Nghệ thuật cải lương Hồ Quảng -Phần 3- Phim Thanh Xà Bạch Xà hoàn thiện cho ca khúc Hồ Quảng

Nghệ thuật cải lương Hồ Quảng -Phần 3- Phim Thanh Xà Bạch Xà hoàn thiện cho ca khúc Hồ Quảng
CLVNCOM - Sau sự thành công vang dội của tuồng cải lương nhạc Đài Loan Lương Sơn Bá –Chúc Anh Đài, soạn giả Đức Phú và các soạn giả của các đoàn chuyên hát cải lương tuồng Tàu, cải lương tuồng cổ ở các đoàn Huỳnh Long, Khánh Hồng – Minh Tơ, Tấn Thành Ban, Hoa Xuân - Mười Vàng loay hoay mãi vẫn chưa sáng tác được vở tuồng nào khác có thể thu hút khán giả kỷ lục như tuồng LSB – CAĐ.
Không phải vì thiếu cốt chuyện tình yêu diễm lệ và bi thương như kiểu tuồng LSB– CAĐ mà các soạn giả các đoàn đang lao vào khai thác khả năng thu hút khán giả của loại tuồng cải lương nhạc Đài Loan không thể sáng tác ra một vở tuồng khác có khả năng ăn khách như tuồng LSB – CAĐ.   Vấn đề trở ngại chính yếu là nhạc Đài Loan rút trong phim LSB – CAĐ không đáp ứng đầy đủ về phần ca hát cần phải có của một vở tuồng sân khấu. 
  Cổ nhạc Việt Nam sử dụng trong Đàn ca tài tử và tuồng cãi lương có :20 bài bản Tổ, Vọng cổ và hàng trăm bài ca nhỏ  đủ để diễn tả những tình cảm Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục của các nhân vật trong tuồng hát.
  Nhạc Đài Loan rút trong phim LSB – CAĐ được nhạc sĩ Há Thầu ghi âm 15 bài  đề tựa Hoàng Mai 1 đến Hoàng Mai 15, nhạc sĩ Đức Phú cũng ghi bằng chừng ấy  bản nhạc Đài Loan để dùng trong tuồng LSB – CAĐ, chỉ có những bản nhạc nhẹ, diễn tả tình cảm yêu đương, dịu dàng hoặc ai oán dùng trong cảnh thề nguyền kết  bạn, du ngoạn tâm tình, tức cảnh đề thơ, khóc than ly biệt, hoặc hoàn ngọc, viếng  mộ. Không có những bài ca để dùng  trong những trường hợp đối thoại gay cấn,  tranh cải, ra lịnh hoặc những bài ca dí dởm dành cho các vai hề.
  Các đoàn hát cải lương  chuyên hát các tuồng dã sử VN, tuồng xã hội, tuồng kiếm hiệp, tuồng hương xa, tuồng phóng tác theo tiểu thuyết Anh, Pháp vẫn không thể đưa các bài ca theo điệu nhạc Đài Loan vào trong các tuồng của đoàn hát của mình mặc dầu ai cũng công nhận là nhạc Đài Loan ca lên nghe rất êm dịu, hạp với cảm quan của khán giả trong những năm của thập niên 60, 70.
  Vấn đề trở ngại của các đoàn hát tuồng xã hội, tuồng hương xa và tuồng kiếm hiệp Kim Dung hay tuồng kiếm hiệp Tây Phương ( tuồng Ba Người Ngự Lâm pháo thủ) là ca nhạc Đài Loan không phù hợp với lối hát của các tuồng theo thể loại vừa kể.
 
  Thí dụ: bài ca Hoàng Mai trong tuồng Hồ Quảng Ngưu Lang Chức nữ:
“  Tình chàng Ngưu cách biệt đôi đàng,
  Nhớ thương ai suối lệ đầm đìa
  Chờ mùa thu mới mong gần nhau
  Sầu biệt ly, sầu sông Ngân hà
  Chức nữ kia cũng mong mong chờ
  Cho qua mau ngày tháng mong chờ
  Để nhìn nhau nói lên lời thơ
  Giòng sông Ngân còn xa xa mờ
  Dầu nắng mưa cũng không phai nhòa
  Tình Chức Nữ Ngưu Lang à á a a a à…
  Khi cuối bài ca chổ nốt ngân dài mà diễn viên ngân À Á A A A A À thì bài ca đó phải hiểu là ngân theo lối hát của người Tàu, khi diễn viên ngân cuối câu mà dùng tiếng ngân À Á A…A, A À thì phải ngân từng tiếng À Á A rỏ ràng tuy hơi kéo dài ra và cái đầu của diễn viên cũng phải quậy quậy vòng vòng theo tiếng ngân Á A  đó,
  Khi tiếng ngân ở cuối câu là Ì Í I Ì I I . thì đó là cách ngân khi mấy ông thầy chùa, hòa thương hay tăng ni phật tử đọc kinh phật. Chữ IÌ Í I…chót câu cũng được ngân  từng tiếng I rời ra, dùng để ngân dài sau câu kinh phật.
