi định kiến về những người làm nghệ thuật. Nếu ta giỏi trong các lĩnh vực học thuật, mọi người sẽ tôn ta lên làm “thánh”, còn nếu giỏi trong các lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí xuất sắc, nổi tiếng, vẫn khó trở thành “tượng đài” trừ khi… đã chết. Chưa kể, đời tư luôn bị người đời chỉ trỏ coi thường, soi mói, bàn tán. Vì làm nghệ sĩ ở Việt Nam hay ở nước ngoài không phải ai cũng có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, môi trường này cũng là mảnh đất của sự cám dỗ, nhiều tai tiếng. Cứ sống trong cái giới ấy là không được “ngoan ngoãn” hay “trong sạch”. Bước chân vào là hỏng cả người – Đó là suy nghĩ của số đông. Mọi người không nhìn được rằng: Vào nghề, hết mình với nghề, tạo ra những tác phẩm để đời – xứng đáng được gọi là “nghệ thuật”, được gọi là “nghệ sĩ” – Cả một chặng đường dài mà không phải ai cũng đi hết được nếu không có đam mê, sự kiên định. Vì thế nghề nào cũng là nghề, cũng có quyền được tôn trọng, nhận được sự đánh giá công bằng với công sức lao động đã bỏ ra.
 
Vấn đề bản quyền cũng cần được giải quyết triệt để. Mỗi sản phẩm nghệ thuật là cả một quá trình tích lũy của người tạo ra nó. Sự bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật chính là ghi nhận công sức và trí tuệ của người nghệ sĩ. Đây không chỉ là vấn đề Cục Sở hữu trí tuệ hay Nhà nước phải giải quyết, mà những khán giả cũng cần phải vào cuộc, tự nâng cao ý thức của bản thân
 
Người nghệ sĩ cần được tôn trọng!
 
Rất khó để có thể xác định vị trí của nghệ thuật. Chữ “xứng” ở đây hàm chứa nhiều hơn một sự đòi hỏi. Trân trọng nghệ thuật, không phải là khi chúng ta ép buộc bản thân phải biết vỗ tay sau mỗi màn trình diễn, phải thán phục mỗi bức tranh bức ảnh đẹp… mà là lúc ta mở rộng tâm hồn đón nhận linh hồn của các tác phẩm nghệ thuật, dùng cảm xúc để hiểu cảm xúc, cảm nhận tác phẩm ấy theo cách riêng của mình. Đến lúc đó, ta sẽ nhận lại sự đồng cảm từ những thứ tưởng chừng như vô tri vô giác.. Ai cũng có thể nhìn thấy chính bản thân mình trong các tác phẩm ca múa, hội họa, nhiếp ảnh, trình diễn… Vì nghệ thuật là từ trái tim đến trái tim.
 
Nghệ thuật không phải chỉ để nghe hay nhìn. Hãy thưởng thức và cảm nhận nó!

Tác giả bài viết: Vi Nguyễn

Nguồn tin: duyenclvn theo songmoi.vn