Đi tìm dáng áo tứ thân trong những làn điệu dân ca quan họ đậm nghĩa đậm tình

Đi tìm dáng áo tứ thân trong những làn điệu dân ca quan họ đậm nghĩa đậm tình
Đất Kinh Bắc với sông Đuốn, sông Cầu thơ mộng và lũy tre xanh rì rào... đã đi vào tâm thức của người Việt Nam là chiếc nôi của những làn điệu dân ca quan họ sâu đậm nghĩa tình. Nhưng ít ai biết rằng để tạo nên sự lúng liếng rất đỗi tình tứ làm say lòng bao người, chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy là một điểm nhấn không thể thiếu trong các canh hát giao duyên của người quan họ.

Ngược dòng thời gian...

Không phải ngẫu nhiên mà các liền chị quan họ mỗi khi giã bạn thường hát rằng “Khăn áo đây em gửi lại đây í ơ...” để vấn vương không chỉ các liền anh mà còn vương vấn trong lòng bao người thưởng thức. Và cũng không phải vô lý khi người con trai xứ lạ rời hội Lim lại lấn cấn dùng dằng buông lời hẹn mùa sau anh trở lại “tìm một dáng áo tứ thân”... Trong cuộc sống, có những thứ đã sinh ra là để dành cho nhau, để kết hợp với nhau, để chỉ có nhau, tạo thành một cặp. Hát quan họ và chiếc áo tứ thân cũng là một sự “cặp kè” như thế, cùng dìu nhau đến bậc “Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới” vào năm 2009. 

Trong một lần may mắn được gặp và phỏng vấn nghệ nhân hát quan họ cổ Nguyễn Thị Bàn ở TP Bắc Ninh, tôi có nghe bà nhắc một điều mà thú vị mãi. Bà bảo: “Đã bước chân vào với dân ca quan họ cổ, mà “liền chị” (bên nữ hát quan họ trong các cánh hát giao duyên – PV) không sắm cho mình một bộ áo tứ thân (ngày nay gọi tắt là áo quan họ – PV) với yếm thắm, dải đào thì coi như người ca đó mới chỉ đứng ngoài cửa của ngôi nhà dân ca nổi tiếng xứ Bắc”.

Câu nói của một người ở bậc nghệ nhân trong làng quan họ cổ thôi thúc bước chân tôi nhiều lần trở lại mảnh đất của giao duyên, mảnh đất của hẹn hò để tìm hiểu và có cho mình những câu trả lời thú vị. Hát quan họ xưa, hay gọi là chơi quan họ cổ là hình thức hát giao duyên (hát đối) giữa liền anh (bên nam) với liền chị (bên nữ). Người hát không cần đàn nhạc, không cần giới thiệu. Họ hát vì nhu cầu giao lưu tình cảm với nhau. Bởi thế, những liền anh liền chị đã qua “kết nghĩa quan họ” thì nhất định không lấy nhau cho câu hát giao duyên thêm tình tứ, dùng dằng vấn vít qua bao đời. Ngày nay, hát quan họ còn là hình thức trao đổi tình cảm giữa liền anh, liền chị với khán giả, gọi là biểu diễn quan họ. Bởi thế, trang phục khi hát càng được các liền anh liền chị chú trọng hơn.

Hát quan họ tại ao đình vào những dịp lễ hội.    Ảnh: Khánh Phong

Đam mê làm nên chiếc áo đặc biệt 

Cụ Bàn kể lại, xưa kia, khi Hai Bà Trưng đánh giặc mặc chiếc áo có hai tà xẻ phía trước màu vàng. Sau này, người phụ nữ Việt Nam vì sự tôn kính dành cho hai vị nữ tướng đã học tập cách mặc đồ của hai bà nhưng tránh màu vàng và xẻ vạt tứ thân. Mặc dù chưa có một kết luận nào về nguồn gốc áo tứ thân hay áo mớ ba mớ bảy của người quan họ, nhưng người ta luôn tin rằng thứ trang phục đặc biệt đó sinh ra là để dành cho quan họ.

Chị Dương Minh Ngọc ở TP Bắc Ninh, một người đã có kinh nghiệm hơn mười năm lăn lộn với nghề may áo quan họ, làm đẹp cho anh hai, chị hai cho biết: “Áo quan họ là thứ trang phục riêng, rất đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh. Cái tình của người quan họ không chỉ được truyền tải trong câu hát mà nó hút hồn người đối diện ngay chính từ trang phục. Nếu trang phục không đúng chất, không đúng kiểu, câu hát quan họ có hay mấy cũng như món ăn thiếu gia vị”.

Cũng theo chị Ngọc, một bộ áo quan họ hoàn chỉnh không chỉ có áo mà cần cả yếm, dải thắt lưng, khăn vấn mỏ quạ, váy chùng, hài mũi cong và nón quai thao, đối với liền chị. Trang phục cho liền anh sẽ giản tiện hơn với áo the, khăn xếp. Để làm được những trang phục này, người may không chỉ có khiếu mà còn cần một chữ duyên với nghề. Bên cạnh đó, người thợ phải có tính kiên trì và sự tỉ mỉ rất cao vì phần đường may của áo rất ít. Đa số các đường chỉ phải dùng tay để khâu, để vắt rất kỳ công thì tà áo mới bay, vạt áo mới mềm.

