Vai phụ cũng làm nên tên tuổi

Cao Mỹ Châu và Kiều Phượng Loan trong vở cải lương “Gánh hát của Điệp” (dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)

Cao Mỹ Châu và Kiều Phượng Loan trong vở cải lương “Gánh hát của Điệp” (dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)

Dẫu đứng vị trí thứ hai nhưng các nghệ sĩ trẻ vẫn luôn “bám” nghề, hăng hái sáng tạo và hẳn nhiên nghề không phụ họ
Có nhiều nghệ sĩ trẻ khán giả không nhớ tên nhưng lại quen mặt bởi họ chuyên trị vai phụ và thể hiện xuất sắc không kém thế hệ trước. Họ được xem là hậu bối “rộng đường xài” vì có đủ khả năng thể hiện tốt từ vai già đến trẻ, hiền lành đến độc ác... Và trong lúc sàn diễn gặp khó, họ âm thầm bám nghề, trở thành dàn bao hùng hậu của sân khấu hiện nay.

Thành danh từ vai phụ

“Thế hệ vàng” của sân khấu cải lương trước đây không thiếu những nghệ sĩ chuyên trị vai phụ và thành danh từ thể loại vai này. Đó là NSND Diệp Lang, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Thanh Nguyệt... Họ là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo về lòng yêu nghề, sự kiên trì, nhẫn nại. Tiếp bước tinh thần đó, hiện nay, sàn diễn cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ sẵn sàng đóng vai phụ, chăm chút từng khoảnh khắc xuất hiện trên sân khấu, phục vụ khán giả. Trong số đó, một số nghệ sĩ: NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quỳnh Hương, nghệ sĩ Minh Hoàng, Cao Mỹ Châu, Chấn Cường... có nhiều vai được khán giả yêu thích, thậm chí nổi trội hơn cả vai chính.

 

Cao Mỹ Châu và Kiều Phượng Loan trong vở cải lương “Gánh hát của Điệp” (dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)
Cao Mỹ Châu và Kiều Phượng Loan trong vở cải lương “Gánh hát của Điệp” (dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)

 

“Các cô chú nghệ sĩ đi trước là tấm gương cho chúng tôi noi theo. Họ cũng thành danh, được khán giả yêu mến dù chuyên đóng vai phụ. Nếu ai vào nghề cũng yêu cầu được đóng đào, kép chính, chẳng chịu vai quân lính, hầu nữ, ông bà già hoặc vai người mẹ, người hàng xóm... thì còn gì là một tác phẩm sân khấu trọn vẹn!” - NSƯT Hữu Quốc chia sẻ. Tính đến nay, sau 26 năm gắn bó với nghề, nghệ sĩ này có hàng trăm vai lão, từ ông Tư trong vở “Bão rừng tre” giúp đoạt HCV Trần Hữu Trang năm 1999 đến Quan Tư Đồ vở “Phụng Nghi Đình”, người nghệ sĩ già vở “Cung đàn nào cho em”..., mỗi vai đều khắc họa được tính cách nhân vật, tạo dấu ấn cho khán giả dù thời lượng xuất hiện không nhiều.

 

'NSƯT Hữu Quốc và Quỳnh Hương chuyên trị những vai phụ'

NSƯT Hữu Quốc và Quỳnh Hương chuyên trị những vai phụ

 

Không thua kém NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Lê Tứ cũng chinh phục công chúng với hàng trăm vai diễn từ độc mùi cho đến kép võ, luôn đứng vị trí thứ hai nhưng đủ sức đối trọng với kép chính. “Nghệ sĩ nào đóng kép chính mà yếu nghề có khi bị kép phụ Lê Tứ, Hữu Quốc hoặc đào mụ Quỳnh Hương, Cao Mỹ Châu… “nuốt chửng”!” - NSND Ngọc Giàu nhận xét.

Với biệt danh “Nữ hoàng vai phụ”, nhiều năm qua, NSƯT Quỳnh Hương chuyên đóng vai mẹ của NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Vũ Linh... “Chưa bao giờ tôi để bản thân gục ngã vì sự nản lòng, vẫn nỗ lực vươn lên để có thể khóc, cười với những số phận vai phụ” - NSƯT Quỳnh Hương chia sẻ.

