Giáo sư Trần Quang Hải: Anh hùng nhạc dân tộc Châu Á

TQH

TQH

Đi cùng một con đường, nhưng giáo sư Hải chưa một lần dẫm lại dấu chân cha mình. Ngược lại, ông còn mở lối đi riêng trong làng âm nhạc thế giới.
 

























 
 
 

Nhắc đến Nhạc dân tộc Việt Nam, ai cũng sẽ nghĩ đến cố Giáo Sư Trần Văn Khê. Nhưng khi bàn về nhạc châu Á thì không thể không nhắc đến Giáo sư Trần Quang Hải, người con đầu của Giáo sư Khê.

Đến Pháp từ năm 17 tuổi, Giáo sư Trần Quang Hải đã dành cả cuộc đời say sưa tìm hiểu âm nhạc Á Đông. Nổi bật nhất trong 200 bài nghiên cứu của ông là thành quả phát triển lối hát “đồng song thanh” của các nước Tây Á từ năm 1969. Sau 5 năm ròng rã nghiên cứu, kỹ thuật hát hai giọng này đã mở ra hướng đi mới trong giảng dạy ca hát, với gần 8.000 học viên quốc tế. Ngoài lĩnh vực nghiên cứu, Giáo sư Hải còn sáng tác 300 ca khúc ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh. Tham dự hơn 3.000 buổi nhạc hội ở 65 quốc gia, nhà nghiên cứu kiêm nhạc sĩ Trần Quang Hải lại bước lên sân khấu biểu diễn các nhạc cụ Việt và nước ngoài, thêm vào những món “lạ” như nhạc muỗng và đàn môi. Hiện tại, ông đã hoàn tất 23 đĩa nhạc truyền thống Việt, 3 tác phẩm sách và là thành viên của 20 hội nghiên cứu âm nhạc trên thế giới.

Năm nay, Giáo sư Hải đã tròn 71 tuổi. Do ông nối nghiệp nghiên cứu âm nhạc của cha, người viết cho rằng hình ảnh Giáo sư Khê sẽ in đậm dấu trên sự nghiệp của vị giáo sư này. Nhưng trên cùng một con đường, Giáo sư Hải chưa một lần dẫm lại dấu chân cha mình. Ngược lại, ông còn tự mở lối vào những ngách hiểm nhất của khu rừng âm nhạc thế giới.

Thoát khỏi bóng cha

Năm 1961, tại Pháp, chàng trai Trần Quang Hải đã từ bỏ giấc mộng vỹ cầm vì không muốn lẫn vào hàng ngàn nghệ nhân tài hoa khác ở Paris. Một đêm nọ, anh đã quỳ xuống trước cha mình xin bước vào con đường nghiên cứu nhạc dân tộc. Chi tiết này đã nổi lên khắp mặt báo khiến nhiều người lầm tưởng Trần Quang Hải sẽ thành một “Trần Văn Khê thứ hai” của Việt Nam. Tuy vậy, ông chọn theo con đường nghiên cứu vì hiếm người đi. Và khi đã bước vào rồi thì ông sẽ chọn lối đi khác biệt. “Cha tôi đã nghiên cứu nhạc dân tộc Việt Nam rồi, thì tôi sẽ nghiên cứu nhạc dân tộc châu Á. Tôi phải thoát khỏi cái bóng của cha mình chứ,” ông cười.

Kiến thức nhạc Việt Nam của Giáo sư Khê đặt nền tảng cơ bản để ông Hải nắm bắt nhanh hơn kiến thức chung về nhạc châu Á ở Đại học Sorbonne, Pháp. Nhưng kể từ khi tốt nghiệp nghiên cứu nhạc Đông Phương cho đến tận 30 năm sau, Giáo sư Hải chưa một lần hồi hương cùng cha. Ông chọn đi qua 65 nước khác, khám phá những loại âm thanh hiếm như đàn muỗng, đàn môi và nhạc đồng song thanh.

Năm 1969, kỹ thuật hát “đồng song thanh” đã đưa tên tuổi Giáo sư Hải vào lịch sử âm nhạc thế giới. Giữa lúc làm nghiên cứu sinh tại Viện Dân tộc học Paris, ông Hải bị cuốn hút vào lối hát hai giọng cùng lúc của người Mông Cổ. “Chỉ có một số thầy phù thủy ớ núi cao Tây Tạng luyện được lối hát này. Họ gọi đó là giọng hát của thần linh ban. Như tiếng gió mùa đông vừa thổi qua núi, vừa len vào giữa hai kẽ lá,” ông Hải kể. Sau hai năm nghiên cứu miệt mài, ông Hải mới phát ra được hai giọng. Giọng trầm xen lẫn giọng bổng ở nhiều cung bậc. Điểm này còn tiến xa hơn cả kiểu hát hai giọng độc một tông của người Mông Cổ.

