MC Quyền Linh: Những chi tiết vụn

MC Quyền Linh: Những chi tiết vụn
Nói vui, chứ dễ gì gặp Quyền Linh ở giữa Sài Gòn, anh đi tỉnh suốt, đi mất mặt cả tháng mới về phố một lần. Mỗi lần gặp, Linh lại đen hơn, nói theo kiểu của anh là “lùi xùi” hơn. Vậy mà Linh vẫn cứ đi, len lỏi đến vùng sâu vùng xa, đến đồng phèn, ruộng mặn. Bữa cơm vội trên những chuyến xe rền rĩ, và mưa nắng, và gió chướng ngập đầu…

1. Linh ngồi một góc cà phê đầy nắng, dư âm của những chuyến đi miệt mài còn thấm đẫm trên da, hằn sâu trong ánh mắt. Quyền Linh ngồi tư lự, tôi lại đùa, hay tại anh về phố không quen. Linh cười: “Anh đi nhiều, thấy nhiều, càng đi, càng xót người nông dân em à”. Quyền Linh kể, mới đây thôi, anh đi làm MC cho một chương trình xây trường học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Xong việc, đang chuẩn bị về thì một bà má miền Tây níu áo Linh, vồn vã: “Quyền Linh ơi, hay là Quyền Linh về nhà tui ăn cơm”. Hốt nhiên giọng Linh nghèn nghẹn: “Thấy cô đó, tự nhiên anh nhớ má anh ghê gớm. Anh lẽo đẽo theo cô về nhà. Mái nhà xiên xẹo, mà trống hoác em ơi. Hỏi sao nhà cửa không có ai, cô nói tụi con của cô lên thành phố làm hết rồi. Nhìn anh, cô nhớ thằng con trai của cô lắm. Cô cũng muốn mẹ con sum họp, nhưng mà các con của cô còn nghèo, thân lo chưa xong. Nói rồi, cô dọn cơm cho anh ăn, cơm có một món kho, một món rau thôi. Cái nồi toàn lọ nghẹ đen thui, anh vừa ăn vừa tủi mém xíu rơi nước mắt. Phần vì thương người dân quê, phần vì nhớ tuổi thơ cơ cực của anh ngày đó”. Linh kể chuyện hiền queo, chẳng giấu giếm gì. Đành rằng là nghệ sĩ, là MC thì khéo ăn, khéo nói nhưng Quyền Linh thì khác. Vui buồn của Linh mộc mạc, trăn trở của Linh có chuyện to lớn quá, có chuyện cũng vụn vặt, mà thứ gì cũng thật, thật như lời ăn tiếng nói của ông Tư, bà Tám còn xắn quần ống cao, ống thấp nheo mắt hỏi, bữa nay nhà bây ăn cái giống gì…

Hiện tại, Quyền Linh tham gia gần 10 chương trình truyền hình, đa phần là những chương trình cộng đồng, xã hội như Vượt lên chính mình, tiếp sức hồi sinh cho bệnh nhân nghèo, mổ tim cho trẻ em, xây trường, xây cầu ở những nơi xa xôi, hẻo lánh… Hỏi Quyền Linh, vậy chứ thích đi tỉnh hơn hay là thích làm chương trình ở thành phố? Linh trả lời gọn ơ: “Thích ở thành phố hơn chứ”, thì đã nói là Linh thật như đếm. Anh cười: “Thiệt tình, ở thành phố phải sướng hơn rồi, cần gì thì có đó. Làm chương trình ở thành phố cũng nhẹ nhàng hơn, thù lao nhiều hơn. Em nghĩ thử coi, không phải anh than chứ đi tỉnh khổ lắm, đêm hôm khuya khoắt cũng đi, rồi ăn bờ ngủ bụi, băng rừng lội suối. Nhiều khi anh thấy mình đuối khủng khiếp, muốn bỏ nhưng lại không bỏ được. Vì anh nghĩ, ai cũng chọn bám lấy thành phố, rồi ai chọn làm chương trình dưới quê, rồi người nghèo sẽ ít đi những cơ hội có cuộc sống tốt hơn? Anh nghĩ vậy đó, nên lại đi”. Linh đi suốt, một tháng anh mới về lại Sài Gòn vài ngày. Lần nào gặp, Linh cũng đen thui, da cháy nắng nổi cả đồi mồi. Nhìn Linh bụi bụi như vậy quen rồi, nên có hôm Linh hẹn gặp trong một chương trình họp báo, thấy anh ăn mặc bảnh bao, áo quần láng mướt mà nhận không ra. Anh phải gọi giật lại mấy lần mới ngờ ngợ, hóa ra bạn mình. Nói với Linh, nghệ sĩ gì không chịu giữ gìn nhan sắc, Linh cười: “Anh đi chương trình ở thành phố, ngó cũng được mà. Tại dưới quê, mình hào nhoáng quá, đâm ra xa cách. Với lại, ăn mặc bình thường, anh thấy thoải mái hơn. Anh từ ruộng đồng, từ cây lúa chui ra mà”.