  Các bài ca cổ nhạc và vọng cổ thì câu ngân cuối câu là tiếng Ơ…Ờ…Ớ.. Ơ…Ơ.. Tiếng Ơ ngân một tiếng và kéo hơi dài ra chờ không ngân tửng tiếng Ơ rời ra như kiểu ngân tiếng A sau bài ca Tàu.
  Do cách phát âm và ngân nga như đã kể, các đoàn hát cải lương tuồng xã hội, tuồng dã sử, tuồng kiếm hiệp không dùng được các bài ca điệu nhạc Đài Loan mà   người ta gọi là nhạc Hồ Quảng.
  Năm 1969, hai nghệ sĩ Bạch Tuyết và Hùng Cường rời đoàn hát Dạ Lý Hương,  thành lập đoàn cải lương Bạch Tuyết – Hùng Cường. Cô Bạch Tuyết mời soạn giả  Quy Sắc sáng tác vở Kim Vân Kiều và nhạc sĩ Đức Phú đưa nhạc Đài Loan tức là bài ca Hồ Quảng vào tuồng Kim Vân Kiểu. Nhưng kết quả là các vai Thuý Kiều Kim Trọng, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư , Từ Hải … đều không dùng bài ca Hồ Quảng mà phải ca cổ nhạc như các tuồng xã hội thông thường.  Các bài ca Hồ Quảng Nam Sơn Tiểu Lộ, Phụng Hoàng San, Ly Hận, Ngưu Lang  Chức Nữ được thay bằng các bài Xang Xừ Líu, Mẫu Tầm Tử, Xuân Tình lớp 1,  Lý Ngựa Ô Nam, Văn Thiên Tường lớp 1 hay lớp xế xảng…  Các bản nhạc Hồ Quảng của Đức Phú chỉ dùng cho dàn hợp ca nữ, ca hậu trường  trước khi mở màn hát hoặc ca hậu trường khi thay cảnh, đóng màn
  Sau thể nghiệm sử dụng nhạc Hồ Quảng trong tuồng truyện VN của Bạch Tuyết – Hùng Cường, tôi không thấy có đoàn hát cải lương tuồng Xã Hội, tuồng Dã Sử, tuồng Hương Xa hay tuồng kiếm hiệp Kim Dung dùng nhạc Hồ Quảng trong tuồng của đoàn hát của mình.
 Trở lại thời điểm những năm 1963, 1964 thành phố Saigon, Chợ Lớn, Gia Định thường bị xáo trộn vì các cuộc đảo chánh, chỉnh lý, sinh viên biểu tình, bàn thờ Phật xuống đường…nên chánh phủ ban lịnh giới nghiêm ban đêm kể từ 10 giờ tối, các đoàn hát cải lương, hát bội đều không thể hát suất hát đêm được, trong khi đó các rạp hát bóng thường trrực ban ngày vẫn còn hát được và có khán giả khá đông. Các hãng phim Đài Loan tiếp tục  trình chiếu nhiều phim tình sử hoặc có cốt truyện thần thoại Trung Quốc hoặc chuyện phim Ma Quái - Liêu Trai của nhà văn Bồ Tùng Linh, nhạc ca và nhạc nền của phim là loại nhạc tình cảm giống như nhạc phim LSB – CAĐ.
Phim Thanh Xà - Bạch Xà và phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài là hai phim gây ảnh hưởng sâu xa đến nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam, chẳng những vì diễn viên tuyệt đẹp, diễn xuất rất hay mà vì cột chuyện gay cấn, nhiều đoạn rất trữ tình và không thiếu những đoạn bi thương, gay cấn. Nhạc Đài Loan trong phim LSB – CAĐ trữ tình, êm dịu, ru hồn khán giả, trong khi đó nhạc trong phim Thanh Xà Bạch Xà, ngoài các đoạn ca trữ tình, êm dịu còn có những bài ca tranh cải gay cấn, ra lịnh, than oán, phẩn nộ, van xin.
