Vua Tao Đàn -Nghệ sĩ Thanh Hải đã "băng hà"-Tao Đàn là gì?

Vua Tao Đàn -Nghệ sĩ Thanh Hải đã "băng hà"-Tao Đàn là gì?
CLVNCOM Được biết nghệ sĩ Thanh Hải đi liền với hiệu danh " Vua Tao Đàn", chắc có lẽ nhiều bạn trẻ cũng như tôi không biết Tao Đàn là gì, không phải đợi cái tin nghệ sĩ Thanh Hải mới mất mới tìm hiều về Tao Đàn, diễn đàn cailuongvietnam.com có mở đề tài trước đó "có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam", nhân dịp tưởng nhớ nghệ sĩ Thanh Hải vừa qua đời, xin chia xẻ cùng bạn đọc.
Image
Ngọc Đan Thanh từ Mỹ về thăm mẹ, đã dành thời gian đến viếng danh ca Thanh Hải.

Image
Hình Thanh Hiệp

Được biết nghệ sĩ Thanh Hải đi liền với hiệu danh " Vua Tao Đàn", chắc có lẽ nhiều bạn trẻ cũng như tôi không biết Tao Đàn là gì, không phải đợi cái tin nghệ sĩ Thanh Hải mới mất mới tìm hiều về Tao Đàn, diễn đàn cailuongvietnam.com có mở đề tài trước đó "có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam", nhân dịp tưởng nhớ nghệ sĩ Thanh Hải vừa qua đời, xin chia xẻ cùng bạn đọc.

Nghệ sĩ Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, sinh năm 1933 tại Dĩ An, Sông Bé (nay là Bình Dương), đã trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 30 ngày 16-9, tại nhà riêng, do bị bệnh già. Thọ 81 tuổi.
Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ có giọng ngâm thơ Tao Đàn thật hay, đã từng đoạt HCV xuất sắc giải Thanh Tâm năm 1967. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng: 56 Lê Đại Hành, P 7, Quận 11, TPHCM. Xin tưởng nhớ đến ông qua lối Thơ Tao Đàn trong cải lương

Image

Tao đàn là lối Ngâm thơ theo hát nói, âm điệu mượt mà, trữ tình và bay bổng hơn Sa Mạc, Kiều . Cách ngâm Tao Đàn tuy không có tiết tấu, nó có phần như cách ngâm tự do, nhưng độ ngân của làn hơi được trải dài . Nghệ sĩ Thanh Hải là người đầu tiên sáng tạo đưa vào bài ca cải lương thành công.


Ngâm thơ Tao Đàn đặc biệt của miền Nam nhưng do nhà thơ Đinh Hùng (người Bắc) tạo ra sau hiệp định Genève năm 1954 chia nước Việt ra hai miền Bắc / Nam . Nhà thơ Đinh Hùng có làm một chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Saigon « Ngâm thơ Tao Đàn » . Trong chương trình này có cách ngâm thơ đặc biệt , và khán giả nghe quen gọi là ngâm thơ theo điệu Tao đàn . Thang âm hoàn toàn miền Nam : Do, Mib, Fa, Sol, La, Do . Chữ cuối câu thơ nếu là dấu huyền thì ngâm ở nốt DO . Còn nếu không dấu thì ngâm ở nốt FA hay có thể ngừng ở nốt SOL

Lúc trước ở miền Nam trong chương trình “ngâm thơ Tao Đàn” ngoài Đinh Hùng , còn có bà Hồ Điệp (lúc trước khi vào Nam là cô đầu hát ca trù rất hay), Tô Kiều Ngân, nữ ca sĩ Hoàng Oanh , vv…
Ngày nay ở hải ngoại, có nhiều người thích ngâm thơ nhưng căn bản không có , hoặc không nắm vững các thể loại và lại thích trộn ba bốn thể loại ngâm thơ vào chung trong một bài khiến cho khi nghe một chương trình ngâm thơ trở thành nhàm chán .

