Thành Được: Ông Vua Không Ngai

Thành Được: Ông Vua Không Ngai
Nghệ Sĩ Thành Được Kỷ Niệm 50 Năm Ca Diễn Cải Lương Vào tối chủ nhật 14-11-2004 tại hí viện của Santa Clara Convention Center thuộc thung lũng hoa vàng Bắc Cali, danh ca cổ nhạc Thành Được đã tổ chức đêm Kỷ Niệm 50 Năm Cải lương và Giã Từ Sân Khấu, cùng với sự xuất hiện của những tên tuổi như Minh Vương, Hương Lan, Phượng Liên, Ngọc Huyền, Văn Chung.
Nghệ Sĩ Thành Được Kỷ Niệm 50 Năm Ca Diễn Cải Lương

Vào tối chủ nhật 14-11-2004 tại hí viện của Santa Clara Convention Center thuộc thung lũng hoa vàng Bắc Cali, danh ca cổ nhạc Thành Được sẽ tổ chức đêm Kỷ Niệm 50 Năm Cải lương và Giã Từ Sân Khấu, cùng với sự xuất hiện của những tên tuổi như Minh Vương, Hương Lan, Phượng Liên, Ngọc Huyền, Văn Chung. Cái chủ đề giã từ sân khấu cho giới mộ điệu cảm giác ngậm ngùi nhưng cũng đúng với cái tuổi đời bảy muơi mốt của Thành Được. Tên thật là Châu Văn Được, chào đời tại Sóc Trăng năm 1933, từng đi lính Bảo An thuở thanh niên, giải ngũ và bước lên sân khấu lần đầu tiên vào năm 1954 trong một đòan hát của ông chú là đòan Thanh Cần, đóng thế vai một diễn viên bị bệnh.
Nhưng hai năm sau, 1956, tên tuổi Thành Được mới nổi bật trong vai Tô Đình Sơn với vở tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở cùng đào thuơng Thúy Nga của đòan Thúy Nga. Năm 1958, anh về đoàn Kim Chưởng. Năm 1960 về đòan Thanh Minh Thanh Nga, 1961 trở lại đòan Kim Chưởng, 1962 thành lập đòan Thành Được- Uùt Bạch Lan, 1965 trở lại đòan Thanh Minh Thanh Nga. Năm 1967 Thành Được nhận huy chương vàng với vai diễn tướng cướp Thy Đằng trong vở Tiếng Hạc Trong Trăng. Năm 1968 sau biến cố Tết Mậu Thân, gia nhập quân đội và làm việc tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cho đến tháng 4-1975. Năm 1976, anh thành lập đòan Sài Gòn 1, thủ vai Lê Hòan cùng đào thương Thanh Nga trong vở Thái Hậu Dương Vân Nga.
Năm 1984, Thành Được đi lưu diễn tại Đức và xin tị nạn chính trị tại đây. Anh sinh sống bằng nghề nhà hàng tại Đức và năm 1995 đến Mỹ mở nhà hàng Thành Được tại Milpitas, một phố nhỏ sát San Jose. Năm 2004, tức 50 năm kể từ lúc bước vào nghề ca diễn, và 20 năm sau kể từ lúc đặt bước chân lưu vong, Thành Được chính thức tuyên bố giã từ sân khấu với đêm hát đặc biệt này.
Danh ca cổ nhạc Kim Tử Long đương thời ở trong nước đã thố lộ là anh yêu mến hai chất giọng của Thành Được và Minh Vương (Minh Vương sau năm 75 hát bỗng hay hơn trước đó). Trong cách ca vọng cổ có 2 trường phái chính. Một là trường phái nghiêm chỉnh mà đại diện là Uùt Trà Ôn, hai là trường phái bay lượn mà Minh Cảnh là người sáng tạo đầu tiên để những người đi sau nối tiếp như Minh Phụng, Minh Vương
Cái tên Thành Được lấy chữ Thành từ sự kính nể giọng ca của người đàn anh là Thành Công, ghép với cái tên Được. Có một dạo anh muốn lấy tên Uùt Được cũng vì thích danh ca Út Trà Ôn.
Chất giọng của Thành Được rất ngọt, một cái ngọt đầm thắm. Giọng nói của anh, dĩ nhiên dân cải lương là phải Nam Bộ, nghe sang trọng, trí thức. Nhờ cái giọng nói này mà những vai diễn trong các tuồng xã hội, anh đóng rất tới như vai Lĩnh Nam trong Sân Khấu Về Khuya. Tuy vậy cái vai tướng cướp Thy Đằng vẫn là độc đáo nhất, là đỉnh cao trong sự nghiệp ca diễn cải lương. Chính anh cũng tự nhận là với vai này, không có đối thủ.
Những vai chính khác mà Thành Được đã đóng như Tùng (Nữa Đời Hương Phấn), Văn (Con Gái Chị Hằng), Diệp Băng Đình (Thuyền Ra Cửa Biển), Dũng (Đọan Tuyệt), Điệp (Lan Và Điệp)...
Cuộc đời bên ngòai sân khấu Thành Được được nhiều người yêu mến. Anh đã từng gắn bó với nữ danh ca Uùt Bạch Lan và Thanh Nga, càng làm cho anh thêm nổi tiếng. Và thêm một sự kiện khác liên quan đến chính trị cũng tạo thêm hương vị cho cuộc đời của người sống bằng nghề ca diễn. Đó là quyết định xin tị nạn chính trị tại Đức năm 1984 của danh ca Thành Được đã làm cho hải ngoại nức lòng. Và cũng từ đó, nỗi buồn lưu vong chan chứa trong lòng người danh ca cổ nhạc này, đến nay đã hai mươi năm.
Tuy vậy, nhà hàng Thành Được vẫn là nơi thực khách lui tới, là chổ để những người ái mộ anh đến, để nghe lời tâm sự của người đã gắn bó mấy chục năm với sân khấu cải lương. Trong ngành ca diễn trên sân khấu cổ nhạc này, tính về phái nam thì Út Trà Ôn chiếm hàng đầu và người kế tiếp chưa có ai vượt trội Thành Được. Quý vị ở xa có thể liên lạc với Thành Được: (408) 945-8598.
Tin từ Việt Báo Úc châu Số: 3512
Thành Được 50 năm sân khấu cải lương

