Nỗi buồn nghệ nhân ca Huế

Nỗi buồn nghệ nhân ca Huế
Các nghệ nhân Nhã nhạc sau cuộc tôn vinh của UNESSCO thì vẫn cứ quay trở lại với một nghề để kiếm sống đó là đi làm đám: Đám ma, đám hội… Ông Hồ Viết Châu đi làm Phách Tiền, và đánh trống, anh Nguyễn Đình Vân thì đi đánh trống và đàn nguyệt, ông Phan Đăng Cưu thì đi thổi kèn đám ma còn bà Minh Mẫn vẫn sống trong căn nhà lụp xụp lợp mái tôn tai một căn hẻm đường Nhật Lệ, ngày ngày làm bánh chưng để đi chợ bán.

 

Nỗi buồn nghệ nhân ca Huế
 

Với chương trình “Âm sắc Hương Bình”, lần đầu tiên những người “giữ lửa” ca Huế được tôn vinh tại Festival Huế. Nhưng sự vinh danh ấy chưa khỏa lấp được nỗi niềm của của những nghệ nhân, nghệ sĩ gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.



 
Đêm tri ân xúc động 

Ý nghĩa đặc biệt của chương trình này đã khiến hàng nghìn khán giả là “tín đồ” của ca Huế kéo đến sân khấu Nghinh Lương Đình từ rất sớm. Sự tri ân đối với những nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối được thể hiện xúc động ngay từ đầu chương trình. Đó là việc các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú trong trang phục truyền thống quỳ gối trước các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế gạo cội và tặng hoa, rót trà sâm mời các nghệ nhân này thưởng thức. 

Chương trình “Âm sắc Hương Bình” tại Festivai Huế 2014.
Chương trình “Âm sắc Hương Bình” tại Festivai Huế 2014.

Sân khấu được trang trí bằng biểu tượng của các nhạc cụ tiêu biểu của ca Huế là phông nền tuyệt vời cho những lời tri âm của những nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế được tôn vinh. Mở đầu chương trình là tiết mục của nghệ nhân Thanh Tâm- người đã dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật ca Huế. Sau khi được 10 diễn viên nữ trong trang phục áo dài tím rước từ hàng ghế đại biểu lên sân khấu, nghệ nhân Thanh Tâm đã đưa đến cho khán giả những câu ca lắng đọng, xốn xang qua câu hò Mái Nhì và điệu Nam Ai. 

Tại đêm tri ân này, khán giả còn được thưởng thức những làn điệu ca Huế bi thương, ai oán qua giọng ca của các NSUT Thu Hằng, Khánh Vân, Đình Dũng, Kiều Vân- những người đã và đang tiếp bước con đường nghệ thuật của các bậc nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối. 

Sự tiếp nối nhau của các thế hệ ca Huế được thể hiện một cách bài bản qua các tiết mục biểu diễn xen lẫn hoạt cảnh đặc sắc. Nghệ nhân, nghệ sĩ say mê biểu diễn, khán giả lặng lẽ thưởng thức và chiêm nghiệm. Giữa người hát và người xem chứa chan sự đồng cảm, đồng điệu đến kỳ lạ. Khoảng cách bị xóa nhòa, thời gian như ngưng lại, chỉ còn những tiếng lòng tri kỷ, tri âm hòa quyện vào nhau. 

Điểm nhấn của đêm tri ân là phần tặng bằng khen của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế cho những nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế đã có những đóng góp xuất sắc cho việc giữ gìn và phát huy giá trị ca Huế. 37 nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho ca Huế đã được tặng bằng chứng nhận biểu thị sự tri ân đối với họ. 

Nhọc nhằn đường đến di sản 

Ca Huế là một loại hình âm nhạc truyền thống có lịch sử gần 500 năm, mang bản sắc đặc trưng, độc đáo của mảnh đất và con người xứ Huế. Để ca Huế được giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo đến hôm nay, có công lao to lớn của các nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối đã dày công xây dựng, vun đắp. Việc tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế gạo cội bằng chương trình sân khấu hóa nói trên là một việc làm thiết thực, thể hiện sự trân trọng của chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế đối với những người “giữ lửa” cho ca Huế. 

