Vua vọng cổ và những tác phẩm để đời: Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa

Nghệ Sĩ Phương Quang

Nghệ Sĩ Phương Quang

Bên cạnh những bài vọng cổ ngợi ca tình yêu đôi lứa nổi tiếng, Viễn Châu có một bài đầy chất triết lý: Ông lão chèo đò.
Bài ca này một lần nữa đưa giọng ca Út Trà Ôn lên tuyệt đỉnh. Nhưng sau này, có một nghệ sĩ hát lại bài này và được ái mộ không thua gì NSND Út Trà Ôn, đó là NSƯT Phương Quang.
Cái nhàn của một thiền sư
Ông lão chèo đò nói về một người đã chứng kiến biết bao thăng trầm thế sự, những cuộc chiến, ly tán, mất mát, đau thương..., cuối cùng ông lui về bến sông vắng lặng, ngày ngày đưa khách sang sông, khách cho bao nhiêu tiền cũng được, ông vẫn lấy làm vui, không hề đòi hỏi. Bởi rau dưa qua ngày thì cần chi tốn kém, cần chi bon chen: “Còn nước còn non thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão đưa... đò... Sông nước miền quê như say theo tiếng hát câu hò. Trên con thuyền cũ kỹ, ai muốn sang bến sông này lão đưa rước giùm cho. Tiền bạc trả công chẳng nại ít hay nhiều, lão chỉ cần ngày hai bữa mà thôi. Bởi lão đây đã yêu quý con đò cũng như thiên hạ họ yêu một người tình lý tưởng...”.
Cách đây nhiều năm, một số độc giả cho rằng đã tìm được ông lão chèo đò trong bài vọng cổ của Viễn Châu. Lần đó một số tờ báo đăng tin ở một vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, có ông lão nghèo cất cái chòi bên bờ sông để ngày ngày đưa rước học trò và thầy cô giáo cùng dân làng qua sông đi học, đi làm. Nơi ấy chưa xây được cầu, mà đi đường vòng thì xa quá. Thế là ông phát tâm làm việc thiện. Ông không lấy tiền đò, ai cho con cá, nắm gạo, bó rau thì ông nhận để nấu ăn qua ngày. Ông làm như thế lặng lẽ mấy chục năm... Tôi chưa có dịp hỏi Viễn Châu đó có phải “nguyên mẫu” cho sáng tác của ông không, tuy nhiên đó có lẽ chỉ là liên tưởng trước sự trùng hợp giữa nghệ thuật và thực tế cuộc sống.
Ông lão chèo đò của Viễn Châu khiến người ta nể phục vì vẻ thư thái, xem sự đời như bèo trôi nước chảy của ông chứ không chỉ là chuyện ông làm việc thiện: “Hò ơ... Nước giữa dòng có khi trong khi đục. Người ở đời có lúc nhục lúc vinh. Gẫm ai vô sự như mình. Đò ngang một chuyến... hò ơ... đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa. Thân già gạo chợ nước sông khỏe thì đưa khách, mệt nằm xả hơi. Sang giàu mặc kẻ đua bơi. Công danh như thể bèo trôi giữa dòng... Ai dại, ai khôn gẫm lại vẫn không bằng đời của lão. Còn trời còn nước còn sông, còn cây đa cũ thì còn ông chèo đò”. Cái cốt cách thư nhàn, cuộc sống thoát vòng tục lụy của một thiền sư lại được thể hiện một cách bình dị, gần gũi. Có lẽ đó là lý do bản vọng cổ này dù mang tính triết lý vẫn được đông đảo giới bình dân ưa chuộng.
Người kế thừa út trà ôn
Khởi điểm vào nghề, nghệ sĩ Phương Quang có làn hơi rất giống Út Trà Ôn nên ông được bà bầu của đại bang Kim Chưởng mời về làm kép chánh.
NSND Út Trà Ôn - Ảnh: M.Châu
NSND Út Trà Ôn - Ảnh: M.Châu
Nhưng càng về sau, Phương Quang chủ tâm tìm lối đi riêng cho mình. Thế là tuy giọng vẫn giống “anh Mười” nhưng nghe lại thấy khác, vẫn phân biệt được rất rõ đâu là Phương Quang, vẫn có cái riêng độc đáo không hòa lẫn với ai. Cho nên Phương Quang càng sáng lên, được khán giả ái mộ, và ông lãnh giải Thanh Tâm năm 1966.
Giọng ông trầm buồn, ngọt lịm, nghe kỹ thấy lấp lánh niềm lạc quan nhờ những luyến láy điệu nghệ. Khi NSND Út Trà Ôn bệnh nặng không đi hát nữa thì NSƯT Phương Quang mặc nhiên là người “kế thừa” toàn bộ những bài nổi tiếng của Út Trà Ôn từng hát. Ông được mời đi biểu diễn liên tục với những bản như: Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Đắc Kỷ Trụ Vương, Đài hoa dâng Bác...
Bây giờ NSƯT Phương Quang đã 75 tuổi. Mấy năm trước ông còn ngồi ghế giám khảo chấm thi giải Trần Hữu Trang, nhưng năm nay sức đã yếu, đành ngồi nhà vui cùng vợ con. Vợ ông là bà Hương tận tụy chăm sóc chồng, hễ ai gọi điện thoại cho ông thì bà liền bắt máy với giọng cười vui vẻ. Bà nói: “Hơi ca của ổng còn khỏe lắm em à. Bảo ca là ca được liền. Nhưng khổ nỗi chân yếu đi đứng nguy hiểm, và đầu lại hay quên bất tử, đang ca tự nhiên quên một câu, cho nên phải có người... nhắc tuồng. Thôi, ở nhà luôn cho rồi”.

Tác giả bài viết: Hoàng Kim

Nguồn tin: duyenclvn theo thanhnien.vn