Đêm Xẩm xuân 17 mừng giỗ Tổ nghề Xẩm

Nghệ nhân Hà thị Cầu

Nghệ nhân Hà thị Cầu

Đêm “Xẩm xuân 17” mừng giỗ Tổ nghề hát Xẩm năm 2017 diễn ra vào 20h15 tối thứ 6 (24/3/2017) tại sân khấu đền Vua Lê phố Lê Thái Tổ, Hà Nội.
Đây là đêm hát Xẩm đặc biệt được nhóm Xẩm Hà Thành tổ chức nhân dịp giỗ Tổ nghề hát Xẩm 2017. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quen thuộc như: NSƯT Thúy Ngần, Hạnh Nguyên, Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Phạm Dũng, Trần Hậu, Lê Trung Chính, Phan Tiến… MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng là người dẫn chương trình. 

 

 

Đêm "Xẩm xuân 17" được tổ chức mừng giỗ Tổ nghề xẩm. 

Trong đêm Xẩm Xuân 17, các nghệ sĩ sẽ dành một khoảng thời gian để tri ân hai người thầy lớn của nhóm Xẩm Hà Thành đã trở về với Tổ nghề hát Xẩm, đó là nghệ nhân Hà Thị Cầu và GS.TS Phạm Minh Khang. Trong chương trình, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sẽ thể hiện bài xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” mà chị đã học được trong gần 20 năm qua, do chính nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền dạy. Các nghệ sĩ biểu diễn một số bài xẩm theo điệu Tàu điện như một sự tri ân tới GS.TS Phạm Minh Khang, người đứng đầu trong dự án khôi phục Hát xẩm và đưa thể loại ca hát dân gian độc đáo này trở lại với đời sống tinh thần của người Hà Nội cũng như cả nước.

 

 

Trong chương trình này, nhóm Xẩm Hà Thành cũng trình diễn những bài xẩm do nhóm mới sáng tác trong những năm gần đây, như: “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Chồng say”… Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long trình diễn bài xẩm “Thôi em cứ việc lấy chồng”, đây là một trong số 6 bài xẩm được lồng điệu xẩm trên lời thơ của Hồng Thanh Quang. 

 

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng đảm nhiệm dẫn chương trình.

Đêm Xẩm Xuân 17 còn có 2 tiết mục đặc biệt, với sự tham gia của các em học sinh tiểu học tại Hà Nội. Trong đó, tiết mục “Bốn mùa hoa Hà Nội” phiên bản Trường Tiểu học Trung Tự - quận Đống Đa có một phần lời mới do ca sĩ Hoàng Tùng sáng tác, phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Bài “Một quan là sáu trăm đồng”, do hai em Nguyễn Hoàng Mỹ Hạnh (lớp 4H) và Nguyễn Minh Khanh (lớp 1A) Trường Tiểu học Trần Quốc Toản – quận Hoàn Kiếm biểu diễn. 

 

 

Nhằm khích lệ tinh thần các em học sinh đến với nghệ thuật truyền thống nói chung, Hát xẩm nói riêng, trong đêm Xẩm Xuân 17 này, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, nhóm Xẩm Hà Thành sẽ trao bằng khen cho các em học sinh Tiểu học Trung Tự đã có thành tích xuất sắc khi đoạt giải cao trong cuộc thi Tiếng ca học đường cấp Quận và cấp Thành phố; bằng khen cho hai em học sinh Tiểu học Trần Quốc Toản đã yêu thích, học và trình diễn hát xẩm tại trường và địa phương.

 

Đặc biệt, đêm diễn còn có sự tham gia của Giáo sư Mỹ gốc Hàn Quốc, đồng thời cũng là nữ nghệ sĩ đàn Kumungo nổi tiếng thế giới Jin Hi Kim. Trong đêm diễn này, bà Jin Hi Kim sẽ trình diễn một bản nhạc dân gian Hàn Quốc, và cùng các nghệ sĩ nhóm Xẩm Hà ngẫu hứng đàn Komungo với nhạc cụ và âm nhạc Việt Nam.

