CUỘC ĐỜI CỦA TRƯNG NHỊ ĐÃ RA SAO KHI HƠN 30 NĂM!

CUỘC ĐỜI CỦA TRƯNG NHỊ ĐÃ RA SAO KHI HƠN 30 NĂM!
Kính thưa quý vị, Tôi rất xúc động mỗi khi nhìn thấy bất cứ hình ảnh nào liên quan đến những vở diễn kinh điển của Đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga. Từ trang báo, tạp chí, báo điện tử, facebook…từ hình cũ hay mới…
Hôm nay, tôi nhìn thấy một bức ảnh Bên cầu dệt lụa (Nghệ sỹ Thanh Kim Huệ vai công chúa Bích Vân, nghệ sỹ Trọng Phúc vai Trần Minh, nghệ sỹ Lê Hồng Phước vai Đức Vua) từ trang FB Hồng Phước Lê, do cô Hà Mỹ Xuân đã tổ chức tại Paris (Pháp). Như nhận được một bức bưu thiếp, bưu thiếp là bức ảnh đong đầy rất nhiều kỷ niệm, tình cảm về vùng đất, về người mà mình yêu thích, mình muốn giữ lấy nó. Tôi rất sung sướng, tôi trân quý biết mấy tình cảm và tấm lòng của những người nghệ sỹ, đặc biệt là cô Trưng Nhị (Hà Mỹ Xuân) – một thần tượng khó phai của khán giả mộ điệu cải lương Việt Nam.

Người con gái của vùng đất Tứ Giác Long Xuyên- nơi có ruộng vườn cây trái sum suê trù phú, nơi có dòng sông Cửu Long êm đềm trôi chảy mang nặng phù sa. Nơi ấy đã nuôi cô, một chất giọng Miền Nam ngọt ngào, đằm thắm và chất chứa tình cảm. Tôi không may mắn được như cha mẹ tôi, được trực tiếp xem cô diễn, tôi chỉ được xem cô qua Video và truyền hình nhờ các vai diễn Công chúa (Đôi bàn tay vàng), Trưng Nhị (Tiếng trống Mê Linh) và một vài bài ca cổ.

Ánh sáng hào quang đã bắt đầu từ tuổi 15 khi cô đã vào vai chính khi diễn vở Công Chúa Rừng Xanh, đóng vai cùng nghệ sĩ tài danh Minh Cảnh tại đoàn Kim Chung. Vai diễn Nguyễn Thị Hạnh trong vở Đất và Hoa của soạn giả Minh Khoa đã giúp cô một giải thưởng tuyệt vời Huy chương vàng toàn quốc năm 1985. Thế nhưng, cũng chỉ thời gian ngắn, khủng hoảng kinh tế nổ ra, và nhiều yếu tố chủ quan, khách quan lần lượt đã đưa cô Trưng Nhị hiền lành và đầy tài năng của chúng ta sang định cư ở Pháp từ năm 1988.

Thật cảm động khi mà dòng máu nghệ thuật cải lương truyền thống như những tiết tấu lời ru của mẹ, những âm điệu phản ảnh xã hội đời thường, những cao trào, cung bậc của nghệ thuật chan chứa trong trái tim một nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân còn âm ĩ. Cô vẫn tiếp tục vai trò như các vị tiền bối đi trước, xây dựng đoàn cùng các anh chị mình (Nghệ sỹ Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Liên…) phục vụ cho kiều bào và quảng bá –bảo tồn nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Đó quả là một việc làm đáng quý, đáng khâm phục biết bao.

Tôi đã được nhiều nghệ sỹ trong Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga nhắc nhở về cô Hà Mỹ Xuân với biết bao kỷ niệm đẹp. Họ còn cất giữ nhiều hình ảnh của cô như giữ chính người thân của mình. Hôm nay, tôi đã được nghệ sỹ Kim Hương cho xem một bức ảnh vào năm 1980 nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân đóng vai tiểu thư Quỳnh Nga, nghệ sỹ Kim Hương vai Tiểu Loan, nghệ sỹ Chí Tiên vai Nhuận Điền, nghệ sỹ Viễn Sơn vai Trần Minh, nghệ sỹ Ngọc Nuôi vai Trần Mẫu trong vở Bên Cầu Dệt Lụa khi đi diễn ở Thủ đô Hà Nội. Bức ảnh đã cũ mờ theo năm tháng, nhưng tôi vô cùng xúc động vì tình cảm của cô chú nghệ sỹ vẫn tinh khôi như ngày nào.

Tôi không chỉ quý cô chú nghệ sỹ vì tài năng, vì một tài năng như nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân là đã tuyệt vời (Một tiểu thư Quỳnh Nga đằm thắm dịu dàng, một công nương trong vở Đôi bàn tay vàng bướng bỉnh, tự cao rất đáng ghét…nhưng khi biết hối cải thì thấy thương và tội nghiệp làm sao! Một Trưng Nhị đầy tình cảm và nhiệt huyết yêu nước, một Thái hậu Dương Vân Nga đĩnh đạc, trang nghiêm, chất chứa nhiều cảm xúc!), tôi còn quý cô vì tình yêu nghệ thuật, yêu giá trị truyền thống nước nhà dù ở bất cứ nơi đâu.

Tâm hồn của một người Việt Nam xưa, thái độ nghiêm túc trong nghệ thuật và tình cảm của một người phụ nữ Á Đông vẫn còn đó. Xin cho tôi được kính chúc cô Hà Mỹ Xuân và những người thân của cô lời chúc sức khỏe, thành công và may mắn. Dù nơi ấy nghìn trùng xa dịu dợi nhưng sông ngân hà vẫn chung một dòng Cửu Long quê mẹ, xin nhắn gửi mấy lời: “Nếu có nhớ quê thì hãy ngắm sông Ngân Hà cho đỡ nhớ và có nhớ quê thì hãy cất tiếng ca bằng cả tâm hồn và những cung bậc yêu thương được vang xa dù gốc biển chân trời!”.

Nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân ơi, khán giả nhớ!
Suối tóc dài của công chúa ngày xưa…
Manh áo lụa Quỳnh Nga đã may chưa…
Đợi Trưng Nhị, Vân Nga ngày tương hội!

Tôi đã viết về một nghệ sỹ ở phương xa bằng cả trái tim!

Solomonvietnam
Lúc 00:30 ngày 15/09/2014
Solomon Vietnam's photo.
Solomon Vietnam's photo.
 

Tác giả bài viết: Solomonvietnam

Nguồn tin: Facebook