Họa sĩ tranh cát Đặng Trí Đức: 5 phút kiếm ngàn đô chắc do tổ đãi!

Họa sĩ tranh cát Đặng Trí Đức

Họa sĩ tranh cát Đặng Trí Đức

Trong các tiết mục giới thiệu tài năng của thành phố (Hồ Chí Minh), cũng như các đợt trình diễn, các sự kiện văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, cái tên Đặng Trí Đức, luôn xuất hiện với tranh cát. Trí Đức từng đoạt huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, khi anh làm background (phông nền) cho vở múa “Mẹ ơi” của biên đạo múa Linh Nga và hai huy chương bạc cho Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và LH sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Anh vừa cùng Nhà hát Thế giới trẻ (Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM) có chuyến lưu diễn miền Tây về…
Anh “bén duyên” với tranh cát lâu chưa?

- Ngày 5.5.2008, tôi diễn show đầu tiên. Con nhà nòi, ông già làm bên múa rối, bà già cũng vậy. Cũng tốt nghiệp mỹ thuật, làm trình diễn từ bé. Tình cờ xem 1 clip tranh cát trên mạng, tập làm theo rồi mê luôn.

 Và chỉ theo nó đến bây giờ …?

- Không, tôi vẫn làm nhiều thứ. Làm sân khấu, nắm vững kỹ thuật sân khấu, làm nhà xuất bản(là họa sĩ minh họa), tôi biết cách xử lý hình ảnh, kinh qua nhiều thứ, nhưng thấy tiềm năng của loại hình mới là tranh cát nên ứng dụng nhiều. Có lẽ cũng vì tổ đãi nên làm đến đâu thành công đến đó

 Ở ta chắc ít người làm tranh cát?

- Ít lắm, dù mới đây đã thành lập hội tranh cát, chủ yếu là dân phía nam quen nhau qua một trang mạng, nhưng số người biểu diễn tranh cát chính thức đi kiếm tiền được, có 5 người. Một số sinh viên, hoa hậu cũng quan tâm đến tranh cát và hoa hậu Nguyễn Thị Loan khi sang Anh thi hoa hậu thế giới đã vẽ tranh cát trong phần thi tài năng.

Cát nào cũng làm tranh được hay là cát loại đặc biệt?

- Hầu như cát nào cũng làm được. Từ lúc làm quen và tìm ra bí quyết làm tranh cát mất vài năm.

 Cát có thể vẽ mọi thể loại?

- Tranh cát có đặc thù, background là ánh sáng, và họa sĩ dùng cát chặn nó lại, nó phát huy khi sử dụng hình tượng, nét vẽ trang trí. Tranh cát thiên về đồ họa, nhưng không hỗ trợ được 
tả khối…

Một tranh cát vẽ mất khoảng bao lâu? Và nó không lưu được?

- Nói bao lâu thì cũng vô chừng. Quan trọng, nó là một tiết mục trình diễn, nên nó phải kể một câu chuyện hay chuyển tải một thông điệp. Lúc đầu, nó chỉ là những hình ảnh ngẫu hứng, do có học múa, âm nhạc nên tôi kết hợp với âm nhạc và lúc vẽ tranh cát kết hợp với đường nét, tiết tấu. Khi gặp NSƯT Hoàng Yến, Nhà hát Thế giới trẻ (Trường ĐH SKĐA TPHCM), tôi mới kết hợp ứng dụng vào sân khấu, làm cho vở diễn “Cát trắng như gạo”. Tranh cát là loại hình vẫn còn mới đối với người xem. Một trong những sự hấp dẫn của nó là không lưu giữ được, để cho người xem nhiều tiếc nuối (cười).

Đã đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới, anh thấy khán giả yêu thích tranh cát ở điểm gì?

- Khán giả nước ngoài và VN đều thích tranh cát vì họa sĩ vẽ bức tranh trực tiếp, kết hợp với sự chuyển động của âm nhạc. Nó là sự kết hợp âm nhạc và hội họa.

Tôi dựng như một bài múa, tranh cát phải đếm nhịp để vẽ bao nhiêu nét, cho hoàn tất bức tranh.