Lúc khởi đầu vào đầu thế kỷ 20, đệm ngâm thơ chỉ có tiếng sáo, đàn tranh , đàn bầu. Về sau có thêm đàn nguyệt (hay đàn kìm theo miền Nam)
Từ khi có thể điệu ngâm thơ Tao đàn thì lại có thêm piano. Lúc trước 1975 ở Saigon, GS Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi là người đàn piano để đệm ngâm thơ rất được ưa chuộng . Sau này ở hải ngoại, những người ngâm thơ được đệm chánh là tiếng sáo, tiếng đàn tranh, và đôi khi đàn bầu . Sự giới hạn nhạc khí là do bởi ở hải ngoại hiếm có nhạc sĩ dàn kìm .

(Theo trang web giáo sư Trần Quang Hải)


Image


Một số bài tân cổ giao duyên của ns Thanh Hải

1 . Yêu Thanh Hải
2 . Chén cơm cúng mẹ Thanh Hải
3 . Gánh bưởi Biên Hòa Thanh Hải
4 . Tiếng chuông thức tỉnh Thanh Hải
5 . Sư Vạn Hạnh Thanh Hải
6 . Khói tàu lướt sóng Thanh Hải
7 . Triệu Tử Long Triệt Giang Thanh Hải
8 . Hậu nghệ Hằng Nga Ánh Hồng | Thanh Hải
9 . Tần Quỳnh khóc bạn Thanh Hải
10 . Phiên gác nửa đêm Lệ Thủy | Thanh Hải
11 . Lưu luyến Ngọc Hương | Thanh Hải
............................

VÀO NGHỀ TRỄ, NỔI TIẾNG NHANH

Trong số những nghệ sĩ tài danh trước 1975, có lẽ NS Thanh Hải là người vào nghề muộn nhất (năm 24 tuổi). Nhưng chỉ hơn một năm sau ông đã trở thành một kép chánh nổi tiếng, gây chú đối với các đoàn đại ban với những bản hợp đồng chờ sẵn rất hậu hỉnh. Chỉ trong vòng 6 năm (từ 1963 đến 1968) sự nghiệp ca hát của Thanh Hải thăng tiến vùn vụt, trở thành một trong những anh kép ăn khách bậc nhất của SKCL miền Nam.

Đỉnh điểm là khi Thanh Hải ký giao kèo với bầu Long (công ty cải lương Kim Chung), với cái giá 1,2 triệu đã xô ngã mọi kỷ lục về cát sê tồn tại trước đó của các đào kép thượng thặng như út Trà ôn, Thành Được, Hữu Phước, Minh Cảnh, Hùng Cương, Thanh Nga, Bạch Tuyết, út Bạch Lan, Diệu Hiền... Và Thanh Hải đã trở thành anh kép triệu phú đầu tiên của cải lương miền Nam.

Trước khi có giai đoạn thăng hoa này, NS Thanh Hải đã có quãng đời tuổi thơ rất cơ cực và ông đã trải qua rất nhiều năm tháng vất vả, gian truân mới được tổ nghiệp độ. NS Thanh Hải tên thật là Hồ Vãn Xia, sinh năm 1938 ở Lại Hưng - Bến Cát- Bình Dương. Ông mồ côi cha từ năm 8 tuổi (cha ông là võ sư Sáu Kỳ do hoạt động chống Pháp nên bị Tây bắt đi rồi thủ tiêu). Nhà nghèo nhưng ông cố gắng học và lấy được bằng Trung học đệ nhất cấp (Diplome). Có bằng cấp lại giỏi Pháp ngữ nên ông không khó tìm việc làm ở quê nhà (được nông trường cao su Hiệp Si - Bến Cát tuyển vô làm nhân viên xét nghiệm chất lượng mủ cao su). Công việc không vất vả nhưng do làm ở môi trường vắng vẻ, cô độc giữa rừng cao su bạt ngàn nên ông cảm thấy chán và quyết chí phiêu bạt để đổi đời. Chính ở nông trường cao su, nhân một đêm mưa vắng vẻ, nghe được giọng ca ngọt ngào của “Vua vọng cổ” út trà Ôn trong bài ca cổ “Khi trời lạnh sương khuya” mà ông mê mẩn, tìm mua bài ca này về ca theo để giải sầu. Không ngờ đó là tín hiệu bén duyên với SKCL của một anh kép sáng giá sau này.