Nghệ sĩ Thành Được, một trong vài khuôn mặt lẫy lừng của sân khấu ca kịch miền Nam đang sống ở nước ngoài, và hiện là chủ nhân của một tiệm ăn mang tên ông: Nhà hàng Thành Được tại thành phố Milpitas, Thung Lũng Điện Tử. Khách đến đây, có thể sẽ gặp một ông chủ nhà hàng hoạt bát, vui vẻ, niềm nỡ. Nếu là người quen cũ, đôi khi ông bắt tay, kéo ghế ngồi hàn huyên chuyện đời, và có lúc sẽ được nghe ông nhắc lại thời vàng son của ông ở Sài Gòn năm xưa.
Sài Gòn năm xưa, dưới tấm màn nhung và ánh đèn sân khấu, Thành Được chinh phục người yêu cải lương qua nhiều vai diễn, những vai diễn đã làm nên tên tuổi ông. Khán giả xưa không thể không nhớ đến Tô Điền Sơn trong vở "Khi Hoa Anh Đào Nở," Thy Đằng trong "Tiếng Hạc Trong Trăng," Diệp Băng Đình trong "Thuyền Ra Cửa Biển"...
Giờ đây, bước qua tuổi 70, thất thập cổ lai hy, ông không còn sống với tấm màn nhung và ánh đèn sân khấu và y trang lộng lẫy màu sắc của những vai diễn, mặc dù tiếng hát ông vẫn còn ngọt ngào mùi mẫn và ông vẫn mang dáng vẻ của một người trẻ hơn tuổi trời cho rất nhiều.
Cải lương xuống cấp
Người ta biết, Sài Gòn nay đã trên 6 triệu dân, vốn là đất của cải lương trước đây, nhưng ngay sân khấu của thành phố này cũng đã không còn như xưa. Có thể nói cải lương trong nước đang xuống cấp và sống èo uột. Thời vàng son của những rạp hát Quốc Thanh, Trần Hưng Đạo của những tên tuổi Phùng Há, Năm Châu, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hữu Phước, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Phượng Liên đã đi qua.
Đừng nói chi cải lương, ngay cả sân khấu thoại kịch cho cả 80 triệu người trong cả nước cũng không có dấu hiệu gì đi lên.
Mới đây, nhà lý luận phê bình Ngô Thảo, phó tổng thư ký Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam trả lời câu hỏi về sự xuống cấp của sân khấu, đã nói: "Đỉnh cao hoàng kim đã qua lâu rồi, sân khấu đã tuột dốc, nhưng không ai thấy cần phải ngăn nó lại, và bây giờ nó đang ở tận cùng cũa sự xuống dốc. Đạo diễn già, biên kịch già còn có thể chấp nhận chứ đến diễn viên cũng già, không được cả thanh lẫn sắc thì còn ai đến rạp làm gì. Cứ nhìn phản ứng của khán giả là chính xác nhất." (Tuổi Trẻ On Line, ngày 31 tháng Mười, 2004).
Trong nước đã là như thế, huống hồ ngoài nước.
Thật vậy, ở hải ngoại, người yêu cải lương thỉnh thoảng còn được nghe Phượng Liên, Hương Lan dưới Nam Cali, và Thành Được ở Bắc Cali, ca diễn, nhưng những tiếng hát mùi mẫn ấy vẫn là những tiếng hát lẻ loi, chưa đủ làm thành thế giới cải lương.
Nhận định về sân khấu cải lương hiện nay trong cũng như ngoài nước, Thành Được xác nhận khán giả cải lương giờ đây đa số là những người cao niên. Ông không nói họ chỉ sống bằng quá khứ, nhưng rõ ràng dĩ vãng dính vào tình yêu nghệ thuật của họ. Với các người này, những vở tuồng hay đến nay vẫn còn trong trí nhớ của họ. Họ nhớ từng câu nói, từng điệu bộ, từng lời ca đến nỗi có những khán giả còn nhắc cho nghệ sĩ trình diễn lời ca mà lâu quá chính các nghệ sĩ này nay đã quên. "Trong những nghệ sĩ bị quên lời ca, được khán giả nhắc tuồng, có cả tôi." Ông thú nhận với một nụ cười còn khá trẻ.
Vào nghề
Nói về những ngày đầu tiên bước chân lên sân khấu, Thành Được cho biết ông vào nghề từ năm 1954, cách nay đúng 50 năm, sau khi Pháp vừa thua trận Điện Biên Phủ. Ông được giải ngũ khỏi Bảo An Đoàn. Từ Phan Thiết ông trở về Sóc Trăng thăm người chú có đoàn hát tên Thanh Cần. Ông ở lại đoàn phụ việc bán vé và soát vé, cùng làm những việc lặt vặt khác trong đoàn. Nhân một hôm đoàn trình diễn vở "Người Hoả Tiễn," một anh kép đóng vai sư phụ bị bệnh bất ngờ, ông chú đề nghị Thành Được đóng thế vai vì thấy ông hay nghêu ngao ca hát với các anh em trong đoàn khi rãnh rỗi. "Và tôi liều mạng nhận lời!"
Thành Được bước vào nghề cầm ca như thế!
Những khuôn mặt cải lương
Trả lời câu hỏi trong bao nhiêu năm ca hát, tuồng nào ông thích nhất và vì sao? Thành Được cho biết ông thích vở "Sân Khấu Về Khuya" của Năm Châu, trong đó ông đóng vai Lĩnh Nam. Theo ông đó là một vở diễn rất gần với cuộc đời sân khấu của ông. "Nhân vật là tôi và tôi là nhân vật." Ông nói thế.
Nói về những nghệ sĩ cải lương, Thành Được kể đến lớp đàn anh trước ông như Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Việt Hùng, Thanh Tao, Minh Chí, Thúy Nga, Kim Chưởng, Thanh Hương, và đặc biệt là ba người mà ông gọi là sư phụ: Năm Châu, Ba Vân và nghệ sĩ Phùng Há.
"Còn những nghệ sĩ sau ông?" ông nhắc Hữu Phước, Hùng Cường, Phương Quang, Thanh Sang, Diệp Lang, Thanh Tú, Tấn Tài, Út Hiền, Minh Cảnh.
Ông cũng không quên nhắc tới những soạn giả nổi tiếng trong giới cải lương như Năm Châu, Hà Huy Hà, Điêu Huyền, Hà Triều-Hoa Phượng, Viễn Châu, Quy Sắc, Thiếu Linh, Ngọc Linh, Ngọc Điệp, Thu An, Yên Ba, Loan Thảo.
Toàn bộ đó là những khuôn mặt làm nên thế giới cải lương Việt Nam.