Ngày xưa chất liệu tạo nên nét thanh tao của trang phục quan họ chủ yếu may bằng the, lụa tơ tằm Hà Đông, váy may bằng vải lnh tía hoặc sa tanh đen, khăn vuông mỏ quạ từ vải láng đen hoặc chéo go, thắt lưng thường làm bằng lụa hoặc đũi. Ngày nay trang phục quan họ được cải tiến hoàn thiện hơn cả về thẩm mỹ, chất liệu và kiểu dáng trên cơ sở phát huy tối đa những giá trị truyền thống của bộ trang phục xưa. Chủng loại vải may phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc hơn. Khổ vải rộng nên không phải chắp 4 mảnh như xưa, chỉ còn vạt trước, vạt sau cùng một vạt con bên trong, bỏ đi đường can sống lưng sau và đường can giữa thân trước để chiếc áo mềm mại và thanh thoát hơn. Về màu sắc áo cải tiến còn hai lớp tạo sự thon thả hơn cho người mặc. Đặc biệt là việc cách điệu sáng tạo cái “lá lật” trước ngực bằng màu xanh lá mạ tạo cảm giác cho người nhìn vẫn tưởng như áo ba lớp. Cái “lá lật” màu xanh chính là thay cho chiếc áo xanh bên trong, giữa vẫn là áo màu đỏ cánh sen, bên ngoài là lớp the đen tạo gam màu cánh gián - màu sắc chủ đạo của trang phục quan họ nữ không thể thay thế. Riêng “lá lật” màu xanh trước ngực kết hợp màu đỏ thẫm của cổ yếm tạo điểm nhấn nổi bật trong bộ trang phục của liền chị.

Chị Dương Minh Ngọc, người rất am hiểu và có nhiều kinh nghiệm với nghề may áo quan họ, làm đẹp cho anh hai, chị hai quan họ.    Ảnh: Khánh Phong

Cách tân nhưng vẫn giữ truyền thống

Với sự kết hợp giữa kiểu dáng áo dài truyền thống và áo dài tân thời hiện nay, trang phục của liền chị quan họ càng toát lên vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ. Đường may chủ yếu vẫn là khâu tay để chiếc áo được mềm mại. Khéo mặc, khéo chít khăn, liền anh liền chị càng nổi bật hơn trong cái nền nã, lịch lãm đặc trưng của người quan họ. Chiếc khăn vấn đầu của liền chị quấn đằng trước to, đằng sau nhỏ lại, khi đội lên tạo khuôn mặt trái xoan và khi đội thêm khăn vuông mỏ quạ sẽ tạo hình khuôn mặt búp sen. Với liền anh, khăn xếp có thể xếp 7 hoặc 9 theo luật âm dương, nhất thiết phải là xếp lẻ, chiều cao phù hợp để khi đội, khuôn mặt liền anh trông thanh tú và sang trọng.

Hiện nay, quan họ hát, quan họ biểu diễn chiếm đa số, người ta ít khi chơi quan họ thuần túy như xưa. Chính vì thế, trang phục quan họ cổ đã biến hóa và được cách tân hơn rất nhiều. Màu của những chiếc áo mớ ba mớ bảy được kết hợp phóng khoáng hơn, sắc màu hơn tùy vào sở thích của mỗi người. Yếm cũng được cách tân trang trí nhiều kiểu dạng như đính kim sa lóng lánh trước ngực hoặc chạy dài theo chiều yếm, để khi chiếc áo mớ bảy mớ ba lấp ló chiếc yếm sẽ nhìn lộng lẫy và sang trọng hơn. “Tuy nhiên, dù có cách tân đến đâu thì về cơ bản trang phục áo quan họ truyền thống vẫn được tôn trọng và giữ gìn. Người biểu diễn có thể yêu cầu may thêm, may kiểu cách, pha trộn màu sắc, nhưng không bao giờ được thiếu bớt đi một phụ tùng nào và dáng áo cơ bản truyền thống cũng không được thay đổi. Đó là cái đã làm nên chất tình trong quan họ cổ từ lâu đời, không thể khác”, chị Ngọc khẳng định. 

Hàng năm, cứ vào giêng hai ngày rộng tháng dài, người người khắp cả nước cùng bạn bè quốc tế lại tụ họp về hội Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để được hòa mình vào không khí bữa tiệc quan họ thấm đẫm  những lúng liếng chân tình của người quan họ. Và đặc biệt, dáng áo tứ thân, mớ ba mớ bảy, quần chùng khăn xếp, áo the của những liền anh liền chị quan họ luôn có một sức hút đặc biệt. Nhiều người tìm về hội Lim cũng chỉ vì một dáng áo vấn vương của mùa hội trước. Ấy là những “đặc sản” của quê hương Kinh Bắc mà không đâu trên thế giới này có được.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn chia sẻ, xưa các cụ chơi quan họ cổ mà không cần đàn sáo đệm nhạc, cứ hát bằng giọng của mình mà có thể hát hết canh này qua canh khác, hát thâu đêm suốt sáng. Cụ mê quan họ từ ngày còn trong bụng mẹ bởi người mẹ yêu say quan họ cổ của cụ đã từng hát cả khi mang bầu cụ. “Có lẽ vì thế mà khi lớn lên cho đến bây giờ, tôi vẫn rất yêu say quan họ cổ quê mình. Mà phải là quan họ cổ mới đúng chất” – cụ Bàn nói. Cũng theo cụ Bàn, tà áo tứ thân góp phần rất lớn trong việc tôn vinh làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.   

Khánh Phong

Tác giả bài viết: tcgd theo Pháp Luật Xã Hội

Nguồn tin: tcgd theo Pháp Luật