Nhạc phim Thanh Xà - Bạch Xà bổ túc cho khiếm khuyết của phim LSB – CAĐ, để các soạn giả tuồng Hồ Quảng có đủ bài bản nhạc Đài Loan để dùng sáng tác một vở tuồng Hồ Quảng hoàn chỉnh.   
  Chuyện phim Thanh Xà - Bạch Xà :
  Từ một câu chuyện thần thoại của Trung Quốc, chuyện Thanh Xà Bạch Xà minh chứng    cho sự tồn tại của tình yêu qua câu chuyện của một con rắn trắng, tu một ngàn năm, yêu      chàng thư sinh Hứa Tiên.
 Bạch Xà là một con rắn trắng tu luyện một ngàn năm trên núi Nga Mi, tánh tình đôn hậu, biết phép tiên và biết cho thuốc trị bịnh rất tài, thường hiện lên giúp dân lành trong vùng.
Bạch Xà tu luyện cả ngàn năm rồi mà chưa thành tiên, chưa lột được xác rắn nên cô xông lên Thiên Đình để hỏi Thái Bạch Kim Tinh.
Thái Bạch Kim Tinh cho biết là kiếp trước Bạch Xà chịu ơn cứu tử của một gả thư sinh, ơn đó chưa trả nên chưa dứt nợ tiền duyên. Bạch Xà được cho biết là thư sinh đó đã đầu thai xuống trần thế trong gia đình họ Hứa.
Bạch Xà quyết tìm Hứa Tiên, người thư sinh ân nhân kiếp trước của nàng để đáp ơn hòng kết thúc nghiệp duyên để tu cho mau thành chánh quả nên Bạch Xà xuống trần gian, khi đi ngang qua Thái Hồ, Bạch Xà gặp con gái của quan Thái Thú là Bạch Tố Trinh vừa từ trần. Bạch Xà nhập vào xác của Bạch Tố Trinh, sống dậy trở lại thành tiểu thư nhà họ Bạch.
Nhân một chuyến du ngoạn trên Thái Hồ, Bạch Tố Trinh gặp lại Hứa Tiên. Nàng hô phong hoán vũ, làm thành một trận mưa lớn. Hứa Tiên thấy một nàng con gái bị lạnh run dưới mưa nên cho mượn cây dù để tránh mưa tránh gió. Bạch Tố Trinh mượn cớ trả dù, đền ơn đáp nghĩa, tới lui nhiều lần. Nàng và Hứa Tiên yêu nhau, trở thành một đôi vợ chồng rất là hạnh phúc.
Cùng xuống trần gian với Bạch Xà còn có Thanh Xà. Thanh Xà là con rắn xanh, tu luyện được mấy trăm năm, cũng có phép thần thông nhưng chưa lột được lớp rắn. Trước đây Thanh Xà bị Thạch Quân Bảo ở Kim Sơn Tự lừa tình, nàng hận tình nên thường hóa ra kỷ nữ hiện lên quyến rũ những chàng trai sàm sở để giết chết mà trả hận tình.
Thạch Quân Bảo ở Kim Sơn Tự, tu luyện trở thành Pháp Hải Đại sư, tinh thông nhiều pháp thuật nên Pháp Hải Đại Sư đi vân du, cố tìm Thanh Xà và Bạch Xà để giết chết, mượn cớ trừ tà giúp dân nhưng thâm tâm ông muốn giết Thanh Xà và Bạch Xà để che dấu tội lỗi phụ tình của ông trước kia.
Bạch Tố Trinh ở với Hứa Tiên để giúp cho chồng có tiền để đến trường dồi mài kinh sử. Bạch Tố Trinh làm thầy thuốc, cho toa và cho thuốc trị bịnh cho dân chúng trong vùng.
Bạch Tố Trinh nổi danh là danh y vì nàng trị bịnh rất tài, đã cứu sống nhiều người thoát khỏi những bịnh nan y. Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên sống với nhau, được một con trai đặt tên là Hứa Sĩ Lâm. Tưởng được sống trong hạnh phúc bình dị, không ngờ Pháp Hải đại sư lại tìm đến.