2. Lại nói, đi nhiều quá gia đình thì tính làm sao? Linh tròn mắt: “Ờ, chuyện đó quan trọng à nha. Tội nghiệp vợ con anh lắm, có tháng anh đi suốt không về kia. May mà vợ anh ủng hộ tinh thần anh nhiều, cô ấy cũng giỏi giang, vừa lo làm ăn vừa chăm cho các con. Nên mỗi khi về thành phố, là anh dành hết thời gian cho gia đình. Chơi với các con vui lắm, gặp bạn bè một xíu thôi, rồi lại về chơi với con”. Vậy chứ, vợ anh không ghen à, tôi hỏi. Linh cười: “Trời ơi, ghen cái gì đâu, bà xã anh biết tánh anh mà. Cơm còn phải ăn vội trên tàu, trên xe. Đêm cũng tranh thủ ngủ trên xe cho kịp hành trình. Thiệt, mỗi lần xong chương trình anh chỉ muốn về nhà thôi. Gì chứ, ba cái chuyện đó anh không có đâu”. Mà Linh nghiền con thật, đi đâu cũng dắt díu theo. Linh nói: “Chỉ có làm chương trình là anh không dám dắt con theo thôi, tại khổ quá, con anh còn nhỏ, chịu sao nổi. Nhưng chương trình nào gần anh cũng tranh thủ đưa con đi, để ba con được gần nhau, với lại, cho con anh thấy được những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình mà học cách san sẻ, biết trắc ẩn với người khác. Anh dạy con từ những chuyện bình thường, từ những tấm gương vượt khó. Hồi xưa anh khổ thế nào, con anh sẽ biết hết. Chuẩn bị cho các con, để lỡ sau này mà có chuyện gì thì tự thân con còn có thể vượt qua”.

Quyền Linh kể, nhiều khi con hỏi, nghe thấy thương lắm, kiểu như sao ba đi hoài. Nhưng biết làm sao, mỗi người mỗi cảnh. Linh bây giờ không thiếu thốn gì, nhưng cũng không giàu có. Và làm việc vì nặng lòng với những miền quê nghèo xơ xác, nặng lòng với những người nông dân bám đồng, bám đất đến tàn hơi. Má Linh cũng vậy. Linh kể, năn nỉ má lên thành phố ở hoài mà không được, má lên được mấy bữa lại đòi về. Bây giờ, ở quê, má Linh vẫn làm ruộng. Gần suốt cuộc đời, Linh ngó khóc cười của má qua từng độ lúa trổ, lúa đòng sớm muộn. Quyền Linh ngùi ngùi: “Anh về quê cũng thường ngồi giữa ruộng đất nhà mình chờ nghe hương lúa. Hương lúa của ngày xưa mê mị, thơm như bụi tấm cuộn lên giữa trưa hè má ngồi sẩy gạo. Hương lúa của ngày nay, nghe như lạt bớt giữa cái nghèo quay quắt. Anh nghĩ mãi, nghĩ mãi không biết làm sao cho người nông dân bớt cơ cực”.