Biến hóa, làm mới vai phụ

Điểm đáng ghi nhận ở thế hệ nghệ sĩ trẻ chuyên đóng vai phụ của sàn diễn ngày nay là luôn biến hóa, sáng tạo để làm mới vai diễn. Sàn diễn thiếu kịch bản nên việc các đoàn thường chọn tái dựng vở cũ tạo áp lực lớn đến các nghệ sĩ. Nếu lặp đi lặp lại bản thân trong những “mảng, miếng” quen thuộc, chẳng có sáng tạo, làm mới, họ sẽ khiến khán giả nhàm chán.

“Chúng tôi luôn nỗ lực để sao dù xuất hiện thời lượng ngắn vẫn tạo dấu ấn trên sàn diễn bằng cách lột tả tính cách nhân vật. Vì thế, việc làm mới các vai diễn này là chìa khóa giúp tôi tồn tại với nghề” - nghệ sĩ Cao Mỹ Châu tâm sự. Cô được khán giả nhớ đến qua vai diễn trong các vở: “Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng Giang”, “Mẹ vẫn đợi con về”, “Tình mẹ”, “Tình thâm nghĩa tử”... Nhờ có nhiều vốn sống nên Cao Mỹ Châu vào vai nghèo, hèn, nhiều nước mắt rất tốt. Sử dụng lợi thế này, Mỹ Châu thường đưa thêm chất liệu cuộc sống để nhân vật mình hóa thân trở nên gần gũi hơn.

 

'NSUT Lê Tứ và NSUT Vũ Luân trong vở Chiếc áo thiên nga'

NSUT Lê Tứ và NSUT Vũ Luân trong vở "Chiếc áo thiên nga"

 

Với nghệ sĩ trẻ Chấn Cường, xuất thân từ Đồng ấu Bạch Long nên các vai quân sĩ, lính hầu... đều thành thạo. Bên cạnh đó, anh còn học hỏi thêm kinh nghiệm thông qua các công việc hậu trường, tích lũy vốn sống. Vì thế, được giao dạng vai nào, Chấn Cường cũng lột tả được thần thái nhân vật, thêm thắt tình tiết hợp lý để nhân vật thuyết phục hơn. Anh tạo dấu ấn nhất qua vai Nguyễn Địa Lô vở “Dũng khí Nguyễn Địa Lô”, vai ông bầu trong vở “Gánh hát ven sông”. “Hết mình cho các vai diễn nhưng khi rời sân khấu, tôi tập trung chăm lo cho 2 con trai, mong các con sau này nối nghiệp” - Chấn Cường tâm sự.

 

'NS Chấn Cường và danh hài NSƯT Bảo Quốc trong vở Gánh hát ven sông'

NS Chấn Cường và danh hài NSƯT Bảo Quốc trong vở "Gánh hát ven sông"

 

Vóc dáng gầy gò, gương mặt “đau khổ”, nghệ sĩ Minh Hoàng hợp với vai số phận lận đận. Khán giả khó quên anh nông dân Nhuận Điền trong vở “Bên cầu dệt lụa” mà Minh Hoàng diễn rất mới so với “tiền bối” NSƯT Thanh Tú từng nổi tiếng với nhân vật này.

Bất kỳ vở diễn nào có họ xuất hiện cũng làm nhiều khán giả an tâm về mặt chất lượng bởi dàn bao tốt sẽ hỗ trợ nhiều cho các vai diễn khác tỏa sáng. Đồng thời, theo thời gian, từ nhớ mặt, họ sẽ được nhớ tên và chuyện thành danh không xa. “Yêu nghề, nghề không phụ!” - một câu nói trở thành phương châm của nhiều nghệ sĩ trẻ luôn nỗ lực phấn đấu từng ngày để khẳng định vị trí của mình trong lòng khán giả.

 

Thành công cho người tâm huyết

NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu nhận định vai diễn của Cao Mỹ Châu trong vở “Chiến binh” xuất hiện rất ít nhưng đọng lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Một số nghệ sĩ trẻ dù chỉ diễn vai phụ nhưng họ yêu nghề, biết bỏ công sức đầu tư cộng thêm sự sáng tạo nên dù xuất hiện chỉ vài phút trên sân khấu cũng đủ khiến khán giả nhớ mãi.

 

Tác giả bài viết: Thanh Hiệp

Nguồn tin: Duyenclvn theo nld.com.vn