Vở tuồng Thạch Sanh và bài ca chính nghĩa

Vở tuồng Thạch Sanh và bài ca chính nghĩa
Nhà hát tuồng Đào Tấn (NHTĐT) vừa biểu diễn vở tuồng Thạch Sanh (được Đài PT-TH Bình Định truyền hình trực tiếp trên sóng vệ tinh). Tác giả Đoàn Thanh Tâm, Phó trưởng phòng nghiên cứu nghệ thuật - NHTĐT cho biết, dựa vào truyện cổ tích Thạch Sanh, khi dàn dựng, Nhà hát đã làm nổi bật chủ nghĩa nhân đạo của người lao động…
Theo tác giả Đoàn Thanh Tâm, tuồng Thạch Sanh được dàn dựng lần đầu tiên dưới thời Đoàn tuồng Liên khu V, tiền thân của NHTĐT (không rõ chính xác vào khoảng thời gian nào). Vở tuồng này sử dụng kịch bản của Dũng Hiệp, người dàn dựng: Võ Sĩ Thừa và Đình Phong, cả ba đều là nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu V. Năm 2001, NHTĐT phục dựng nâng cao vở tuồng Thạch Sanh (đạo diễn: Võ Sĩ Thừa và Hoàng Ngọc Đình). Cuối tháng 10.2014, một lần nữa vở tuồng Thạch Sanh lại ra mắt khán giả.

Thạch Sanh (phải, do NSND Minh Ngọc đóng) trong lớp tuồng chém đại bàng cứu công chúa.
Tác giả Đoàn Thanh Tâm chia sẻ: “Một số diễn viên của Nhà hát thủ các vai chính trong tuồng này hoặc đã mất hoặc về hưu, sắp về hưu… Hơn nữa, đây là một trong những vở diễn đề tài dân gian được nhiều tầng lớp khán giả yêu thích, do vậy Nhà hát quyết định biểu diễn trở lại để thế hệ diễn viên trẻ biết và từng bước học các vai để tiếp quản”.
Những ai yêu cổ tích Thạch Sanh, chắc hẳn đều khó quên chi tiết về tiếng đàn thần - tiếng đàn nhân nghĩa của chàng Thạch Sanh, đại diện cho người lao động với nhiều bản tính thiện lương tốt đẹp. “Đàn ta réo rắt canh thâu, ai đi xâm lược ai sầu phòng khuê/ (…) Đàn kêu mau hãy giao hòa, người trong bốn bể một nhà yên vui”. Dù là chi tiết mang màu sắc huyền thoại (đàn thần) song vì đó là tiếng đàn nhân nghĩa, tiếng nói của chính nghĩa nên lại trở thành chi tiết có sức thuyết phục rất cao. Trong vở tuồng Thạch Sanh do NHTĐT dàn dựng, đây cũng là chủ đề tư tưởng được khai thác tập trung, tô đậm thể hiện qua những mảng miếng, lớp tuồng lôi cuốn, hấp dẫn.


KHẢI THƯ

Nguồn tin: BBĐ