Họa sĩ Thành Chương: “15 năm, họ đã đến, và quay lại...”

Họa sĩ Thành Chương

Họa sĩ Thành Chương

“Gam màu chủ đạo trong những bức tranh sắp tới của tôi sẽ là màu trắng. Một màu trắng sang trọng, trong lành, tao nhã và siêu thoát. Nhưng thẳm sâu trong nó ẩn chứa sự rực rỡ, lộng lẫy của bảy sắc cầu vồng…” - “Vua tự họa” Thành Chương vẫn tiếp tục “vẽ” mình, sau 15 năm lao tâm khổ tứ cùng Việt Phủ.
“Sao có thể ân hận được!”

Sau 15 năm, phần việc nào ở Việt Phủ, theo ông đã hoàn tất, phần việc nào còn dang dở?

- Tôi đã hoàn tất được cái điều từng khiến tôi đầu tư lớn nhất, công phu nhất và cũng khó khăn nhất. Đó là làm sao Việt Phủ toát lên được tinh thần cốt lõi hàng ngàn năm của đời sống văn hoá Việt, nơi trú ngụ của tâm hồn Việt…

Là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, một công trình mở, theo thời gian, Việt Phủ vẫn tiếp tục được làm mới, làm đẹp. Sự “mở” này tạo nên một sức sống tươi mới và cũng lý giải được vì sao có rất nhiều du khách quay lại Việt Phủ hàng chục lần mà vẫn ngỡ ngàng, thích thú với nơi đây.

 

15 năm, bên cạnh tự hào và tâm huyết, đã bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi và ân hận vì đã đổ vào đó cả 
sản nghiệp?

- Chưa bao giờ. Trong quãng đường 15 năm, ai đã từng đến và quay lại nơi đây đều cũng chung một nhận xét: Việt Phủ ngày một đẹp hơn, mỗi lần đến là một cảm giác mới. Nếu tôi mệt mỏi thì không có điều đó được. Khách đến chơi thường để lại những lời cảm ơn, lời chúc vô cùng trân trọng, chân tình và xúc động. Đó là hạnh phúc và là niềm tự hào mà không phải ai cũng đạt được. Vậy thì sao có thể ân hận được!

Ông có còn ý định hiến tặng, khi mà Việt Phủ vẫn đang hoạt động tốt?

- Ý định hiến tặng là nghiêm túc và có thật. Tuy nhiên, đó là một việc khó thành hiện thực trong bối cảnh: Lợi ích vật chất nhanh chóng, trước mắt thường được coi trọng hơn quá nhiều so với lợi ích của văn hoá. Có quá ít cá nhân, doanh nghiệp thành công mà muốn đền đáp xã hội bằng sự đầu tư hảo tâm vào văn hoá đích thực.

Việc cho, tặng này là một công phu. Cần phải đúng lúc, đúng chỗ, “của cho không bằng cách cho”. Hơn nữa, cần phải có văn hoá, phải ở đẳng cấp nào mới xứng đáng trước một tài sản tinh thần như thế. Và cũng còn là do duyên trời định nữa. Tập trung vào công việc chính là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai, dù là tương lai nào.

Thời điểm Việt Phủ bị cho là xây dựng trên đất rừng đặc dụng và gây nên sóng gió dư luận, vì sao ông không lên tiếng?

- Tôi không lên tiếng vì những thông tin tung ra đó là sai sự thật. Việt Phủ Thành Chương không xây dựng trên đất rừng. Tôi luôn tin văn hoá mãi mãi là nền tảng phát triển của xã hội. Huỷ hoại văn hoá là tự sát. Tôi cũng tin, không có chính quyền nào, người dân nào lại thiếu hiểu biết đến mức như vậy.

Bản chất của báo chí và truyền thông truyền thống đã thay đổi. Không phải tất cả, tất nhiên, nhưng một số người làm báo không còn đơn thuần đưa tin tức và bình luận sự kiện nữa, mà giờ đây họ còn tạo ra tin tức. Sự thanh minh lúc đó, dù có đúng đắn đi chăng nữa cũng dễ bị biến thành chất kích thích, thành miếng mồi ngon cho truyền thông sai lệch.

Làm người tiên phong thì luôn có phần đơn độc, điều khiến ông tổn thương nhất là gì?

- Ganh ghét và đố kỵ của người đời là chuyện bình thường. Nhưng nếu là của những người thân trong gia đình thì thật là kinh khủng. Nó khiến tôi không còn thấy bị tổn thương mà chỉ còn lại sự khinh khi, ghê sợ...

“Quá đông khách không phải là một điều hay”

Vì sao Việt Phủ Thành Chương không đăng ký là một bảo tàng tư nhân?