Trên đường bôn ba khắp nơi để tìm nghề mới hầu đổi đời sau khi tử giã nông trường, NS Thanh Hải rất lận đận khi bị bắt quân dịch, đày ra chiến trường; đi tìm việc thì gán như các nơi ông đến đều từ chối. Nhưng rồi vận may cũng đến với NS Thanh Hải khi ông gặp soạn giả Điền Long (cùng quê) giới thiệu ông vô đoàn Hữu Chí để tập sự. Chỉ bốn tháng học nghề, ông được đoàn ánh Sáng của bầu Năm Tập mời về diễn. ở sân khấu này, Thanh Hải được soạn giả Công Quận phát hiện tài năng, viết tuồng mới “Trăng nước Hà Tiên” theo kiểu đo ni đóng giày để lăng-xê ông hát kép chánh. Thấy Thanh Hải lần đầu hát kép chánh đã thành công giúp cho đoàn khởi sắc và có doanh thu nên soạn giả Công Quận viết tiếp hai vở mới “Đường lên núi Tây Ninh” và “Đảng chiếc lá vàng” cho Thanh Hải đóng chánh và đều thành công rực rỡ. Đoàn ánh Sáng từ khi có kép chánh Thanh Hải thì thanh thế lẫy lừng, hát đâu thắng đó nên bầu Năm Tập mừng lắm, quyết đưa đoàn về Sài Gòn “tỉ thí" với các đại ban.

Khán giả Sài Gòn ban đầu còn ngập ngừng chưa đặt niềm tin vào đoàn ánh Sáng. Nhưng chỉ sau vài suất diễn thấy báo chí Sài Gòn ca ngợi kép Thanh Hải nên khán giả ùn ùn kéo đến xem. Thời ấy, dễ gì các đoàn bù tèo chen chân vào diễn ở các rạp Hào Huê, Thủ Đô Cao Đồng Hưng, Cây Gõ, Phú Nhuận... Vậy mà suốt ba tháng công diễn ở hầu hết các rạp lớn của Sài Gòn, một đoàn trung ban như ánh Sáng của bầu Năm Tập đã tạo nên cơn sốt vé, đáng kinh ngạc. Bầu Năm Tập thắng lớn, lời to. Nhưng về đây cũng là một “sai lầm” rất lớn của bầu Năm Tập. Bởi kép Thanh Hải đã lọt vào tằm ngắm của các bầu đại gia. Đến khi Thanh Hải báo nghỉ để về cộng tác cho đoàn hát đại ban của Sài Gòn thì bầu Năm Tập mới tá hỏa, than trời.



Vua Tao Đàn Thanh Hải

Hồi đó dân ghiền xem hát cải lương tặng những mỹ hiệu cho nghệ sĩ thần tượng của mình. Những mỹ từ như vua vọng cổ, vua vọng cổ hài, hoàng đế dĩa nhựa, vua xàng xê, nữ hoàng sân khấu, sầu nữ, kỳ nữ, kiều nữ,… đến nay hơn nữa thế kỷ đã qua nhưng khi nhắc lại những mỹ từ đó thì khán giả ái mộ cải lương lập tức nhớ lại những hình ảnh và tài năng đặc biệt của người nghệ sĩ thần tượng và giữ mãi tình cảm thương yêu đối với thần tượng nghệ thuật của mình. Nghệ sĩ Thanh Hải lúc đó cũng được tặng danh hiệu Vua Tao Đàn.