Tuy nhiên, làm sao ghi lại phương pháp này để phổ biến trong giảng dạy? Chính người Mông Cổ cũng không thể dạy nhau vì khó mô tả chính xác vị trí đặt lưỡi và thanh quản. Ông Hải quyết định chụp X-quang 6.000 lần vòm miệng mình để ghi lại cách hát. 6000 lần chụp X-quang tương đương 10 phút, đẩy vào cơ thể lượng lớn phóng xạ có thể gây ung thư vòm họng. Song bất chấp mọi can ngăn của cha mình và bác sỹ, ông Hải vẫn ký vào đơn tự chịu trách nhiệm. “Ba tôi mắng tôi khùng. Nếu là ông thì ông không đời nào thí mạng mình như thế”, ông nhớ lại.

Kết quả là bí ẩn “đồng song thanh” đã trở thành môn học phổ biến truyền đi khắp thế giới. Thêm vào đó, phương pháp trên còn được ứng dụng vào y học để giúp những người đứt họng dưới vẫn nói được bằng họng trên. Khám phá này khiến Giáo sư Khê tuy lắc đầu, nhưng cũng phải “nể” đứa con dám hết mình vì nghiên cứu.

Hy sinh chưa hồi kết

Dường như mỗi công trình nghiên cứu đều để lại dấu tích trên khắp cơ thể Giáo sư Hải. Chiếc bụng to cứng khác thường để ông vận nội công tích hơi dài luyện hát “đồng song thanh” mỗi ngày. Với cái “trống” ấy, ông Hải đã từng biểu diễn thổi hơi ra liên tục trong 1 giờ đồng hồ. Ngón tay đọng lại những vết chai to in dấu muỗng gõ đến sưng tím tay. Môi lấm tấm sẹo vì thổi đàn môi đến bật máu.

“Lấy thân thí nghiệm” hoàn toàn không bắt buộc đối với các nhà nghiên cứu âm nhạc. Nhưng với Giáo sư Hải, đó là cách ông bắc cầu nối giữa nhạc dân tộc và cuộc sống hiện đại. Ví dụ như nhạc muỗng chỉ là trào lưu dân gian bắt nguồn từ Nga vào những năm 1960. Hai chiếc muỗng kẹp giữa ngón trỏ vốn dĩ chỉ được đàn đệm cho nhạc cụ khác, mờ nhạt hẳn sau thế kỷ 20. Nhưng rơi vào tay Giáo sư Hải, chúng đã trở thành nhạc cụ độc diễn trên sân khấu. Từ hai chiếc lên ba chiếc thìa, đập qua nhiều ngón. Vỗ muỗng lên khắp cánh tay hoặc môi sẽ vô tình tạo ra âm thanh thay thế dàn nhạc điện tử. “Muỗng nhà nào cũng có. Kỹ thuật dễ dạy cho cả trẻ con. Mọi lúc mọi nơi, mọi người, ở mọi lứa tuổi đều có thể tùy hứng đánh muỗng với nhau”, ông chia sẻ. Nhờ vậy, ngay giữa thế giới hiện đại, muỗng cùng Giáo sư Hải vẫn đi diễn ở khắp nơi trên thế giới. Ghi công phổ biến và cải tiến nhạc cụ này, Bộ Văn hóa Pháp đã trao cho ông danh hiệu độc “Giáo sư Muỗng” của Pháp vào năm 1989.

Hết mình vì nghiên cứu, Giáo sư Hải còn chủ động tham gia vào hơn 3.000 sự kiện âm nhạc thế giới trong suốt 40 năm qua. Đến với các buổi diễn, ông không ngồi bình phẩm như nhiều nhà nghiên cứu khác mà còn tự tay chơi đủ loại nhạc cụ Việt Nam. “Nghiên cứu tận cùng để đột phá trong kỹ thuật và trình diễn. Có thế mới thu hút thế giới biết đến nhạc dân tộc mình,” ông tâm niệm.

Chừng ấy hy sinh liệu đã đủ? Về hưu, nhưng Giáo sư Hải chưa thôi nghiên cứu và biểu diễn. Trên người ông lúc nào cũng thủ sẵn vài cái muỗng, chiếc kèn môi và bụng khí. Gặp ai, đặc biệt trẻ em và thanh niên, ông đều nắm tay vui vẻ biểu diễn cho xem. Ai muốn học, ông đều truyền nghề miễn phí. “Tôi sẽ còn tiếp tục đào sâu để đưa nhạc đến gần mọi người hơn,” Giáo sư Hải khẳng định.

Đoàn Hoa


Nguồn tin: tcgd theo NCDT - TQH