 Như thế, một bức tranh cát không chỉ là ngẫu hứng?

- Có môn nào hoàn toàn ngẫu hứng đâu. Vẽ một tiết mục phải luyện mấy chục lần, tay, tai và não nó thuần thục, thuộc bài rồi thì mới có chỗ để sáng 
tạo thêm.

 Đâu là tiết mục “đinh”của anh hay diễn?

- Là tiết mục cho bài hát đã phát hành MV vào đợt 8.3.2012, bài “Nhật ký của mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Trung ca sĩ Hiền Thục hát. Qua clip tranh cát tôi làm đó khán giả mới biết có người Việt vẽ tranh cát. Nó trở thành cơn sốt trên mạng khi chỉ trong một thời gian ngắn có mấy triệu lượt view, share làm tôi cũng “sốc”.

Nó là câu chuyện miêu tả quá trình người mẹ mang thai, nuôi con lớn lên trưởng thành, nhưng đứa con mãi mãi là bé bỏng với mẹ. Thời gian đó, tôi lấy được nước mắt của bao khán giả nữ.

 Vẽ tranh cát có đổ mồ hôi nhiều không anh?

- Có chứ, nó tạo áp lực cho họa sĩ phải vẽ sao cho đẹp!

 Có khi nào anh vẽ xấu không?

- Có, vẽ không đẹp là do lúc đó sức khỏe kém. Vẽ tranh cát đòi hỏi độ chính xác rất cao, đường nét phải điêu luyện, nó mới đẹp. Sợ nhất là mất tỉnh táo, bia rượu nhiều, “phê” là vẽ tào lao. Nó đòi hỏi gần như ngày nào cũng phải tập. Có đợt tôi bệnh 3 ngày không tập là tay dầy lên, co lại không được, nó như luyện thiết sa chưởng (cười).

 Sống bằng cát có khỏe không anh?

- Hiện giờ là khỏe. Cát xê một tiết mục khá cao. Biểu diễn 5 phút là được cỡ 1.000USD, chắc do tổ đãi. Tôi hay biểu diễn cho các sự kiện như kỷ niệm thành lập công ty, giới thiệu sản phẩm mới, sinh nhật… Chính khi biểu diễn đều, theo mỗi năm tôi đánh giá được thị trường xã hội phát triển như thế nào. 5 năm trước là sự bùng nổ thị trường sữa với các sản phẩm tùm lum, tôi đi diễn liên miên. Năm sau là thuốc huyết áp, tiêu chảy. Năm sau bất động sản, năm nay là xe hơi. Tôi cũng đang tập luyện để làm quảng cáo cho một loại xe hơi.

Anh có nghĩ mình may mắn không?

- Quá may mắn là khác. Ngày xưa, tôi biểu diễn một tiết mục múa rối được trả 500.000 đồng, người ta đã nhăn nhó. Hay một diễn viên xiếc đổ mồ hôi diễn cực kỳ nguy hiểm như tiết mục đế kiếm mà mỗi đêm có mấy trăm ngàn đồng. Còn tôi, quẹt đi quẹt lại mấy cái mà mấy chục triệu đồng.

 Vậy anh còn mơ gì?

- Tôi gốc là múa rối, nên vẫn mơ có một sân khấu múa rối để biểu diễn, nhưng món đó cũng khó chơi lắm. Thôi thì tùy duyên, hiện tại xã hội đòi hỏi thế nào thì mình đáp ứng thế đó.

Nỗi buồn lớn nhất của anh?

- Là khi cùng đoàn diễn vở “Cát trắng như gạo” đến những nhà văn hóa to, nhiều chỗ ngồi, chiếm nhiều diện tích ở miền Tây. Vé bán hết mà khán giả có lẽ mua chỉ để ủng hộ nghệ sĩ, không đến xem. Có lẽ do game show, truyền hình hấp dẫn quá nên bà con thờ ơ chăng? Lúc đó, diễn từ trên sân khấu nhìn thấy có mấy người làm hậu đài, âm thanh ở dưới mà cảm giác là đang diễn cho những bóng ma xem…

Nguồn tin: duyenclvn theo laodong.com.vn