Năm 1958, nghệ sĩ Thanh Hải hát chánh cho đoàn hát Kim Hoàng - Như Mai, được báo chí kịch trường ngợi khen qua vai Trần Minh tuồng Quán Gấm Đầu Làng của Hà Triều Hoa Phượng. Vở Quán Gấm Đầu Làng sau nầy được viết thành tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, kể chuyện Trần Minh khố chuối, được Quỳnh Nga, con gái của quan huyện yêu thương, nàng dệt lụa bán gấm để nuôi Trần Minh ăn học và sau Trần Minh thi đậu trạng nguyên. Vở Quán Gấm Đầu Làng có những câu thơ thất ngôn tứ cú ngâm hậu trường để giới thiệu màn sắp diễn, đó là kỷ thuật soạn tuồng trong những năm giữa thập niên 50. Nghệ sĩ Thanh Hải đã học ngâm thơ theo lối Tao Đàn, một kỷ thuật ngâm thơ độc đáo đang được phổ biến qua giọng ngâm thơ của nữ sĩ Hồ Điệp trên đài Phát Thanh Saigon.

Khởi đầu từ đoàn hát Thủ Đô Ba Bản

Cuối năm 1959, nghệ sĩ Thanh Hải được mời về hát cho đoàn hát Thủ Đô Ba Bản trong đợt khai trương bảng hiệu của đoàn hát nầy. Nghệ sĩ Thanh Hải, là kép nhì đứng sau vua vọng cổ Út Trà Ôn. Thành phần nghệ sĩ tài danh của đoàn Thủ Đô Ba Bản có Út Trà Ôn, Thanh Hải, Hoàng Giang, Ba Vân, Nam Hùng, Bảy Xê, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa, Thanh Hoàng…Nghệ sĩ Thanh Hải có mặt trong hầu hết các vở tuồng của đoàn hát Thủ Đô: Tiếng Trống Sang Canh, Sầu Quan Ải, Cây Quạt Lụa Hồng, Nhạc Nữ Quý Xuyên, Cát Dung Phương Tử, Trăng Lên Ngoài Cửa Ngục, Chiếc Lá Mùa Thu…

Đầu năm 1961, nghệ sĩ Út Trà Ôn và Hoàng Giang rời Thủ Đô để lập gánh hát Thống Nhứt - Út Trà Ôn, nghệ sĩ Thanh Hải đóng thế các vai chánh trước đây của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Thanh Hải thành công qua vai Đào Cam Mộc, tuồng Tiếng Trống Sang Canh, vai Hoàng Tử trong tuồng Trăng Lên Ngoài Cửa Ngục, vai Châu Vũ Đào tuồng Chiếc Lá Mùa Thu, vai Kim Bình tuồng Sầu Quan Ải…Vài tháng sau đó thì ông bầu Ba Bản mời nghệ sĩ danh ca Tấn Tài và nữ nghệ sĩ đệ nhất đào lẵng Như Ngọc về cộng tác, Thanh Hải và Tấn Tài chia nhau hát các vai chánh của đoàn Thủ Đô.

Nghệ sĩ Thanh Hải cao ráo, là một kép đẹp qua các vai tuồng mặc y phục cổ trang trên sân khấu. Trong thời kỳ hoàng kim của đại ban Thủ Đô Ba Bản, Thanh Hải được ghi nhận là anh có một giọng ngâm Tao Đàn rất truyền cảm, làm tăng thêm hiệu quả sân khấu cho các vở tuồng của soạn giả Thu An. Tuy nhiên trong thập niên 60, khán thính giả rất thích nghe những giọng ca vọng cổ có làn hơi êm dịu hoặc sung mản và thích các nghệ sĩ có kỷ thuật ca vọng cổ luyến láy với bản sắc riêng nên các danh ca Hữu Phước, Thành Được, Tấn Tài, Hùng Cường, Út Hiền, Út Hậu đều chiếm những vị trí cao trong làng cải lương. Nghệ sĩ Thanh Hải chịu ảnh hưởng lối ca chân phương của nghệ sĩ Út Trà Ôn nên anh dầu cố gắng cũng không thoát ra khỏi cái bóng của vua vọng cổ Út Trà Ôn. Đó là lý do giải thích tại sao nghệ sĩ Thanh Hải thế được các vai của nghệ sĩ Út Trà Ôn mà ông bầu Ba Bản vẫn phải mời danh ca Tấn Tài về hát chánh cho đoàn Thủ Đô.

