Nghệ sĩ cổ nhạc khai xuân

NS

NS

Khai xuân từ ngày 12/2, chương trình Chuyện nhạc phố cổ (diễn ra tại 50 Đào Duy Từ- Hà Nội) do các nghệ sĩ, nghệ nhân trong nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc biểu diễn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả Thủ đô.
Chuyện nhạc phố cổ là chuỗi chương trình dài hơi gồm các thể loại quan họ, hát chèo, chầu văn, cải lương, ca trù, hát tuồng, hát xẩm… với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, với mục đích gìn giữ các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.

Biểu diễn âm nhạc truyền thống trong Chuyện nhạc phố cổ.
 
Tham gia trong chương trình gồm các nghệ sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam như: NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Đoàn Thanh Bình, NSND Minh Gái, NSƯT Thúy Ngần... Họ đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc dân gian với đầy đủ các loại hình gồm ca trù, chèo, tuồng, hát văn, hát xẩm. Đặc biệt trong chương trình có những trích đoạn chèo cổ về mùa xuân, cảnh đẹp non sông đất nước cùng với những giai điệu tươi vui của âm nhạc cổ truyền; những làn điệu ca trù tiêu biểu như: Ca trù cửa đình, Dâng hương, Thét nhạc, Hát nói... 
 
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân- đạo diễn chương trình cho biết: Chương trình là sự chọn lọc những tác phẩm tinh túy của cổ nhạc Việt Nam. Vì thế mà dấu ấn để lại trong lòng khán giả là những âm thanh từ tre, trúc, từ tiếng tơ một thuở cùng lối hát trực tiếp không qua hỗ trợ của hệ thống âm thanh điện tử đã làm nên thương hiệu cho âm nhạc cổ truyền.
 
Nếu như NSƯT Thanh Bình mang đến dòng ca trù đàn hát khuôn, nghệ sĩ Công Hưng vừa là một tay đàn, thành danh với loại hình nghệ thuật hát văn thì NSND Xuân Hoạch lại thành công khi tung hoành với chiếc đàn đáy và hát xẩm. Nghe nhạc cổ trong một không gian ấm cúng, không có khoảng cách giữa người diễn và khán giả, điều đó đã tạo một cảm giác gần gũi như được trở về với âm nhạc sân đình, chiếu làng xưa.
 
Cũng theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, để làm được điều đó, suốt nhiều năm trước NSND Xuân Hoạch đã bắt tay khôi phục dây tơ cho những cây đàn đáy, đàn bầu, đàn nhị. Đây cũng là lúc nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc bắt đầu tìm lại được cách đàn, cách hát và con đường trở về với âm nhạc cổ truyền một cách đúng mực nhất, như các cụ ngày xưa đã từng làm.
 
Vẫn là những chương trình nhạc cổ, dù ở địa điểm quen thuộc 50 Đào Duy Từ hay khi biểu diễn theo yêu cầu tại những không gian văn hóa hiện đại, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc luôn đem đến cho khán thính giả nhiều góc tiếp cận khác nhau. Lúc thì lấy tứ là tiếng trúc tiếng tơ, lúc lại từ ý tưởng một triển lãm tranh “Tố nữ dân ca” để thể hiện những làn điệu chèo cổ. Vẫn trên nền làn điệu ca trù, hát xẩm, các nghệ sĩ - nghệ nhân lão làng lại thổi hồn âm nhạc từ những vần thơ lục bát...
 
Được tổ chức theo mô hình câu chuyện âm nhạc dài kỳ từ hơn nửa năm nay, Chuyện nhạc phố cổ chính là chương trình âm nhạc nhằm mục đích giới thiệu tổng quan về âm nhạc xưa và nay của mảnh đất Kinh kỳ với khán giả nhiều lứa tuổi, đồng thời cũng không nằm ngoài mong muốn quảng bá âm sắc của ca nhạc Việt Nam tới khán giả trong và ngoài nước. Đó cũng là một cách hữu hiệu nhất để quảng bá về bản sắc văn hóa của người Việt nói chung và nét thanh lịch của đất Kinh kỳ, người Tràng An nói riêng.   
 
Hạ Huyền / daidoanket.vn