Những người chụp ảnh dạo cuối cùng ở Sài Gòn

Hình Minh Họa

Hình Minh Họa

Từ khi điện thoại thông minh dần trở nên phổ biến, nhiều người không còn mặn mà với ảnh lưu niệm. Theo đó, những người chụp ảnh dạo cũng gặp nhiều khó khăn.
Hơn 30 năm chụp hình quanh khu Nhà thờ Đức Bà, chú Duy Giàu (quận 5, TP HCM) chứng kiến nhiều thăng trầm trong nghề được gọi là "chụp ảnh dạo". 

"Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, quanh nhà thờ khoảng 20 thợ. Hiện số đăng ký khoảng 8, nhưng người còn chụp chỉ đếm trên đầu ngón tay", chú Giàu kể.

Hiện không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ chụp hình dạo tại Nhà thờ Đức Bà, Đầm Sen, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thảo Cầm Viên, khu du lich Suối Tiên. Tuy nhiên, theo nhiều thợ ảnh, họ là những người cuối cùng còn bám trụ vì yêu nghề. 

Nhung nguoi chup anh dao cuoi cung o Sai Gon hinh anh 1

Chú Duy Giàu một người gắn bó hơn 30 năm với nghề chụp ảnh dạo - Ảnh: Khải Trần.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, điện thoại thông minh hỗ trợ chụp ảnh ngày càng tốt. Các nhà sản xuất lớn trang bị thêm nhiều công nghệ, hỗ trợ người dùng có các bức hình không thua kém nhiều máy ảnh.

Bên cạnh đó, xu hướng chụp ảnh selfie, camera trước nâng lên từ 5, 8 và 13 megapixel, đi kèm các công nghệ chỉnh sửa, chúng khiến bất cứ ai cũng có thể tự chụp bức hình đẹp cho chính mình.

Quanh nhiều điểm vui chơi ở TP HCM, phần lớn khách tham quan, đặc biệt giới trẻ đều tự chụp ảnh. Họ dùng smartphone, số khác có mang theo máy ảnh du lịch, các dòng mirrorless nhỏ gọn hay DSLR chuyên nghiệp.

Nhớ lại những ngày mới vào nghề, chú Giàu cho biết: “Khi đó muốn chụp ảnh là phải trải quan cuộc kiểm tra lý thuyết và chụp thực tế. Máy ảnh phần lớn phải chỉnh bằng tay, thông số đều được các thợ chụp tự ghi nhớ trong đầu".

"Có những lần chụp không như ý, các thợ chụp lại phải xin lỗi khách và chụp lại. Người dễ thì đồng ý, có người lại chửi vài câu rồi bỏ đi. Nhiều lúc khách đông, thợ lắp không vào phim, chụp hơn chục tấm mà phim không nhảy”, ngồi nghỉ dưới bức tượng Đức Mẹ trước nhà thờ, chú Giàu vừa lau mồ hôi, vừa kể.

“Trước đây, mọi người không có máy móc nên ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp nhất của mình khi đi chơi. Mỗi lần khách chụp liên tục 4-5 ảnh nhưng chỉ thay đổi dáng đứng, cách ngồi, khuôn mặt ai cũng rất nghiêm túc rất ít ai cười khi chụp hình", chú Giàu chia sẻ.

Nhung nguoi chup anh dao cuoi cung o Sai Gon hinh anh 2
Với xu hướng smartphone chụp ảnh ngày càng tốt, người chụp ảnh dạo ở Sài Gòn ngày một ít. Ảnh: Khải Trần. 

Công việc của một thợ ảnh bắt đầu từ 8 giờ sáng, hoặc có thể sớm hơn nếu thời tiết tốt, hay cuối tuần. Hiện tại, nhiều người có thể ở lại chụp thêm buổi tối ở các khu vực như Đầm Sen, phố đi bộ Nguyên Huệ. Tuy nhiên, lượng khách ngày một ít, để tránh tranh nhau, họ phân công nhau người có mặt vào sáng, chiều, tối.

"Nhiều khi, mời chào khách cả ngày nhưng không có lấy một tấm ảnh", chú Hải, một thời mới chuyển ra phố đi bộ Nguyễn Huệ nói. Theo nhiều thợ ảnh, hiện ngày nào may mắn gặp được đoàn khách du lịch, họ có thể kiếm được 5-6 khách.

"Thu nhập không cao, nhưng các thợ chụp ảnh vẫn cố bám trụ với nghề. Phần vì đã gắn bó quá lâu, nhưng cũng do tuổi cao, giờ có muốn thay đổi nghề khác cũng khó", chủ Hải nói.

Không chỉ chụp ảnh dạo, nhiều người giờ phải chuyển qua các hình thức khác như chụp sinh nhật, đám cưới, đám ma.

Khi hỏi về thế hệ nối tiếp, hầu hết các thợ chụp ảnh đều lắc đầu. "Chụp ảnh dạo đòi hỏi tính kiên nhẫn, thu nhập không cao, chưa kể người chụp phải chịu nhiều nắng gió", theo chú Giàu, họ có thể là những người chụp ảnh dạo cuối cùng ở Sài Gòn.

Tác giả bài viết: Khải Trần

Nguồn tin: duyenclvn theo news.zing.vn