"Mặc dù tỉnh đã tăng mức thù lao cho nghệ sĩ, diễn viên ca Huế trong mỗi suất diễn, nhưng thực thu của họ chẳng được bao nhiêu, vì đã bị bớt ngược bớt xuôi. Cơ quan tôi có đến 50% nghệ sĩ, diễn viên hiện sống hết sức chật vật”.

NSND Nguyễn Ngọc Bình

Tuy nhiên, sự tôn vinh này chưa khỏa lấp được nỗi buồn đằng đẵng của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế. Tìm gặp NSND Nguyễn Ngọc Bình- Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, đạo diễn chương trình “Âm sắc Hương Bình”, ông bảo, ca Huế và đời sống của nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế là điều ông hết sức trăn trở. 

Theo ông Bình, mặc dù ở tỉnh có trường đào tạo diễn viên ca Huế, lượng diễn viên này ra trường hàng năm rất nhiều, nhưng ca Huế đang đứng trước nguy cơ mất gốc về chất lượng. Nguyên do là bởi lực lượng những nghệ nhân, nghệ sĩ thật sự am tường về ca Huế để có thể truyền dạy cho thế hệ trẻ đang ngày càng mai một dần. 

Ông Bình kể cho tôi thực tế cuộc sống ngặt nghèo, cơ cực của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế. Đơn cử như đời sống của nghệ nhân Thanh Tâm- một trong những người được tôn vinh trong chương trình “Âm sắc Hương Bình”. Từ khi được công nhận nghệ nhân đến nay, bà vẫn phải chịu cuộc sống khó khăn khi không được hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào. 

Rồi nhiều trường hợp nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội khác cũng đang sống trong ngặt nghèo khi đóng góp của họ không được đãi ngộ xứng đáng. Không chỉ thế hệ tiền bối, cuộc sống của lớp trẻ theo nghiệp ca Huế hôm nay cũng hết sức chật vật. “Mặc dù tỉnh đã tăng mức thù lao cho nghệ sĩ, diễn viên ca Huế trong mỗi suất diễn, nhưng thực thu của họ chẳng được bao nhiêu, vì đã bị bớt ngược bớt xuôi. Cơ quan tôi có đến 50% nghệ sĩ, diễn viên hiện sống hết sức chật vật”- ông Bình kể. 

Khi mà cống hiến cho nghệ thuật không được đãi ngộ xứng đáng thì nó kéo theo nhiều hệ lụy. Những biến tướng của ca Huế sông Hương trong thời gian qua là những ví dụ điển hình. Tình trạng diễn viên ca ẩu, không chú trọng đến từ ngữ, nhịp điệu xảy ra không còn hiếm vì thu nhập ít ỏi không thể giúp họ “sống chết” với nghề. Không ít diễn viên, nghệ sĩ ăn mặc hở hang, hành xử thiếu nghiêm túc cốt để kiếm tiền bo của khách. Nghệ sĩ tiền bối thì không thể yên tâm truyền thụ tinh hoa cho lớp trẻ vì nỗi lo cơm áo chưa được giải tỏa. Lớp trẻ không được tiếp thu tinh hoa ấy thì tương lai của ca Huế rõ ràng là rất mịt mờ. 

NSND Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ rằng, qua chương trình “Âm sắc Hương Bình”, ông muốn lãnh đạo địa phương quan tâm đến ca Huế và nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế nhiều hơn. Đó là sự quan tâm thiết thực bằng những chính sách cụ thể trong đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ chứ không phải quan tâm bằng những lời nói. 

“Một trong những mục đích của chương trình là tạo động lực để ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và sau đó là di sản thế giới. Nhưng nếu không có những thay đổi trong chính sách đối với nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế thì hành trình trở thành di sản của loại hình nghệ thuật này còn rất nhọc nhằn” - ông Bình nói.
 
An Sơn (An Sơn) - DV