Tâm sự Mộng Cầm và giọng ca nhung lụa Ngọc Giàu

NSND Ngọc Giàu và ca sĩ Quang Thành

NSND Ngọc Giàu và ca sĩ Quang Thành

NSND Ngọc Giàu có giọng ca mượt mà đến nỗi giới báo chí ngày xưa gọi đó là giọng ca như lụa trải nhung căng. Và bà đã “đóng vai” Mộng Cầm trong bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu khiến khán giả không khỏi rưng rưng với câu chuyện tình của thi sĩ họ Hàn.
Cuộc đời của nhà thơ Hàn Mạc Tử là nguồn cảm hứng cho rất nhiều soạn giả viết bài vọng cổ, nhưng Viễn Châu nổi bật hơn cả vì ông viết một loạt bài như Hàn Mạc Tử, Tâm sự Mộng Cầm, Tâm sự Mai Đình. Trong đó, Tâm sự Mộng Cầm được nhiều người biết nhất, và vì lời lẽ dễ ca dễ thuộc nên cuối cùng nó đọng lại trong ký ức người ta lâu nhất.
Ai mua trăng mà người đem đi bán. Người định bán bao nhiêu một ánh trăng... vàng. Người ở trần gian hay tận chốn cung hằng. Tôi muốn hỏi người điên hay tỉnh cất tiếng rao hoài bán một vầng trăng. Đã mấy đêm rồi ngồi đếm sao băng, nghe sương khuya nhỏ giọt vào hồn. Tôi muốn hỏi người để mua đứt vầng trăng, nhưng chỉ sợ rằng trần gian u tối.
Cái hay của bài này còn ở những câu thơ mà soạn giả Viễn Châu viết chen vào. Ông tạo thêm một điểm nhấn để người ca có thể thi thố tài năng và làm sinh động giọng ca của mình. Tuy là thơ nhưng nghệ sĩ không cần ngâm nga quá nhiều, chỉ cần chuyển hơi một chút là đủ. Kiểu ngâm thơ nhẹ nhàng trong bản vọng cổ thú vị ở chỗ đó.
Hàn Mạc Tử ơi, anh ở đâu/Lời ca nức nở, lệ vương sầu/Giữa đêm trời đất đầy mưa gió/Có kẻ tan rồi mộng bể dâu.
Một điểm nhấn nữa là bài Lý con sáo ở gần đoạn cuối, lời lẽ hay, lại mang âm hưởng bùi ngùi, dễ tạo nên “bàn thắng” cho nghệ sĩ hớp hồn khán giả. Viễn Châu biết tận dụng lợi điểm của bài Lý con sáo. Vả lại, các điệu lý dù sao vẫn dễ ca hơn các bài bản chính trong kho tàng cổ nhạc, vì vậy cho đến bây giờ Tâm sự Mộng Cầm vẫn là bài vọng cổ ăn khách.
Tâm sự Mộng Cầm và giọng ca nhung lụa Ngọc Giàu - ảnh 1
NSND Ngọc Giàu - Ảnh: Tư liệu
Mộng cầm của Ngọc Giàu
NSND Ngọc Giàu khi hát bài này tuổi chỉ khoảng hai mấy, nên giọng còn trong trẻo hơn bây giờ nhiều lắm. Nhưng, dù hai mấy tuổi, vẫn là chất giọng trầm lắng, không cần tung tẩy, cứ bình thản mà trôi như có ai cầm một dải lụa từ từ trải ra cho khán giả bước tới... bước tới... mà nghe, mà rung động. Báo chí hồi ấy gọi giọng ca của bà là “lụa trải nhung căng”. Một giọng ca vừa thấy mộc mạc nhưng cũng vừa điêu luyện một cách kín đáo. Thưởng thức từng cách nhả hơi nhả chữ của Ngọc Giàu mới “đã” làm sao! Cho nên khi bà vào vai Mộng Cầm mà Viễn Châu kỳ vọng thì quả không phụ lòng ông. Không gào thét lên gân vì đau khổ, Mộng Cầm của Ngọc Giàu như nén lại hết, chỉ đủ buông ra từng chút từng chút nỗi niềm, mà cứ mỗi câu buông ra là cộng hưởng dần lên để khán giả tăng dần thương cảm, và rồi kết thúc với câu: “Run run tôi viết tên nàng. Ai mua trăng vàng tôi bán trăng cho” như một nốt lặng nghẹn ngào. Lẽ ra người ta thường vỡ òa khi cảm xúc cao độ, nhưng đằng này với chất giọng Ngọc Giàu, cảm xúc ấy lại trở thành nốt lặng, không thốt được nữa. Thế mới là Ngọc Giàu.
Hỏi bà về kỹ thuật ca bài ấy, bà cười: “Đừng quá kỹ thuật. Hãy tập trung vào cảm xúc nhân vật. Hồi đó nghệ sĩ chúng tôi khi cầm bài ca nào của bác Viễn Châu đều phải nghiền ngẫm rất kỹ tâm lý nhân vật, nhập vai vào nhân vật, thì bác mới chịu cho ca. Ông già dễ tính nhưng cũng khó lắm. Không hiểu về nhân vật thì ông nói khoan hãy thu âm, đợi thấm đi đã rồi mới thu. Tôi phải tưởng tượng mình là Mộng Cầm, phải đau cái đau của Mộng Cầm. Mà cái đau của người xưa nó khác người thời nay. Thời nay người ta thất tình thì gào thét dữ quá, khóc lóc sướt mướt, làm này làm kia om sòm... Còn ngày xưa người ta đau nhưng nước mắt chảy vào trong, cho nên khi cất tiếng ca thì không thấy khóc mà lại là rất nghẹn. Và lời lẽ của nỗi đau cũng đẹp hơn, văn học hơn. Thí dụ, dùng hình ảnh “Vầng trăng vàng chơi vơi. Trăng ơi trăng khuất bóng sau đồi. Trong tiếng hát u hoài...” là tả được sự cô đơn rồi mà đâu cần nói thẳng hai chữ “cô đơn”. Cổ nhạc có cái hay đó, luôn lấy cảnh tả tình. Mà bác Viễn Châu thì tả cảnh đẹp thần sầu, ai không mê cho được”.
Sau này, khi hơn 60 tuổi, NSND Ngọc Giàu lại thu âm bài này lần nữa cùng ca sĩ Quang Thành. Thật bất ngờ, chất giọng của bà đã không còn trẻ nữa nhưng lại chinh phục khán giả đến lạ lùng. So sánh hai bản thu âm, có lẽ bản thu sau này trầm buồn hơn, da diết hơn, nghe lại thích hơn (theo cá nhân người viết). Cũng có thể Ngọc Giàu đã trải thêm biết bao sóng gió cuộc đời, và chính trải nghiệm đó làm nghệ sĩ thẩm thấu nhân vật tốt hơn, thẩm thấu nỗi đau sâu sắc hơn. Và nghệ thuật thăng hoa chính từ ở đó!

Tác giả bài viết: Hoàng Kim

Nguồn tin: duyenclvn theo thanhnien.vn