3. Linh kể, nhiều chương trình ở thành phố “trải thảm đỏ” mời Linh lắm. Nhưng anh từ chối, lại dành thời gian để đi đến vùng sâu, vùng xa. Linh tâm sự: “Anh không có giàu đâu. Cái mà anh có là giàu tình, giàu nghĩa, mà anh cũng không có khát vọng làm giàu nữa, nên nhận chương trình không vì tiền bạc đâu. Cái nào anh thích, và thấy có ích lợi thiết thực cho cộng đồng anh mới làm. Giờ thì anh chỉ có khát vọng sống yên bình mà thôi”. Nổi tiếng là vậy, nhưng Quyền Linh lại nói anh sợ showbiz. Làng giải trí bây giờ, với Linh, thứ gì cũng lạ lẫm. “Anh không bon chen showbiz nổi đâu. Tánh anh nhà quê, nghĩ gì nói đó, nhiều khi hớ hay gì thì mệt lắm. Đó là chốn quá nhiều muộn phiền. Bây giờ, tất cả những gì quá xô bồ, hào nhoáng, anh đều tránh xa”.

Lại hỏi Linh, nếu cứ tránh xa rồi tên tuổi mai một thì sao. Linh nói: “Thì kệ chứ sao. Vả lại, anh biết, người nghèo, người nông dân bây giờ thương anh lắm. Anh hoạt động nghệ thuật cũng tận tâm, tận lực, cái gì ra cái đó. Tên tuổi mai một, thì nghệ sĩ nào mà chẳng buồn, nhưng anh tin rằng ở những vùng quê, có nhiều bà má, nhiều cô chú anh chị vẫn hồn nhiên nhắc nhớ tên anh như một người bạn của họ. Họ còn gọi anh là “thần tài” kia. Anh ngại quá, anh chỉ là cầu nối của người nghèo thôi. Mà sao, đâu đâu cũng gặp người nghèo vậy em?”. Linh hỏi vậy, tôi biết trả lời sao bây giờ. Mà chắc Linh cũng không cần câu trả lời, vì hỏi xong là anh quay đi, ngó đâu đó rất lung. Vết chân chim đã hằn trên mắt Quyền Linh, vẻ trăn trở không cất vào đâu được. Nhìn Linh lại một lượt, toàn thấy dấu vết của những ngày dầm mưa, dãi nắng, hứng gió chướng từ trời… bao nhiêu nước thành phố mới gột được con người chân quê này đây.

Sài Gòn tự nhiên đổ mưa, câu chuyện đột ngột tan vào trong tiếng mưa rền rĩ. Linh nói, mỗi độ mưa về, ký ức khốn khó ngày xưa lại cuộn lên, nghẹn ứ. Tôi hỏi về những dự tính sắp tới để xua bớt cái không khí tự nhiên lặng lẽ, Linh cười ngay. Anh nói: “Anh muốn làm một bộ phim về người nông dân, về cây lúa, về những người con bước ra từ đồng ruộng. Điều này anh ấp ủ lâu rồi, mường tượng từ 10 năm về trước kia. Và anh sẽ làm, chứ người nông dân cực quá mà. Họ phải được tôn vinh nhiều hơn, em à”. Lúc nào gặp, nói “vòng vo tam quốc” một hồi, Linh cũng lại quay về nỗi xót người nông dân. Vì Linh cũng là nông dân, má Linh nuôi Linh bằng những hạt gạo chắt chiu từ mồ hôi nước mắt. Ruộng đồng chuyển mình giữa đất trời, như niềm vui, nỗi buồn của người nông dân cũng phơi ra trước mắt, không giấu được nỗi gì. Không hiểu sao, mỗi lần gặp Quyền Linh là tôi lại cùng anh, bị cuốn vào ý nghĩ làm sao để nông dân bớt nghèo. Làm sao để bữa cơm của người nông dân sực lên mùi no ấm, chứ không phải cảnh chén cơm bớt nửa để dành cho ngày mai.

Sài Gòn ngớt mưa, giọt còn tí tách mà nghe nặng, Linh phải về đón con tan học. Chào tôi, anh chốt một câu, nghe nao lòng đến ám ảnh: “Anh nghĩ hoài, đến bao giờ, đến bao giờ ký ức đồng bãi thôi đi những thất mùa cơ cực, hả em?”…


  Hồ Ngọc

Nguồn tin: CAND