Nghệ nhân Đỗ Văn Lan: Một đời đam mê với nghề làm nón ngựa

Nghệ nhân Đỗ văn Lan

Nghệ nhân Đỗ văn Lan

Nói về nghề làm nón ngựa ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát không thể không nhắc đến cái tên Đỗ Văn Lan. Ông là một trong số ít người còn gắn với nghề làm nón ngựa ở vùng quê này. Hiện ông đang được UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Tôi về Phú Gia vào những ngày cuối tháng 2 (âm lịch) khi đồng lúa vào vụ thu hoạch. Nghe nghệ nhân Đỗ Văn Lan say mê kể về nghề, quá khứ sống động của làng nghề như hiển hiện trước mắt tôi.

Đam mê nối nghiệp

Cầm chiếc nón- kỷ vật của mẹ ông để lại, ông Lan xúc động: “Trước lúc ra đi, mẹ tôi đã trăng trối với tôi rằng, phải gắn bó với nghề, gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống này đến với các thế hệ mai sau. Và đó cũng là tâm huyết cả đời của vợ chồng tôi”.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan (bìa phải) cùng vợ với công việc thường ngày của nghề làm nón ngựa.

Nghệ nhân làm nón ngựa Đỗ Văn Lan (SN 1947) trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề nón ngựa. Cha ông là Đỗ Ba, một đời làm nón ngựa, rồi truyền niềm đam mê này lại cho con trai. Ông Lan kể: Tôi làm nón từ nhỏ. Nhưng mãi đến năm 1962 mới bắt đầu làm nón ngựa. Thạo nghề mới truyền dạy cho con cháu. Nguyên liệu chính để làm nên nón ngựa, gồm: lá kè (làm lá lợp), rễ dứa (làm vành), cây giang (làm sườn), cước (thắt vành), chỉ thêu (hoa văn). Để làm một chiếc nón ngựa phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu. Nhưng có 10 giai đoạn chính: làm sườn, làm vành, thêu hoa văn, sơ chế lá, lá thành phẩm, lợp lá, làm chằm nón, thêu cái sòi, lặt nón và cho ra sản phẩm hoàn thiện. Khó nhất vẫn là thêu hoa văn, tùy vào mục đích sử dụng và yêu cầu của khách hàng mà nghệ nhân có thể thêu hình mai, lan, cúc, trúc; long, lân, quy, phụng. Nón có đường kính từ 20 - 100 cm, thời gian hoàn thành có nhanh cũng mất từ 4-5 ngày và giá thành mỗi sản phẩm dao động từ 150 ngàn đến 5 triệu đồng.

Sản phẩm nón ngựa của nghệ nhân Đỗ Văn Lan được nhận Chứng nhận của UBND tỉnh về Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2010, 2014. Năm 2008, 2010 và 2012, nhận Giải thưởng đã có thành tích đóng góp vào sự thành công của Hội chợ và Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
 
Bằng niềm đam mê của mình, nghệ nhân Đỗ Văn Lan không ngừng mày mò suy nghĩ và nắm bắt từng khoảnh khắc, hình ảnh hoa văn mà ông vô tình bắt gặp, để tạo nên những hoa văn độc đáo. Do đó, hoa văn trang trí trên những chiếc nón ngựa của ông luôn mới mẻ. Hiện nay, nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm đến tận nhà để thưởng lãm và đặt mua những chiếc nón ngựa đặc sắc làm quà cho người thân, bạn bè.

Tận tâm truyền dạy nghề

Tại làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, Phù Cát) vẫn còn nhiều người tâm huyết với nghề như: Huỳnh Thị Năm, Đặng Văn Tâm, Đỗ Phúc Cung, Huỳnh Thị Khánh...; nhưng nói đến sự tinh tế, sắc sảo trong từng mũi chỉ, đường kim thì thật khó có thể sánh bằng nghệ nhân Đỗ Văn Lan.

Nón ngựa không chỉ là vật dụng quý ngày xưa, mà nay nó được xem là “món hàng” trang trí, giàu tính nghệ thuật, là thú chơi tao nhã mà đậm đà bản sắc truyền thống. Nếu nón Bài thơ gắn liền với người dân Huế thì chiếc nón ngựa Phú Gia là một nét đẹp độc đáo của vùng đất Võ. 
 
Ông Lê Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: “Ông Đỗ Văn Lan là một nghệ nhân tài hoa và giàu tâm huyết. Từ năm 2010 đến nay, UBND xã Cát Tường phối hợp với Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định mở lớp dạy nghề làm nón ngựa đã thu hút nhiều người tham gia, góp phần cải thiện đời sống và giữ gìn bản sắc truyền thống địa phương. Một trong những nghệ nhân tích cực giảng dạy và nắm vững chuyên môn từng công đoạn là nghệ nhân Đỗ Văn Lan, ông luôn tận tâm, tận lực truyền nghề cho người trẻ”. 
Hiện nay, lớp học của nghệ nhân Đỗ Văn Lan vẫn duy trì đều đặn trên dưới 100 học viên. Có người theo học cho biết nhưng cũng có người thực sự đam mê, học để nâng cao tay nghề. Đặc biệt, bốn người con gái ông cũng yêu thích nghề của cha. Tuy vậy khi nói về hướng phát triển lâu dài của nghề làm nón ngựa ở Phú Gia, ông Lan vẫn trăn trở: “Tôi luôn muốn truyền dạy cho các thế hệ mai sau. Nhưng bọn trẻ ngày nay ít chịu khó. Nhiều cháu say mê nhưng do thu nhập thấp nên cũng ít “hứng thú” với nghề. Làm sao để giữ lại nét đẹp làng nghề nón ngựa Phú Gia vẫn là câu hỏi thường trực trong tôi”.

KIM CƯƠNG

Nguồn tin: tcgd theo BBĐ