 

- Hai chữ “bảo tàng” theo tôi chưa đủ thoả mãn những đặc điểm, sự khác biệt của một nơi chốn như Việt Phủ. Người nhìn thấy đây như là một bảo tàng, người gọi nó là khu vườn di sản, tôi bảo đó là một công trình nghệ thuật sắp đặt... Cuối cùng đơn giản, tôi muốn để nó tự nhiên nhất: Một quần thể tư gia của một nghệ sĩ. Trên thế giới, rất phổ biến việc nơi ở của các danh nhân, nghệ sĩ danh tiếng trở thành di sản văn hoá, các điểm đến thu hút. Họ vẫn để tên là Nhà Monet, Nhà Elvis Presley, Nhà Salvador Dali, Nhà Jim Thompson… Tôi thích cách đó, rất tự nhiên, rất đời. Không nhất thiết cứ phải là bảo tàng. Nội dung mới là thứ có ý nghĩa quan trọng.

“Những điều trông thấy” nào trong những lần xuất ngoại đã khiến ông trăn trở hơn về hoạt động hiện nay của Việt Phủ?

- Thành thật mà nói, mỗi lần đi nước ngoài về, tôi không thất vọng, mà ngược lại, cảm thấy có thêm cảm hứng và niềm tin vào con đường của mình. Việt Phủ hoàn toàn có đầy đủ yếu tố để tự hào, sánh vai cùng thế giới, thậm chí nó còn hơn rất nhiều nơi về quy mô và giá trị nội dung. Vấn đề còn lại là người quản lý có thể làm được gì và làm đến đâu, nhanh hay chậm để đưa nó phát triển và hoà nhập.

Ông có nghĩ, khâu quảng bá của Việt Phủ chưa tương xứng với giá trị của nó?

- Lý do chúng tôi không chú trọng làm quảng cáo là do tốn kém. Tôi phải chọn cách chậm mà chắc, không nặng về chi phí. Có quảng cáo sẽ có doanh thu tốt hơn, nhưng cần mức độ. Quá đông khách không phải là điều hay.

Theo ông, Việt Phủ Thành Chương đang nằm đâu trên bản đồ du lịch Hà Nội?

- Tôi có thể nói, Việt Phủ có một vị trí hết sức đặc biệt trên bản đồ du lịch Hà Nội. Tuy không quảng cáo rầm rộ, nhưng Việt Phủ vẫn được nhiều tờ báo nước ngoài đánh giá là điểm đến cao cấp, một trong bốn địa chỉ văn hoá hàng đầu của Hà Nội, bên cạnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, liên tiếp nhận chứng chỉ xuất sắc của mạng Trip Advisor toàn cầu, được lãnh đạo thành phố đánh giá là chứng chỉ văn hoá tự hào không chỉ cho Hà Nội, mà còn cho Việt Nam...

Không ít bảo tàng tư nhân ở Việt Nam tuy sở hữu những bộ sưu tập vô giá nhưng vẫn gặp khó về đầu ra. Tình trạng vắng khách cũng diễn ra ở khá nhiều bảo tàng lớn của Nhà nước nếu nằm xa trung tâm. Cách nào để một “cây quế giữa rừng” được biết đến nhiều hơn, theo ông?

- Đối với tư nhân, gây dựng được một bộ sưu tập có giá trị đã là việc rất lớn, nhưng khó nữa là xây dựng nơi trưng bày cho bộ sưu tập ấy và vận hành nó. Đó là một nghề đòi hỏi trình độ.

Vị trí thuận lợi, ở thủ đô là một ưu thế rõ rệt. Thành công sẽ dễ dàng lớn hơn gấp nhiều lần nếu Việt Phủ Thành Chương nằm ở ngay quận Long Biên, chẳng hạn. Nhưng nếu bạn độc đáo, khác biệt và hấp dẫn, cộng với bộ máy hiệu quả thì tình thế có thể xoay chuyển. Quá đông khách không phải là điều hay.

 

Ông từng nổi tiếng với những bức tự họa. Nếu tự họa Thành Chương sau 15 năm lao tâm khổ tứ vì Việt Phủ thì bức tranh đó sẽ có gam màu nào là chủ đạo?

- Gam màu chủ đạo trong những bức tranh sắp tới của tôi sẽ là màu trắng. Một màu trắng sang trọng, trong lành, tao nhã và siêu thoát. Nhưng thẳm sâu trong nó ẩn chứa sự rực rỡ, lộng lẫy của bảy sắc cầu vồng…

- Xin cảm ơn ông.

 

“Việc cho, tặng là một công phu. Cần phải đúng lúc, đúng chỗ, “của cho không bằng cách cho”. Hơn nữa, cần phải có văn hoá, phải ở đẳng cấp nào mới xứng đáng trước một tài sản tinh thần như thế. Và cũng còn là do duyên trời định nữa. Tập trung vào công việc chính là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai, dù là tương lai nào…”


Nguồn tin: duyenclvn theo laodong.com.vn