Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 9: Thầm lặng cho một tài hoa bay xa

GSTS Trần Văn Khê

GSTS Trần Văn Khê

Qua bài viết Chiếc bóng bên đời người nhạc sĩ tài hoa (Thanh Niên ngày 18.6), rất nhiều bạn đọc hết sức đồng cảm với sự hy sinh lặng thầm của bà Nguyễn Thị Sương. Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được những phản hồi từ người con và học trò của bà Sương...
Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 9: Thầm lặng cho một tài hoa bay xa - ảnh 1Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng dưới chân dung thầy Khê và cô Sương
Về những người con của GS-TS Trần Văn Khê
Vợ chồng GS-TS Trần Văn Khê có 4 người con. Sau khi ông sang Pháp du học, bà Sương ở lại VN tần tảo nuôi con… Rồi vợ chồng họ ly dị (năm 1960). Những người con của họ, khi trưởng thành đều công thành danh toại là nhờ vào sự hy sinh, bươn chải nuôi dạy của người mẹ. Đặc biệt, người con trai trưởng Trần Quang Hải (hiện ở Pháp) là người nối nghiệp cha và cũng rỡ ràng không kém. Ông có học vị GS-TS âm nhạc học như cha mình, cũng nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc dân tộc. Ngoài ra ông còn sáng tạo ra kỹ thuật hát Đồng song thanh; được xưng tụng là “vua muỗng”, “vua đàn môi VN”. Người con trai thứ là KTS Trần Quang Minh ở TP.HCM, 2 con gái: Trần Thị Thủy Tiên hiện sống ở Paris (Pháp) và Trần Thị Thủy Ngọc, nhạc sĩ đàn tranh, hiện làm việc cho Ban Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học ở Paris.
 
Mẹ, trong mắt “đứa con được chọn lựa”
KTS Trần Quang Minh nói về người mẹ thân yêu của mình: “Tôi là đứa con được chọn lựa, sống cùng mẹ từ khi sinh ra cho đến khi người trở về với cát bụi. Mẹ tôi là một cô giáo suốt đời tận tụy với nghề nghiệp, được đồng nghiệp quý và học trò yêu thương”.
KTS Minh cho biết mẹ anh lập gia đình với ba anh lúc 22 tuổi, 6 năm sau phải chia tay chồng để ông du học nước ngoài, thực hiện ước mơ của mình... Mẹ anh bụng mang dạ chửa, dắt díu 3 con về quê ngoại với mảnh bằng tú tài Pháp, xin làm cô giáo dạy Pháp văn tại Trường College Vĩnh Long và Tư thục Long Hồ.
“Năm 1954, Pháp rút khỏi VN, mẹ tôi chuyển hai đứa con đầu từ trường Tây sang trường Việt, rồi lên Sài Gòn tìm đất sống. Sau khi được Trường nữ trung học Gia Long nhận vô dạy môn Anh văn, bà phải học thêm tiếng Anh ban đêm, ban ngày dạy học. Với bản chất thông minh, vài năm sau, bà là giáo viên có uy tín, được chọn làm MC trong các buổi phát thưởng cuối năm, phải đọc song ngữ, vì có khách nước ngoài... Bà còn được chính quyền mời làm thông dịch viên, tiếp các phái đoàn nước ngoài và thông dịch cho phái đoàn bà Ngô Đình Nhu khi đi làm việc ở Philippines...”, KTS Minh tự hào kể về mẹ.
Khi bà và GS-TS Trần Văn Khê chia tay, bà vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm thầy, vừa bươn chải nuôi dạy các con ăn học nên người... Năm 1962, bà gửi Trần Quang Hải sang Pháp, tới năm 1967 lại gửi Thủy Tiên qua Paris ở với ông Khê. Bà chọn KTS Minh và con gái út (Thủy Ngọc) ở lại VN với bà.
“Tôi hãnh diện được mẹ chọn trường (Đại học Kiến trúc, 1965) và lựa vợ (1971) cho tôi chung sống đến bây giờ. Năm 1973, bà làm MC phiên dịch những câu giới thiệu cho người em chồng là “quái kiệt” Trần Văn Trạch trong các show tại những club Mỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất. Sau năm 1975 bà nghỉ hưu, về làm gia sư tiếng Anh cho tướng Trần Văn Trà... Quá tuổi 80, bà còn mở lớp tiếng Anh trong xóm cho trẻ em, đặc biệt trong lớp học này có điêu khắc gia Phạm Văn Hạng cũng tới học... Cuộc sống bình yên thanh thản... Cuối cùng bà ra đi an lành năm 2014 ở tuổi 94”, KTS Trần Quang Minh hồi tưởng.
 
Phút chạnh lòng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng
Người viết với điêu khắc gia Phạm Văn Hạng là chỗ thân quen, nhân đọc loạt bài về GS-TS Trần Văn Khê, anh có tiết lộ mình vốn là chỗ hàng xóm láng giềng với thầy Khê và nhận mình là học trò của cô Sương. Anh gửi email cho người viết nêu suy nghĩ của mình về những con người đáng kính này:
“Cảm kích từ những năm 1977, khi gặp người không nhận danh xưng giáo sư mà buộc người đối diện phải gọi nhau là anh em hồn hậu, bởi chúng tôi là hàng xóm, cô Sương là người dẫn dắt chữ nghĩa... Cả hai đều có hình hài cao trọng trí thức nhưng lại không cùng một hình ảnh, cùng bóng, dù bóng lớn, bóng mờ, bóng đè, bóng dựa...
Người đời vẫn nói “một nửa sự thành đạt của người đàn ông là của bạn đời”. Thành tựu của anh Khê chính là sự bẩm sinh thiên phú, ngay từ khi còn trong bào thai của mẹ - trước khi cất tiếng khóc chào đời đã thẩm thấu âm thanh của đất trời, của loài vật...
Còn cô Sương phải gắng học trường ta, trường Tây để thông thái chữ nghĩa, được sự giáo dục chăm chút của cha mẹ, của trường đời quyết trở thành một nhà giáo mẫu mực, thành một người phụ nữ gương mẫu thời đại, thành người vợ thủy chung, thành người mẹ thầm lặng nuôi con để anh Khê chu du tứ xứ, thi thố tài năng đưa hồn Việt nhạc đến tận cùng đường xa ngõ lạ.
Hơn nửa thế kỷ qua ít ai biết được, trong sự nghiệp của người đàn ông mang tên Trần Văn Khê thì cô Sương tuyệt nhiên không nhận một nửa phần đó thuộc về mình...
Trong phút giây chạnh lòng, gợi lên ý niệm nghĩ suy thầm kín và kính trọng...”.

Hà Đình Nguyên

Nguồn tin: vuongthoaihong theo TN