Thu dĩa hát cho hãng dĩa Hoành Sơn

Thời gian hát trên sân khấu đoàn Thủ Đô, nghệ sĩ Thanh Hải đã thu dĩa hát cho hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản. Sau đó anh được mời ca thu thanh cho các hãng dĩa Tứ Hải, Việt Hải, Hồng Hoa, Asia, Việt Nam. Anh đã ca thu dĩa trên 100 vở tuồng và khoản hai trăm bài ca vọng cổ, được thính giả nhắc đến là những dĩa tuồng Sầu Quan Ải, Tiếng Trống Sang Canh, Chiếc Lá Mùa Thu, Hai Chiều Ly Biệt, Nửa Bản Tình Ca, Cô Gái Sông Đà, Thuyền Ra Cửa Biển, Tống Tữu Ô Hắc Lợi, Hán Đế Biệt Chiêu Quân, Hằng Nga Hậu Nghệ, và các bài ca độc chiếc Tần Quỳnh Khóc Bạn, Nắng Chiều Trên Sông Dịch, Gánh Bưởi Biên Hòa, Chén Cơm Cúng Mẹ…

Minh họa giọng ca vọng cổ của nghệ sĩ Thanh Hải( Tần Quỳnh khóc bạn )

Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng hát của nghệ sĩ Thanh Hải.

Cuối năm 1961, hai nghệ sĩ Thanh Hải và Ngọc Hương rời đoàn hát Thủ Đô, gia nhập đoàn hát Kim Chưởng, hình thành một cặp đào kép ăn khách nhất của đoàn Kim Chưởng, một đoàn được báo chí kịch trường tặng cho danh hiệu là Đệ Nhất Anh Hùng Lưu diễn. Đoàn Kim Chưởng lúc đó có một lực lượng diễn viên mạnh, gồm có Thanh Hải, Ngọc Hương, Hùng Cường, Mộng Thu, Kim Nên, Diệp Lang, Trường Xuân, Hề Minh…

Nghệ sĩ Thanh Hải có các vai tuồng gọi là để đời như vai Ai Bình Cơ tuồng Hai Chiều Ly Biệt, vai Hải Bằng tuồng Cô Gái Sông Đà, vai Trần Tử Lang tuồng Nắng Chiều Trên Sông Dịch, vai Điền Sơn tuồng Thuyền Ra Cửa Biển, vai Lý Kim Tùng tuồng Nửa Bản Tình Ca…

Tết Nguyên Đán năm 1964, nghệ sĩ Thanh Hải hát cho sân khấu Kim Chung 3. Thanh Hải cộng tác với công ty Kim Chung trên 4 năm, anh hát với nhiều nghệ sĩ tài danh Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Kim Chung, Bích Hợp, Diệu Hiền, Tô Kim Hồng, Út Hậu, Phước Hậu, Út Hiền, Văn Hường, hề Ốc…

Ở sân khấu Kim Chung. nghệ sĩ Thanh Hải có những vai diễn được khán giả ưa thích như vai Quách Tỉnh vở Lưới Tình, vai Hàn Vũ Lang vở Manh Áo Quê Nghèo, vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa vở Mạnh Lệ Quân, vai Lý Quảng vở Hoa Mộc Lan, vai Hoàng Kiếm Phi vở Bão Biển, vai Cổ Tây Phong tuồng Đào Hoa Khách - Tuyệt Tình Nương.