Pháp Hải Đại Sư tức là Thạch Quân Bảo, thừa lúc Bạch Tố Trinh vắng nhà, hắn cho Hứa Tiên biết vợ của anh là một con rắn đã thành tinh, nếu không sớm diệt trừ thì con rắn đó sẽ giết chết Hứa Tiên. Hứa Tiên sợ quá bèn nghe theo lời của Pháp Hải Đại Sư, đem treo bùa trong phòng ngủ  và rải hồng hoàng quanh giường ngủ, khiến cho Bạch Tố Trinh phải hiện nguyên hình là một con rắn bạch. Hứa Tiên thấy vợ hiện hình thành con rắn, anh sợ quá, ngất xỉu và chết luôn.
Bạch Xà phải bay lên núi tiên của Nam Cực Tiên ông để tìm Linh Chi THảo về để cứu chồng. Tại đây, Bạch Xà bị Bạch Hạc Đồng Tử và các tiên canh giữ vườn thuốc vây bắt. Gặp Nam Cực Tiên ông, Bạch Xà xin tha mạng và nói rõ là nàng trộm Linh Chi Thảo là để cứu chồng, sớm chấm dứt một tiền duyên rồi nàng sẽ trở về núi Nga Mi tu luyện.  Nam Cực Tiên Ông thương tình, thả Bạch Xà và ban cho Linh Chi Thảo để về trần cứu Hứa Tiên.
Khi Hứa Tiên được cứu sống thì Pháp Hải Đại Sư bắt Hứa Tiên đem lên núi, nhốt Hứa Tiên trong Lôi Phong Động, dụ choThanh Xà Bạch Xà lên cứu để ông gày bẩy bắt giết. Ông ta biết Bạch Xà vừa mới sanh con là Hứa Sĩ Lâm, người còn non yếu, lại vừa phải chiến đấu sinh tử với Bạch Hạc Đồng Tử, sức khoẻ chưa phục hồi nên không thể nào đấu pháp lại ông.
Bạch Xà và Thanh Xà đến Lôi Phong Động mong cứu Hứa Tiên nhưng đúng theo dự đoán của Pháp Hải Đại Sư, Bạch Xà non yếu, chống cự không lại nên cả Thanh Xà và Bạch Xà đều bị Pháp Hải Đại Sư bắt nhốt trong Lôi Phong Động. Hứa Tiên phản kháng Pháp Hải Đại Sư bị ông này dùng thần lôi đánh chết.
Về sau, Hứa Sĩ Lâm tầm tiên học đạo, thành tài, lên Lôi Phong Động, cứu được mẹ là Bạch Xà và Dì là Thanh Xà, như ng cha là Hứa Tiên đã chết mất.
Chuyện Thanh Xà - Bạch Xà giống như truyện Liêu Trai đầy tình tiết hấp dẫn, gay cấn nên có chổ cho diễn viên trổ tài. Về ca khúc thì nhiều cảnh cần có nhạc trữ tình như cảnh Bạch Tố Trinh gặp Hứa Tiên ở Thái Hồ, cảnh đẹp, tình huống thơ mộng, khởi đầu cuộc tình của Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên. Cảnh nơi vườn thuốc của Nam Cực Tiên Ông, Bạch Hạc Đồng Tử và Bạch Tố Trinh tranh cải việc đánh cắp Linh Chi Thảo đến cuộc đấu, bị bao vây của Bạch Xà, ca nhạc vừa dồn dập, mạnh bạo, đối thoại gay cấn. Khi Bạch Xà bị bắt, cô than thở vì muốn cứu chồng để chấm dứt nghiệp duyên nên mới ăn cắp Linh Chi Thảo, giọng ca như oán như than. Bạch Xà vẫn muốn trở lại núi Nga Mi để tu cho thành chánh quả nên phải liều thân, trộm thuốc để cứu chồng. Ca khúc đoạn này rất lâm ly bi thiết. Những ca khúc đối đáp của Pháp Hải Đại Sư với Thanh Xà - Bạch Xà là những ca khúc dồn dập, mãnh liệt, bộc lộ được tính nham hiểm, tàn ác của kẻ giả danh đạo đức ( Pháp Hải) và sự phẩn uất của người bị đàn áp, bị lường gạt ( Thanh Xà và Bạch Xà).
Những ca khúc trong phim Thanh Xà và Bạch Xà giúp hoàn thiện số nhạc trử tình của phim LSB – CAĐ để cho có đủ các bài bản cần thiết giúp cho việc xây dựng một loại hình sân khấu mới : loại hát cải lương HỒ Quảng.
Nguyễn Phương 2014
( còn tiếp ) 

Tác giả bài viết: SG Nguyễn Phương

Nguồn tin: CLVNCOM