Cuộc sống người nghệ sĩ cải lương
Người ta thường thắc mắc là không hiểu tại sao thời trước người nghệ sĩ cải lương lãnh hàng triệu triệu đồng mà lúc nào cuối đời trong túi cũng không còn một xu? Thành Được cho biết hồi trước những nghệ sĩ cải lương khi đã thành danh rồi thì kiếm tiền quá dễ, nên tiêu xài cũng vung tay quá trán, họ không hề nghĩ đến ngày mai khi tuổi xế chiều.
Ông tiếp, nếu ở bên nhà các ca sĩ, cầu thủ, lực sĩ có ông bầu hoặc cố vấn giúp đỡ, đầu tư, kinh doanh sinh lợi như bên này thì chắc đời họ phải khác đi. Và ông trầm ngâm, "phải chi đám nghệ sĩ chúng tôi hồi đó có vợ hoặc chồng biết tổ chức cuộc sống, có đầu óc kinh doanh, biết kềm chế sự tiêu pha hoang phí thì đâu đến nỗi (có lúc không còn một đồng xu lận lưng.)"
Nhắc đến một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời mình, Thành Được không nói đến chuyện ca hát mà lại kể chuyện đá banh. "Năm đó đâu '62 hay '63 gì đó," ông không nhớ, đúng vào ngày đoàn hát phải đi lưu diễn ở Ban Mê Thuột, thì diễn ra trận banh quốc tế đá tại sân Cộng Hòa, thế là ông không đi theo đoàn mà nhất định ở lại đi sau vì mê đá banh quá. "Tôi muốn ở lại xem cho xong trận đá, và vì vậy rốt cuộc phải thuê bao riêng một chiếc máy bay loại nhỏ (Cessna) để bay lên cho kịp xuất hát tối thứ Bảy cùng ngày." Đó cũng là một cách ăn tiêu xài phí kiểu công tử của Thành Được.