Phương Hà

 

Con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu gây xúc động trong đêm xẩm

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Mận cùng các gương mặt trẻ đem lại những giây phút sâu lắng cho đêm nhạc xẩm tối 20/1 tại Hà Nội.

 

Chương trình Xẩm và đời tối 20/1 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội gây ấn tượng khi tái hiện hình ảnh thủ đô thâm trầm, cổ kính vào những năm 1950-1960. Đây cũng là khoảng thời gian văn hóa hát xẩm hưng thịnh trên đất Hà thành.

 

Sân khấu được biến thành một con phố cổ của Hà Nội. Mỗi nhóm nghệ sĩ hóa thân thành một gia đình và thể hiện những bài hát về cuộc sống.

 

Trà Ngọc Hằng hóa thân thành cô gái Sài thành tới Hà Nội để được nghe xẩm. Cô và nhà thơ Vũ Quần Phương ngồi bên mái hiên của quán cà phê Hà Nội vào những năm 1960, trò chuyện về loại hình nghệ thuật dân tộc này.

 

Đêm nhạc được mở đầu bằng những bài xẩm cổ như Lỡ bước sang ngangCô hàng nướcQuyết chí tu thânAnh Xẩm… rồi dần chuyển sang các tác phẩm mang tính thời đại, như Xẩm rau má hay Tiễu trừ cướp biển. Đặc biệt, ca khúc Tiễu trừ cướp biển viết trong giai đoạn đất nước đang sôi sục vì Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở biển Đông khiến không ít khán giả đứng dậy vỗ tay cổ vũ.

 

Con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu, chị Nguyễn Thị Mận, gây xúc động khi tái hiện hình ảnh của mẹ với bài xẩm nổi tiếng Ơn Đảng trọn đời.

 

Hai nghệ sĩ Khương Cường, Giáng Ly hóa thân thành vợ chồng xẩm nghèo đi hát khi vãn chợ. Quá xúc động trước ca khúc này, nhà thơ Vũ Quần Phương đã chạy lên sân khấu để bỏ tiền vào bị xẩm. Nhiều khán giả lớn tuổi sau đó cũng làm theo ông.

 

Một trong những nghệ sĩ đặc biệt trong chương trình tối 20/1 là Hồng Nga, cháu ngoại của Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Từng bị bố mẹ ngăn cấm học hát xẩm nhưng cô bé vẫn một mực theo đuổi niềm đam mê. Với sự ủng hộ của ông ngoại, cuối cùng, Hồng Nga cũng được toại nguyện. Trong đêm diễn, cô bé thể hiện tác phẩm Thập ân 10 điều vốn được coi là khó trong hát xẩm. Dù kỹ thuật vẫn còn chưa thực sự nhuần nhuyễn, Hồng Nga vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía khán giả.

 

Nhiều gương mặt nghệ sĩ xẩm tham gia chương trình như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa, Quang Long...

 

Song song với các bài xẩm được hát theo lối truyền thống, chương trình còn gây bất ngờ cho khản giả với màn kết hợp giữa loại hình này với âm nhạc hiện đại.

 

Ca sĩ Hà Linh và Minh Kiên đem lại hơi thở trẻ trung cho đêm diễn với các ca khúc Anh Khóa hồi sinh và Dứa dại không gai. Hai gương mặt trẻ phối hợp ăn ý với các nghệ sĩ xẩm.

 

Nhạc sĩ Quang Long xúc động chia sẻ: “Xẩm là một nghệ thuật vô cùng độc đáo, có đủ các sắc thái âm nhạc, truyền tải được những thông điệp khác nhau. Chúng tôi muốn thông qua chương trình để chứng minh xẩm vẫn còn sức sống trong đời sống hiện nay”.

 

Đức Trí
Ảnh: Hiển Paka, Hải Bá 


Nguồn tin: tcgd theo BTT - VNE