Đờn ca tài tử trên sông nước Tây Nam bộ, bao giờ trở thành 'đặc sản'

Đờn ca tài tử trên sông nước Tây Nam bộ, bao giờ trở thành 'đặc sản'
Việc chưa có chiến lược truyền nghề, nặng bao cấp và hội diễn phong trào, không phát huy hiệu quả kinh tế… khiến hoạt động đờn ca tài tử không thể lớn mạnh. Với nghệ sĩ đờn, hiện nay rất khan hiếm; các câu lạc bộ đờn ca tài tử địa phương hầu hết đều thiếu người đờn

Cần bồi dưỡng nhân lực thường xuyên

Quảng bá đờn ca tài tử trong công chúng, trước hết cần nâng cao năng lực đội ngũ gồm soạn giả, người đờn, diễn viên qua các lớp dài, ngắn hạn trong các câu lạc bộ, nhà trường. Với đội ngũ sáng tác, cần có lớp bồi dưỡng hiểu biết văn chương, ngôn ngữ, văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn. Mục đích là để sáng tác bài bản ca tài tử và vọng cổ có chất lượng văn học, không “lòng thòng, sáo rỗng”.

Don ca tai tu tren song nuoc Tay Nam bo, bao gio tro thanh 'dac san' - Anh 2

Phát triển đờn ca tài tử gắn với du lịch sông nước, cần có một mô hình thích hợp là “sân khấu nổi về đêm”

Mặt khác, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác hiểu biết thêm văn chương, ngôn ngữ, văn hóa để nâng cao nghệ thuật ca từ, thẩm mỹ văn chương, tri thức văn hóa, lịch sử. Không thể nói tới bài ca hay chỉ do yếu tố âm nhạc bởi âm nhạc tài tử, cải lương đã có tính khuôn mẫu, nên vấn đề quan trọng hơn là tính văn chương trong ca từ của nhạc tài tử, cải lương.

Yêu cầu lời từ bài ca không được dễ dãi, hạ thấp, như NSND Sỹ Tiến đã có ý kiến phê bình: “Ta phải nhận rằng lời lẽ trong một số vở diễn còn ít trong sáng, rõ ràng, chính xác, còn ít chất thơ mà đầy rẫy những sáo ngữ, những “công thức” rất kêu nhưng rất rỗng”.

Với nghệ sĩ đờn, hiện nay rất khan hiếm; các câu lạc bộ đờn ca tài tử địa phương hầu hết đều thiếu người đờn. Trong yêu cầu đào tạo, cần đào tạo họ biết chơi từ 1 đến nhiều nhạc cụ cổ truyền, vững lí thuyết âm nhạc, thạo ngón đờn. Các trường âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật, có thể xin mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh và linh hoạt trong việc mời giảng viên đờn. Đòi hỏi thầy đờn có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có bằng cấp… thì e khó.

Mặt khác, cần tận dụng thầy đờn mở lớp ở địa phương, vì dạy đờn khó hơn luyện ca, “học ca ba tháng thì học đờn ít ra phải ba năm”. Ấy là chưa kể đến việc phải khổ luyện ngón đờn sao cho có sức “sáng tạo”, biết tùy hứng “nhấn nhá, đàn chuyền” tạo được sức sống cho bản đờn. Kinh phí cho việc mở lớp, bước đầu địa phương, ban ngành chức năng nên hỗ trợ để đảm bảo thù lao người dạy. Còn tùy điều kiện, tùy nơi, tùy cấp học mà thu học phí người học. Về người đờn của địa phương, cũng cần mở lớp nâng cao, mời chuyên gia giỏi hỗ trợ họ thêm kĩ năng chơi đờn, lí luận âm nhạc.

Với tài tử ca, người học chỉ cần vài tháng là có thể ca được cơ bản, rồi dần học nâng cao thêm. Tất nhiên ca vọng cổ thì dễ và cũng được nhiều người ham thích, lại có thể dễ “kiếm tiền” hơn ca các bài bản tổ của nhạc tài tử, nên nhiều người không muốn học ca tài tử.

Phát biểu về ca tài tử, hai nghệ sĩ chuyên ca tài tử Trường Út (tài tử ca, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tây Đô, TP Cần Thơ) và Võ Thị Kim Xuyến (tài tử ca, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tri âm, TP Cần Thơ), cùng cho biết: Người học ca những bài bản tài tử đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức hơn học ca vọng cổ mà cũng không dễ có đất diễn. Bởi đó, có người chỉ học ca được vài câu ca vọng cổ, có thể đi ca cho các quán ca vọng cổ và kiếm tiền được”.

Mô hình: Sông rạch + nhà nổi + đờn ca tài tử

Nên xem xét thực hiện hoạt động du lịch đờn ca tài tử trên sông nước ĐBSCL kết hợp với đờn ca tài tử, theo kiểu du thuyền trên sông Hương như Huế đã làm. Các tỉnh ở ĐBSCL đều có sông chính chia hai thành phố, kiểu như sông Cần Thơ, Long Xuyên, Bến Tre, Mỹ Tho..., các đơn vị huyện cũng thế, nên có thể áp dụng mô hình biểu diễn đờn ca tài tử trên sông.