Thành Được đóng phim
Không những làm kép cải lương, Thành Được còn làm diễn viên điện ảnh. Ông đóng ít nhất là 5 phim cùng với những diễn viên và nghệ sĩ tên tuổi đương thời: "Hai Chuyến Xe Hoa" và "Biển Động" với Kim Cương; "Năm Vua Hề Về Làng" với La Thoại Tân; "Đôi Mắt Người Xưa" với Thanh Nga và "Chiếc Bóng Bên Đường" với Kiều Chinh, Kim Cương, Vũ Thành An. Tất nhiên phim ảnh Việt Nam thời đó cũng là những bước đi chập chững thôi, nhưng sự có mặt của ông trong loại hình nghệ thuật khác với dạng ca kịch cải lương là một bước đi khác của Thành Được.

Mối tình Thành Được
Khi được hỏi về những mối tình của mình, về cô đào lừng danh Thanh Nga, về Út Bạch Lan, về Thành Được không trả lời trực tiếp câu hỏi. Ông chậm rãi: "Sau khi mất nước rồi, tôi mới nhận thức được thế nào là mái ấm gia đình. Tôi cám ơn định mệnh đã cho tôi gặp được một người mà bạn bè cũng như người trong giới đều ngạc nhiên và e dè cho tôi: Sự kết hợp giữa một nghệ sĩ cải lương Nam Kỳ và một cô giáo Bắc Kỳ, cựu nữ sinh trường Trưng Vương, nên cũng có mà hư cũng nhiều. Vậy mà tôi vẫn bạo gan nộp đơn xin được cưới nàng."
Ông cười, nói đơn của ông chỉ viết có một câu như thế này: "Tôi, Châu Văn Được xin cưới em, chớ không phải ông nghệ sĩ Thành Được, xin em chấp nhận cho lời cầu hôn này."
Bà Thành Được hiện nay là cô giáo Liên đã cùng ông sống 24 năm trời. Do làm chủ một nhà hàng ăn, nên ông có được nhiều dịp gặp lại bạn bè, thân hữu và anh em trong nghề và thường xuyên gặp được cả khán giả từ lâu đã nghe tiếng hát ông, tiếng hát và nhân dáng một nghệ sĩ trên sân khấu ca kịch đã năm mươi năm qua.

Nguyễn Xuân Hoàng - Việt Mercury - Friday Nov 12, 2004

Nguồn tin: Việt Mẻcury