Cuối năm 1968, nghệ sĩ Thanh Hải hết hợp đồng với công ty Kim Chung, anh đi hát chầu cho các đoàn hát tỉnh ở Hậu Giang.

Lập gánh hát Thanh Hải - Văn Hường

Năm 1970, Thanh Hải và hề Văn Hường hùn vốn, lập gánh hát Thanh Hải - Văn Hường. Đoàn hát quy tụ nhiều diễn viên tên tuổi như Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Thanh Hải, Tô Kim Hồng, Đức Lợi, Đức Minh, Hề Văn Hường, khai trương vở tuồng mới Đường Gươm Nguyên Bá của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Lúc đầu đoàn hát Thanh Hải - Văn Hường có thu nhập khá nhưng sau đó vì chiến cuộc ngày càng tăng, ở một số thành phố bị giới nghiêm ban đêm, các gánh hát cải lương bị thất thu, đoàn hát Thanh Hải - Văn Hường cũng bị thua lổ nên phải giải tán.

Năm 1972, nghệ sĩ Thanh Hải được bà bầu Tiêu Thị Mai mời về cộng tác với đoàn hát Thái Dương, hát chung với các nghệ sĩ Thành Được, Phượng Liên, Mỹ Châu, Diệp Lang, Hoàng Long, Kim Ngọc, hề Tư Rọm, Văn Chung đến năm 1975, đoàn Thái Dương cũng như các đoàn hát tư nhân đều bị giải tán. Thanh Hải nằm nhà vài tháng trông ngóng tình hình, sau đó anh chạy xuống tỉnh, đi hát cho các đoàn hát chui, những đoàn hát tạm thời được các tỉnh cho phép lập để hát trong tỉnh như đoàn Thanh Tú - Trang Bích Liễu, đoàn hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, đoàn hát Thống Nhất của tỉnh Tây Ninh.

Năm 1979, Thanh Hải về thành phố, cộng tác với đoàn hát Phước Chung và một đoàn hát lớn của thành phố, cùng hát chung với các nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương, Mỹ Châu, Trang Bích Liễu, Thanh Tú, Hoàng Giang, Kim Giác, Diệp Lang, Khả Năng, Phi Thoàn…

Cuối năm 1988, nghệ sĩ Thanh Hải giải nghệ, ở nhà trông coi nhà cửa, chăm sóc cho con cái trong việc ăn học. Vợ của anh là trụ cột trong kinh tế gia đình nên Thanh Hải không còn bận tâm bươn chải kiếm sống như trong thời trai trẻ đã qua.

Thanh Hải quá nhớ nghề nên thỉnh thoảng anh tham gia hát các trích đoạn cải lương trong chương trình Những Dấu Ấn không phai dành cho các nghệ sĩ dưới 50, dưới 60 tuổi, tổ chức tại rạp Hưng Đạo Saigon vào các tối chúa nhựt hàng tuần.

Gần 40 năm đi hát, được nhiều lúc thăng hoa thời trai trẻ lúc Thanh Hải hát trên sân khấu Thủ Đô, Kim Chưởng, Kim Chung, giờ đây trong tuổi xế chiều, tuy nhờ có bà vợ biết kinh doanh khéo léo, nghệ sĩ Thanh Hải không gặp khó khăn trong cuộc sống kinh tế nhưng anh rất buồn vì sân khấu cải lương sa sút trầm trọng. Anh luyến thương các bạn diễn và ánh đèn sân khấu mà băn khoăn mãi không biết làm sao để góp phần hồi sinh nền kịch nghệ quý báo của dân tộc.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Soạn giả Nguyễn Phương 09/11/2008 RFA
 


Email: thiengia@cailuongvietnam.com

Tác giả bài viết: khangianhandan tổng hợp

Nguồn tin: RFA - NLĐ....