Hiện nay, các tỉnh miền Tây đều có nhiều ghe, thuyền lớn, nhỏ phục vụ đưa khách du lịch trong, ngoài nước tham quan chợ nổi, vườn trái cây, khu nghỉ dưỡng; sao không nghĩ tới việc tạo thêm nhà ghe, nhà bè cho hoạt động đờn ca tài tử?

Don ca tai tu tren song nuoc Tay Nam bo, bao gio tro thanh 'dac san' - Anh 3

Đờn ca tài tử trên nhà ghe

Vì vậy, chúng ta nên nghiên cứu thêm mô hình khuyến khích đầu tư, nối kết 2 ghe thuyền, để tạo “nhà diễn nổi”, lưu động cho câu lạc bộ và khách tham quan muốn nghe và xem biểu diễn nhạc tài tử trên sông nước, nhất là về đêm (ghe thuyền và nhà diễn nên thiết kế kiểu “nhà quê Nam Bộ”, không nên mô phỏng rập khuôn kiểu thuyền rồng, sơn son thếp vàng như thuyền bè trên sông Hương, Huế).

Làm được mô hình này, mô hình nhà nổi chơi đờn ca tài tử, sẽ tạo thêm “điểm nhấn” cho hoạt động du lịch ĐBSCL: Sông rạch + nhà nổi + đờn ca tài tử. Lúc đầu chỉ cần vài nhà diễn, mỗi đêm có khoảng hai, ba suất diễn vừa đáp ứng nhu cầu của du khách muốn thưởng ngoạn tính đặc thù của hoạt động nhạc tài tử trên sông nước miền Tây, lại cũng đáp ứng được nhu cầu kinh doanh du lịch ghe, thuyền và đồng thời, tạo ra thu nhập cho hoạt động đờn ca tài tử của các câu lạc bộ.

Bảo tồn đờn ca tài tử phải tạo điều kiện phát triển

Chúng ta không thể bảo tồn và phát huy di sản theo kiểu bao cấp lâu dài, toàn diện, vì địa phương còn nhiều khó khăn. Nhưng cũng không thể bảo tồn và phát huy theo kiểu tự hào quá khứ, đề cao danh hiệu; mà không có kế hoạch chăm lo phát triển đờn ca tài tử theo hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, chúng ta chỉ có thể bảo tồn trên cơ sở phát huy. Phát huy là chính quyền địa phương giúp tạo điều kiện ban đầu, những cái cần giúp. Để họ “tự lực” thì cần hỗ trợ họ đi vào hoạt động kinh doanh.

Câu lạc bộ đờn ca tài tử có thể tháo gỡ khó khăn nếu họ có đất diễn là các khu du lịch, nhà hàng. Đặc biệt, hướng ca nhạc tài tử trên những nhà diễn nổi, kiểu nhà bè trên sông nước, theo mô hình “ca nhạc Huế trên sông Hương” - “ca nhạc tài tử trên sông nước Nam Bộ” có thể là một hướng mở khả thi. Mô hình này, một mặt, hi vọng không chỉ thu hút du khách trong nước mà chắc chắn sẽ thu hút được du khách nước ngoài, muốn thưởng thức di sản văn hóa nhân loại tại không gian chủ thể của nó. Tách không gian sông nước Nam Bộ, đờn ca tài tử cũng mất đi ít nhiều tính “tài tử”; mặt khác, mô hình này còn tạo điều kiện kinh tế giúp phát triển câu lạc bộ đờn ca tài tử.

Hi vọng rằng, việc nỗ lực vực dậy phong trào đờn ca tài tử trong xã hội cũng là biện pháp góp phần tiếp thêm sức mạnh cho việc phục hồi cải lương đang trong xu hướng thoái trào cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

“Chúng ta nên quan tâm hơn trong việc cố gắng vực dậy cải lương, một di sản phi vật thể đáng được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Mong sao mọi người cùng chung sức để mang lại cho cải lương một sức sống, chớ đừng để môn sân khấu sinh ra tại miền Nam mà phải chết tại miền Nam”, như GS. Trần Văn Khê lúc sống vẫn luôn tâm nguyện.

Phát triển đờn ca tài tử gắn với du lịch sông nước, cần có một mô hình thích hợp là “sân khấu nổi về đêm”. Mô hình này vừa để mở rộng hướng làm du lịch, vừa góp phần đưa hoạt động đờn ca tài tử không dừng lại ở sự phát triển phong trào, mà đi vào thực tiễn đời sống xã hội, tạo được sự phát triển bền vững cho đờn ca tài tử và cho cả du lịch xuồng ghe, vốn là một thế mạnh của vùng ĐBSCL.


Nguồn tin: duyenclvn theo nongnghiep