Những nghệ sĩ xứng đáng được nhận danh hiệu 3: NSƯT Thanh Tuấn: Người mở ra trường phái ca kỹ thuật

Những nghệ sĩ xứng đáng được nhận danh hiệu 3: NSƯT Thanh Tuấn: Người mở ra trường phái ca kỹ thuật
Sân khấu cải lương thế hệ vàng hiện tại chỉ còn 3 nghệ sĩ còn hoạt động, đó là NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu. Trong đó, Giang Châu là nghệ sĩ chuyên diễn thành công các vai cá tính. Còn Thanh Tuấn và Minh Vương là hai anh kép chánh thực thụ, đều rất nổi danh vá có nhiều đóng góp cho nghề, cho xã hội. Cả 3 đều rất xứng đáng được nhận NSND do Nhà nước sắp phong tặng trong đợt thứ tám tới đây.
.

Image

Thanh Tuấn quê quán miền Trung (Phổ Văn, Đức Phổ, Quãng Ngãi), theo nghiệp cải lương từ năm 1964, hát qua nhiều đoàn lưu diễn ở các tỉnh. Nhưng phải đến cưới năm 1968, khi anh về đầu quân cho đoàn Hương Mùa Thu thì sự nghiệp ca hát của anh mới thăng tiến nhanh. Với vai diễn Hồng Bảo Sơn trong vở Người câu bóng trăng ca diễn rất ấn tượng đã giúp cho tên tuổi của anh vụt sáng. Và chỉ 3 tháng sau, Thanh Tuấn đã gia nhập vào hàng danh ca của sân khấu cải lương miền Nam khi được nhiều hãng dĩa ở Sài Gòn mời thu hàng loạt vở tuồng và các bài tân cổ. Với giọng ca lạ, hay, làn hơi phong phú, âm vực cao và rộng, kỹ thuật nhã chữ, nhấn nhá, luyến láy đa dạng, cộng với bộ nhịp thuộc hàng siêu việt đã giúp cho Thanh Tuấn trình bày một cách ca vọng cổ mới ngẫu hứng, sáng tạo rất hấp dẫn. Chính vì thế, chẳng mấy chốc một trường phái ca kỹ thuật giống Thanh Tuấn đã xuất hiện với hàng loạt hậu duệ xuất sắc như: Tuấn Thanh, Lương Tuấn, Minh Tiến, Ngân Giang, Chung Tuấn, Vũ Tuấn, Bảo Tuấn, Ngân Tuấn, Linh Trúc, Bùi Trung Đẳng, Tấn Đạt, Châu Tuấn, Vương Tuấn, Nguyễn Văn Mẹo, Linh Tuấn…Có thể nói đây là trường phái được người trong giới và khán giả mộ điệu rất yêu thích, có ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của SKCL, có đông hậu duệ hơn một số trường phái khác của Minh Cảnh, Chí Tâm, Út Trà Ôn, Tấn Tài, Hữu Phước…Và đến nay trường phái Thanh Tuấn vẫn ngày càng phát triển, cho thấy sức hút của Thanh Tuấn đối với giới mộ điệu rất cao. Như vậy, công sức của Thanh Tuấn đóng góp cho nghệ thuật ca vọng cổ, cho sự phát triển của cải lương rất nhiều. Bên cạnh các hoạt động biểu diễn, Thanh Tuấn còn có khả năng sáng tác. Anh bắt đầu cầm bút từ năm 1966, lúc đầu là chỉnh sửa tuồng cho các đoàn, nơi anh cộng tác, sau đó là sáng tác, viết được 2 vở cải lương: Cuối nẻo đường tình, Mạc Hậu Hợp và trên 70 bài vọng cổ, tân cổ, nhuận sắc khoảng 10 vở cải lương.

Hiện tại, Thanh Tuấn đã bước sang tuổi 65 nhưng giọng ca của anh vẫn còn hay, ngọt, mùi nên show diễn của anh rất đều đặn. Ngoài việc tham gia sân khấu phát thanh truyền hình, giải Bông lúa vàng, Giọt nắng phù sa, Vầng trăng cổ nhạc, cải lương truyền hình, phim truyện cải lương, ca cổ…Thanh Tuấn còn đi lưu diễn khắp nơi, tham gia nhiều chương trình từ thiện. Với nhiều đóng góp cho nghề, cho đời nên thời gian qua Thanh Tuấn đã nhận được nhiều bằng khen cao cấp. Trong đó có Kỷ niệm chương Doanh nhân văn hóa hội nhấp, góp phần vào thành công chương trình giao lưu doanh nhân các nước do Unesco trao tặng năm 2013. Cũng trong năm này, Thanh Tuấn còn nhận được một Kỷ niệm chương do Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam trao tặng.

Với sự phát triển rực rở về nghề, có nhiều sáng tạo trong ca diễn, đóng góp cho sự phát triển của sân khấu cải lương và cho xã hội, tài tâm vẹn toàn, hy vọng Thanh Tuấn sẽ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND trong đợt sắp tới đây.

Khổ Gia Trường và Thanh Hiệp thực hiện

Nguồn tin: khangbang ( theo BSK)